Trên văn đàn Việt Nam, Di Li là một trong số ít những nhà văn nữ mình hâm mộ từ thuở thiếu thời những năm mười mấy tuổi, đến bây giờ hơn chục sau rồi vẫn còn giữ sự hâm mộ cuồng nhiệt với văn của Di Li. Bởi lẽ, có những tác giả một thời đọc mê mẩn, như Nguyễn Ngọc Tư chẳng hạn, sau này khi trưởng thành thì hết mê, không thể nào thẩm thấu nổi một tác phẩm mới nào, hay Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy, n+1 những truyện dài bác viết gần đây đọc thì vẫn đọc được nhưng không còn nhiều cảm xúc và ấn tượng sâu sắc như bộ truyện dài kinh điển ngày xưa.

Mình biết Di Li từ độ năm lớp 10 qua quyển tiểu thuyết trinh thám kinh dị đầu tay của cô là “Trại hoa đỏ” mượn ở thư viện của tỉnh. Thời ấy đương là trào lưu “văn học kinh dị” lên ngôi với series truyện ma “Người khăn trắng” rồi các audio truyền kỳ rợn ngược của Nguyễn Ngọc Ngạn. Lúc ấy nhà nhà người người đọc truyện kinh dị như một thứ trendy, mình cũng luyện hết mấy bộ văn học kinh dị như “Ai hát giữa rừng khuya” của Tchya – Đái Đức Tuấn rồi còn nhiều quyển hấp dẫn khác của giới cầm bút thời đó mà giờ năm tháng đã mài mòn trí nhớ nên chẳng tài nào nhớ nổi. Ấy vậy mà ấn tượng về “Trại hoa đỏ” của Di Li vẫn như một nét chì mờ trong tâm trí, vì thời đó người viết truyện trinh thám kinh dị chỉ có nhà văn nam chứ nhà văn nữ mà dấn thân vào thể loại này chỉ cũng thuộc của lạ.

Sau sự thành công của “Trại hoa đỏ” (2009), Di Li còn tiếp tục thử sức mình ở thể loại truyện ngắn có hơi hướm kỳ ảo kinh dị qua các tập sách như “Chiếc gương đồng” (2010), “San hô đỏ” (2012) và rồi quyển tiểu thuyết trinh thám kinh dị khác là “Câu lạc bộ số 7” (2015).

Nhà văn Di Li

Ở góc độ của một người đọc cũng nhiều dòng sách văn học Việt Nam và theo dõi sự trưởng thành của nhiều tác giả từ lúc mới chập chững cầm bút tới lúc có tên tuổi số má trên văn đàn, Di Li là tác giả mà mình đánh giá có sức viết tốt và viết được nhiều thể loại khác nhau từ tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, hồi ký, ký sự chân dung, tản văn đến cả sách chuyên ngành. Kể thêm cho những ai chưa biết, ngoài chuyện là nhà văn thì Di Li còn đa tài đa nghệ khi viết báo, dịch thuật, là giảng viên bộ môn Quan hệ công chúng và còn là chuyên viên tư vấn bên lĩnh vực PR & quảng cáo. Nói sức viết của Di Li tốt bởi hiếm có nhà văn nào mà mỗi năm “đẻ” sòn sòn một tác phẩm rất đều tay để không phụ lòng bạn đọc, đặc biệt là với những người hâm mộ Di Li.

Trở lại quyển tùy bút Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa của Di Li mới ra mắt gần đây, khi xem bìa quyển này mình cứ ngỡ Di Li viết tùy bút ẩm thực nước ngoài, vì cánh đồng hoa làm mình liên tưởng các cánh đồng hoa oải hương bạt ngàn hay những cánh đồng tulip đỏ rực bên châu Âu xứ sở. Nhưng ngẫm lại mới thấy trớt quớt vì có ai lại đi ăn oải hương với tulip bao giờ, cánh đồng hoa trong tùy bút Di Li mô tả đích thực là món lẩu hoa hay lẩu miền Tây miệt vườn với những bông bí, điên điển, bông súng, môn nước, so đũa, đậu bắp, lục bình, thiên lý, hoa hẹ, hoa chuối… mà khi thả hoa vào nồi lẩu thì y như một đồng nước nổi vùng U Minh Thượng thu nhỏ. Lúc đấy bảo “ăn hương ăn hoa” cũng chẳng có sai nhưng thực tế nào đâu phải vậy mà còn là… ăn cả miền Tây sông nước.

53 mẩu tùy bút trong quyển sách là 53 câu chuyện ẩm thực với những món từ cao lương mỹ vị đất kinh kì Thăng Long tới những món hết sức bình dân bình thường nơi vỉa hè dọc đường đất nước. Có đọc văn Di Li mới thấy cô mê đi, mê viết và mê ăn tới nỗi dọc khắp dải đất Việt Nam hình chữ S này chưa có chỗ nào Di Li chưa đặt chân đến mà ăn cho đã thèm thứ đặc sản nơi ấy.

Ngoài những món ăn đặc trưng của Hà thành như bún thang, bún riêu, bún ốc, phở, bún chả, tào phớ, chè lam… đã quá quen thuộc, độc giả còn có dịp thông qua câu chữ mà được lội lên mạn ngược vùng trung du và vùng núi Tây Bắc để ăn Tết vùng cao, ăn bánh cuốn vùng biên, ăn bánh kiến, rồi trôi về lại mạn ven biển để ăn bánh đa cua Hải Phòng, cháo nghêu Cửa Lò, xong xuôi về vùng đồi núi Tây nguyên để ăn phở khô Gia Lai, bún đỏ phố núi, rồi lại ghé ngang kinh thành Huế để vô chợ Đông Ba ăn cơm-bún-cháo hến hay bánh canh dưới chân đèo Hải Vân, và rồi từ từ trôi tuột xuống miền Tây Nam Bộ để ăn bún nước lèo, lẩu mắm, bún cá lóc, bánh xèo rau rừng.

“Chưa cần ăn miếng nào mà cứ ngồi bó gối xem những con người mộc mạc nướng cá nơi miền Tây yên tĩnh này, thấy dạ cứ thắt lên nhoi nhói, vừa là dịch vị bị kích thích vì mùi cá nướng nắc nỏm, cả vừa chen chúc cái tín hiệu chỉ mình tôi mới biết. Ấy là cứ khi nào hạnh phúc quá đỗi thì dạ dày cũng cào nhẹ lên như thế và trái tim đã dàn dày cảm xúc vẫn cứ ngây thơ mà thì thụp.”

Xuyên suốt hành trình ẩm thực qua những địa danh nổi tiếng ấy, Di Li dành tình cảm phần nhiều cho mảnh đất Hà Nội nơi cô sinh sống với những hoài niệm về các món ăn thời bao cấp, thủa học sinh còn thiếu thốn chỉ dám ăn 28 chiếc quẩy giá hai ngàn tám, rồi những bận xa xứ lại thèm đến phát cuồng cái không khí phở, mùi phở, mùi bún chả và những thức ẩm thực quen thuộc của người Hà thành.

“Mùi vị thường làm người ta day dứt tới nỗi ám ảnh. Nên sau này mỗi lần nghe hương cà phê thơm lựng là tôi lại nhớ phố Paris buổi sáng, và cũng như vậy, thấy mùi phở là nhớ Hà Nội. Người sống lâu ngày ở một nơi, nhất là không bao giờ ra khỏi nơi ấy để mà quay trở về thì khứu giác sẽ bị bão hòa, bị mài mòn phần nhận biết những mùi quen thuộc, tới nỗi không biết nơi mình đang sống có mùi gì.”

Tuy đi nhiều ăn nhiều, nhưng Di Li không phải là là một người ăn hàng dễ dãi mà ngược lại rất cực đoan về khoản ăn uống khi mọi thứ đều cần phải có tiêu chuẩn, chuẩn mực riêng. Là một phụ nữ gốc Hà thành nên chuyện ăn uống của cô cũng ảnh hưởng từ mẹ ở việc ăn cái gì cũng phải xem xét cẩn thận khâu vệ sinh, phải sạch sẽ, tươm tất thì mới dám ăn chứ không chấp nhận được những thứ dễ dãi xuề xòa. Cái chuẩn mực ấy còn xuất phát từ mùi vị trong ký ức khi những người hàng bếp năm xưa khi nấu món gì cũng đặt cái tâm vào đó và dày công chế biến rất cầu kì. Về sau này tiêu chuẩn ẩm thực càng bị hạ thấp dần theo thời buổi kinh tế thị trường, mấy ai lại phải mất thời gian cầu kì kiểu cách cho một món ăn bán để kiếm lời, nên có những mùi vị đã từng là tiêu chuẩn một thời chỉ có thể hoài niệm mà tìm lại trong ký ức.

Ở thể loại tùy bút ẩm thực, mình cũng khá tự hào khi đã đọc hầu hết các tác phẩm trên thị trường xuất bản từ của những nhà văn nổi tiếng một thời như Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn cho đến lớp hậu bối như Nguyễn Quang Thiều, Vũ Tam Huề, Ngữ Yên, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hữu Tài… Đa số nhà văn khi viết về ẩm thực, họ sẽ đan xen câu chuyện ký ức và cảm xúc cá nhân về món ăn ấy vào, nhưng bình luận về ẩm thực ở tầm… triết học nhân sinh thì chắc chỉ có ở Di Li mới thấy:

“Đời lạ thế, thứ này phải đi với thứ kia. Chúng quan hệ biện chứng như một phạm trù triết học. Đẹp hay ngon hay hạnh phúc, chỉ đơn giản là sự phù hợp. Khi không phù hợp, hoặc không còn phù hợp nữa, nó sẽ vênh vao đến mức thành đáng ghét, lố bịch và thậm chí là bi kịch.”

“Đồ ngon, nó nằm trong tâm hồn người nấu bếp, trong cảnh đẹp đầm ấm lúc chiều buông và cả lời ăn tiếng nói của gia chủ… Vợ chồng họ tới bữa hẳn cũng hay ăn thịt cò xáo măng và trứng đúc lá mơ trong hương gió ngời ngợi thổi về từ những cánh đồng vẫn còn nguyên nhựa tràm phảng phất. Cái ăn vì thế có phải cũng dâng lên nhiều hạnh phúc từ những mộc mạc nguyên sơ mà chân thành da diết.”

Có nhiều quyển tùy bút ẩm thực, đọc xong cứ thấy tiếc hùi hụi vì tác giả viết sao mà ngắn quá, ít quá, một mẩu tùy bút chỉ gọn lỏn trong vài trang giấy mỏng, chưa kịp cảm đã thấy chấm hết và chuyển sang câu chuyện khác, hoặc tập sách chỉ vỏn vẹn mười lăm hai mươi mẩu chuyện, đọc chưa đã thèm. Cảm giác giống như ăn một món ăn ngon nhưng người bán dè xẻn quá nên chỉ cho chút ít, ăn chưa kịp cảm vị trên đầu lưỡi đã hết ráo trọi.

Riêng quyển tùy bút ẩm thực Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa của Di Li thì không phụ lòng mong đợi của độc giả mê ăn hay sành ăn, vì 53 mẩu chuyện dày hơn 300 trang là một mâm cỗ hội tụ đủ các món ngon 3 miền, mỗi món được nấu vừa phải, không quá ít cũng không quá nhiều, ăn xong vừa đủ no mà dư ba vẫn còn tí thòm thèm nhẹ chứ chẳng đùa.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải