Lần đầu tiên mình nghe đến cụm từ “Bốn Thỏa ước” là lúc Saigon Books đang thương thảo mua bản quyền bộ sách cùng tên của tác giả don Miguel Ruiz. Một chị trong team mình bảo cuốn này nổi tiếng cũng ngang ngửa “Nhà giả kim” và đã từng xuất bản ở Việt Nam rồi (bên nhà khác làm nhưng hết hạn bản quyền). Ấy vậy mà trong sự nghiệp đọc sách ta bà thế giới của mình ngót nghét mười mấy năm, mình chưa từng biết đến sự tồn tại của Bốn Thỏa ước trên thị trường xuất bản. Đến khi Saigon Books đàm phán thành công, team làm bộ sách mới bắt đầu hành trình dấn thân vào Bốn Thỏa ước, không chỉ ở góc độ độc giả mà còn ở góc độ biên tập viên.

Ngược dòng thời gian về hàng ngàn năm trước, mình viễn du tới miền Nam Mexico để diện kiến cộng đồng người Toltec – một dân tộc cổ xưa đang gìn giữ rương tri thức của nhân loại, vốn dĩ bí truyền và chỉ truyền từ đời này sang đời khác trong dòng tộc. Cho đến đời của người hướng dẫn don Miguel Ruiz, ông là người được chọn để phổ truyền những tri thức thông thái của người Toltec tới cả thế giới.

Trong quan niệm của người Toltec cổ xưa, cuộc đời chúng ta như một giấc huyễn mộng, mà cuộc đời mỗi cá nhân là một giấc mộng con trong giấc mơ trần thế của cả nhân loại. Hành trình của mỗi người trên cuộc đời này là hành trình tìm về bản thể chân thật của chính mình để sống trong hạnh phúc, tình yêu và sự tự do. Hay nói cách khác, chúng ta cần học cách làm chủ giấc mơ cuộc đời mình, thay vì sống như những người say lạc lối trên trần thế.

Nhưng làm cách nào để chúng ta có thể tỉnh táo lèo lái cuộc đời mình, khi đầu óc ta lúc nào cũng rối bời chìm ngập trong tiếng nói huyên thuyên của tâm trí, giữa một xã hội có hàng tá điều dối trá hiển hiện ngày càng đẩy ta xa rời sự thật và chân lý?

Ảnh: Saigon Books

Đơn giản chính là đỉnh cao của sự phức tạp. Đối với mình, cái tinh túy nhất trong trí tuệ của người Toltec là họ đã khái quát hóa thế giới phức tạp này thành những biểu tượng hết sức giản đơn. Bước vào thế giới của bộ sách, độc giả sẽ được tiếp xúc với những khái niệm mang tính biểu tượng có đôi chút nhuốm màu thần thoại. Nào là những vị pháp sư, tấm gương ám khói, làn sương mù, tiếng nói của tri thức, ký sinh trùng, vòng tròn lửa, gã quan tòa hay tên bạo chúa trong tâm trí, hoàng tử dối trá v.v. Mỗi biểu tượng đại diện cho một tầng lớp ý nghĩa có sự liên kết nhất định với nhau, mà qua đó phản ánh cơ chế vận hành của đại thế giới nói chung và tiểu vũ trụ bên trong mỗi người nói riêng.

Xuyên suốt trên hành trình tìm về chính mình ấy, Bốn Thỏa ước (và sau này tác giả có bổ sung thêm Thỏa ước Thứ năm) là chiếc kim chỉ nam dẫn đường cho mỗi chúng ta thay đổi vận mệnh của chính mình và làm chủ giấc mơ cuộc đời mình. Chúng ta không đến thế giới này để chịu đựng khổ đau và bất hạnh, để sống trong những sang chấn và tổn thương từ quá khứ, mà mỗi chúng ta đều có thể tạo ra thiên đàng cho riêng mình ở ngay trần thế này – không cần phải đợi cho đến khi ta lìa đời.

Chuyện hậu trường làm bộ sách này cũng có nhiều điều thú vị không kém. Khi mua bản quyền bộ sách Trí tuệ của người Toltec, Saigon Books cũng “chọn mặt gửi vàng” cho chị Nguyễn Phi Vân dịch cuốn Bốn Thỏa ước, là cuốn sách trung tâm của bộ. Đây cũng là dấu mốc lần đầu tiên chị Phi Vân tham gia dịch sách, khác với vai trò doanh nhân và tác giả trước giờ. Cho nên bạn nào là độc giả quen thuộc của chị Phi Vân khi đọc bản dịch sẽ thấy một số dấu chỉ riêng qua văn phong và cách dùng từ ngữ.

Bốn cuốn còn lại, Saigon Books cũng gửi gắm những người dịch kỳ cựu đã dịch nhiều cuốn sách của Saigon Books như anh Vương Bảo Long, chị Phạm Hoa Phượng, chị Trịnh Ngọc Minh, bạn Phạm Quốc Anh. Đối với team làm bộ sách này, thử thách nan giải nhất là việc đối diện với 5 bản dịch của 5 người dịch khác nhau, và chỉ có 3 người biên tập (cuốn Bốn Thỏa ước có thêm chị Dương Ngọc Hân tham gia biên tập).

Ảnh: Saigon Books

Trong điều kiện lý tưởng, một bộ sách của cùng một tác giả thì giao cho một người dịch và một người biên tập là tốt nhất, vì sẽ đảm bảo được sự thống nhất về từ ngữ và văn phong xuyên suốt bộ sách. Nhưng để thỏa được sự lý tưởng đó thì thời gian thực hiện bộ sách có khi sẽ phải kéo dài hơn nửa năm, lúc đó lại không lý tưởng về thời điểm phát hành sách. Cuối cùng, Saigon Books chọn phương án triển khai cùng lúc cả 5 cuốn sách cho 5 người dịch khác nhau, và team biên tập bộ này sẽ luân phiên làm ở cả ba vai trò: biên tập 1, biên tập 2 và đọc soát morasse. Trong quá trình biên tập, tụi mình thường xuyên trao đổi và liên tục cập nhật thông tin cho nhau, thậm chí còn lập ra một bảng hệ thống từ ngữ trong sách để thống nhất cách sử dụng.

Ở góc độ biên tập viên, trải nghiệm làm bộ sách cho mình cơ hội đọc sách sâu hơn, suy ngẫm từng câu chữ tới mức nhập tâm vào thế giới biểu tượng của người Toltec, để rồi phản tư vào bản thân và đời sống để có những chuyển hóa tích cực hơn. Ở mỗi lời nói, hành động hay ý nghĩ, mình cũng sẽ soi chiếu dưới lăng kính Bốn Thỏa ước để xem bản thân có vi phạm thỏa ước nào không.

Khởi đầu năm 2022, nếu bạn muốn thanh lọc tâm trí để khởi động một năm mới sống lịch duyệt minh triết hơn, đừng bỏ qua rương kho báu của người Toltec cổ xưa đang chờ bạn khám phá.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx