Hồi sinh viên, mình từng đọc được một đoạn rất thú vị trong sách về bí kíp phát hiện một người có nói dối hay không thông qua những biểu cảm hết sức vi tế trên gương mặt. Lần theo nguồn tài liệu cuối sách, mình tìm được loạt phim truyền hình Lie to me nói về đề tài đọc vị ngôn ngữ cơ thể, trong đó nhân vật chính là Tiến sĩ Cal Lightman, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về nói dối hàng đầu thế giới. Đội ngũ dưới trướng của ông rất đa dạng, có người là chuyên gia hàng đầu trong ngành, cũng có người thuộc dạng có tố chất bẩm sinh và được ông mời về làm việc.

Ria Torres là một nhân vật có tố chất như vậy, nhưng năng khiếu này không phải tự nhiên mà có, nó được hình thành từ môi trường sống của cô thủa nhỏ. Sinh ra là người da đen trong một gia đình nghèo khó với ông bố nát rượu, ngay từ nhỏ Torres đã thường xuyên chịu những trận đòn vô cớ của bố mỗi khi ông nổi nóng. Chính vì bị ăn đập như cơm bữa, Torres đã trui rèn được một khả năng đặc biệt là nhận dạng được những biểu hiện cảm xúc của bố, để biết khi nào ông vui và khi nào ông nổi quạu mà né sớm để tránh bị đòn. Qua thời gian, ở Torres hình thành nên một thứ bản năng tự nhiên trong việc đọc vị người khác.

Series Lie to me kéo dài ba mùa, chiếu hồi những năm 2009-2010, là một loạt phim rất đáng xem và có ảnh hưởng khá lớn tới mình trong thời điểm đó, vì nó giúp mình giải đáp được một số khúc mắc trong hành trình thấu hiểu bản thân. Hơn chục năm sau, mình lại hữu duyên hạnh ngộ “cố nhân” khi biên tập cuốn sách Trí tuệ của sự từ bi, do tác giả Victor Chan viết cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Poster phim “Lie to me”

Lúc làm cuốn sách, mình mới biết hóa ra nguyên mẫu của Tiến sĩ Cal Lightman là dựa trên một nhân vật có thật ngoài đời – nhà tâm lý học Paul Ekman. Ông là một người đọc biểu cảm khuôn mặt nổi tiếng khắp thế giới với những công trình tiên phong đột phá về ngành khoa học xúc cảm, một chuyên gia trong lĩnh vực phát hiện nói dối và từng được CIA lẫn FBI nhờ cậy. Và một điều thú vị hơn nữa, câu chuyện về nhân vật Ria Torres trong bộ phim Lie to me vốn được xây dựng dựa trên chính tuổi thơ của Paul Ekman.

Ngay từ nhỏ, Ekman đã lớn lên trong cảnh bị cha mình đánh đập thường xuyên cho đến năm ông 18 tuổi. Trong một cơn giận dữ, ông đã cảnh báo cha mình rằng nếu cha còn tiếp tục đánh ông nữa, ông sẽ đánh lại cha. Khiếp vía trước lời đe dọa đó, cha Ekman đã báo cảnh sát và Ekman bỏ nhà đi vĩnh viễn từ đó. Mặc dù nổi tiếng là một chuyên gia đọc vị biểu cảm khuôn mặt, Paul Ekman cũng sở hữu tai tiếng là một người có tính khí hết sức cộc cằn, khó ở, hung hăng và xấu tính, đến nỗi ông đi đến đâu thì tai tiếng của ông đã đến trước đó rồi. Cả đồng nghiệp, học trò lẫn người nhà của Ekman đều hết sức thận trọng trong cách cư xử với ông, bởi không ai biết ông sẽ nổi cơn tam bành lúc nào.

Sự giận dữ của ông chỉ biến mất nhờ cơ duyên gặp gỡ với Đức Đạt Lai Lạt Ma sau này tại thị trấn Dharamsala, Ấn Độ. Vốn là một nhà khoa học không hề mê tín và không mấy thiện cảm với những nhà lãnh đạo tôn giáo, cuộc hạnh ngộ ấy đã thay đổi Ekman hoàn toàn, chuyển hóa ông trở thành một người khác tới nỗi vợ ông cũng phải thốt lên: “Anh hành động như người đang yêu ấy. Anh khác quá! Em chẳng biết mình có muốn anh thay đổi thành thế này hay không nữa. Anh không phải là người em đã cưới”.

Bản thân Ekman là một nhà tâm lý, nhưng “bụt chùa nhà không thiêng”. Ông đã dành gần như cả đời mình để vật lộn với những sân hận của bản thân và từng tìm đến nhiều chuyên gia tâm lý khác để tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng tất cả chẳng có ích gì cả. Cuộc gặp gỡ với Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Dharamsala là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông. Điều gì đã khiến ông chuyển hóa tới mức chính bản thân ông cũng thấy kỳ lạ?

Câu trả lời quý vị sẽ tìm thấy khi đọc cuốn sách Trí tuệ của sự từ bi. Cuốn sách như một áng mây thoáng qua, như một buổi trò chuyện nhẹ nhàng bên bếp lửa về những mẩu chuyện đời thường mà đầy dư vị về ý niệm từ bi được tác giả Victor Chan ghi chép lại trong hành trình đồng hành cùng Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Ấn Độ. Không cần phải là người tu tập theo một tôn giáo nào, lập hạnh từ bi và trưởng dưỡng lòng từ có lẽ điều mà mỗi chúng ta ai cũng nên làm trong thời đoạn mà sân hận và oán cừu đang lan tràn khắp nơi trên thế giới, từ không gian mạng cho đến đời thực.

Người ta có quá nhiều lý do để ganh ghét và đố kỵ với nhau, nhưng lại có quá ít lý do để thương nhau trong cuộc đời này. Hy vọng cuốn sách sẽ như một hạt mầm gieo vào lòng mỗi độc giả để quý vị nuôi dưỡng sự từ bi bên trong mình.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx