Khi nói về thế giới hoang dã, những hình ảnh được gợi lên trong tâm trí mình là các bộ phim hoạt hình được xem thuở nhỏ như “Vua sư tử”, “Madagascar”, “Dumbo – Chú voi biết bay”, “Nai Bambi”… qua những khuôn hình đẹp về thiên nhiên hoang dại cùng các câu chuyện đầy ý nghĩa nhân văn của các hãng điện ảnh nổi tiếng.
Khái niệm bảo vệ môi trường sơ khởi mình không được học từ trường lớp, mà học qua bộ truyện tranh Đôrêmon khá nhiều. Thời đó còn có một phiên bản đặc biệt của Đôrêmon về bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, hiện tượng Trái Đất nóng lên… chỉ xuất bản một lần duy nhất, thuộc dạng “bảo bối” quý hiếm mà mãi sau này mình không bao giờ thấy quyển này được tái bản lại. Lúc đấy, một cậu nhóc tiểu học như mình đọc mà cảm thấy ngạc nhiên, và choáng ngợp về những điều con người đối xử với thiên nhiên và về những vấn đề vĩ mô vượt quá tầm hiểu biết của một cậu bé.
“Trở về nơi hoang dã” của Trang Nguyễn là quyển sách làm sống dậy trong mình cảm giác choáng ngợp ngày nào khi tìm hiểu về thiên nhiên và các hoạt động bảo vệ môi trường như một đứa trẻ tò mò khám phá thế giới – mà rất lâu rồi vì những vần xoay vọng động ngoài cuộc sống của một người trưởng thành khiến mình ít để tâm đến. Ban đầu, mình chỉ nghĩ đơn giản đây là một quyển sách du ký của một bạn trẻ, sẽ lại kể chuyện đi phượt năm châu bốn bể, quảy gánh băng đồng ra thế giới đây. Thú thật, mô tuýp phượt xuyên lục địa này trên thị trường xuất bản đã có khá nhiều sách và càng về sau thì đi vào lối mòn nên mình cũng không hứng thú lắm. Nhưng có điều gì đó thôi thúc và níu kéo mình lại khi nhìn quyển sách trên Tiki – bìa sách rất đẹp và sách này do Nhã Nam xuất bản nên đầu tư rất công phu, nên cuối cùng vẫn quyết định mua.
Gần 400 trang sách với mình thật sự là một cuộc hành trình qua đôi mắt của Trang Nguyễn, khi đi từ Madagascar, Việt Nam cho tới châu Phi để thực hiện các dự án nghiên cứu bảo tồn động vật hoang dã với các đối tượng nghiên cứu là loài vượn cáo, báo đốm, tê giác, voi, gấu… Những tưởng quyển sách viết về chuyện một cô gái đi nghiên cứu về động vật trong rừng rậm sẽ có phần khô khan theo kiểu khoa học hàn lâm, nhưng không, tin mình đi, từng câu từng chữ Trang viết sống động và ngồn ngộn như thể bạn đang xem một bộ phim tài liệu của Discovery qua câu chữ.
Càng đọc quyển sách, càng đi sâu về sau, mình đi qua khá nhiều cung bậc cảm xúc từ buồn, thất vọng cho tới giận dữ rồi xúc động, không phải vì Trang, mà vì cái cách mà con người đối xử với thiên nhiên, đối xử với động vật hoang dã, đẩy chúng tới bờ vực của sự tuyệt chủng bởi vì sự hiểu biết cạn cợt, những nhu cầu thỏa mãn sở dục của cá nhân, mà châu Á là thị trường tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã lớn nhất trên thế giới. Chưa bao giờ, mình có thể thấy hình ảnh người Việt trở nên xấu xí đến thế qua đại diện của một vài người là kiểm lâm, là phóng viên, là những người làm bảo tồn tại Việt Nam nhưng tư duy, cách hành xử hết sức thiển cận.

Điều khiến mình quý Trang Nguyễn ở chỗ khi viết về những chuyện bức xức ở trên, Trang nhìn dưới góc độ khách quan và lý trí để phân tích, đôi khi lý giải cho hành vi của họ để người đọc thông cảm, nhưng không bao giờ tán thành và xuôi theo cách hành xử của họ. Mặc dù là người trong cuộc, nhưng Trang không bức xúc theo kiểu cảm tính cá nhân để mà phê phán, lên án họ, trái lại cách Trang nhìn nhận về những kẻ săn trộm, về những người tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã… có phần nào rất nhân văn. Đây cũng là điều khiến độc giả khi đọc văn của Trang Nguyễn cảm nhận được giọng văn rất ôn hòa, dễ chịu khi lên tiếng về các vấn nạn nhức nhối chứ không phải cực đoan tới mức cay cú.
Một điểm khác trong “Trở về nơi hoang dã” khiến mình rất thích là cách Trang Nguyễn lồng ghép những câu chuyện và suy ngẫm trong đời sống cá nhân song song với các câu chuyện đường rừng. Nếu nhìn ở góc độ đạo diễn thì sự sắp đặt góc máy và chuyển cảnh của Trang rất tài tình khi chuyển qua lại giữa hai bối cảnh để độc giả đổi không khí thay vì cứ nằm mãi trong một cái e rừng rậm hay các khu bảo tồn xuyên suốt gần 400 trang sách. Và những điều Trang suy niệm từ chuyện theo đuổi ước mơ hoài bão, sự đối lập quan điểm với bậc phụ huynh, chuyện công việc và tình cảm… đều rất nhẹ nhàng và tinh tế chứ không phải theo kiểu “răn dạy” người đọc phải làm theo thế này hay thế nọ.
5 năm theo đuổi đam mê bảo tồn động vật hoang dã, Trang Nguyễn từ một cô sinh viên 9x mới vào đời trở thành một người trưởng thành và dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực cô theo đuổi. Qua câu chữ và cách kể chuyện của Trang, độc giả sẽ thấy được rõ ràng nhất khái niệm đam mê và tình yêu là gì qua một cô gái sống cháy bỏng với nó.
Với mình, “Trở về nơi hoang dã” của Trang Nguyễn không chỉ là một quyển sách về việc bảo tồn động vật hoang dã mà còn là một thông điệp sâu sắc để cảnh tỉnh loài người về những hành vi vô ý thức họ làm đang hủy hoại thiên nhiên từng ngày như thế nào.
P/S: Phần shape trên bìa sách cũng chính là hình một chú gấu – gắn liền với câu chuyện lời hứa năm nào của cô bé Trang Nguyễn lúc 8 tuổi với chú gấu bị nhốt để lấy mật.