Ảnh: Unplash.com

Chuyện xưa kể lại, ở làng kia có một lão nhà giàu, lão ta thuê một anh nông dân nghèo khỏe mạnh để cày thuê cuốc mướn cho lão. Nhà lão giàu xụ, thóc lúa nhiều bồ nhưng tính tình vốn keo kiệt, thành ra mới ủ mưu tìm kế để lừa anh nông dân. Lão ta hứa hẹn với anh rằng, nếu anh chịu khó cày ruộng không công cho lão trong 3 năm thì lão sẽ gả con gái rượu cho anh.

Thấm thoát 3 năm trôi qua, anh nông dân làm quần quật như trâu mộng gặt hái bao nhiêu mùa vụ bội thu cho lão. Nhưng lão nhà giàu không muốn cho anh nông dân cưới con gái mình mới tìm cách đánh lừa anh. Lão ra điều kiện nếu muốn cưới con gái lão, anh phải vào rừng tìm ra được cây tre trăm đốt để đem về làm đũa cho cả làng ăn cỗ cưới.

Anh nông dân thật thà chất phác vác dao vào rừng chặt tre, và tất nhiên đi tìm cả buổi trời trong rừng không có. Bất lực, anh ngồi khóc hu hu như cô Tấm. Lúc này, Bụt mới hiện ra:

– Tại sao con khóc?

– Thưa ông, chủ của con bắt con phải chặt được một cây tre trăm đốt đem về làm đũa thì mới chịu gả con gái cho con. Nhưng con tìm cả ngày trời khắp rừng mà không thấy cây tre nào trăm đốt cả.

– Ôi thần linh ơi, trên đời này một trăm đứa dốt thì ta thấy chứ cây tre trăm đốt ta còn chưa thấy bao giờ. Đến ta còn không tìm được thì con tìm kiểu gì mà ra. Đây là một nhiệm vụ vô lý hết sức tưởng tượng, khi nhận việc con không đặt câu hỏi tại sao mình lại được giao việc này hả?

Ở chốn công sở, dù là một người mới chân ướt chân ráo mới đi làm hay người đã có thâm niên 3 năm như anh nông dân trên thì ai cũng có khả năng mắc một lỗi cơ bản là lỗi tại sao.

Bắt mạch lỗi tại sao

1. Lỗi từ phía nhân viên

Khi được sếp giao nhiệm vụ, đa số nhân viên thường không bao giờ chịu tìm hiểu bản chất cốt lõi của việc mình làm để hiểu nhiệm vụ từ trong gốc rễ, thay vì hiểu trên ngọn. Nhận nhiệm vụ xong thì cứ cắm đầu cắm cổ vào làm mà nhiều khi không hiểu được tại sao mình phải làm việc này?

Việc đặt câu hỏi WHY (tại sao) cho bất cứ vấn đề nào là một kỹ năng rất quan trọng. Tuy nhiên, kỹ năng này không phải ai cũng có sẵn mà cần phải học, bởi lẽ chính quá trình giáo dục thụ động từ trường lớp khiến nhiều bạn trẻ khi ra đời thiếu mất khả năng đặt câu hỏi lẫn tư duy phản biện. Để rồi đến khi đi làm, sếp sai đâu làm đó, chỉ đâu đánh đó không khác gì một con robot.

Có lần mình nhận được một email từ bạn trợ lý của chị Giám đốc Đối ngoại. Bạn forward cho mình email hợp đồng từ phía đối tác về việc chuyển tác phẩm sách in bên mình thành sách nói để nhờ mình review trước khi ký kết. Mình thấy lạ lùng nên đi hỏi bạn vì sao lại forward email cho mình (vì mình không chịu trách nhiệm về mảng sách trong công ty) thì mới biết được rằng do lần gần nhất mình có review một hợp đồng bên phía đối tác truyền thông, cho nên giờ tới hợp đồng này thì bạn cũng gửi cho mình luôn.

Ở trường hợp trên, bạn trợ lý này bị dính combo 2 lỗi:

  • Lỗi mặc định: Bạn thấy hợp đồng trước mình đã review nên tưởng các hợp đồng khác cũng gửi cho mình review nốt.
  • Lỗi tại sao: Hợp đồng truyền thông trước sở dĩ mình review là trong vai trò Giám đốc Sales & Marketing. Nếu bạn hiểu được cái WHY là hợp đồng liên quan đến bộ phận nào thì sẽ gửi về đại diện phòng ban đó, chẳng hạn như hợp đồng sách phải forward về Giám đốc Xuất bản để nhờ review.

Như bạn trợ lý trên, khi phụ trách việc làm hợp đồng với đối tác thì bạn chỉ mới hiểu phần bề nổi của công việc mình phụ trách mà chưa hiểu bề chìm (cái WHY) nên mới dẫn đến cách tư duy máy móc như vậy.

Thuốc chữa bệnh:

  • Khi được giao việc, hãy chủ động tìm hiểu: Bản chất nhiệm vụ này là gì? Mục tiêu (ngắn hạn) và mục đích (dài hạn) sếp muốn đạt được là gì? Tại sao mình được giao việc này? Tại sao sếp giao mình làm mà không phải là người khác?
  • Khi hiểu được bản chất (điểm xuất phát) và mục đích (điểm đến), bạn sẽ thấy được rõ ràng lộ trình mình phải đi và có thể phát huy sự sáng tạo để tìm ra được nhiều con đường hơn dẫn về La Mã.

2. Lỗi từ phía sếp

a. Sếp không nói tại sao

Trách nhiệm làm rõ chữ WHY vốn dĩ thuộc về các nhà quản lý hay lãnh đạo, vì họ không thể mong đợi nhân viên của mình tự hiểu được. Trong thực tế, đa số sếp thường không rảnh để đi giải thích cái WHY của từng nhiệm vụ cho mỗi bộ phận hay mỗi nhân viên, thường họ chỉ làm việc đó trực tiếp với cấp quản lý và quản lý phải có trách nhiệm truyền đạt lại cho các thành viên trong team mình nắm.

Nhiều bạn đi làm rất sợ sếp nên ngại hỏi, mà không hỏi thì không bao giờ hiểu được bản chất cái WHY của những việc mình làm nếu không đủ thông minh để tự ngộ. Lâu ngày thì các bạn tự biến mình thành một con robot và khi làm ra kết quả không tốt (vì không đúng cái WHY của sếp) thì chính bạn là người bị ăn chửi đầu tiên.

Thuốc chữa bệnh:

  • Muốn biết phải hỏi muốn giỏi phải học, khi nhận nhiệm vụ nếu không hiểu rõ tại sao phải làm  thì nên chủ động hỏi lại sếp.
  • Sếp không phải là kẻ thù thì sao phải sợ sếp như sợ giặc? Chỉ nên kính sếp, đừng nên sợ sếp mà cứ cầu thị hỏi thì chuyện đâu sẽ vào đó, ca nào khó cũng sẽ có câu trả lời.

b. Sếp không hiểu tại sao

Ở câu chuyện “Cây tre trăm đốt”, nếu ngay từ đầu khi nhận nhiệm vụ từ lão nhà giàu là đi tìm cây tre trăm đốt để về làm đũa cho cả làng ăn cỗ cưới, anh biết đặt câu hỏi WHY – “Tại sao phải đi tìm một cây tre trăm đốt để làm đũa trong khi 10 cây tre 10 đốt cũng làm đũa được mà?” – chắc chắn lão nhà giàu cũng sẽ ngớ người ra không trả lời được.

Có một thực tế rất phũ phàng, không phải ai làm sếp cũng có tư duy và kỹ năng của một người sếp thực thụ để dẫn dắt và giúp cho nhân viên của mình hiểu được cái WHY đằng sau những công việc mà họ giao. Đôi khi, chính những người làm sếp cũng không hiểu tại sao nên mới áp đặt nhiệm vụ một chiều xuống nhân viên, dù cho nhiệm vụ đó hết sức vô lý hay bất khả thi.

Có thể lý giải rằng bản thân sếp cũng là “nhân viên”, họ làm việc cho những sếp ở cấp cao hơn. Và ngay khi ở trong vai trò nhân viên, họ cũng chẳng bao giờ đặt câu hỏi WHY thì làm sao truyền đạt được điều đó xuống đội ngũ bên dưới mình? Hoặc có những người làm sếp theo kiểu bản năng, không qua trường lớp hay trường đời đào tạo nên thiếu chuyên môn. Kinh nghiệm của họ chỉ là kinh nghiệm mang tính cá nhân, không có dựa trên một hệ quy chuẩn nào để có thể chỉ bảo được cho nhân viên làm sao cho đúng.

Thuốc chữa bệnh:

  • Khi sếp giao nhiệm vụ bất khả thi, khéo léo đặt câu hỏi để chỉ ra cho sếp thấy sự vô lý trong đề bài đã giao và làm sao để sếp công nhận đó là chuyện vô lý.
  • Khi không thuyết phục được sếp (sếp thấy vô lý mà vẫn cứ khăng khăng bảo làm đi), một là cứ nghe theo lời sếp làm đi và để kết quả thực tế trả lời, hai là… đổi công ty, đi tìm sếp mới nói chuyện nghe có lý hơn.

***

Triển khai một nhiệm vụ giống như lựa chọn đi một con đường, nếu không hiểu tại sao mình phải đi con đường đó và cái đích mình muốn đến là đâu thì đi đường nào cũng như nhau. Có khi đi đã đời mới phát hiện điểm đến trớt quớt với những gì mình nghĩ lúc bắt đầu.

Hiểu đúng bản chất, chúng ta sẽ tư duy đúng, tư duy đúng sẽ làm đúng mà làm đúng thì mới ra kết quả tốt được.

Câu hỏi WHY chỉ là một khía cạnh trong bộ 6 câu hỏi WHAT-WHEN-WHERE-WHO-WHY + HOW. Ở đây Chơn Linh chỉ chia sẻ một góc, 5 góc còn lại các bạn có thể tự suy ngẫm thêm.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.