– Đại bàng gọi chim sẻ, đại bàng gọi chim sẻ, nghe rõ trả lời.
– Chim sẻ nghe rõ, hết.
– Tin khẩn, sáng ngày mai biệt đội chim sẻ tổng tiến công ổ diều hâu.
– Chim sẻ nghe rõ, hết.

Sáng sớm hôm sau:
– Đại bàng gọi chim sẻ, đại bàng gọi chim sẻ, nghe rõ trả lời.
– Chim sẻ nghe rõ, hết.
– Nhiệm vụ giao hôm qua đã chuẩn bị tới đâu rồi?
– Báo cáo, tối qua trời mưa đường ngập nên bầy chim sẻ tạm dừng kế hoạch.
– Trời, vậy sao giờ mới báo?
(Bùm. Bầy diều hâu tổng tấn công. Chim sẻ chi mộ tập thể.)

Nếu xem mẩu hội thoại ngắn trên là một câu chuyện đọc cho vui thì cũng mua vui được vài chục giây, nhưng nếu đây là câu chuyện thực tế thời chiến trận khi còn sử dụng mật lệnh, ông tướng lãnh khi giao nhiệm vụ cho anh lính trong binh đoàn của mình mà gặp phải anh lính tâm hơ tâm hớt như vậy thì cả binh đoàn đã bị địch ném bom chết chùm thành mồ chôn tập thể chỉ vì một cái lỗi ngớ ngẩn: lỗi báo cáo.

Trong chốn công sở, báo cáo công việc là một kỹ năng cơ bản nhưng cực kỳ quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới performance (hiệu suất làm việc) của một nhân viên. Một nhân viên khá là sếp giao task tới đâu xử lý tới nơi tới chốn được tới đó, nhưng từ khá đi đến giỏi nằm ở công đoạn biết báo cáo công việc cho sếp nắm được.

Nếu ví von sếp là mẹ chồng, còn nhân viên là nàng dâu thì sau đây là câu chuyện “Sống chung với mẹ chồng” phiên bản công sở: Nàng dâu mới về làm dâu còn nhiều bỡ ngỡ, chuyện gì cũng chưa biết nên làm gì cũng sai be bét bị mẹ chồng quở trách. Nàng dâu hồn nhiên em nào biết em nào có hay, chỉ có anh chồng kỹ tính tối về mới thủ thỉ cho vợ nghe tuyển tập lỗi sai của vợ.

1. Không báo cáo hoặc báo cáo bị động

Mẹ chồng giao task cho làm: nấu ăn, rửa chén, quét nhà, lau nhà, tắm heo, quét bàn thờ, thắp nhang,… Có 2 kiểu nàng dâu:

Nàng dâu 1: Dạ mẹ, con nhớ hết rồi, xong rồi te te chạy đi luyện phim bộ Hàn Quốc quên luôn task mẹ giao. Đồ ăn trưa không ai nấu, chén chưa rửa, nhà chưa lau, heo chưa tắm, bàn thờ chưa quét, nhang chưa thắp.

Nàng dâu 2: Hổng nói hổng rằng làm gọn ơ cái một, làm xong rồi cũng te te chạy đi luyện phim bộ Hàn Quốc. Cha mẹ trên nhà sốt ruột chờ ăn cơm trưa mà hổng thấy vô thưa gởi tiếng nào mời cha mẹ xuống ăn cơm. Mẹ chồng phải đi ra hỏi thì nàng dâu mới thưa – “Dạ mẹ, con đã làm xong hết rồi”.

Bí kíp “làm dâu”: Đi làm chốn công sở là một quá trình tung hứng giữa sếp và nhân viên. Sếp có giao task xuống thì nhân viên phải biết báo cáo lại chứ không phải dạ dạ vâng vâng nhận task rồi im re luôn để sếp trăm năm cô đơn. Dù làm xong hay chưa làm xong khi deadline đến thì cũng phải báo cáo lại kết quả mình làm tới đâu rồi.

Nếu mỗi nhân viên đều phải đợi sếp tới hỏi mới trả lời thì thôi trèo lên ghế của sếp ngồi luôn cho rồi, giống như công ty trả lương cho ông sếp để ổng đi hỏi từng đứa ê mày làm xong task tao giao chưa vậy. Một team cả chục nhân viên mà hỏi từng đứa như vậy thì cũng đủ hết ngày.

2. Báo cáo kết quả mà không báo cáo quá trình

Nay nhà có tiệc, mẹ chồng mời 500 chị em bạn dì tới tham dự nên giao cho nàng dâu một task siêu to khổng lồ. Task này tất nhiên nàng dâu không tự làm một mình được mà phải cần sự hỗ trợ của nhỏ em chồng và chị giúp việc, và nàng dâu ở trong vai trò Team Leader. Một bữa tiệc có hơn chục món ăn phải bày biện trang trí, mà đây là lần đầu nàng dâu cầm trịch thay vai trò của mẹ chồng nên tất nhiên trong bụng mẹ chồng cũng nhiều phần thấp thỏm lo âu.

Báo cáo quá trình là báo cáo tiến độ công việc ở mỗi giai đoạn, ví như nàng dâu đã đi chợ chưa, mua hết nguyên liệu cần chuẩn bị chưa, huy động được người hỗ trợ chưa, nấu được bao nhiêu món rồi, khi nào thì sẵn sàng lên mâm. Tất nhiên với những task lớn, có liên quan nhiều người, nhiều bộ phận tham gia mới cần phải báo cáo quá trình chứ nếu chỉ nấu có một bữa cơm gia đình bình thường vài món thì không cần phải báo chi cho mất công của mình và mất thời gian của mẹ chồng.

Báo cáo kết quả là báo cáo sau khi bàn tiệc đã chuẩn bị xong tươm tất, nàng dâu chỉ có đon đả ra mời mẹ chồng và các chị em bạn dì của mẹ vào nhập tiệc.

Lỗi lớn nhất của đa số nàng dâu khi nhận task siêu to khổng lồ là quá tập trung vào quá trình, làm xông làm xáo làm đáo làm để nhưng không biết báo cáo lại tiến độ mà phải đợi tới khi hoàn tất mọi thứ rồi mới hớn hở đi báo cáo kết quả. Thử tưởng tượng, lần đầu mẹ chồng giao task cho nàng dâu nên trong bụng thấp tha thấp thỏm, 12 giờ trưa phải nhập tiệc rồi mà giờ 11g45 không thấy nó nói năng tiếng nào hết, không biết bên trong bếp nấu xong chưa, có hư bột hư đường gì không, lỡ bể dĩa thì mẹ chồng biết ăn nói sao với năm trăm chị em bạn dì đây?

Bí kíp “làm dâu”: Khi sếp giao task siêu to khổng lồ cho nhân viên thường sẽ rất lo lắng khi không thấy team có động tĩnh gì, đã bắt đầu làm chưa hay làm tới đâu rồi, lỡ trễ tiến độ thì làm sao? Bởi vậy khi nhân viên biết báo cáo quá trình thì sẽ giúp sếp nắm bắt công việc tiến triển tới đâu mà an tâm hơn. Nếu chẳng may có vấn đề gì phát sinh mà biết báo cáo kịp thời thì còn khắc phục và cứu vãn được, thay vì đợi bể dĩa ở kết quả thì phải lặc lè lội ngược quá trình để làm lại từ đầu, mất gấp đôi thời gian và công sức.

Muốn xỉu với con dâu vậy đó!

3. Báo cáo vấn đề mà không báo cáo giải pháp

Mẹ chồng đang hí hửng tám chuyện với các chị em bạn dì ngoài phòng khách, nàng dâu hớt hơ hớt hải chạy ra báo cáo mẹ chồng bếp nhà mình hết ga rồi. Một lát sau, nàng dâu lại chạy ra tiếp báo cáo mẹ chồng giờ hầm thịt bò mà thiếu cái nồi áp suất mẹ ơi. Một lát nữa, nàng dâu lại chường mặt ra báo cáo mẹ chồng món gà kho gừng mà giờ mua lộn củ riềng rồi giờ làm sao.

Mẹ chồng lần nào cũng bình tĩnh:
– Ừ, rồi sao nữa con?
– Dạ con báo lại vậy đó, giờ mẹ xuống phụ con làm đi.
– Ủa, tao mẹ chồng hay mày mẹ chồng?

Bí kíp “làm dâu”: Có rất nhiều nhân viên mắc cái bệnh là cứ hay mang vấn đề lên báo cáo với sếp, báo cáo xong rồi để đó. Rồi cái vấn đề vẫn nằm chình ình ở đó, ai làm, ai xử lý? Nếu tự thân sếp phải là người xắn tay áo lên làm thì thuê nhân viên vào công ty ngồi để làm cảnh hay gì? Làm nhân viên, đừng chỉ mang vấn đề tới báo cáo với cấp trên mà nên có chủ kiến và giải pháp của riêng mình. Mọi vấn đề khi xảy ra bao giờ cũng đi kèm theo không chỉ một mà còn còn nhiều giải pháp, quan trọng là bạn có chịu khó đi hỏi, đi tìm n giải pháp đó để lựa chọn ra được giải pháp nào tốt nhất hay không.

Cho dù giải pháp của bạn không thực tiễn, không đóng góp lợi ích gì cho việc giải quyết vấn đề thực tế nhưng chí ít việc có đề xuất ra giải pháp và chịu mày mò tìm ra hướng giải quyết cũng đủ để sếp ghi nhận nỗ lực của bạn. Khi báo cáo nhiều giải pháp cũng cần biết phân tích lợi-hại, được-mất của từng giải pháp để tham khảo ý kiến của sếp chứ không phải nghĩ ra giải pháp cho có lệ.

4. Báo cáo hời hợt, nửa vời

Sau mấy tiếng quần quật như trâu gác bếp, cuối cùng nàng dâu cũng bày biện một mâm cỗ hoành tráng cho mẹ chồng cùng các chị em bạn dì thưởng thức. Nhưng khi mẹ chồng ngồi vào bàn tiệc thì:

– Dâu con, ủa cái giá (muôi) múc canh đâu con?
– Dâu con, món vịt kho gừng này sao gừng đâu không thấy mà thấy sả không vậy?
– Dâu con, món gà luộc này ăn với muối tiêu chanh mà chén muối đâu con?
– Ủa rồi chén cơm đâu con?

Bí kíp “làm dâu”: Khi bước đến giai đoạn cuối cùng là báo cáo kết quả, nhân viên phải dự trù trước 1001 câu hỏi và tình huống sẽ phát sinh mà sếp sẽ hỏi xoay quanh kết quả đó để có câu trả lời kịp thời cho sếp. Không phải đợi sếp hỏi một câu gì đó bất ngờ thì ậm ừ không biết, dạ dạ đợi em đi hỏi lại, đi xem lại vì sao rồi báo sếp. Ừ, chờ em đi xác nhận lại n thông tin đó thì thôi hẹn em kiếp sau. Một nhân viên giỏi là người hiểu được tâm ý sếp và lường trước được sếp sẽ hỏi những vấn đề gì mà chuẩn bị sẵn sàng các thông tin liên quan để trả lời ngay cho sếp.

***

Ai trước khi là mẹ chồng cũng từng là nàng dâu, trừ khi ra đi sớm trước khi kịp có con dâu để được gọi là mẹ chồng. Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu có hòa hợp thì gia đình mới hạnh phúc, vui vẻ. Mẹ chồng nào cũng muốn nàng dâu biết điều, con dâu nào cũng mong muốn mẹ chồng tâm lý. Hai bên tâm đầu ý hợp kẻ tung người hứng thì bố chồng và chồng chỉ có nước bị cho ra rìa.

P/S: Bài viết có sử dụng tư liệu hình ảnh trong bộ phim truyền hình “Sống chung với mẹ chồng”. Xin chân thành cảm ơn diễn xuất và sự góp mặt minh họa của dàn diễn viên nếu có vô tình ghé thăm.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.