Ảnh: Unsplash.com

Có câu nói quen thuộc “viết hay không bằng hay viết” hay “hát hay không bằng hay hát”. Khi đặt hai vế trái-phải của câu nói này lên bàn cân để so sánh thì đúng là bên tám lạng, bên nửa cân: một vế nói về thiên tư, một vế thì nói về sự rèn luyện. Mình thì không cho rằng “hay viết” thì tốt hơn “viết hay”, vì mỗi vế đều có những ưu và nhược điểm riêng.

Câu nói trên vốn dĩ cũng không phải là một câu tục ngữ, thành ngữ hay cách ngôn, mà đơn thuần chỉ là một câu nói thuận miệng kết hợp nghệ thuật chơi chữ do một “copywriter” thời kỳ đầu sáng tạo ra, và sáng tạo từ lúc nào thì cũng không ai biết rõ nguồn gốc. Dụng ý của người nói cũng không nhằm mục đích so sánh mà là nhấn mạnh vai trò của sự rèn luyện trong bất cứ kỹ năng nào, dù là viết lách hay ca hát.

Ở series Viết Hay Không Bằng Hay Viết này, mình sẽ chia sẻ đến quý độc giả tầm quan trọng của kỹ năng viết lách trong đời sống (không chỉ với nghề viết mà còn cho bất cứ nghề nào), cũng như những cách thức để rèn luyện kỹ năng viết lách dành cho người mới bắt đầu.

Cái duyên đến với nghiệp viết lách

Niềm yêu thích viết lách của mình bắt nguồn từ niềm đam mê con chữ, từ những trang truyện chữ đầu tiên mình đọc từ thời cấp hai cho tới những tờ báo cũ dùng để gói hàng trong nhà. Có nhiều tờ báo từ nhiều năm trước, tin tức cũng đã không còn tính thời sự, nhưng vẫn làm mình mê mẩn và đọc say mê mọi chuyên mục của tờ báo đó.

Năm học lớp 9, mình nhận thức được rằng văn mình viết hay qua những lời khen từ cô giáo dạy Văn. Chính cô là người động viên mình nên thi vào chuyên Văn để phát triển năng khiếu. Cùng thời điểm đó, mình lại là học trò cưng của cô chủ nhiệm dạy Lý và cũng lớp phó học tập của lớp. Điểm môn Lý của mình thuộc vào hàng tốp đầu của lớp, chỉ cạnh tranh trực tiếp với bạn lớp trưởng.

Ảnh: awesomeaj.com

Đứng giữa ngã ba đường, sau nhiều đêm “vắt chân lên trán” suy nghĩ, cuối cùng mình lại chọn thi vào khối chuyên Văn vì niềm đam mê con chữ đã chảy trong máu như ADN của mình, và kết quả là mình đậu vào trường chuyên nổi tiếng hàng đầu của tỉnh. Nhưng rồi, vào lớp Văn thì nữ nhiều nam ít, có quá nhiều bạn văn hay chữ tốt khiến mình choáng ngợp và cảm thấy mình chỉ là một giọt nước giữa một đại dương toàn ngọc trai tỏa sáng xung quanh.

Cứ ngỡ ba năm cấp ba sẽ trôi qua trong lặng thầm và mình sẽ chỉ là một thần dân bình thường của lớp, nhưng bài kiểm tra đầu năm lớp 10 cũng là lúc kỹ năng viết lách của mình được chú ý. Năm ấy, cô chủ nhiệm ra đề bài miêu tả lại một đoạn văn trong truyện Tấm Cám dưới góc nhìn của bạn. Bài viết của mình bất ngờ được cô đọc trước cả lớp và khen ngợi tính sáng tạo lẫn tính biểu cảm và mỹ cảm trong câu chữ. Cảm giác bỗng nhiên trở thành ngôi sao vụt sáng trong lớp khiến mình lâng lâng suốt mấy ngày liền. Rồi những bài kiểm tra văn học sau, mình liên tục đứng trong tốp đầu của lớp hết lần này đến lần khác, để cô phải bình luận hai câu về mình đi vào biên niên sử lớp Văn:

Phong độ chỉ là nhất thời – Đẳng cấp mới là mãi mãi.

Sang năm lớp 11, mình chính thức bước vào đội tuyển của khối chuyên Văn, được đào tạo để tham dự các kỳ thi cấp tỉnh, thi Olympic cấp khu vực miền Nam lẫn thi cấp quốc gia môn Văn. Những năm lớp 11 và 12 là những tháng ngày miệt mài ôn luyện ở thư viện trường, thư viện tỉnh. Lúc ấy, mình có thể tự nhận rằng không có một quyển sách nào ở thư viện về bình luận văn học mà mình không đọc qua, không có tiểu sử một tác giả nào mình không nắm. Văn học như một thứ máu chảy trong tim mình, tới nỗi mình phải ngấu nghiến tất cả những gì liên quan đến nó.

Trong lớp Văn của mình, có ba bạn như tam giác cân luôn nằm trong tốp ba của lớp suốt ba năm liền, trong đó có mình. Một bạn thế mạnh là viết chữ cực đẹp, đẹp như chữ in, và văn thì dạt dào cảm xúc, đọc lên thôi đã thấy đầy xúc cảm; còn mình thì cô nhận xét là văn viết logic, lập luận chặt chẽ, sắc bén; bạn còn lại thì cân bằng được ở cả hai sắc thái – logic và tình cảm.

Khi gặp những thất bại đầu đời trong kỳ thi Olympic Văn miền Nam hai năm liền (bạn cùng lớp được huy chương vàng, còn mình năm đầu thì không, năm sau thì được huy chương đồng), cũng như khi nghe những lời nhận xét từ các giáo viên dạy Văn trong đội tuyển, mình mới chợt ngộ ra một điều rằng: mình chỉ là người viết tốt, chứ không phải là người viết hay. Bởi lẽ, văn là người, người phải biết xúc cảm thì câu chữ mới dạt dào cảm xúc, còn mình thuộc tuýp người lý trí, thiên về lập luận và lý lẽ (nên thể loại nghị luận xã hội mình viết tốt hơn bình luận văn học). Do vậy, hạn chế của mình là không thể dùng tình cảm mà viết ra những câu chữ có thể chạm đến trái tim của người đọc được.

Ảnh: Unsplash.com

Người viết hay và người hay viết

Khả năng viết tốt của mình được rèn luyện và tích lũy từ những ngày tháng đọc sách miệt mài, từ những entry mình tập tành gõ phím trên blog Yahoo 360 ngày xưa (từ năm 2009) cho đến tận bây giờ mà hình thành. Nói như Malcolm Gladwell, mình viết tốt là do mình tích lũy được hơn 10.000 giờ luyện tập không ngừng.

Có một điều năm xưa mình từng băn khoăn chưa có lời giải đáp, đó là mình không tài nào sáng tác được một truyện ngắn hay một bài thơ nào ra hồn. Thế mạnh của mình là viết tản văn, tản mạn hay bình luận xã hội dựa trên những sự kiện có thật mình đã trải qua. Mình chỉ có thể viết được về những điều mình đã trải nghiệm, chứ không tài nào tưởng tượng để viết ra được một tác phẩm văn học hư cấu. Bạn nào hay đọc bài trên blog mình sẽ thấy, những đề tài mình viết đa số đều dựa trên trải nghiệm của bản thân hoặc các vấn đề phân tích, lý luận, chứ hiếm có sáng tác văn học hư cấu.

Sau này mình có dịp trải nghiệm dịch vụ Sinh Trắc Vân Tay để khám phá tiềm năng của bản thân, câu hỏi năm xưa của mình nay đã có lời đáp. Trong các chức năng của não bộ của mình thông qua bài phân tích, nhóm chức năng tưởng tượng – sáng tạo xếp hạng gần bét là 9/10, còn xếp chót là chức năng hình ảnh. Đó cũng là lý do vì sao mình rất hay bị lạc đường và không đọc được bản đồ để định vị đường đi, một con đường đi qua vài lần rồi mà lần sau đi lại cũng có thể bị lạc. Mình cũng không tài nào ngồi một chỗ mà tưởng tượng ra được anh A yêu chị B quen chị C để viết nên một thiên tiểu thuyết diễm tình như khả năng sáng tạo vô hạn của bác Nguyễn Nhật Ánh.

Sau này ra đời, mình mới phát hiện có hai nghịch lý hết sức lạ lùng về người viết:

Nghịch lý 1: Viết hay mà không cần nhọc công rèn luyện

Có những người viết vốn chẳng phải là dân học chuyên Văn hay học ngành khoa học xã hội, cũng chẳng phải thể loại mọt sách ăn dầm nằm dề với sách như mình, cũng chẳng cần mất tới 10.000 giờ rèn luyện kỹ năng viết lách, nhưng đọc những gì họ viết thì mình chỉ biết cảm thấy hổ thẹn, bởi vì tại sao họ có thể viết hay và cảm xúc đến như vậy. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là một ví dụ điển hình, khi chị mới học hết cấp ba đã nghỉ học, nhưng kỹ năng viết lách và bút lực của chị là thứ mà người viết nào cũng phải kính nể (còn tùy theo văn chị Tư có hợp gu người viết đó hay không).

Không chỉ các tác giả hay nhà văn đã có tên tuổi, không hiếm các bạn trẻ mình quen cũng nằm trong nghịch lý kể trên: Các bạn chẳng mơ mộng làm văn viết báo hay làm content gì cả, nhưng câu chữ  bản năng của các bạn là thứ mình rèn luyện cả đời cũng không thể nào đạt được.

Viết hay là thiên tư, còn viết tốt là do rèn luyện.

Đến đây, bạn đọc có thể phân định người viết thành hai nhóm:

  • Người viết hay là người sở hữu một thiên tư viết lách bẩm sinh, họ viết bằng bản năng và câu chữ tự nhiên tuôn trào như chính con người họ. Nhóm này thường là các nhà văn, các cây bút trẻ, những influencer được nhiều bạn đọc theo dõi vì giọng văn đặc biệt của riêng họ. Qua thời gian, họ càng viết nhiều và trau dồi kỹ năng viết lách thì đã viết hay thì lại càng hay hơn nữa.
  • Người hay viết là người đọc nhiều, viết nhiều nên tích lũy đủ về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất là trở nên viết tốt. Viết tốt là đây có thể xem là một kỹ năng do rèn luyện mà nên. Nhóm này thường là các copywriter, content writer, blogger, Facebooker hay viết và hay chia sẻ.

Người hay viết qua một thời gian rèn luyện và tích lũy cũng có thể viết một cách tự nhiên như người viết hay. Nhưng điểm khác biệt lớn nhất là người viết hay sở hữu một giọng văn riêng (tone of voice) hay một phong cách viết (writing style) đặc biệt – một màu sắc riêng không lẫn vào đâu được trong văn đàn hay giới viết lách, có thể khơi gợi sự đồng cảm và chạm đến nhiều tầng cảm xúc của độc giả như khiến họ khóc, cười, tức giận, đau khổ hay cảm thấy bình an thanh thản. Giống như, nếu bạn cắt một đoạn văn bất kỳ của họ ra mà không đề tên tác giả, độc giả đọc vào vẫn có thể nhận ra được à đây là văn Nguyễn Tuân, văn Thạch Lam, văn Nam Cao, hay văn Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh v.v. Sẽ luôn có một nhóm độc giả hay một nhóm fan nhận ra được giọng văn và phong cách của người viết hay đó.

Còn nếu đó là một màu sắc trung tính, vừa giống người này cũng vừa giống người kia, cắt ra đọc riêng thì cũng không nhận định được là ai thì đây chỉ mới là một người viết tốt. Như mình tự nhận mình là một người viết tốt, chứ không phải một người viết hay.

Nghịch lý 2: Không theo nghề viết mà viết vẫn tốt

Ở nghịch lý 1, chúng ta biết tới một nhóm người không cần phải nhọc công rèn luyện mà viết hay là một bản năng tự nhiên của họ. Đa phần những người viết hay chúng ta biết tới đều là những người sống trong nghề viết. Nhưng cũng có những trường hợp, họ không sống trong nghề viết và cũng không cần nhọc công rèn luyện mà vẫn viết tốt như thường (chứ chưa tới mức viết hay) – mà nhiều bạn sống trong nghề viết nhiều khi còn viết chẳng tốt bằng họ.

Xét ở góc độ chức năng của bán cầu não, người có khuynh hướng thiên về bán cầu não trái thì sẽ mạnh về khả năng logic, có thể xử lý và diễn đạt thông tin một cách mạch lạc qua câu chữ hay lời nói, chú trọng vào tính chính xác và thực tế cao. Còn người thiên về bán cầu não phải sẽ mạnh về khả năng nghệ thuật, có óc sáng tạo và thiên tính nghệ thuật như viết văn, vẽ vời hay chơi nhạc, chú trọng vào cảm tính và cũng hay bốc đồng.

Nguồn: Angelfire. Việt hóa bởi Uhraman@Tinhte.vn

Khi nhìn qua lăng kính này, chúng ta có thể thấy được người viết hay tự nhiên sẽ nằm ở nhóm thiên về bán cầu não phải, còn người viết tốt tự nhiên thì sẽ nằm ở nhóm thiên về bán cầu não trái. Do vậy, có những người tuy làm ở lĩnh vực chuyên môn khác nhưng họ vẫn có thể viết và diễn đạt ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm của bản thân rất tốt và thu hút được những bạn đọc trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Công trình khoa học của tiến sĩ Roger Sperry (năm 1981) về chức năng não trái và não phải cũng chỉ là một góc nhìn để chúng ta có thể hiểu và lý giải được tại sao có người viết hay và viết tốt một cách tự nhiên mà không cần qua rèn luyện. Nếu trường hợp của bạn không rơi vào nhóm nào, thì cách tốt nhất để trở nên viết tốt là rèn luyện ngay từ bây giờ.

Đọc tiếp Tập 2 – Vì sao bạn nên luyện kỹ năng viết lách?

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ nhiều hơn trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.