Ảnh: Unsplash

Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một câu chuyện không bao giờ được kể ra. Đó là câu chuyện bí mật nằm ở tầng đáy ký ức, về một sang chấn tâm lý nào đó mà chúng ta từng trải qua thuở nhỏ, như bị bạo hành, bị bạn bè bắt nạt, bị xâm hại tình dục, cha hoặc mẹ qua đời sớm hay gia đình có người thân bị tù tội, hay chứng kiến những đổ vỡ xảy ra trong gia đình,… Những ký ức đau đớn, khổ sở, tuyệt vọng thời thơ ấu không mất đi hay phai nhạt theo thời gian, chúng nằm yên ở đó trong một góc của tầng vô thức, đợi một tác nhân kích hoạt là sẽ được triệu hồi trở lại.

Đến khi trưởng thành, tính cách và cách hành xử của chúng ta phần nào sẽ mang những dấu chỉ của quá khứ, của những chấn thương tâm lý chưa được giải quyết và sẽ còn trở đi trở lại giằng xé tâm can chúng ta vào những thời điểm ta rơi xuống đáy vực của cuộc đời. Có những người may mắn được chữa lành cả cuộc đời nhờ tuổi thơ của mình, trong khi có những người không may thì phải dành cả cuộc đời để chữa lành thời thơ ấu của họ.

Bản thân mình là một người trải qua cả hai thái cực thời thơ ấu, có mảng hồn nhiên tươi đẹp để nhớ về lẫn mảng u ám đen tối chỉ có thể giữ riêng và chôn sâu kín trong lòng chứ chẳng thể tỏ bày cùng ai. Sau này khi có cơ hội biên tập cũng như đọc rất nhiều đầu sách về sang chấn tâm lý, về chữa lành đứa trẻ bên trong lẫn về trầm cảm hay rối loạn lo âu, có một điểm mình khá ngạc nhiên về chính mình. Đó là với những điều tồi tệ mình từng trải qua trong quá khứ, lẽ ra bây giờ mình phải là một phiên bản đầy thương tích và chấn thương tâm lý, phải vật lộn vật vã với cuộc đời ở tuổi trưởng thành như những trường hợp điển hình được đề cập trong sách, nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại: mình đón nhận và vượt qua mọi thứ một cách dễ dàng, xem những sang chấn tâm lý trong quá khứ như một trải nghiệm sống chứ chẳng đổ lỗi cho cuộc đời đã quá nghiệt ngã với mình.

Trên hành trình tự chữa lành bản thân, mình nhận ra viết lách chính là con đường đã giúp mình hóa giải những nỗi đau quá khứ thành những nguồn lực nội tâm mạnh mẽ. Viết lách là một nghệ thuật chữa lành có tính trị liệu cũng không kém cạnh gì khác phương thức trị liệu tâm lý khác.

Ảnh: Unsplash

Cơ chế viết để chữa lành

Có một câu nói của Michael Jackson mình rất thích: “All of us are products of our childhood” (Chúng ta đều là sản phẩm của tuổi thơ). Con người trưởng thành của chúng ta là một phiên bản được hun đúc qua cả một quãng thời thơ ấu tới thành niên, với sản phẩm tặng kèm là những chấn thương tâm lý chưa bao giờ được giải quyết triệt để ở thời điểm nó xảy ra – và chúng ta thường vĩnh viễn không bao giờ đề cập tới chúng khi trưởng thành. Có một nghiên cứu nổi bật trên 12.000 người ở Mỹ có tên “Nghiên cứu về những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu” (the Adverse Childhood Experiences Study) đã xác định rằng chấn thương tâm lý thời thơ ấu là một dấu chỉ mạnh mẽ dự báo về bệnh tật nghiêm trọng ở tuổi trưởng thành.

Kinh qua một trải nghiệm sang chấn chắc chắn là một điều tồi tệ về nhiều mặt, nhưng giữ bí mật về trải nghiệm đó suốt quãng thời gian trưởng thành thì còn tồi tệ hơn gấp trăm vạn lần. Nghiên cứu cho thấy rằng những người vợ hoặc chồng có bạn đời tự tử hoặc đột ngột qua đời vì tai nạn sẽ khỏe mạnh hơn vào một năm sau cái chết ấy nếu họ mở lòng nói ra chấn thương tâm lý đó với người khác hơn là không nói. Những người đồng tính nếu công khai xu hướng tính dục của họ với gia đình và bạn bè thì có ít vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn là những người luôn giấu giếm xu hướng thật của mình.

Trong những liệu pháp trị liệu thường được giới tâm lý gia chỉ định cho các nạn nhân trải qua sang chấn tâm lý, viết lách là một phương pháp hiệu quả để chữa lành sang chấn hoặc những chấn động cảm xúc chưa được giải quyết. Nhà tâm lý học lỗi lạc James Pennebaker chia sẻ rằng chỉ cần viết ra những trải nghiệm tiêu cực trong 15-20 phút, chúng ta có thể cảm thấy tốt hơn, ít đi khám bệnh hơn và có sức đề kháng mạnh hơn. Các nghiên cứu đầu tiên về khía cạnh này cũng chỉ ra rằng việc viết ra những trải nghiệm đau thương của bạn có thể tạo ra những thay đổi có thể đo lường được trong sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần của con người (Chung & Pennebaker 2008). Thực tế cho thấy rằng khi diễn đạt những trải nghiệm đau thương của mình thành ngôn từ, chúng ta phần nào sẽ giải tỏa được gánh nặng trong lòng về chúng và có thể cảm thấy nhẹ lòng hơn.

Vậy cơ chế nào khiến việc viết lách có thể giúp chúng ta chữa lành những nỗi đau trong quá khứ?

Trong cuốn Chatter – Trò chuyện với chính mình mà mình sửa bản in, Tiến sĩ Ethan Kross có đưa ra một ẩn dụ rất hay về cơ chế tạo khoảng cách bên trong tâm trí qua hình ảnh con ruồi đậu trên tường. Giống như con ruồi đậu trên tường có thể quan sát một cách khách quan toàn thể căn phòng, chúng ta cũng có thể quan sát những trải nghiệm trong quá khứ như thể ta đang ngồi trong một rạp chiếu phim và xem những thước phim về cuộc đời mình. Chính cái khoảng cách của ta-hiện-tại với ta-quá-khứ sẽ khiến ta nhìn nhận sự việc đã qua dưới những góc độ khác nhau, tùy theo thời điểm ta hồi tưởng và mức độ trưởng thành của ta ở thời điểm ấy.

Từ quan điểm của một người kể chuyện, việc viết ra những trải nghiệm sang chấn giúp tạo ra khoảng cách giữa chúng ta với trải nghiệm đó. Kết quả là chúng ta cảm thấy ít bị ràng buộc và không còn đồng hóa bản thân với những sang chấn chúng ta từng trải qua, mà có thể tách biệt bản thân để nhìn nhận nó như một con ruồi đậu trên tường.

Ảnh: Unsplash

Hành trình viết để chữa lành

Khi hiểu về cơ chế viết để chữa lành, mình mới nhận ra hóa ra mình đã tự chữa lành cho bản thân suốt mười mấy năm qua nhờ quá trình viết lách liên tục mà không hề hay biết. Ngay từ năm lớp 9, khi mới bắt đầu sử dụng blog Yahoo 360 thì mình đã viết rất nhiều entry chia sẻ chuyện quá khứ. Sau này khi đổi sang nhiều nền tảng blog khác thì mình vẫn không ngừng viết về những sang chấn trong quá khứ lẫn những trải nghiệm tiêu cực trong đời sống hằng ngày, dĩ nhiên là bên cạnh những trải nghiệm tích cực khác.

Có lẽ nhờ vậy mà đã từ lâu, mình không còn để tâm quá nhiều về những sang chấn trong quá khứ khi đã trút hết bầu tâm sự qua rất nhiều bài viết trong nhiều năm liền, ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời mình. Qua quá trình viết lách và phản tư liên tục, mình trở thành một vị đạo diễn chỉ đạo lại vở diễn trong quá khứ, nhưng xoay chuyển nó dưới rất nhiều ống kính và góc máy khác nhau, để nhìn ra những mặt tích cực khác của những trải nghiệm tiêu cực đó. Kinh nghiệm viết lách để chữa lành của mình là chừng nào bạn vẫn còn day dứt, ám ảnh khôn nguôi về chấn thương tâm lý trong quá khứ, bạn cứ mở hết lòng mình ra mà viết để giãi bày tâm sự, viết đến khi nào cơn bão lòng chỉ còn là gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ, khi bạn sẵn lòng đối diện với những chuyện đau khổ đã qua và xem nó như một lẽ bình thường.

Ảnh: Unsplash

Một điều cực kỳ quan trọng là với những điều riêng tư kín đáo vốn dĩ chúng ta không thể kể với bất kỳ ai thì đừng dại dột mà đem viết lên Facebook, ngay cả khi bạn để ở chế độ riêng tư. Những trang viết để chữa lành này chỉ nên nằm trong nhật ký cá nhân, một file Word bí mật trong máy tính hay một blog ẩn danh trên mạng để bảo mật thông tin nhạy cảm của bạn. Khi ẩn danh và xóa nhòa đi ranh giới danh tính, chúng ta mới có thể an tâm trút hết bầu tâm sự trong lòng ra mà không sợ bất kỳ ai phán xét hay phát hiện.

Để thực hành viết để chữa lành, bạn có thể bắt đầu bằng việc dành một ít thời gian mỗi ngày hoặc mỗi tuần để viết ra những điều sau:

  1. Một trải nghiệm sang chấn tâm lý nặng nề trong quá khứ, đến bây giờ vẫn còn để lại trong bạn nhiều tổn thương và chấn động mạnh về cảm xúc. Ví dụ: bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, bị cưỡng hiếp, gặp biến thái, bị bắt nạt, người thân qua đời/đi tù, v.v.
  2. Một trải nghiệm tiêu cực trong đời sống hằng ngày để lại trong bạn nhiều cảm xúc bức bối, khó chịu. Ví dụ: bị sếp la mắng vô cớ, bị đồng nghiệp chơi xấu, bị bạn bè tẩy chay, bị bố mẹ xem thường, v.v.

Những trải nghiệm thuộc dạng (2) thường sẽ được giải tỏa nhanh chóng qua một bài viết, còn những trải nghiệm thuộc dạng (1) thường phải mất rất nhiều lần viết ra mỗi khi cơn bão lòng dậy sóng và trong một quãng thời gian tương đối dài thì mới phần nào giúp bạn nguôi ngoai và tạo khoảng cách được với quá khứ. Bạn có thể lựa chọn viết ra hai trải nghiệm trên khi lửa lòng còn bừng bừng hay khi nó đã ngừng cháy, tức trong trạng thái tâm bình lặng và bạn có thể viết về nó một cách bình thản.

Ảnh: Unsplash

Đừng lầm tưởng rằng khi lửa lòng đã tắt thì bạn đã thôi nghĩ về trải nghiệm tiêu cực đó, thực tế là những cảm xúc khó chịu chưa được xử lý của chúng ta vẫn luôn tồn tại ở đó và chìm sâu vào tầng vô thức, chứ không bao giờ bị triệt tiêu hoàn toàn, nếu chúng ta không đối diện và giải quyết từng cảm xúc một. Ví dụ dễ thấy nhất là có những người bình thường rất hiền lành, nhưng bị bắt nạt nhiều lần hay bị dồn tới đường cùng thì có khi họ nộ khí xung thiên, có thể phản kháng hay thậm chí giết người không gớm tay một khi bão cảm xúc từ tầng đáy vô thức bị khuấy động và bùng nổ. Có rất nhiều cảm xúc tiêu cực chúng ta tích tụ hằng ngày trong cuộc sống, chỉ chực chờ đến khi giọt nước tràn ly là sẽ bùng phát ào ào ra ngoài, và hậu quả thì không thể lường trước được.

Đã đến lúc chúng ta phải giải quyết những cảm xúc tiêu cực đã bị kìm hãm quá lâu bên trong lòng mình. Bạn có muốn từ bỏ con người nặng nề đeo mang những tàn tích sang chấn từ quá khứ để vượt thoát lên thành phiên bản nâng cấp nhẹ nhàng hơn của chính mình?

Câu chuyện sang chấn của bạn là gì? Hãy bắt đầu viết ra chúng khi có thời gian ngồi lại với chính mình. Bạn không cần phải kể câu chuyện đau thương của mình cho ai khác, hãy kể nó cho chính bạn thôi.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. Hay quá Chơn ơi, nhiều cái tiêu cực trong cuộc sống lắm, có lẽ nên viết nhiều hơn, để tiễn nó đi.

  2. Bài viết đem lại kiến thức có ích quá tiệm ạ. Mình cũng cũng có nghe qua về chữa lành đứa trẻ bên trong và việc viết ra những cảm xúc tiêu cực sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn nhưng nhờ bài viết của tiệm mình hiểu rõ hơn tại sao lại như vậy.

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải