Có một dạo cuối năm ngoái, mình được một cô em gửi cho đọc status của hoa hậu Lan Khuê review bộ phim truyền hình “Lang Gia Bảng”. Chị chia sẻ trực tiếp link bài review phim trên blog của mình vì bài viết nói đúng tâm tư tình cảm của một khán giả xem phim và mê phim như chị, tới mức chị đã xem đi xem lại bộ phim tới 5 lần. Theo đường dẫn ấy, mình cũng vào đọc lại bài mình viết trong tâm thế một độc giả để xem có cần chỉnh sửa gì không vì lần đầu tiên trang của mình được một người nổi tiếng chia sẻ.
Thú thật là khi đọc lại, mình thấy cách viết của mình có phần hơi trẻ con, và có nhiều chỗ diễn đạt hay trình bày theo những cách mà mình-của-hiện-tại sẽ không tài nào viết như vậy. Bài viết đó được viết năm 2017, cách thời điểm mình đọc lại chỉ khoảng 5 năm, nhưng không ngờ trong câu chữ của mình ngày trước với mình bây giờ lại có nhiều sự khác biệt đến thế.

Người ta thường hay nói, con người sẽ thay đổi theo thời gian khi họ trải nghiệm cuộc sống này nhiều hơn, va vấp và kinh qua nhiều biến cố trong cuộc đời. Vậy theo đó, câu chữ của một cá nhân liệu có trưởng thành cùng người ấy theo thời gian không? Năm hay mười năm sau, liệu bạn có còn viết một áng văn giống như năm hay mười năm trước, với cùng cách hành văn và lối diễn đạt ấy?
Đọc lại những gì mình từng viết trong 10 năm
Năm 2020, mình quyết định gap year một năm sau quãng thời gian dài đi làm chốn công sở. Trong năm ấy, vì một vài biến cố trong đời sống mà mình quyết định thoái lui ở ẩn khỏi chốn giang hồ, và xóa vĩnh viễn tài khoản Facebook mình sử dụng hơn 10 năm. Là một người thích viết, học chuyên Văn và học Báo chí, khỏi phải nói bạn cũng hình dung được mình viết nhiều đến thế nào trên Facebook, hầu như là cách vài ba ngày là có một status dài chia sẻ về rất nhiều chuyện, bàn luận về rất nhiều vấn đề trong cuộc sống và xã hội. Mình viết nhiều tới nỗi mà vài người bạn từng cảm thán rằng lên Facebook suốt ngày chỉ thấy status của Chơn Linh thôi chứ các bạn ấy rất hiếm viết gì trên mạng. Hay có những dạo mình không viết gì cả trong 1-2 tuần thì liền có bạn nhắn hỏi thăm sao dạo này không thấy mình viết nữa.
Khi quyết định xóa tài khoản Facebook, dĩ nhiên là mình không bấm DELETE phát một để xóa tất tần tật mọi thứ, mà mình dành khoảng 1 tuần để đọc lại những gì mình viết trong suốt 10 năm kể từ khi mình vào đại học và lọc lại những nội dung nào cần lưu trữ làm tư liệu sau này. Bạn có thể xóa một tài khoản Facebook rất dễ dàng và nhanh chóng, nhưng bạn rất khó xóa đi những ký ức, cảm xúc và trải nghiệm mà bạn từng có và từng lưu giữ chúng qua con chữ.

Theo trình tự timeline, mình bắt đầu đọc những bài mình viết gần thời điểm đó nhất trở ngược về trước, càng đọc ngược lại dòng thời gian mình càng bất ngờ dữ dội về chính mình. Ví như trong vài năm gần nhất, mình sẽ dễ dàng thấy được phiên bản của chính mình trong hiện tại, nhưng tầm quãng 3-5 năm trước, rồi 5-7 năm trước, hay 7-10 năm trước, đó là những phiên bản kỳ khôi mà mình không thể tưởng tượng nổi là mình đã từng như thế. Lúc thì cực kỳ tự cao ngã mạn, lúc thì cực kỳ xéo xắt đanh đá, lúc thì cực kỳ phô trương thích thể hiện,… toàn những phiên bản trẻ trâu bốc đồng chứ không phải tính cách chín chắn, điềm đạm của mình ở hiện tại.
Có một điểm lớn nhất mình nhận ra rằng, theo thời gian khi chúng ta trưởng thành hơn về mặt suy nghĩ, tư duy, thái độ và cách hành xử trong cuộc sống, câu chữ cũng theo đó mà có sự chuyển biến và thay đổi tương ứng về mặt nội hàm. Nó sẽ ngày càng có sức nặng và độ chín hơn, cũng như một sự trau chuốt về từ ngữ để truyền tải đắt nhất cái ý niệm mà bạn muốn chia sẻ – khác với sự cạn cợt, hời hợt, nông nổi trên bề mặt của những thứ ngày xưa bạn từng viết. Ngay chính trên blog này, thật sự có những bài mình từng viết 5-7 năm trước, khi đọc lại mình chỉ biết tự cảm thán sao ngày xưa mình suy nghĩ đơn giản và ngô nghê thế nhỉ? Và có một cơ số bài bị mình thẳng tay xóa chỉ vì nó không còn phù hợp và phản ánh đúng tư duy của mình trong hiện tại.

Đồng thời, qua một quá trình dài bạn càng đọc, càng xem, càng thưởng lãm nhiều cái hay cái đẹp trong cuộc sống, tư duy thẩm mỹ trong câu chữ của bạn cũng được nâng tầm lên. Giống như ngày trước, khi viết mình hay viết luông tuồng, viết liền một mạch tràng giang đại hải chứ ít để ý tới việc ngắt nghỉ hay phân đoạn sao cho dễ đọc. Ngay cả tư duy phân đoạn của mình trong khoảng 5 năm trước, khi đã ý thức về việc này, cũng rất khác so với cách mình xử lý về thẩm mỹ và phân đoạn cấu trúc bài viết ở hiện tại.
Con người ta thường hay ngộ nhận rằng họ vẫn chính là họ của ngày trước chứ không có sự thay đổi nào sau một quãng thời gian. Đối với những ai thường xuyên viết lách và duy trì thói quen này một thời gian dài, đọc lại những gì mình từng viết nhiều năm trước đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc bạn đã thay đổi và trở nên khác đi như thế nào qua thời gian. Cùng một vấn đề, cách thức tư duy và phản ứng cũng như cảm xúc của bạn trong hiện tại và ngày trước hoàn toàn không giống nhau. Có những sự việc từng khiến mình đau khổ hay tức giận đùng đùng ở thời điểm đó, giờ đọc lại nguyên văn sự vụ thấy nhẹ như không, chỉ là một chuyện cỏn con mà sao ngày trước lại lồng lộn lên đến thế.

Đọc lại những gì người khác viết sau nhiều năm
Mỗi đợt Tết về nhà, mình thường ghé nhà kho tìm tủ sách truyện cũ để lựa một vài quyển sách ngày trước mình rất thích để dịp Tết rảnh rỗi nằm đọc lại. Có nhiều cuốn sách thuộc diện mình mua từ những năm mới vào đại học, tính ra ngót nghét cũng hơn chục năm tuổi đời. Vậy mà khi đọc lại, cảm giác lại rất khác…
Có một số tác giả mình từng siêu thích văn phong của họ, thích tới nỗi từng lùng sục các nhà sách (thời đó Tiki và các sàn thương mại điện tử chưa thịnh hành như bây giờ) để tìm những tác phẩm khác của họ, chưa kể còn săn lùng ở mấy tiệm sách cũ để tìm mua những cuốn không còn xuất bản nữa. Ở thời điểm mình đọc, văn chương hay câu chữ của họ từng được mình tôn thờ như thần như thánh bởi đó là phong cách viết mình không tài nào sở hữu hay bắt chước được, một cái chất gì đó rất riêng mà chỉ tác giả ấy mới có. Và 10 năm sau, khi mình đọc lại vài cuốn mình từng thích mê mệt một thời đó, thú thật là mình của hiện tại không hiểu nổi: Ủa, tại sao hồi xưa mình lại mê được cái giọng văn và cách kể chuyện này ta? Có những cuốn, căn bản là mình không-thể-nào đọc lại được nữa và phải dẹp luôn cuốn sách đó.

Ngược lại, cũng có một số tác giả mình từng rất thích văn của họ, đến bây giờ đọc lại vẫn thấy u mê như ngày nào và thậm chí còn trầm trồ hơn, như “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư là một ví dụ điển hình. Mình rất mê văn của cô Tư dạo mới debut làm nhà văn, với mấy cuốn đầu như “Khói trời lộng lẫy”, “Yêu người ngóng núi”, “Gáy người thì lạnh”, “Bánh trái mùa xưa”. Nhưng từ dạo cô Tư ra cuốn tiểu thuyết đầu tay “Đảo” và mấy tập tản văn sau này, mình đều có mua hết nhưng nói thật là không thể đọc và cảm được nổi văn của cô Tư giai đoạn về sau. Kể từ dạo ấy, mình cũng thôi không còn mua sách mới ra của cô Tư, xem như hết duyên với một tác giả.
Văn của chú Nguyễn Nhật Ánh cũng vậy, thời niên thiếu mình đọc rất mê vì văn chú Ánh phản ánh đúng tâm sinh lý tuổi mới lớn. Nhưng khi đã thành niên và mấp mé vào lứa trung niên, những câu chuyện tình yêu trẻ nít hay chuyện hồn nhiên tuổi thơ không thể nào cảm hóa được một tâm hồn đã quá trải đời già cỗi như mình của hiện tại.

Tự biên tập lại bài mình viết
Trong công việc biên tập viên sách của mình, có một câu đùa mà sếp hay nhắc nhở bọn mình, rằng biên tập nên hạn chế đọc đi đọc lại bản thảo mình biên tập quá nhiều lần, bởi vì càng đọc sẽ càng muốn sửa thêm. Ngay ở phiên bản tưởng chừng như bạn đã dồn tâm dồn sức biên tập kỹ lưỡng rồi, mà sau này khi sách in ra, cầm cuốn sách lên đọc lại vài đoạn là bản năng biên tập trỗi lên và các biên tập viên thể nào cũng muốn chỉnh sửa lại câu đó cho hay hơn nữa.
Ngay chính mình, gần đây khi cần tìm kiếm vài thông tin nên mình mở một bản thảo sách mình biên tập cách đây một năm lên xem. Thật sự có những đoạn khi đọc lại mình khá ngạc nhiên, bởi vì với tư duy biên tập hiện tại thì mình sẽ xử lý theo một hướng khác đi chứ không giữ nguyên như thế. Điều này cũng dễ hiểu, vì theo thời gian khi bạn càng tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm nghề, tư duy của bạn cũng thay đổi và cách nhìn nhận hay xử lý câu chữ của bạn cũng khác trước rất nhiều.

Không nói đâu xa, khi mình viết một bài viết mới trên blog này, thường mình sẽ hạn chế việc biên tập trong lúc viết mà cố gắng để cho ý tưởng tuôn trào qua câu chữ như một dòng chảy tự nhiên nhất có thể. Sau khi viết xong, mình mới đọc lại một lượt và tự biên tập lại bài mình viết từ cả hai góc độ: góc độ biên tập viên và góc độ độc giả. Ở góc độ biên tập viên, mình phải xem xét lại cấu trúc bài viết, cách thức mình diễn đạt ý tứ có rõ ràng chưa, có chỗ nào có thể làm người đọc khó hiểu hay bị mắc kẹt lại không, hay có chỗ nào mình dùng từ chuyên môn quá hay từ ít dùng có thể làm cản trở mạch đọc hay không. Ở góc độ độc giả, mình phải tách bạch bản thân khỏi tâm thế của người viết mà đọc như một người lạ ghé blog đọc bài lần đầu tiên. Khi đó, có chỗ nào nào làm mình thấy trúc trắc hay có những từ ngữ nào đọc lên nghe không xuôi tai không thì mình sẽ gia giảm, chỉnh sửa lại để flow đọc mượt nhất có thể.
Và thường ở một bài viết mới như thế, mỗi khi đọc lại ở 1-2 lần đầu, mình còn phải sửa đi sửa lại khá nhiều chỗ về mặt câu từ vì chưa hài lòng, thì bạn đừng hỏi vì sao khi đọc lại một bài bạn viết vài năm về trước – bạn có thể bất ngờ vì mình viết dở hay viết ngây ngô đến thế.
Giống như những cánh đồng cần bù đắp phù sa để đất trở nên màu mỡ, câu chữ cũng cần thời gian để lớn lên và trưởng thành cùng bạn.