Ảnh: Unsplash.com

Khi đề cập đến chuyện học một kỹ năng mới, đa số chúng ta sẽ nghĩ tới kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng bán hàng, kỹ năng thuyết phục v.v chứ ít ai nghĩ tới chuyện học viết lách, dù cho viết lách bản chất nó là một kỹ năng.

Hai trở ngại lớn nhất của người sợ viết

Trở ngại thứ nhất là nhiều người luôn mặc định rằng mình viết dở vì thuộc tuýp “học Văn rất kém”. Thông thường, những người tự bản thân họ thấy mình đã viết tốt thì sẽ không đi học viết, trừ khi họ muốn nâng cao kỹ năng để sống trong nghề viết. Nhưng những người tự cho rằng mình viết dở, không biết viết gì thì ngược lại cũng chẳng mấy để tâm tới chuyện học viết sao cho hay. Chính lối dạy Văn theo khuôn mẫu và chấm điểm theo barem ở nhà trường đã làm thui chột tố chất viết lách sáng tạo bên trong họ và tạo nên cho họ một fixed mindset (tư duy cố định): mình học Văn rất kém cho nên mình sẽ không thể viết lách được.

Không phải nhà văn hay người viết nào lúc nhỏ cũng từng học giỏi Văn. Điển hình là nhà văn Nguyễn Quang Sáng tự nhận lúc nhỏ ông học rất dốt Văn, có bài tập làm văn ông chỉ được 0,5/20 điểm theo barem điểm thời đó. Mãi sau này ông trở thành nhà văn nổi tiếng, nhiều bạn bè cũ còn hết hồn: “Thằng Sáng mà cũng viết được văn, kỳ vậy ta!”. Con trai ông (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) thời còn đi học phổ thông cũng bị giáo viên than phiền: “Ông là nhà văn mà con ông học văn dở ẹc!”. Bị than nhiều quá, nhà văn bực mình hỏi vặn lại: “Cháu nó viết bài theo ý nó hay theo ý cô? Theo ý cô thì giỏi, còn theo ý nó là dở à?”.

Nếu thời học sinh bạn học Văn rất kém, điểm suốt ngày lẹt đẹt thì không đồng nghĩa rằng bạn không có khả năng viết lách và không thể viết được cho ra hồn ra chữ, mà có khi là vì quan điểm của bạn không hợp với quan điểm “chuẩn mực” của giáo viên dạy Văn. Nếu không biến fixed mindset này thành growth mindset (tư duy phát triển) – mình sẽ viết lách được nếu mình muốn, thì mãi mãi bạn sẽ mắc kẹt trong cái vòng kim cô mà người khác đeo lên đầu mình.

Trở ngại thứ hai là thiếu chất liệu để viết vì không có đủ input (nạp) qua việc đọc. Giống như bạn muốn nấu một nồi canh chua cá lóc, nguyên liệu bạn cần có là cá lóc, cà chua, giá, đậu bắp, thơm (dứa), me, rau thơm nấu canh chua, gia vị v.v. Nếu thiếu hai đến ba nguyên liệu trong số đó, bạn không thể nấu ra được một nồi canh chua hoàn chỉnh chuẩn vị, mà cảm giác khi ăn sẽ luôn bị thiếu thiếu gì đó. Viết lách cũng vậy, bạn phải có nhiều input về ngôn từ qua việc đọc truyện chữ, sách báo, tạp chí,… thì mới tích lũy đủ vốn từ để viết và diễn đạt được cái ý bạn muốn nói. Chẳng hạn, nếu bảo bạn viết một bài IELTS essay (luận) về đề tài biến đổi khí hậu, nhưng bạn lại không có vocabulary (từ vựng) về chủ đề này thì viết kiểu gì?

Suốt từ cấp một tới cấp hai, chưa bao giờ mình nhận được bất kỳ lời khen nào từ cô giáo về việc mình viết văn hay, vì thực tế mình viết đâu có hay và có khối bạn trong lớp văn hay chữ tốt hơn mình. Mãi đến cuối những năm cấp hai, mình từ đọc truyện tranh chuyển sang đọc truyện chữ, do mấy đứa bạn giới thiệu truyện Nguyễn Nhật Ánh cho đọc. Khi đó, mình mới chính thức bước vào thế giới của con chữ, và mới à ồ á hóa ra nhà văn người ta viết truyện hay như thế này.

Sau cột mốc đó, mình bắt đầu tìm đọc khá nhiều truyện ngắn, truyện dài viết cho lứa tuổi học trò, đặc biệt là mê mẩn mấy mục truyện ngắn trên báo Mực Tím, Hoa Học Trò mượn từ bà chị họ. Khi mình input (đọc) càng nhiều thì output (viết) cũng dần được cải thiện nhiều hơn. Chẳng hạn như khi viết văn miêu tả một con đường, mình biết cách diễn đạt để làm cho khung cảnh con đường trở nên sống động hơn từ những hình ảnh con đường trong mấy quyển truyện mình đã đọc. Hay khi phân tích cảm xúc của nhân vật, mình cũng có nhiều chất liệu và từ ngữ hơn để diễn đạt ý mình muốn nói. Từ đó, văn mình trở nên nhiều màu sắc và mềm mại hơn chứ không khô khan như trước đây. Và khi đó cũng chính là bước ngoặt để mình được giáo viên dạy Văn lớp 9 khen mình có tố chất viết văn, và cô động viên để mình rẽ một bước ngoặt thi vào chuyên Văn sau này.

Viết lách chính là quá trình sắp đặt tư duy, ý nghĩ trong đầu của bạn và diễn đạt chúng ra ngoài bằng con chữ. Đả phá được hai trở ngại trên, bạn mới có cửa để con chữ tuôn trào ra ngoài được.

Ảnh: Unsplash.com

Ứng dụng kỹ năng viết lách ở khắp mọi nơi

Trong số 33 thần dân của lớp chuyên Văn mình học năm cấp ba, tính tới thời điểm hiện tại là hơn 10 năm sau, chỉ có một bạn duy nhất trong lớp đang làm copywriter cho một agency, và những người còn lại hầu như chẳng làm gì liên quan tới content. Ngay cả mình, tuy tốt nghiệp khoa Báo chí & Truyền thông, nhưng từ lúc ra trường tới giờ thì mình không làm những công việc liên quan trực tiếp tới content, mà đa phần chỉ là gián tiếp có dính dấp tới content. Nhưng kỹ năng viết lách của chúng mình không phải vì thế mà bị mai một hay lãng phí.

1. Một người bạn của mình làm kế toán ở một công ty xây dựng, công việc của bạn chẳng liên quan hay đòi hỏi gì đến kỹ năng viết lách. Nhưng qua một thời gian làm việc, từ chuyện viết báo cáo, chỉnh sửa dò lỗi hợp đồng đến soạn thông báo nội bộ, chỉnh sửa nội dung slide thuyết trình,… không có việc nào mà sếp hay những nhân sự khác trong team không nhờ vả tới bạn, vì đơn giản là bạn có kỹ năng viết lách ổn nhất trong phòng ban đó của công ty. Khỏi phải nói, bạn tỏa sáng như một… vị thần và được sếp ưu ái nhiều hơn, dù cho kỹ năng viết lách của bạn hồi học cấp ba ở lớp mình chỉ thuộc dạng tàng tàng chứ không phải quá nổi trội.

2. Một người bạn khác của mình làm bên lĩnh vực xuất-nhập khẩu, một lĩnh vực dùng sức mạnh lời nói là chủ yếu và cũng chẳng ăn nhập gì tới kỹ năng viết lách. Có lần, bạn bị một đồng nghiệp cùng cấp nhưng làm việc lâu năm hơn (đáng tuổi cha chú) bạn chèn ép trong công việc như đẩy việc của team anh ta sang team của bạn, hay du di lỗi cho nhân sự bên team anh ta nhưng đi bắt lỗi nhân sự bên team bạn. Dù cho bạn đã nói chuyện trực tiếp với anh ta về những vấn đề trên, nhưng sau đó sự việc cũng không mấy khả quan hơn, vì tâm lý của anh ta là ma cũ bắt nạt ma mới. Sếp trực tiếp của cả hai thì lại quản lý từ xa ở nước ngoài (là người Việt) chứ không ở cùng một văn phòng để có thể thấy được vấn đề này.

Thế là sau đó, bạn soạn một email dài trình bày vấn đề gửi tới anh kia, CC sếp trực tiếp để nói lại những chuyện bạn đã nói trực tiếp nhưng không giải quyết được. Email được bạn trình bày hết sức rõ ràng và thuyết phục, tuy không biết sau đó sếp trực tiếp có làm việc riêng với anh ta hay không nhưng kể từ thời điểm đó, anh ta cũng tém tém bớt lại và không còn dám lấn lướt người bạn của mình nữa. Đôi khi sức mạnh của chữ viết còn mạnh hơn cả sức mạnh của lời nói, vì cơ bản đối phương kỹ năng viết lách kém hơn đâu thể nào đáp trả lại trên sàn đấu ngôn từ.

Trong câu chuyện trên, có thể bạn sẽ thắc mắc vì sao người bạn mình không trực tiếp “méc” (mách) sếp qua video call hay gọi điện để trình bày rõ vấn đề, mà phải viết một email công phu chi cực vậy? Vấn đề nằm ở chỗ nếu bạn gọi riêng cho sếp ở nước ngoài thì đúng là méc sếp đúng nghĩa, và đối phương trong câu chuyện sẽ thấy bạn hết sức tiểu nhân. Còn nếu mở một cuộc họp ba người video call trực tiếp thì lại không có thời điểm nào phù hợp, và chắc gì người kia đã chịu tham gia.

Quan trọng hơn hết, nếu bạn dùng lời nói để trình bày một vấn đề dài, nhiều khi với “não cá vàng”, có khi sếp bạn nghe được ý này đã quên mất ý trước, và không thấy được rằng đây là một vấn đề hệ trọng với bạn. Lời nói thì có thể bị gió thổi bay, nhưng chữ viết thì có sức nặng vì nó luôn nằm ở đó, và nó khiến người nhận phải đọc đi đọc lại để hiểu vấn đề. Ngay cả với người trong cuộc là anh kia, có thể trước đó bạn từng dùng lời nói phản ánh vấn đề nhưng lời nói chưa đủ đô và nói tai này lọt qua tai kia (khi anh ta đã không muốn nghe một người nhỏ tuổi hơn mình nói), thì chữ viết một lần nữa lại phát huy sức mạnh của nó.

3. Khi mình quản lý một team Sales khoảng 15 bạn ở hai miền Nam-Bắc với vai trò Senior Sales Manager, mình luôn đi tìm hiểu vấn đề vì sao trong team bạn này lại đạt được KPI doanh số cao hơn bạn kia, và vì sao có những bạn chỉ mới vào team một thời gian ngắn nhưng KPI lại cao gần bằng hoặc vượt hơn những bạn Sales kỳ cựu đã làm nhiều năm trời.

Có khá nhiều yếu tố mang tính khuôn mẫu dẫn tới kết quả trên, nhưng ở đây mình chỉ phân tích yếu tố kỹ năng viết lách trong việc cải thiện kết quả Sales như thế nào. Có ba bạn trong team lúc nào cũng nằm trong tốp đầu về doanh số (một bạn vào team đã lâu, hai bạn thì mới vào team), và điều thú vị là 3/15 bạn này đều là những người có kỹ năng viết lách tốt vượt trội so với những bạn khác.

Khi nói đến công việc sales, đa số chúng ta đều nghĩ sales là công việc đòi hỏi khả năng ăn nói để dễ dàng chốt sales, và làm sales là chỉ có suốt ngày nói chuyện với khách hàng. Đây là một nhận định đúng, nhưng chưa đủ. Giả sử thời gian để bạn theo đuổi một khách hàng trọn đời (bao gồm chốt sales sản phẩm đầu tiên, follow up và tiếp tục chăm sóc sau này) là 10 phần, thì trong đó chỉ có 3 phần là bạn gọi điện hay gặp trực tiếp để nói chuyện với khách hàng (lời nói), 7 phần còn lại chủ yếu là bạn chat và email giao tiếp với họ, mà chat hay email thì thuộc về phạm trù chữ viết. Tỷ lệ này tùy theo tính chất từng lĩnh vực, ngành nghề bạn đang sales mà sẽ có sự phân bổ khác nhau.

Không phải ai ăn nói hay thì viết cũng hay, mà thực tế có nhiều người nói rất hay mà viết rất dở, câu cú lủng cà lủng củng, diễn đạt tối nghĩa và dễ gây hiểu lầm cho khách hàng. Chat hay email đều đòi hỏi bạn vận dụng kỹ năng viết lách để diễn đạt tư tưởng của mình sao cho rõ ràng, dễ hiểu để khách hàng dễ dàng tiếp thu thông điệp bạn muốn nhắn gửi họ. Cái khó của việc giao tiếp gián tiếp qua chat hay email là chúng ta không đối diện trực tiếp với nhau, nên bạn sẽ không biểu đạt được sắc thái cảm xúc trên khuôn mặt hay ngôn ngữ cơ thể của mình, cho nên đối phương sẽ không thể nào cảm được cảm xúc trong lời bạn nói.

Nhiều khi một câu bạn viết ra hết sức bình thường, nhưng khách hàng lại cảm thấy bạn có ý mỉa mai hay châm chọc họ. Ngay cả khi họ có thái độ này, bạn cũng không thấy được qua câu chữ (nếu không đủ nhạy cảm và tinh tế), cho nên sau đó khách hàng rời bỏ bạn ra đi mà bạn cũng không hiểu được lý do tại sao. Lý do là vì bạn quá vô duyên hay thiếu nhạy cảm trong câu chữ khi giao tiếp online với họ. Lẽ vậy, để chat hay email duyên dáng cũng là một nghệ thuật vận dụng kỹ năng viết lách.

o0o

Nếu bạn đi làm nơi công sở (chứ không phải lao động chân tay), có rất nhiều tình huống trong thực tế đòi hỏi bạn vận dụng kỹ năng viết lách mà có thể trước giờ bạn không bao giờ để ý:

  • Viết thư ứng tuyển (cover letter), trình bày CV/resume tìm việc
  • Email giao tiếp & chat với sếp, với đồng nghiệp, với đối tác, với khách hàng
  • Viết báo cáo, soạn hợp đồng, soạn slide thuyết trình
  • Viết email xin tăng lương, xin đề bạt vị trí mới, xin nghỉ việc

Ngoài công việc, kỹ năng viết lách còn được ứng dụng ở rất nhiều khía cạnh khác trong đời sống mà mình sẽ chia sẻ dần ở những tập tiếp theo của series Viết Hay Không Bằng Hay Viết này.

Nếu bạn làm Sales, bạn gọi điện cho khách hàng nhưng khách hàng báo bận. “Thôi em email hay nhắn Zalo/Facebook cho chị đi…”

Nếu bạn là nhân viên, bạn muốn gặp sếp để trình bày vấn đề nhưng sếp báo không rảnh. “Có gì em cứ email hay inbox cho anh là được…”

Còn rất nhiều tình huống trong thực tế, không phải lúc nào kỹ năng ăn nói cũng là một lợi thế, mà kỹ năng viết lách lúc đó sẽ phát huy sức mạnh (đặc biệt là đối với những người hướng nội).

Đọc tiếp Tập 3 – Ba giai đoạn để trở thành người viết tốt

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải