Ảnh: Unplash.com

Vì một nhân duyên nào đấy, có rất nhiều bạn rẽ ngang trên con đường sự nghiệp của mình để bén duyên với nghề viết. Trừ một số ít người học đúng các ngành như Ngữ văn, Ngôn ngữ học, Báo chí và ra làm đúng nghề, thì đa số những người viết trên thị trường hiện nay ở các vị trí copywriter, content writer, content marketing,… tại các doanh nghiệp đều là dân ngoại đạo và làm trái ngành.

Như trước đây khi mình còn quản lý một team content, bao nhiêu nhân sự trong team mình tuyển vào đều là những bạn vốn học những ngành nghề không hề liên quan. Bạn thì học công nghệ thông tin, bạn thì học khoa học tự nhiên, bạn thì học quản trị kinh doanh, bạn thì học tài chính – marketing. Điểm chung của tất cả những bạn này là đều có niềm yêu thích, đam mê với công việc viết lách và muốn gắn bó sự nghiệp cả đời với nó. Nhưng điểm yếu lớn nhất mà hầu hết bạn nào cũng gặp phải chính là thiếu phần kiến thức nền tảng – hay khái niệm “bộ rễ” mà mình có đề cập ở nguyên lý cây đại thụ.

Kiến thức nền tảng như bộ rễ của một cái cây, đó là phần nền móng chuyên môn mà chúng ta được đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng hay tích lũy trong suốt một quá trình tự học về lĩnh vực, ngành nghề đó trước đây. Như cái cây thiếu đi bộ rễ, người viết nếu bị hổng mất phần kiến thức nền tảng thì nghiệp viết lách khó có được sự vững vàng mà sẽ suốt ngày phạm phải lỗi này lỗi kia. Tuy nhiên, các bạn lại không ý thức được mình sai, cũng không hiểu được vì sao mình lại sai. Cho nên hành trình để trở thành một người viết tốt với những bạn này sẽ hết sức gian nan.

Một bạn trẻ từng inbox hỏi mình: “Em rất thích đọc những bài anh viết trên blog hay những status anh chia sẻ trên Facebook. Không biết sao nhưng em thấy anh viết rất tự nhiên, diễn đạt dễ hiểu và có phong cách rất riêng. Em muốn học cách viết hay được như anh. Anh có thể chia sẻ đôi chút bí quyết của mình không?”.

Ở những tập trước của series Viết Hay Không Bằng Hay Viết, mình có tự nhận mình là người “viết tốt” chứ không phải viết hay, nhưng ở cảm nhận của độc giả, thì có nhiều bạn có thể sẽ thấy mình “viết hay” – ít ra là so với khả năng viết lách của các bạn. Nhân câu hỏi trên, mình cũng chia sẻ ba giai đoạn mình đã trải qua để trở thành một người viết tốt như hiện tại.

Giai đoạn 1: Viết đúng

Khi mới nhập môn viết lách, dù là viết lách chuyên nghiệp (viết để kiếm tiền) hay viết lách nghiệp dư (viết để chia sẻ, giải tỏa), đa số mọi người đều sốt sắng muốn đốt cháy giai đoạn để từ số 0 lên thành số 10 – đang không có nền tảng gì, đùng một cái tự nhiên viết hay được. Trừ những người có năng khiếu viết lách sẵn, thì những người khác muốn viết tốt hay viết hay thì trước tiên phải học cách viết đúng.

Viết đúng ở đây là đúng chính tả, đúng ngữ pháp trong tiếng Việt, đồng thời cần biết cách diễn đạt ý tứ sao cho rõ ràng và dễ hiểu. Khi viết không đúng, một câu viết ra sẽ lủng củng, rườm rà hay tối nghĩa, đọc lên cứ thấy có gì đó “sai sai”, nhưng nếu thiếu kiến thức nền tảng thì sẽ không biết sai ở chỗ nào. Chẳng hạn như hai câu sau:

– Viết sai: Qua cuốn sách “Nhà giả kim” cho người đọc thấy ý nghĩa sâu xa nhất của hạnh phúc, hòa hợp với vũ trụ và con người. –> câu thiếu chủ ngữ
– Viết đúng: Qua tác phẩm “Nhà giả kim”, tác giả Paulo Coelho cho người đọc thấy ý nghĩa sâu xa nhất của hạnh phúc, hòa hợp với vũ trụ và con người. –> câu đầy đủ chủ vị

Chữ viết là công cụ để diễn đạt ý tưởng, dù nội dung ý tứ của bạn có hay tới đâu mà hình thức thể hiện còn đầy lỗi thì sẽ hạn chế rất lớn khả năng tiếp nhận thông tin lẫn cảm nhận câu chữ của người đọc. Việc này cũng giống như bạn bỏ tâm bỏ sức nấu ra một bát cơm (nội dung) để mời độc giả ăn, nhưng tới khi họ ăn vào thì thấy cơm đầy sạn thì khó mà nuốt cho trôi (“tiêu hóa” nội dung) được.

Giống như việc học tiếng Anh, để nói hay viết tiếng Anh tốt thì đòi hỏi bạn cần có nền tảng grammar (văn phạm) vững vàng. Nhưng để học cách viết đúng, bạn không nhất thiết phải ôn lại sách tiếng Việt hay Ngữ văn từ lớp 1 tới lớp 12. Nếu là người viết nghiệp dư, bạn chỉ cần đọc lại một số tài liệu về cấu tạo ngữ pháp của câu, quan hệ ngữ nghĩa trong câu (mệnh đề quan hệ), cách dùng dấu câu, vậy là đủ. Nếu là người viết chuyên nghiệp, mình khuyến khích nên tìm đọc một số cuốn sách chuyên về tiếng Việt thực hành và viết lách ứng dụng trong danh sách tài liệu dưới đây.

Tài liệu khuyến đọc:

  • Luyện văn – Nguyễn Hiến Lê & Để trở thành nhà văn – Nguyễn Duy Cần. Hai cuốn này chia sẻ kinh nghiệm viết lách của hai học giả nổi tiếng nhất nhì Việt Nam thời trước. (sơ cấp)
  • Thuật viết lách từ A đến Z – biên tập viên Ngọc Trân. Cuốn này của một biên tập viên kỳ cựu trong nghề báo nên câu chữ rất chuẩn mực, hướng dẫn cách hành văn và chỉ ra một số lỗi diễn đạt thường gặp. (sơ cấp)
  • Bộ sách Tiếng Việt giàu đẹp của NXB Trẻ, trong đó có mấy cuốn như Từ câu sai đến câu hay / Nỗi oan thì, là, mà / Logic – ngữ nghĩa từ hư tiếng Việt của Giáo sư Nguyễn Đức Dân và các giáo sư ngôn ngữ khác. (sơ-trung cấp)
  • Các sách giải nghĩa từ Hán Việt; từ gần âm, gần nghĩa; từ điển thành ngữ, tục ngữ, điển cố, điển tích; từ điển tiếng Việt (dùng bản của Viện Ngôn ngữ học do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên), v.v. (trung cấp)
  • Các sách chuyên môn hay giáo trình (đại học) về tiếng Việt thực hành và ngôn ngữ học của các chuyên gia ngôn ngữ. (cao cấp)
Bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” – NXB Trẻ.

Các tài liệu trên được mình sắp xếp theo cấp độ từ sơ cấp (dễ đọc) đến cao cấp (khó đọc). Một số tài liệu ở cấp độ trung-cao cấp sẽ hơi hàn lâm, nặng về tính học thuật của ngôn ngữ, chỉ phù hợp cho bạn nào thật sự yêu thích, đam mê và muốn đi sâu tìm hiểu về gốc rễ của ngôn ngữ học.

Giai đoạn 2: Viết có kỹ thuật

Khi đã qua được giai đoạn viết đúng, thì bước tiếp theo là làm thế nào để viết có kỹ thuật? Kỹ thuật ở đây là tổng hợp những hình thức bạn chơi đùa với con chữ để viết lách sáng tạo, viết để quảng cáo (copywriting), viết để bán hàng (content marketing), viết để kể chuyện,… Cũng là 29 chữ cái trong tiếng Việt, nhưng bạn có thể kết hợp lại để dệt nên vô vàn “tấm thảm” nội dung khác nhau, tùy theo mục đích viết lách của bạn là gì thì sẽ có kỹ thuật “dệt” tương ứng.

Nếu là người viết lách nghiệp dư, thì mục đích viết lách của họ chỉ đơn giản là viết để chia sẻ câu chuyện, kinh nghiệm hay viết để giải tỏa cảm xúc cá nhân. Người viết nghiệp dư thì không cần quá câu nệ vào phần kỹ thuật, mà chỉ cần viết sao cho thật tự nhiên như đang trải lòng mình với bạn đọc là đã thành công rồi.

Riêng với người viết lách chuyên nghiệp, họ cần học nhiều kỹ thuật viết lách khác nhau để đáp ứng yêu cầu của công việc. Dù cho đầu quân vào agency hay client, họ có thể làm việc cho nhiều thương hiệu, nhãn hàng khác nhau, và tiếp xúc với nhiều đối tượng khác hàng khác nhau, nên phải biết nhiều kỹ thuật viết để chạm tới được từng đối tượng.

Tài liệu khuyến đọc:

  • Thôi miên bằng ngôn từ – Joe Vitale (dịch giả Phan Nguyễn Khánh Đan).
  • Quảng cáo quyến rũ – Piere Martineau (dịch giả Phan Nguyễn Khánh Đan).
  • Những định luật bất biến của quảng cáo – Rosser Reeves (dịch giả Phan Nguyễn Khánh Đan).
  • Nghệ thuật viết quảng cáo – Victor O. Schwab (dịch giả Phan Nguyễn Khánh Đan).
  • Tử huyệt cảm xúc – Roy Garn (dịch giả Phan Nguyễn Khánh Đan).
  • Khiêu vũ với ngòi bút – Joseph Sugarman.
  • Làm bạn với hình, làm tình với chữ – Bút Chì.
  • 90 – 20 – 30 – 90 Bài Học Vỡ Lòng Về Ý Tưởng Và Câu Chữ – Huỳnh Vĩnh Sơn.
  • Ý tưởng này là của chúng mình – Huỳnh Vĩnh Sơn.
  • Người viết kiếm sống – Hạ Chi.

Ở lĩnh vực sách về copywriting/content marketing, mình đánh giá cao bộ sách của bên Sức Mạnh Ngòi Bút (đã ngừng hoạt động và không còn tái bản nên các cuốn bên đây làm giờ khá hiếm trên thị trường) do dịch giả Phan Nguyễn Khánh Đan biên dịch. Bởi lẽ, đối với dòng sách về kỹ thuật viết lách được mua tác quyền từ sách nước ngoài để dịch, nếu người dịch không phải là người giỏi về tiếng Việt ở cấp độ bậc thầy thì rất khó chuyển tải được câu chữ từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích sao cho hay và mượt mà. Dòng sách này trên thị trường có rất nhiều, nhưng nhiều bên dịch rất chán và đọc rất lủng củng, tối nghĩa, chỉ trừ một vài cuốn mình liệt kê ở trên có thể nói là đọc ổn nhất.

Bên cạnh sách dịch, những cuốn còn lại thuộc về kinh nghiệm cá nhân của một số người viết chuyên nghiệp trong ngành quảng cáo/sáng tạo ở Việt Nam.

Sách “Cánh đồng bất tận” – Nguyễn Ngọc Tư. Ảnh: nguoidothi.net.vn

Giai đoạn 3: Viết có phong cách

Phong cách ở đây chính là giọng văn riêng hay cá tính của người viết được thể hiện qua con chữ. Muốn định hình nên phong cách viết cá nhân, trước hết chúng ta phải đọc (input) đủ nhiều sách và đọc sách chính là một cách để học từ những cây bút có kinh nghiệm trên văn đàn.

Đọc sách có ba cái lợi:

  1. Thông qua câu cú, cách hành văn của những người viết chuẩn, ta biết được chuẩn là thế nào và tránh được viết sai.
  2. Đọc càng nhiều thì vốn từ tiếng Việt cũng càng được nâng cao, ta có thêm nhiều chất liệu để diễn đạt ý tưởng của mình sao cho trôi chảy, mạch lạc.
  3. Ta thấy được sự đa dạng sắc màu câu chữ của các nhà văn và tác giả, để ít nhiều hấp thụ từ “màu giọng” của họ để lấy làm vốn liếng sáng tạo nên phong cách của riêng mình.

Trong giới sân khấu, nghệ sĩ Trấn Thành năm xưa khi mới vào nghề thì vẫn chưa định hình được phong cách diễn riêng, mà anh học hỏi từ lối diễn của nghệ sĩ Trung Dân, Hoài Linh, Việt Hương và một số nghệ sĩ gạo cội khác. Ban đầu khi xem anh diễn, khán giả sẽ thấy nét diễn của anh thấp thoáng giống phong cách của một nghệ sĩ hài nổi tiếng nào đó, nhưng qua thời gian, khi đã định hình nên phong cách riêng, thì khán giả chỉ nhớ tới một màu sắc riêng của Trấn Thành chứ không lẫn vào ai khác được. Người viết cũng vậy, nếu tự con chữ của mình không có màu sắc, giọng văn riêng thì nên học hỏi từ những người cầm bút nổi tiếng khác. Đọc nhiều, viết nhiều, thì từ từ chúng ta sẽ tìm được một phong cách riêng cho mình.

Tuy nhiên, có một thực tế mà không phải ai cũng biết: đọc sách nhiều chưa chắc đã giúp viết tốt, nhất là khi không đọc đúng sách. Vấn đề lớn nhất của đa số người học viết là họ thường đọc sách dịch, thay vì đọc sách tiếng Việt được viết bởi người Việt. Sách dịch ở đây bao gồm cả thể loại hư cấu như văn học nước ngoài lẫn phi hư cấu như sách kỹ năng, tâm lý, khoa học thường thức,… Sở dĩ mình không khuyến khích đọc sách dịch vì hai lý do:

  1. Chất lượng các bản dịch ngày càng tệ. Khi chuyển thể từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích, nếu trình độ ngôn ngữ của người dịch không đủ giỏi thì sẽ cho ra đời một bản dịch đọc hết sức lủng củng, câu chữ nghèo nàn và đọc rất tối nghĩa. Một bản dịch hay là bản dịch đọc rất mượt, rõ ràng và dễ hiểu, độc giả không bị mắc kẹt lại bởi những câu hỏi như “Ủa chỗ nào ý tác giả là sao ta?”, “Ủa viết gì kỳ vậy đọc hiểu chết liền!”.
  2. Ngôn ngữ thể hiện cách tư duy và nền văn hóa của từng xứ sở. Cách tư duy của người phương Tây và phương Đông có sự cách biệt về phông văn hóa rất lớn, nên khi đọc văn phương Tây bạn sẽ thấy khó cảm thụ con chữ hơn văn học phương Đông của các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc – những nơi có phông văn hóa gần với Việt Nam.

Vậy đọc đúng sách thì nên đọc thể loại gì? Theo mình, để nâng cao kỹ năng viết lách, người viết nên đọc thể loại sách hư cấu như văn học, tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, tản văn, thơ ca,… còn sách phi hư cấu thì đọc cốt để lấy thông tin, học hỏi nâng cao kiến thức chứ không phải để học cách viết từ các tác giả đó. Cái hay nhất của văn học là tính chất kể chuyện, mà nhà văn là những bậc thầy kể chuyện thượng thừa.

Tuy nhiên, đọc sách văn học Việt Nam thì cũng nên đọc có chọn lọc, vì tác giả mà bạn chọn sách họ đọc càng trẻ thì ngôn từ trong văn họ viết cũng ít đa dạng, kém màu sắc hơn những bậc đàn anh đàn chị khác trên văn đàn. Thật sự là khi đọc một cuốn sách của một tác giả 9x với 7x viết, bạn sẽ thấy chất liệu ngôn ngữ và phong cách hành văn họ sử dụng có sự cách biệt rất lớn. Khi tìm đọc về những tác giả kỳ cựu hay những cây bút ở thế hệ trước, bạn sẽ thấy được có những từ ngữ gần như đã “tuyệt chủng” khi lớp cầm bút trẻ không còn sử dụng.

Tài liệu khuyến đọc:

  • Các tác phẩm của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Băng Sơn thiên về yếu tố trữ tình, lãng mạn.
  • Sách của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Đoàn Minh Phượng, Di Li,… Đây là một số cây bút cá nhân mình đánh giá có câu chữ đẹp và nên đọc để học hỏi giọng văn lẫn cách viết của họ.
  • Mùi hương (Patrick Süskind) và các tác phẩm văn học nước ngoài khác của dịch giả Lê Chu Cầu, hay Harry Potter của dịch giả Lý Lan. Đây là những tác phẩm văn học dịch thuộc hạng thượng thừa hiếm có, đọc câu chữ mê ly y như… đọc tiếng Việt nguyên bản.
  • Bộ sách của tác giả Ki Ju Lee (Hàn Quốc): Nhiệt độ ngôn ngữ, Những điều từng là quý giá, Phẩm cách của văn chương, Phẩm cách của lời nói. Bộ này dịch rất hay, câu chữ rất đẹp.

Trên đây là một số tác giả và tác phẩm văn học mình thấy xuất sắc về nội dung lẫn hình thức con chữ. Trong sở thích đọc cá nhân của mình, mình luôn cố gắng cân bằng theo tỷ tệ 4-6 (4 hư cấu – 6 phi hư cấu). Khi đọc sách phi hư cấu nhiều thông tin khô khan, nghèo nàn quá, mình sẽ chuyển sang đọc sách hư cấu để cảm nhận được sự mượt mà trong từng câu chữ và giọng văn của người viết, và để sống trong những câu chuyện thú vị của nhiều cuộc đời.

o0o

Ba giai đoạn trên là một lộ trình cơ bản để định hướng cho những bạn nào muốn sống trong nghề viết. Còn nếu bạn chỉ xem viết lách như một sở thích cá nhân, một cuộc dạo chơi với con chữ thì có thể không cần đi hết cả ba giai đoạn, cũng như không cần đi sâu trong từng giai đoạn, mà chỉ cần xem nó như một tấm bản đồ để tham khảo, và chọn ngẫu nhiên tài liệu nào bạn muốn đọc để học hỏi thêm cho phần kỹ năng mà mình đang thiếu.

Đọc tiếp Tập 4 – Luyện viết bắt đầu từ đâu?

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

6 bình luận

    • Chơn Linh Phản hồi

      Chào em,
      Cảm ơn em đã quan tâm tới series mới này. Do ít bạn quan tâm nên anh ưu tiên các series khác trước. Em có thể subscribe blog qua email để nhận bài viết mới nhé.

  1. Sách của Nguyễn Huy Thiệp anh đọc chưa ạ? Em chưa đọc nhưng thấy group sách kia hay nói đến tác giả đấy.

  2. Cuốn Mùi hương anh giới thiệu ở trên là truyện kinh dị ạ? Hôm nay em mới mua quyển này nhưng đọc review mới biết nó là truyện kinh dị, ghê tởm, biến thái ,… Em vốn yếu bóng vía thể loại này :((

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.