
Trên blog mình có đăng thông tin về dịch vụ thiết kế web/blog cá nhân. Kể từ lúc mở dịch vụ đến nay, mình đã gặp không ít khách hàng muốn lập một blog cá nhân để viết lách vì được truyền cảm hứng từ mình hay một influencer nào đó trong giới cầm bút. “Bài tập” đầu tiên mình thường giao cho các bạn là viết một trang giới thiệu về bản thân và mục đích viết blog của bạn, cũng như lên cấu trúc đề mục những chủ đề bạn dự định viết trong tương lai.
Mục đích của bài tập này là để mình lấy các thông tin cơ bản cho việc thiết kế blog, vì mình không thể dựng nên một ngôi nhà nếu không có nguyên vật liệu (nội dung) gì cả. Nhưng kết quả đa phần mình gặp là, các bạn bị tắc tị ngay từ bài tập đơn giản đầu tiên này. Nhiều bạn khi thấy người khác viết hay, viết nhiều thì nghĩ rằng rồi mình cũng sẽ viết được như vậy, nhưng căn bản là trước giờ bạn không có thói quen viết lách, đến khi cần phải viết thì lại không tài vào viết được. Hoặc khi bạn bắt đầu nghiêm túc ngồi xuống để viết một bài “khai blog”, lúc đó bạn mới nhận ra: “Ồ mình không giỏi viết lách. Chắc mình không thể nào viết blog được đâu!”. Và sau đó, dĩ nhiên không có sau đó, vì đa số đều lặn mất tăm không một lời hồi âm hoặc báo với mình là thôi không muốn làm blog nữa.
Có những thứ khi nhìn thấy người khác làm, chúng ta nghĩ là dễ, đến khi bản thân bắt tay vào làm thì mới thấy khó. Việc luyện khả năng viết lách cũng như xây một ngôi nhà, bạn phải đặt từng viên gạch một làm nền móng cho vững chắc thì sau đó mới có cái gọi là thói quen viết lách.
Người giỏi văn không viết cũng lụt nghề!
Nhiều người hay lầm tưởng rằng viết lách như một năng khiếu trời cho hay thiên tư có sẵn của một người, mà khi cần thì họ chỉ cần lấy cái thiên tư đó ra và viết thành câu chữ thôi. Ý tưởng này chỉ đúng một nửa, vì đúng là có nhiều người có năng khiếu viết văn tốt hơn một số người khác, nhưng nếu không có thói quen viết lách thường xuyên thì ai rồi cũng sẽ lụt nghề.
Ví dụ điển hình nhất là một chị sếp của mình. Chị là Tổng biên tập một công ty xuất bản, vốn là dân Văn chính hiệu: từ cấp ba đã học chuyên Văn, đi thi các kỳ thi học sinh giỏi Văn, lên đại học theo khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp (cũ). Thời sinh viên chị chuyên sáng tác, viết bài gửi báo và khả năng viết lách cũng thuộc dạng thứ dữ. Nhưng đến giai đoạn chuyển sang làm công việc biên tập viên nhà xuất bản, chị bắt đầu ngừng viết. Tính chất công việc của một biên tập viên là đọc, thẩm định bản thảo của tác giả khác và biên tập – gia cố, chỉnh sửa thêm cho tác phẩm của họ được hoàn thiện. Từ vị trí của một người viết, chỉ chuyển sang vị trí của người đi sửa câu chữ của tác giả. Cứ thế chị cần mẫn làm công việc của một biên tập viên suốt hơn 20 năm trời.
Và kết quả sau cùng là gì? Có lần chị thú thực với bọn mình, khả năng viết lách của chị bây giờ kém lắm, kém hẳn hồi xưa đi học và thậm chí còn không bằng vài bạn hay viết trong team. Bây giờ nếu bảo chị nói một bài gì đó thì chị nói được, nhưng bắt chị viết ra thì có lẽ phải ngồi loay hoay cả buổi trời. Chính quá trình chuyên tâm vào vai trò biên tập viên đã giúp chị phát triển khả năng nhạy cảm về câu chữ khi biên tập, nhưng đồng thời cũng làm mai một khả năng viết lách của chị.
Trường hợp của chị thật sự thú vị và khiến mình suy ngẫm rất nhiều. Trước giờ mình cứ tưởng rằng, một biên tập viên kỳ cựu làm việc với câu chữ nhiều, đọc sách phải gọi là như cơm bữa (input nhiều) thì khả năng viết lách cũng phải thuộc dạng thượng thừa tương ứng. Nhưng hóa ra không phải vậy, nếu không duy trì thói quen viết lách (output) thì cuối cùng khả năng này cũng từ từ biến mất.
Bản thân mình trải nghiệm điều này rắc sâu sắc. Có giai đoạn mình gần như viết blog đều đều mỗi ngày, gặp chuyện gì cũng đem ra viết, khi đó flow viết của mình như một dòng sông, nước cứ chảy ra không ngừng chứ không bị tắc tị. Nhưng cũng có quãng mình bỏ viết tầm mấy tháng, vì không có chuyện gì đặc biệt để viết hoặc mất hứng, tới lúc ngồi xuống viết lại thì dòng sông của mình rơi vào trạng thái bị đá tảng chặn dòng. Câu chữ cứ trúc trắc trục trặc, viết ra cứ cà giật dù ý tưởng trong đầu rất nhiều nhưng lại không tài nào diễn ra được câu chữ cho suôn sẻ.
Đó cũng là lúc mình nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì thói quen viết lách thường xuyên. Viết lách như một thanh kiếm, dù cho bạn được ban cho kiếm báu nhưng nếu không lấy ra dùng đều đặn thì có ngày nó cũng bị cùn hoặc bị rỉ sét. Bất cứ kỹ năng nào cũng sẽ bị mài mòn theo thời gian, chỉ có kiên trì tập luyện thì nó mới trở thành kỹ năng đi cùng bạn cả đời.

Duy trì thói quen viết lách như thế nào?
Đối với những người mới học viết, phương pháp quen thuộc nhất mà bạn có thể đã nghe là “Morning Pages” (Những trang viết buổi sáng) – viết 3 trang giấy mỗi sáng thức dậy, viết tự do thoải mái mà không cần câu nệ cấu trúc, ý tưởng. Phương pháp này do Julia Cameron khởi xướng trong cuốn sách về sáng tạo nổi tiếng The Artist’s Way.
Một số bạn bè của mình khi tham gia mấy khóa học viết lách thường được hướng dẫn thực hành theo phương pháp này. Cả một số influencer trong giới viết lách cũng thường đề cao vai trò của nó trong việc xây dựng thói quen viết lách cho người mới bắt đầu. Cá nhân mình thì chưa từng áp dụng phương pháp này, vì (1) là buổi sáng mình thích dành thời gian để đọc sách hơn và (2) là mình không có thói quen viết trên giấy vì chữ không đẹp gì mấy ^^.
Mình duy trì thói quen viết lách chủ yếu qua hai kênh:
- Viết công khai (trên Facebook/website): Bạn phải phô diễn câu chữ của mình trước bàn dân thiên hạ và chấp nhận chuyện bị người khác khen chê, đánh giá. Những bạn nào hướng nội quá có thể sẽ ngại ngùng việc này. Khi viết công khai, mình thường phải đọc đi đọc lại rất kỹ, biên tập nhiều lần bài của mình trước khi bấm đăng vì chúng đại diện cho tư duy, cho con người của mình.
- Vết riêng tư (trên blog ẩn danh): Nhà của bạn, đất của bạn nên bạn thích gì thì làm mà không cần sợ ai đánh giá hay phán xét. Khi viết riêng tư, mình được là chính mình và có nhiều không gian viết hơn. Mình có thể xả cảm xúc, viết tào lao bí đao mà không cần đọc lại để sửa câu cú hay kiểm tra lỗi đánh máy. Viết một lèo cho đã cái nư rồi bấm đăng là xong.
Việc luyện tập ở mỗi kênh viết ở trên đều có điểm mạnh điểm yếu nhất định, và sự khác biệt ở kết quả đầu ra của hai phương pháp này thì mình xin để dành lại trong một tập nào đó tiếp theo về tông giọng trong viết lách.
Nói về chuyện viết công khai, trong số 33 người xuất thân từ lớp chuyên Văn năm nào, mình thuộc vào 1% thiểu số viết nhiều nhất trên Facebook cá nhân. Lúc trước mình không ý thức được điều này, cho tới một lần họp lớp cấp ba thì một cô bạn nói đùa rằng, cứ mỗi lần lên Facebook là thấy status của Chơn Linh – lần nào cũng vậy, trong khi những bạn khác thì năm thì mười họa mới viết. Thậm chí ngay cả những người bạn làm content hay copywriter cũng không viết nhiều bằng mình, có người còn chẳng thấy đăng gì.
Một kỷ niệm vui khác là có lần một người bạn trên Facebook inbox hỏi thăm mình. Bạn hỏi mình dạo này có gặp chuyện gì không vì bữa giờ mấy tuần rồi không thấy mình đăng status gì mới. Nghe câu này thì mình hơi mắc cười, không ngờ có người theo dõi Facebook mình đều như thế và biết được lịch trình mình lên bài của mình như thế nào luôn. Mình mới nói đùa rằng, bởi “không gặp chuyện gì” nên mới không có gì để viết, chứ “gặp chuyện gì” thì đã lên bài đều đều rồi. Điều này cũng phản ánh chất liệu viết từ trải nghiệm sống mà mình đã đề cập ở tập trước – khi cuộc sống có nhiều trải nghiệm, có vấn đề xảy ra thì mình mới có chất liệu để mà viết lách kể lể, còn khi cuộc đời bình an quá thì lấy đâu ra chuyện để kể?
Đối với những người viết chuyên nghiệp hay những influencer trong giới viết lách, nếu để ý thì bạn sẽ thấy họ viết rất đều tay, hầu như không có ngày nào là họ không lên bài mới, gặp chuyện gì thì họ cũng có nhu cầu chia sẻ qua câu chữ với bạn đọc hay với fan. Đó cũng là một hình thức duy trì thói quen viết lách của họ. Ngay cả các đại văn hào hay nhà văn nổi tiếng, họ cũng dành ra vài giờ luyện viết vài ngàn chữ mỗi ngày, từ lúc họ chưa nổi tiếng cho đến lúc thành danh rồi thì họ vẫn luôn viết không ngừng.
Nếu bạn không định hướng trở thành một nhà văn hay một người viết lách chuyên nghiệp thì cũng không cần đặt quá nhiều áp lực lên bản thân với KPI mỗi ngày phải viết bao nhiêu trang hay bao nhiêu ngàn từ. Theo mình, chỉ cần bạn dành ra được vài ba buổi trong tuần để viết gì bạn thích, chia sẻ những gì bạn nghĩ thôi là đã đủ rồi. Vài ba buổi thì nhỏ đấy, rất dễ làm, nhưng làm sao duy trì nó thành một thói quen lặp đi lặp lại hằng tuần, hằng tháng, hằng năm, cho với vài ba năm thì mới là chuyện thử thách hơn bạn phải đối mặt.
Cơ mà bạn đâu cần phải xem viết lách như một cuộc chiến để “đối mặt”? Hãy xem nó như một thói quen bình thường như là đánh răng rửa mặt, uống cà phê hay uống trà mỗi buổi sáng, ăn cơm buổi trưa, đi tắm mỗi buổi tối. Chừng nào bạn biến viết lách thành một thói quen như thế, bạn không cần phải dụng công vận não động tâm mất sức để rặn ra từng chữ, mà câu chữ sẽ tự nhiên tuôn trào như một thói quen trong vô thức.