Ảnh: Unsplash

Cách đây độ 7 năm, khi Tony Buổi Sáng nổi lên như một hiện tượng mạng với loạt bài viết trên fanpage cùng cuốn sách “Cà phê cùng Tony”, khi đó mình cũng mới chập chững khởi sự một series viết lách dài kỳ đầu tiên – Chơn Linh núi Tà Lơn.

Dự án này là một phần trong “chiến dịch truyền thông” để tái định vị thương hiệu của mình với branding name mới – Chơn Linh, kể về những câu chuyện trong cõi giới thần tiên với các nhân vật như bốn thầy trò Đường Tăng, Hằng Nga tiên tử, Hồng Hài Nhi, v.v. trong đó lồng ghép một số bài học về tư duy và kỹ năng mà mình muốn gửi gắm cho các bạn trẻ mới ra trường.

Series này được bạn bè thân quen của mình đón nhận rất nồng nhiệt, cho tới khi một anh cố vấn CLB cũ mình từng tham gia vào comment: “Sao giọng văn mày viết giống Tony Buổi Sáng thế?”. Ở thời điểm đó, comment này khiến mình rất khó chịu, khi văn phong của mình bị so sánh với một tác giả khác trong khi mình không có chủ ý học theo cách viết của họ. Điều này cũng tương tự như việc một người quen gặp bạn và bảo nhìn mặt bạn trông giống với thằng X nhỏ Y hay diễn viên Z nào đó. Không ai thích bị so sánh, và cũng không ai muốn bị so sánh với người khác, đặc biệt là trong chuyện chữ nghĩa.

Câu bình luận đó cứ ám ảnh mình suốt một thời gian, khiến mình phải trăn trở về việc làm thế nào để xây dựng nên một giọng văn của riêng mình mà không lẫn thành ai khác được? Từ comment đó, mình cũng quyết định ngưng series đó lại, không còn ra tập nào mới, vì không muốn có người khác tiếp tục nhận định mình đang cố bắt chước theo phong cách Tony Buổi Sáng.

Ảnh: Unsplash

Hành trình đi tìm giọng văn riêng

Trước thời điểm xảy ra “biến cố” đó trong sự nghiệp viết lách, mình chưa bao giờ ý thức về việc định hình phong cách viết lách cá nhân hay phải xây dựng một dấu ấn thương hiệu trong giọng văn của mình. Mình viết, chỉ đơn giản là thích viết thôi, và câu chữ cứ thế tuôn trào theo dòng suy nghĩ của mình.

Trước khi xác định giọng văn của bản thân, mình phải đi tham khảo, tìm hiểu những cây bút nổi tiếng có tông giọng thế nào. Thế là mình tìm đọc khá nhiều sách, chủ yếu của các nhà văn trong nước từ thời xửa thời xưa như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Thạch Lam,… cho tới lớp đời sau như như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Duy Thuần, Nguyễn Quang Thiều, Đỗ Bích Thúy, Di Li,… Nói chung là mình tìm đọc sách của những người đã có tên có tuổi hoặc cũng nổi nổi trên văn đàn. Đọc xong mình mới thấy là dấu ấn thương hiệu trong câu chữ của họ quá đậm nét, như một kiểu tài năng bẩm sinh, mà lớp hậu bối dù có nổi lên một giọng văn nào mới, thì cũng sẽ rất dễ bị so sánh với các bậc tiền bối đã có tên tuổi về một mặt nào đó trong văn phong chữ nghĩa, trừ khi giọng văn của bạn phải hết sức mới lạ độc đáo.

Khi thấy cái tầm của mình và cái tầm của các nhà văn cách xa vời vợi như thế, mà ủa, mình cũng đâu muốn trở thành nhà văn hay copywriter! Mình chỉ là một người viết lách vì đam mê, vì yêu thích chứ đâu nuôi mộng tưởng để lại cho đời một tác phẩm kinh điển bất hủ nào về chủ nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa lãng mạn, vậy mắc gì làm khó bản thân dữ thần? Nghĩ được tới đó, mình quyết định dẹp chuyện xàm xí đú là cố gắng đi tìm một giọng văn riêng cho bản thân. Mình cứ là mình, thế thôi!

Và hành trình đi tìm tông giọng viết lách của mình cũng khép lại từ dạo đó, từ hơn 7 năm trước.

Dấu ấn cá nhân của người viết lách

Đến khi bước vào nghề biên tập sách, trong một buổi mạn đàm chuyện nghề, mình và các chị em đồng nghiệp phát hiện ra một điều thú vị. Đó là mỗi người dịch hay mỗi biên tập đều sẽ có một số dấu chỉ cá nhân trong ngôn từ để nhận diện bản sắc của họ.

Chẳng hạn, có người dịch chuyên dịch chữ “but, however” thành “song”, thay vì dùng chữ quen thuộc hơn là “nhưng”, thành ra đọc bản dịch của bạn chỉ toàn thấy “song” từ đầu tới cuối. Hay như mình, cũng có một số cụm từ mình dùng quen thành lậm, ví dụ “nhớ như in”, hễ mỗi khi viết về chuyện hồi tưởng hay nhớ lại chuyện gì đó trong quá khứ, mình lại mở đầu bằng cụm này, tới nỗi một bạn trong team bắt giò mình ngay điểm này. Và còn nhiều dấu chỉ khác để lộ phong cách ngôn ngữ cá nhân của một người, đến từ thói quen đọc và viết lách mà họ đã tích lũy trong suốt thời gian dài.

Qua cuộc mạn đàm này, mình nhận thấy một điều rằng, một người viết có thể họ không có tông giọng riêng quá nổi bật, nhưng sẽ có nhiều dấu ấn cá nhân trong câu chữ phản ánh phần nào thói quen và cá tính của họ. Văn của một người càng có nhiều dấu chỉ như vậy thì giọng văn sẽ càng bật lên rõ nét hơn, dễ nhận diện hơn.

Trên thực tế, cũng có trường hợp có người viết lách chẳng có dấu chỉ nào để nhận diện cả. Nếu bạn ngắt một đoạn ngắn hay status họ viết để ra ngoài, mà không để kèm tên họ, thì những người chuyên đọc văn của họ cũng chẳng thể nào nhận diện được. Đó là trường hợp dấu ấn cá nhân của tác giả còn rất nhạt nhòa.

Ảnh: Unsplash

Một người có thể viết được nhiều tông giọng không?

Có lần, mình nhận được donate ủng hộ của một bạn đọc bên Mỹ cho series Hành Trình Của Người Hướng Nội. Gọi là “bạn” chứ thực ra cô bằng tuổi ba mẹ mình, và cô viết một email cảm ơn sau khi đọc xong series:

Tôi ở bên Mỹ, vô tình tìm được website của Linh. Rất thú vị và trang nhã. Đặc biệt thích loạt bài “Người Hướng Nội”, tả rất đúng con người tôi. Giá như tôi được đọc cách đây… 30 năm thì có lẽ bớt vất vả tìm kiếm con người mình.

Linh viết rất tốt, từ phân tích tới diễn tả. Có điều còn thiếu hài hước. Tôi nghĩ chúng ta về sau thua các cụ thời trước về khiếu khôi hài. Nghĩ lại coi, những Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ… đều có sự tự trào, trào phúng tuyệt vời. Còn người Mỹ thì khỏi nói, hài hước là một tính cách đặt trưng của họ. Người Việt mình rất thích coi tấu hài, nhưng ít vở nào có ý tứ sâu sắc, tại sao vậy?

Sau đó vài ngày, cô gửi một email khác, bảo rằng mới đọc xong vài bài bên series Trưởng Thành Nơi Công Sở của mình và nhắn thêm:

Mới đọc bài này, xin lấy lại câu “Linh còn thiếu hài hước” :))

Đọc xong chuỗi email này thì mình chỉ biết tủm tỉm cười, vì người đọc nhận ra được hai giọng văn khác nhau của mình: một nghiêm túc, một hài hước. Thông thường khi bắt đầu một series bài viết dài kỳ hay một bài viết, một status, mình luôn xác định trước tông giọng cho nội dung đó là gì. Nếu là chủ đề nghiêm túc, có chiều sâu, mình sẽ để con người nghiêm túc, khó tính của mình trỗi dậy, và hạn chế con người bỡn cợt, giỡn hớt. Ví dụ câu mình vừa viết là một câu với tông giọng nghiêm túc, nếu giỡn hớt nó sẽ thế này:

Nếu là chủ đề nghiêm túc, có chiều sâu, mình sẽ để con người khó tính khó ở khó chiều, chằn ăn trăn quấn của mình đội mồ sống dậy và nhốt con người bỡn cợt, giỡn hớt vào hòm.

Đa số người đọc thường hay lầm tưởng rằng, một người viết sẽ có một tông giọng cố định và họ chỉ viết được một tông giọng đó thôi. Thực tế thì, mỗi người sẽ có một tông giọng là thế mạnh và họ thường phô diễn tông giọng đó ra nhiều hơn. Những ai có sự rèn luyện bằng cách viết nhiều tông giọng khác nhau thì sẽ chuyển đổi được linh hoạt, đa dạng giữa các tông giọng này.

Chẳng hạn như mình, trên mỗi nền tảng khác nhau thì mình lại chọn một tông giọng khác nhau để viết. Trên blog này thì đa phần các nội dung mình đều viết với tông giọng nghiêm túc, chỉn chu, nhưng trên Facebook cá nhân thì mình lại thích cà rỡn xéo xắc cho vui cửa vui nhà. Bởi vậy nên có một thời gian, khi mình chuyển đổi tông giọng sang chỉ viết các status nghiêm túc, nhiều bạn đọc quen lại vào comment theo kiểu: “Dạo này sao hết thấy xéo xắc rồi?”, hay “Nay đọc status lạ quá tưởng ai khác luôn”. Và ai quen đọc mấy status mình viết thì đều biết dấu chỉ quen thuộc là màn cua gắt vào ngay phút cuối, nhiều khi mở đầu thân bài mình viết rất deep nhưng bẻ cua khúc cuối thành rất nông. Just for fun!

Ở tập trước, mình có đề cập tới chuyện khi duy trì thói quen viết công khai (trên Facebook/website) và viết riêng tư (trên blog ẩn danh), kết quả đầu ra của hai phương pháp này rất khác biệt. Khi viết công khai, vì phải giữ hình tượng cá nhân nên câu chữ của mình có phần gò bó hơn nhiều, một bài viết hay một status đôi khi phải đọc đi đọc lại vài lần rồi biên tập, chỉnh sửa mới bấm đăng. Nhưng khi viết ẩn danh, mình gác lại “gánh nặng hình tượng” sang một bên và sống đúng con người thật của mình, thì giọng văn của mình khi đó trở thành… một tông giọng hoàn toàn khác. Nhiều khi chính mình đọc lại hai bài mình viết trên hai nền tảng khác nhau, mình cũng không nghĩ đó là cùng một người viết.

Kết quả cuối cùng cũng rất ngược ngạo, blog ẩn danh mình viết thì lượng subscribe và lượt view cao gấp 5 lần so với blog công khai này của mình (bạn đang đọc đó). Dù cho blog công khai mình đầu tư rất nhiều công sức và tâm huyết, mà qua nhiều năm vẫn chưa gặp được điểm bùng phát về view hay subscribe như mấy YouTuber, trong khi blog ẩn danh mình viết thì không có đầu tư gì mấy ngoài chuyện viết để xả cảm xúc và viết cho đã cái nư.

Vậy mới thấy một điều rằng, tông giọng viết lách của bạn cũng đại diện cho bản sắc cá nhân của bạn. Nếu bạn là một người đơn sắc, tông giọng của bạn cũng đơn sắc. Nếu bạn là người đa sắc hay đa nhân cách, tông giọng của bạn có thể biến hóa linh hoạt như 72 phép thần thông của Tôn Ngộ Không. Và thay vì cố gắng đi tìm một giọng văn của riêng bạn, bạn cứ là chính mình thôi, dù cho cái “chính mình” đó có thể bị nói là giống văn của người XYZ nào đó. Kệ họ!

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. T hay có kiểu đọc vội vàng, nhưng khi đọc bài viết của Chơn linh, t lại rất bình tĩnh và từ tốn và không bỏ từ nào, chắc giọng văn của Linh hợp với tôi. Cám ơn Chơn đã viết những bài chất lượng.

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.