Năm 1990, một nữ tác giả lên một chuyến đàu đông đúc ở Luân Đôn, nước Anh. Tàu đang chạy bỗng đột ngột dừng lại giữa đường. Cô và các hành khách phải ngồi đợi mỏi mòn suốt 4 tiếng đồng hồ để nhân viên khắc phục sự cố.

Nếu bị mắc kẹt ở một không gian bí bách, chật hẹp, nhìn ra cửa sổ chỉ toàn thấy sương mù ảm đạm như nước Anh thì bạn sẽ làm gì? Xin nhớ rằng thời điểm đó là năm 1990, smartphone vẫn chưa ra đời và chưa có cái gọi là wifi phủ sóng khắp nơi để bạn lướt Facebook, Instagram hay chơi game trong lúc chờ tàu sửa xong.

Trong suốt 4 tiếng ngồi không ấy, bất chợt một ý tưởng nảy ra trong đầu nữ tác giả này, về hình ảnh một cậu bé gầy gò, tóc đen, đeo kính cận, không biết mình là phù thủy sống giữa thế giới người thường. Nói tới đây ắt hẳn bạn đã hình dung ra mình đang kể về tác giả nào. Vâng, đó chính là nhà văn J.K. Rowling, tác giả bộ truyện nổi tiếng toàn thế giới – Harry Potter.

Với nguồn cảm hứng dâng trào trong lúc tàu bị hoãn như thế, J.K. Rowling khi về nhà đã viết ra một bản tóm tắt cùng một chương nháp của tập truyện đầu tiên – Harry Potter và hòn đá phù thủy. Và từ đó, câu chuyện về bộ ba Harry Potter, Ron, Hermione đã làm nức lòng không biết bao nhiêu thế hệ, đưa J.K. Rowling từ một người vô danh trở thành một nhà văn với giá trị thương hiệu được định giá tới 25 tỷ đô la theo tờ Financial Times.

Hiện tượng “lên đồng” trong viết lách

Mình gọi trải nghiệm mà nhà văn J.K. Rowling đã trải qua năm ấy để viết ra chương đầu bộ truyện Harry Potter là hiện tượng “lên đồng” trong viết lách. Đó là một thứ cảm hứng không biết từ đâu mà đến, bất chợt nảy sinh và rớt xuống đầu bạn cái đùng, và rồi trong bạn cuộn trào một cảm giác thúc bách muốn viết ra, muốn diễn tả, muốn biểu đạt cái ý tưởng đó qua việc nhào nặn trên hình hài con chữ.

Vì sao gọi là “lên đồng”? Lên đồng hay hầu đồng, hầu bóng là một hoạt động tín ngưỡng dân gian của Việt Nam bên Tứ phủ hoặc tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Trong phiên hầu đồng, người ta tin rằng các vị thần linh có thể nhập vào thân xác các cô đồng, cậu đồng để phán truyền, diệt trừ tà ma, chữa bệnh, ban phúc, ban lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào thì lúc đó các cô đồng, cậu đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần linh nhập vào họ.

Vở diễn “Tứ Phủ” của Viet Theatre

Trên thực tế, cảm hứng trong viết lách là một chuyện bạn không thể kiểm soát được theo ý mình. Nếu thực hành những dạng bài tập như “Morning Pages” (Những trang viết buổi sáng), bạn có thể hình thành thói quen viết lách đều đặn mỗi ngày, nhưng đó là một kiểu viết trong vô thức chứ chưa chắc những gì bạn viết ra đã hay và có cảm hứng tràn trề. Cảm hứng viết lách là thứ nảy sinh bất chợt, bất kể thời gian và không gian. Có khi bạn nảy sinh một ý tưởng nào đó khi đang bị kẹt cứng trong dòng xe trên đường, khi ngồi trên xe đò về quê nhìn cảnh phố phường lướt qua tầm mắt, khi đứng bên bậu cửa nhìn mưa rơi, hay khi đứng trước hiên nhà ngắm giàn bông giấy. Hay như J.K. Rowling là khi bị mắc kẹt trên chuyến tàu.

Khi nguồn cảm hứng bất chợt ập đến, những câu chữ lộn xộn dần tự sắp xếp lại ngay hàng thẳng lối và tượng hình trong tâm trí của bạn. Bạn có thể hình dung được một cách rõ ràng bố cục bài viết hay câu chuyện của mình sẽ ra sao, phần mở đầu, phần thân, phần kết sẽ triển khai như thế nào. Ý tứ này nằm ở phần này, ý tứ kia nằm ở phần kia. Chưa bao giờ mọi thứ trở nên sáng rõ như thế, và trong bạn lúc này chỉ có một thôi thúc mãnh liệt là vớ lấy một cuốn sổ hay bật máy tính, mở trình soạn thảo văn bản lên và bắt đầu phiên “lên đồng” để nhả chữ như bắn súng liên thanh, như gãy lục chỉ cầm ma liên tu bất tận trong phim kiếm hiệp.

Nhà văn J. K. Rowling

Giống như lên đồng, viết lách cũng là một nghi lễ mà những tác phẩm xuất sắc nhất chỉ xuất phát từ những lần cảm hứng tràn về như thế. Là một người viết thường xuyên và bền bỉ trong gần 10 năm, bản thân mình trải nghiệm điều này rất sâu sắc. Những bài viết hay nhất của mình và chạm tới nhiều người là những bài mình viết trong trạng thái “lên đồng” như thế, còn những bài mình cố rặn chữ ra để viết thì ngay cả chính mình đọc lại cũng thấy sống sượng nhạt phèo.

Thật sự có đôi lúc mình từng đọc lại những bài mình viết cách đây vài năm hay nhiều năm trước, mình ngạc nhiên tới mức như thể mình đang đọc bài của một-ai-đó-viết chứ không phải chính mình viết, bởi lẽ với những hiểu biết, kỹ năng và kinh nghiệm viết lách ở hiện tại thì mình không tài nào có thể viết lại một bài tương tự mà xuất thần như thế. Trải nghiệm này có lẽ cũng giống như những nghệ nhân điêu khắc hay họa sĩ vẽ tranh, có những lúc họ “lên đồng” và tạo ra những tuyệt tác xuất thần, mà sau đó bạn bảo họ điêu khắc hay vẽ lại một tác phẩm như thế thì ngay chính họ cũng không thể nào làm được.

Khoảng năm 2013, mình có mua quyển tiểu thuyết “Con chim khát tổ” của tác giả Robert Galbraith. Ngoài quyển này thì có hai quyển khác của tác giả này cũng đã được xuất bản ở Việt Nam với tựa “Con tằm”, “Nghiệp ác”. Bạn đã từng nghe qua tên những cuốn sách này chưa? Hay bạn có biết tác giả Robert Galbraith là ai không? Nếu bạn chưa nghe thì cũng dễ hiểu, vì thực tế những cuốn này không mấy nổi tiếng ở Việt Nam lẫn trên thị trường xuất bản thế giới. Bất ngờ nằm ở chỗ Robert Galbraith chính là bút danh khác của J.K. Rowling, được bà dùng để viết truyện trinh thám. Khi cuốn sách “Con chim khát tổ” lần đầu tiên được xuất bản, bút danh Robert Galbraith hoàn toàn được giữ kín và sách chỉ bán được chưa tới… 500 bản. Chỉ sau khi sự thật được tiết lộ thì số lượng bán mới tăng lên, nhưng kết quả thì vẫn “flop” như thường.

Khi mua cuốn sách ở Việt Nam, mình cũng mua vì yếu tố truyền thông do bên nhà xuất bản ở Việt Nam đã tiết lộ trước đó là bút danh khác của J.K. Rowling, nhưng thực tế mình đọc thấy chán và không cuốn như Harry Potter. Không thể phủ nhận thành công của bộ truyện Harry Potter ở Việt Nam có sự góp công rất lớn của dịch giả Lý Lan, nhưng bản chất cốt lõi là nội dung và câu chuyện của tác phẩm này đã quá xuất sắc tới mức phá vỡ mọi biên giới và rào cản ngôn ngữ để trở thành một kiệt tác lay động cảm xúc hàng triệu người. Thử nghiệm ẩn danh của J.K. Rowling với các tác phẩm khác sau này rõ ràng đã thất bại, những cuốn sách này không tạo nên hiện tượng nổi đình nổi đám như Harry Potter. Theo mình, có lẽ bà viết chúng trong tình trạng bình thường của một nhà văn chứ không trong phiên “lên đồng”, hoặc nguồn cảm hứng viết nên chúng quá nhẹ chứ không đủ đô với cả thế giới.

Biên giới của cảm hứng viết lách

Gần đây mình có xem TV series American Horror Story mùa 10 của Mỹ, một loạt phim kinh dị kỳ ảo dựa trên những giai thoại kinh dị có thật trên khắp nước Mỹ. Là một fan cứng của series này, mình đã theo dõi bộ phim liên tục suốt 11 năm, đến nay là mùa thứ 10 được phát sóng sau một năm nghỉ chiếu. Chủ đề của mùa 10 bao gồm hai phần: phần đầu về ma cà rồng, phần sau về người ngoài hành tinh. Cách lý giải của đạo diễn Ryan Murphy và đội ngũ biên kịch về hiện tượng ma cà rồng rất thú vị.

Harry (vâng, lại là Harry) là một biên kịch tự do, cùng vợ và con gái từ thành phố New York chuyển về sinh sống tại thị trấn Provincetown ở bang Massachusetts. Provincetown là một thị trấn ven biển hẻo lánh, không khí lúc nào cũng u ám, cực kỳ vắng vẻ vào mùa hè và chỉ đông khách du lịch vào mỗi mùa đông. Lý do chuyển nhà của Harry cũng là vì muốn rời khỏi cuộc sống náo nhiệt ở New York để tìm đến một chốn yên tĩnh hơn tìm cảm hứng viết lách. Nhưng tới khi chuyển đến một nơi lý tưởng như Harry hình dung, anh vẫn không rặn ra được một dòng nào trong khi deadline gửi kịch bản tập pilot (tập phim chào hàng) đã cận kề. Trên màn hình laptop của Harry là giao diện Word, với con trỏ chuột nhấp nháy, và toàn bộ trắng trơn không có một ký tự nào.

Trong lúc chán đời, Harry tìm đến một quán bar trong thị trấn giải sầu thì vô tình gặp được hai tác gia nổi tiếng tới thị trấn này nghỉ đông, một người là nữ tiểu thuyết gia đình đám với hàng chục tác phẩm best-seller, người kia là một biên kịch vàng trong làng điện ảnh với những kịch bản để đời. Choáng ngợp với tên tuổi của cả hai, Harry làm quen với họ và khoảnh khắc đó cũng là bước ngoặt trên con đường sự nghiệp của anh. Hóa ra trước khi trở nên nổi tiếng như hiện tại, bộ đôi tác giả đó cũng chỉ là những cây bút vô danh, nhưng khi tham gia thử nghiệm thuốc kích não của một nhà hóa học trong thị trấn, não của họ được kích hoạt tới mức tối đa, vùng não tạo ra cảm hứng sáng tạo hoạt động gấp cả trăm lần công suất bình thường. Khi đó cảm hứng viết lách bất chợt ập đến, họ có thể mường tượng rõ mồn một từng con chữ trong đầu và ngồi viết một mạch thâu đêm suốt sáng. Các tác phẩm họ viết sau đó gửi tới chào hàng các đơn vị xuất bản thì được săn đón nồng nhiệt, và tên tuổi họ trở nên lừng lẫy khắp nước Mỹ và cả thế giới.

Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ loại thuốc kích não đó có tác dụng phụ là khiến người uống trở nên khát máu, do các tế bào hoạt hóa trong máu đã được vận chuyển hết lên não và chuyển hóa thành năng lượng sáng tạo, buộc họ phải đi hút máu người sống để nạp lại năng lượng và cân bằng tình trạng của cơ thể. Dĩ nhiên lần đầu giết người, hút máu người thì ai cũng hoảng sợ và muốn từ bỏ, nhưng ma lực từ sự nổi tiếng quá lớn khiến họ không thể ngưng lại mà vẫn tiếp tục viết, mà để có cảm hứng viết thì cơ thể phải cần nạp năng lượng. Cứ thế, mỗi mùa đông bộ đôi này lại tới thị trấn Provincetown tìm “cảm hứng sáng tạo”, sau mùa đông họ đẻ ra cả chục tác phẩm dư sức bán trong suốt ba mùa còn lại nên sẽ về thành phố sinh hoạt bình thường, tới mùa đông năm sau mới quay trở lại săn mồi và viết tiếp.

Điều thú vị của viên thuốc kích não này nằm ở chỗ, không phải người nào uống vào thì cũng sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tạo dạt dào để tạo ra những tác phẩm xuất sắc. Viên thuốc chỉ có tác dụng đối với những người có tố chất sáng tạo sẵn bên trong họ, còn với những người không có mà tưởng là mình có, khi uống vào sẽ trở nên điên dại và trở thành zoombie ngoài bãi tha ma. Mình rất ấn tượng với cách lý giải này của phim, rất nhiều nhân vật trong phim hóa điên khi nhận ra mình không có tài, khi tất cả những gì theo đuổi trước giờ trên con đường nghệ thuật chỉ là ảo vọng. Không phải ai thích viết lách thì cũng có thể một ngày nào đó trở thành J.K. Rowling.

Tác dụng của viên thuốc kích não và trải nghiệm của người uống thuốc trong phim phần nào cũng giống với hiện tượng “lên đồng” mình mô tả ở trên, nhưng dưới một góc nhìn cực đoan đậm chất điện ảnh hơn. Như bản thân Harry dù có chuyển đến sinh sống ở một thị trấn yên tĩnh gần biển, có thể đi dạo ra ngắm biển mỗi ngày, nhưng anh lại không tìm thấy được cảm hứng viết lách một khi nó không xảy đến. Giống như series Viết hay Không Bằng Hay Viết này, mình dừng lại ở tập 8 vào tháng 5/2021, sau đó mình không có cảm hứng gì để viết tập mới nữa, dù dàn ý mỗi bài mới thì phần nào mình đã mường tượng được trong đầu, nhưng cái giây phút xuất thần để viết thì vẫn chưa xảy đến. Mình vẫn đợi mãi, cho tới tận hôm nay, những dòng này mình đang viết trong lúc cảm hứng ùa về tràn trề.

Hồi xưa lúc làm biên tập viên truyền hình ở nhà đài, có một anh quay phim thường hay đi quay chung với mình có nói một câu mà mình ngẫm thấy rất đúng, dù hơi tục: “Không gì thoải mái bằng ỉa đái kịp thời”. Cảm hứng viết lách cũng là một dạng trải nghiệm tương tự như thế, khi bạn “mắc viết” thì hãy viết ra để giải phóng nguồn cảm hứng đang cuồn cuộn trong tâm trí bạn, nhào nặn cho những câu chữ thành hình thành hài. Nếu mắc viết mà không xả chữ ra, cái sự mắc đó sẽ cứ theo đuổi, đeo bám, ám ảnh bạn mãi từ ngày này qua ngày khác, cứ như một tiếng nói vô hình nào đó cứ ở bên tai nhắc nhở, và cứ như có một sứ mệnh nào đó thúc bách bạn phải viết ra cho thỏa tâm tư.

Thông điệp ở bài viết này của mình là bạn hãy lắng nghe và nhận biết những lúc bạn sắp sửa “lên đồng” như thế, để bày biện mọi thứ sẵn sàng như cô đồng, cậu đồng chuẩn bị trước giờ làm lễ, và rồi cứ thế mà viết thôi.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải