“Bi kịch không phải là tiếng gào thét chói tai của những kẻ xấu, mà là sự im lặng đến kinh hoàng của những người tốt.”
– Martin Luther King Jr.

Gần đây mình đọc tin trên báo thấy kể vụ một người phụ nữ gốc Á 65 tuổi đang đi bộ gần Quảng trường Thời đại ở New York thì bất ngờ bị một người đàn ông sấn tới đá vào bụng. Bà hoảng hồn ngồi sụp xuống vỉa hè thì bị người đàn ông này đá tiếp vài phát đau thấu trời ông địa rồi buông mấy lời tục tĩu xối xả vô mặt bà.

Điều đáng ngạc nhiên ở đây là có ba người đàn ông đứng ở sảnh tòa nhà gần hiện trường đã chứng kiến toàn bộ vụ việc nhưng đều thờ ơ giả đò ngó lơ y như không thấy. Một trong ba người (được cho là nhân viên bảo vệ tòa nhà) còn vội vàng chạy vào đóng cửa trước tòa nhà lại. Đây chỉ là một sự việc nhỏ trong số hàng chục sự việc dấy lên về nạn kỳ thị người gốc Á ở phương Tây kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Điều gì khiến đám đông thờ ơ tảng lờ khi thấy người yếu thế hơn gặp nạn trên đường? Tại sao rất nhiều người trong chúng ta không can thiệp khi cần thiết – và điều gì sẽ khiến chúng ta sẵn sàng đứng lên hành động?

Hầu hết chúng ta đều cho rằng những hành vi xấu là do kẻ xấu thực hiện, nhưng người tốt cũng có lúc tham gia vào hành vi xấu. Im lặng có thể tạo ra cái ác. Và IM LẶNG KHÔNG LÀM TA VÔ CAN.

Mọi người thường lờ đi những hành động không cần thiết bởi vì họ không muốn tạo ấn tượng xấu khi tỏ ra ngu ngốc hoặc quá nhạy cảm. Đám đông càng lớn càng khiến chúng ta lo lắng rằng mình sẽ gây ấn tượng xấu. John Steinbeck đã viết trong Phía Đông vườn địa đàng: “Con người, sau khi phủi sạch bụi bặm và những vụn vặt của cuộc đời, sẽ chỉ còn lại những câu hỏi hóc búa: Đó là điều thiện hay ác? Tôi đã làm tốt hay không tốt?”.

Ảnh mình chụp trong một ngày nắng đẹp

Dựa trên những nghiên cứu mới nhất trong tâm lý học và khoa học thần kinh, cuốn sách Im lặng không làm ta vô can sẽ giải mã những bí mật đằng sau sự vô cảm của đám đông để làm thỏa lòng hả dạ quý vị nào mê nghiên cứu về tâm lý học hành vi với ngồn ngộn kiến thức đọc hết sức ép phê. Người dịch cuốn này, dịch giả Lâm Đặng Cam Thảo, cũng là một dịch giả quen thuộc đã dịch nhiều cuốn của Osho.

Đây cũng là một trong những cuốn sách về tâm lý rất hay mà mình biên tập, chỉ có điều cái tựa chốt cuối cùng lẫn chiếc bìa không ăn nhập làm cuốn sách bị “underrated” (đánh giá thấp), hoàn toàn chìm nghỉm trên thị trường xuất bản trong khi nội dung cuốn sách rất thú vị và thực sự đáng đọc, đáng suy ngẫm.

Vài trích đoạn hay trong sách:

“Nhiều người sẽ tham gia thực hiện đủ mọi hành vi xấu trong bối cảnh tập thể. Hầu hết mọi người đều không bao giờ hành động theo cách đó nếu ở một mình. Một trong những lý do là khi ở trong một tập thể, người ta cảm thấy ẩn danh hơn và vì vậy họ tin rằng mình sẽ không chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân. Việc đeo mặt nạ hoặc đội mũ trùm đầu, hoặc đứng trong bóng tối, được phát hiện là giúp gia tăng khả năng và mức độ nghiêm trọng của hành vi quá khích và xúc phạm người khác, ngay cả khi người đó không ở trong một tập thể.”

“Người tốt thường không tham gia vào các hành vi xấu. Nhưng nếu – dù bất cứ lý do nào – họ thực hiện một bước nhỏ theo hướng sai lầm, thì bước nhỏ đó có thể dẫn đến những bước lớn hơn cho tới khi khó có thể dừng lại.”

“Các bậc cha mẹ trong gia đình đông con sẽ nhận thấy rõ điều này: trẻ thường cảm thấy ít có trách nhiệm giúp đỡ khi thấy người khác sẵn lòng làm thay. Mỗi đứa trẻ thường sẵn lòng giúp đỡ hơn rất nhiều khi không có người khác bên cạnh. Rốt cuộc, sao bạn phải sắp xếp bàn ăn khi đã có anh trai lo việc đó?”

“Những người sống ở khu vực nông thôn có nhiều khả năng nhận được mọi kiểu giúp đỡ hơn – đổi tiền, nhặt một món đồ bị rơi, chỉ đường – so với những người sống ở khu vực thành thị. Mặc dù có nhiều yếu tố có thể góp phần tạo nên sự khác biệt này, bao gồm khả năng nhận thấy một người cần giúp đỡ trong một môi trường ồn ào và đông đúc hơn, và sự ẩn danh tương đối thấp cũng như độ gắn kết xã hội cao ở môi trường nông thôn, nhưng hoàn toàn hợp lý khi cho rằng việc phân tích thiệt-hơn cũng là một yếu tố cần cân nhắc.”

“Hãy nhớ lại thời điểm khi bạn nghe một lời nhận xét xúc phạm, một lời hạ bệ vô cớ hay một câu nói tục tĩu kỳ thị giới tính hoặc chủng tộc. Bạn đã phản ứng như thế nào? Bạn có nói gì không, và có sợ người khác nghĩ mình nhạy cảm quá mức hoặc gây ra tình cảnh lúng túng trước mọi người? Hay bạn chỉ giữ những suy nghĩ ấy cho riêng mình và không làm gì cả? Ngay cả khi chúng ta biết mình nên nói điều gì đó thì cách dễ dàng hơn cả vẫn là không nói gì.”

(Trích đoạn sách Im lặng không làm ta vô can)

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx