Ảnh: Unsplash

Đầu năm mới, mình nghe được 3 câu chuyện thú vị liên quan đến tiền bạc và gợi cho mình nhiều suy ngẫm. Xin kể lại cho quý vị độc giả nghe chơi.

Câu chuyện thứ nhất: Đầu tư, từ đâu?

Chồng một người em của mình là lập trình viên nên em quen biết khá nhiều người làm chung lĩnh vực với chồng em, trong số đó có một đàn anh chơi chung nhóm. Anh này cũng là Team Lead ở công ty cũ nơi chồng em từng làm, đã lập gia đình và là kiểu người ăn chắc mặc bền. Đối với dân IT, những bạn nào giỏi hoặc có nhiều tham vọng thường sẽ làm song song 2 công việc ở 2 công ty khác nhau để nhân đôi đầu lương hoặc nhận làm thêm các dự án bên ngoài, vì tính chất công việc IT cho các công ty nước ngoài thường không bị ràng buộc phải có mặt cố định ở văn phòng. Như chồng người em của mình làm cho 2 công ty nước ngoài và làm việc tại nhà, dĩ nhiên là phía công ty sẽ không biết nhân sự của mình hai chân hai chỗ như vậy.

So với mặt bằng chung, lương IT vốn dĩ đã rất cao và ở vị trí như Team Lead thì càng cao hơn. Người em mình từng hỏi rằng vì sao anh bạn ấy không nhận thêm job để gia tăng thu nhập thì nhận được câu trả lời rằng anh ấy thấy chuyên tâm làm một công việc là đủ rồi, làm nhiều nơi bị phân tán, không có tập trung vào công việc được. Vậy đó mà đùng một phát, tự nhiên có ngày anh chàng này lại liên hệ hỏi mượn hai vợ chồng em một khoản tiền vài chục triệu. Ban đầu người em mình thấy rất lạ, bởi với mức thu nhập và cái sự kỹ tính của anh chàng, khó có chuyện anh ấy lâm vào cảnh túng thiếu tới mức phải vay tiền bạn bè. Liệu đằng sau đó có cớ sự gì xảy ra hay không?

Vì cùng là chỗ thân thiết chơi chung nhóm với nhau nên anh chàng đó mới mở lòng tâm sự, hóa ra anh ta có nghe lời một người bạn đổ tiền vào chơi chứng khoán, ban đầu mới chơi thì lời rất nhiều, đầu tư một mà nhận về gấp hai gấp ba. Thế là anh ta hăng máu mới dốc hết tiền mình tích cóp bao lâu nay và còn vay thêm một khoản khá lớn đổ vào cuộc chơi chứng khoán, nhưng lại xui rủi gặp lúc thị trường lao dốc và đỏ lửa một thời gian dài, bao nhiêu tiền của cũng bị cuốn theo đó và không biết khi nào thị trường mới hồi trở lại. Trong khi đó, hai vợ chồng anh đang vay trả góp căn hộ chung cư đang ở, mỗi tháng phải đối mặt với khoản tiền nợ tiền lãi trả cho ngân hàng, chưa kể những khoản tiền vay của các bên khác.

Từ một người ăn chắc mặc bền, tính toán cẩn thận từng đường đi nước bước, cuối cùng anh ta gần như khánh kiệt và trở thành con nợ, phải đi vay mượn đầu này để đắp qua đầu kia, và tới bây giờ vẫn còn giấu không dám cho vợ con biết. Một kết cục mà người em của mình hoàn toàn không thể ngờ tới.

Bình luận: Trong đầu tư có một quy luật cơ bản gọi là “Đừng bao giờ để tất cả trứng vào cùng một giỏ”, tức là khoản tiền đầu tư của bạn phải phân bổ vào những kênh khác nhau, chẳng hạn như bất động sản, chứng khoán, crypto, vàng, đô-la, kinh doanh, gửi tiết kiệm, bảo hiểm,… Mục đích là để khi bạn gặp vấn đề rủi ro ở một kênh đầu tư này, các kênh đầu tư khác sẽ không bị ảnh hưởng. Còn khi bạn để tất cả trứng vào cùng một giỏ, vô tình chẳng may vấp té thì nguyên cả rổ trứng đều đổ bể tan tành. Quy luật thứ hai là tùy theo mức thu nhập của bạn, bạn chỉ nên dành ra X% (với X <= 50%) số tiền của mình cho việc đầu tư, để nếu có rủi ro lớn nhất xảy ra là mất trắng thì bạn vẫn sống ổn với số tiền còn lại.

Nhiều người khi dấn thân vào một lĩnh vực nhiều rủi ro và mạo hiểm như đầu tư chứng khoán (hay bất cứ loại hình đầu tư nào khác) thường không trang bị cho bản thân những kiến thức nền tảng về đầu tư, chưa kể ở Việt Nam cũng chưa có sự phổ cập về tư duy đầu tư và quản lý tài chính ở bậc giáo dục phổ thông. Kiến thức đầu tư căn bản là cái nền, còn kiến thức chuyên sâu hơn trong từng loại hình đầu tư cũng là thứ mà bạn phải “tầm sư học đạo” hoặc bỏ công mày mò nghiên cứu để am hiểu thị trường trước khi bỏ tiền ra đầu tư. Có khá nhiều người bước vào thị trường đầu tư theo kiểu lơ tơ mơ không biết gì, chỉ vì tin tưởng một người bạn hay người anh em nào đấy, thấy họ chơi chứng khoán hay crypto lời x2 x5 x10 nghe thấy ham quá nên chơi theo, để rồi cuối cùng là tán gia bại sản chỉ vì thiếu mất phần nền móng và chưa trang bị đủ kiến thức để làm chủ đồng tiền mình đầu tư.

Lòng tham của con người vốn dĩ không đáy, nhất là đứng trước những cơ hội kiếm tiền quá dễ dàng, nên một người vốn kỹ tính và ăn chắc mặc bền như anh chàng trong câu chuyện kể trên cuối cùng cũng lâm vào hoàn cảnh mà bạn bè không ai ngờ tới được. Vậy mới thấy ở đời muốn giàu có thì phải nhọc tâm phí sức, người có thể kiếm được tiền từ những khoản họ đầu tư cũng phải bỏ ra nhiều công sức mày mò nghiên cứu, thử và sai trên thị trường, chứ không có chuyện ngồi đó rung đùi thì tiền tự nhiên chảy vào túi.

Ảnh: Unsplash

Câu chuyện thứ hai: Tiền mất, tật mang

Đợt Tết này mình thấy ở nhà mình bỗng dưng có rất nhiều chuối, tới 5-6 nải chuối chất cả đống, mới thắc mắc hỏi mẹ mình. Hỏi ra mới biết, hóa ra chuối đó do một chú nọ gần nhà mình cho lại. Vốn dĩ chú mua một buồng chuối tính đem về cho vợ cúng Tết với chia cho bà con họ hàng, ai ngờ nghe tin dữ vợ chú phải vào nhập viện ở bệnh viện Chợ Rẫy ngay 29 Tết, thành ra chú mới cho lại nhà mình để chia cho mọi người ăn bớt chứ chú phải vội vàng lo về thu xếp đi Sài Gòn.

Đầu đuôi câu chuyện là vợ chú có cho một người trong xóm vay tiền làm ăn, nhưng tới hẹn phải trả thì không thấy trả. Sau nhiều lần hứa hẹn đòi tới đòi lui, vợ chú làm dữ lên thì bị người mượn xách dao rượt chém, làm tét một đường trên đầu phải nhập viện để khâu lại. Tự nhiên đang yên đang lành chuẩn bị sửa soạn ăn Tết, kết cục cả nhà đều vô bệnh viện ăn Tết.

Một người chị họ của mình cũng từng cho anh trai mượn 30 triệu để phẫu thuật vì vợ chồng anh không có khả năng xoay xở kịp một số tiền khá lớn. Đến nay cũng đã hơn 3 năm, sức khỏe người anh đã bình phục trở lại và cũng đã đi làm có thu nhập ổn định hằng tháng, nhưng số tiền đã cho mượn thì tới giờ vẫn không thấy trả, mỗi lần hỏi tới đều đánh trống lảng. Người vợ của anh này đi vay tiền ngân hàng rồi thiếu nợ hơn chục triệu, ngân hàng đòi không được rồi chuyển qua bên giang hồ đòi, họ kéo tới tận nhà và lên tận trường con gái của anh chị để phá.

Cuối cùng, anh phải vay một người chị họ khác để trả trước, nhưng lại bảo chị này cấn sang cho người em gái trả giùm. Vấn đề ở đây là anh ta có lương hằng tháng, có thể trích ra một khoản trả nợ cho người em gái lẫn người chị họ kia, nhưng lại không muốn trả mà lại đòi hỏi cắc cớ người em gái phải gánh giùm nợ cho vợ chồng mình. Trong khi đó, cô em gái cũng có gia đình riêng và cũng phải lo nuôi con gái ăn học, thu nhập cũng chỉ ngang ngửa anh chứ không nhiều nhặn hơn anh là bao.

Bình luận: Lúc mượn tiền thì người ta luôn lời ngon tiếng ngọt, một điều nhịn chín điều nhường cung kính với mình, nhưng tới khi đòi tiền thì người ta có thể lật mặt, tỏ thái độ khó chịu hay xem như chưa từng mượn mình đồng nào, có người còn tráo trở hơn tới mức chửi mắng, đuổi đánh hay xách dao chém ngược lại. Có lẽ một trong những phép thử tốt nhất để đo lòng người là cho ai đó mượn tiền rồi xem khi nào họ trả bạn, có chủ động trả không và trả với thái độ như thế nào. Tuy nhiên, bạn cũng cần cẩn trọng với những người biết “diễn” khi những lần đầu mượn số tiền ít hay vừa, họ diễn rất tròn vai, nhưng tới khi mượn một số tiền lớn thì lại quay ngoắt lật mặt như một người khác.

Về cơ bản, việc bạn cho ai đó mượn một số tiền lớn thì cũng như một khoản đầu tư – đầu tư vào con người. Giống như quy luật ở câu chuyện thứ nhất, ngay từ đầu bạn phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro là số tiền “đầu tư” đó có thể mất hoàn toàn, đồng nghĩa là bạn mất luôn mối quan hệ với người đó, vì qua thái độ và cách hành xử của họ trong chuyện trả tiền thì bạn đã biết bản chất con người ta ra sao. Ngược lại, nếu đầu tư vào đúng chỗ, số tiền của bạn có thể sinh lời – tiền lãi (có thể có hoặc không) và sự gắn kết, tin tưởng trong một mối quan hệ. Lẽ vậy, trước khi quyết định cho mượn, nếu bạn cảm thấy mình không thể chấp nhận được rủi ro đó, tốt nhất hãy tìm lý do thoái thác và đừng cho mượn.

Ảnh: Unsplash

Câu chuyện thứ ba: Một đời kiếm tiền

Một bác hàng xóm cũ, thi thoảng ghé nhà mình chơi, có kể cho mẹ mình nghe câu chuyện về một người cháu của bác. Anh trạc khoảng 40 tuổi, sống độc thân và cũng không có người yêu, làm việc cho một tập đoàn nước ngoài với mức lương tháng tầm 4.000 – 5.000 USD, thường xuyên đi công tác nước ngoài và đi được khá nhiều nước, sở hữu hai căn hộ chung cư ở Sài Gòn. Với thâm niên gần 20 năm đi làm, anh tích lũy được một lượng tài sản rất lớn và thuộc dạng có của ăn của để trong dòng họ. Nhưng gần Tết, bất thình lình người nhà nghe tin anh đã tử vong. Lý do tử vong thì ngoài gia đình anh ra, những người thân khác trong họ hàng không ai biết được chính xác vì hôm nay anh mất thì hôm sau xác đã hỏa thiêu. Không ai rõ là anh mất vì đột quỵ hay vì một lý do nhạy cảm nào khác như tự tử.

Một người anh khác mình có quen, là anh em họ với anh đã mất kể trên, kể cho mình thêm một thông tin bên lề là anh này sống khá cô đơn, ít giao thiệp với bạn bè hay anh em họ trong nhà, thành ra mọi người cũng không biết anh ấy có đang gặp vấn đề gì bế tắc trong cuộc sống hay có bệnh tật gì không. Cái chết diễn ra quá đột ngột, khiến mọi người trong gia đình ai nấy đều ngỡ ngàng. Với khối tài sản để lại quá lớn và không có di chúc gì cả, ba mẹ của anh đều đã qua đời, các anh chị em khác của anh bắt đầu cuộc chiến tranh giành tài sản của người quá cố.

Bình luận: Có những người dành cả cuộc đời họ ra để kiếm tiền, nhưng cuối cùng số tiền đó họ chưa được hưởng thụ thì đã thấy bản thân bước sang bên kia cửa tử lúc nào không hay. Kết cục là số tiền mình vất vả nỗ lực phấn đấu và tích cóp dành dụm cả đời, cuối cùng lại thuộc về những người không làm gì cả mà được hưởng trọn. Có đáng không? Và kiếm bao nhiêu tiền mới là đủ?

Có nhiều người lao vào vòng xoáy kim tiền và kiếm được số tiền vượt quá nhu cầu sử dụng của bản thân, nhưng không bao giờ họ thấy đủ mà vẫn muốn kiếm thêm, đã giàu rồi thì muốn giàu hơn nữa. Một cái nhà thôi chưa đủ phải mua hai, ba cái nhà, rồi đầu tư bất động sản chỗ này chỗ nọ. Trên hành trình kiếm tiền đó, đôi khi họ bỏ quên mất những thứ ý nghĩa và đáng giá hơn trong cuộc sống mà có nhiều tiền chưa chắc đã mua được. Ừ thì anh nhiều tiền, anh có thể ở một cái bệnh viện sang chảnh như khách sạn năm sao với phòng VIP riêng mình anh, nhưng không có sức khỏe thì nằm trên đống tiền để làm gì? Ừ thì chị nhiều tiền, chị có thể sở hữu cả chục bất động sản rải rác khắp các tỉnh thành, chị có thể nằm trên một cái nệm cao cấp với chăn lông ngỗng, nhưng phải uống thuốc ngủ mới ngủ được thì tiền nhiều để làm gì?

Có nhiều thứ giá trị trong cuộc đời, không cần phải nhiều tiền mới có được vì chúng luôn hiện hữu quanh bạn, bình thường và giản dị, chỉ là bạn không hề để tâm. Thay vì cố gắng tích lũy cho thật nhiều tiền, hãy chỉ kiếm tiền vừa đủ dùng và tận hưởng những ngày bạn-còn-sống trên trần thế, vì mỗi ngày được sống là mỗi ngày để linh hồn chúng ta học hỏi, khám phá và hoàn thiện bản thân, chứ không phải để chạy theo đồng tiền. Bài học vật chất chỉ là một trong số những bài học mà linh hồn cần phải học, nếu cán cân của bạn quá thiên lệch về đầu vật chất thì đầu tinh thần sẽ bị bấp bênh. Chỉ khi cán cân nằm ở vị trí thăng bằng thì đời sống của bạn mới được nhẹ nhàng, bình an.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.