Trong một khoảnh khắc khi nhìn bóng đèn điện phụt tắt sáng nay, trong đầu tôi chợt lóe lên ánh đèn điện chập chờn năm nào chốn quê nhà.

Ngày ấy, trong thế giới của một đứa nhỏ thích quan sát thế giới, mọi thứ đều hiện hình thành những câu hỏi. Mỗi lần về quê ngoại, đêm về nằm nhìn lên trần nhà, tôi vẫn thường băn khoăn tự hỏi: “Tại sao đèn ở đây lại sáng yếu thế? Tại sao đèn không sáng như ở nhà mình?”

Trong đêm tối, cả một gian nhà lớn của ngoại được thắp sáng bởi duy nhất một bóng đèn neon dài, lan tỏa chút ánh sáng hiu hắt xuống thềm nhà. Hồi ấy, điện đóm vẫn còn là của hiếm, không phải nhà nào cũng có điều kiện lắp đèn điện sáng trưng như ở thành phố. Bình thường ở nhà tôi, một gian phòng thôi đã lắp hai bóng đèn ở hai bên, để ánh sáng được phủ đều khắp phòng vào buổi tối. Khi về quê, trong một không gian rộng lớn mà chỉ có một bóng đèn, mà bóng đèn đã sử dụng rất lâu nên ánh sáng đã vào độ cuối mùa, yếu ớt và chập chờn như thể muốn phụt tắt.

Thời ấy ở quê vẫn còn dùng đèn dầu, nhắc tới đèn dầu mới nhớ đã lâu rồi tôi không còn thấy lại hình ảnh quen thuộc này năm xưa. Nhớ năm học lớp 3, có một chi tiết trong quyển sách Tiếng Việt khiến tôi ấn tượng mãi, là hình ảnh bạn Lan mặc đồ bộ, cầm ngọn đèn dầu đi trong đêm, lúc đấy sách còn tô màu cam cam hoặc xanh xanh chứ không có đủ màu sắc như bây giờ. Hình ảnh đó khiến tôi ấn tượng sâu sắc bởi nó như một cảnh deja vu lúc chị họ tôi buổi đêm cầm đèn dầu đi… nhà xí. Ở quê nhà xí không nằm bên trong nhà như ở thành phố,  mà thường nằm một góc trong vườn, đêm thì tối thui, con nít lại sợ ma nên đi nhà xí phải rủ nhau đi cả đám để một đứa đi, những đứa còn lại đứng ngoài canh. Và đi ra vườn ban đêm phải cầm theo cây đèn dầu để soi đường. Bởi vậy, khi nhìn bức ảnh trong sách, tôi đã luôn mặc định đó là bà chị họ của mình, và cô bé trong sách đang đi… nhà xí chứ không đi đâu hết vào buổi đêm.

Ngọn đèn dầu héo hắt còn gắn liền với hình ảnh tần tảo của dì Tư trong những đêm ngồi ở quán. Quán chỉ là một cái sạp nhỏ đầu hẻm, bán dăm ba món tạp hóa nhu yếu phẩm lặt vặt cho bà con chòm xóm, vì chốn thôn dã không có kiểu tiệm tạp hóa như thành thị. Lúc ấy còn chưa có sự xuất hiện của cái gọi là đèn đường, chỉ có ánh sáng của trăng, và ngọn đèo dầu leo lét ở quán dì Tư. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh dì ngồi bên ngọn đèn dầu vá áo, như cảnh một bà mẹ điển hình trong chiến tranh, vài ba vị khách ngồi ở quán nói chuyện rôm rả. Cả không gian thu về trong một ngọn đèn.

Đèn dầu, có một cái rất hay là được đốt bằng dầu hỏa nên bốc lên mùi xăng, những ai thích ngửi mùi xăng như tôi sẽ rất thích cái mùi của nó. Khi bấc cháy, khói sẽ bốc lên, ám muội khói đen quanh thành cái hột vịt – một từ dùng để chỉ cái bóng đèn bằng kiếng chụp lên ngọn đèn dầu (bởi vậy mới gọi là đèn dầu hột vịt). Đặc biệt, hồi xưa hễ tới quán hột vịt lộn là thể nào cũng thấy đèn dầu, đã là đèn dầu thì phải đi đôi với hột vịt lộn như một cặp bài trùng. Vì hồi ấy làm gì có đèn điện, đèn sạc xách theo bán quán như bây giờ, muốn thắp sáng trong đêm chỉ có mỗi đèn dầu.

Có một trò vui tôi vẫn thường hay nghịch với ngọn đèn dầu, là lấy một tờ giấy tập hơ trên ngọn lửa để ám khói đen thùi, nếu để quá tay nó sẽ bốc cháy thành một mảng tròn ở giữa. Nhớ những mùa cận Tết bán hột dưa bỏ bịch nhỏ nhỏ cho khách mua nẻ chơi, tôi cùng mấy chị họ thường phụ dì Tư đổ hột dưa vô bịch nilon con con, rồi gấp mép lại, hơ qua ngọn đèn dầu một phát cho lửa làm quíu chất nhựa. Như vậy sẽ không cần phải dùng tới dây thun để cột lại, vì thời ấy mua dây thun cũng mắc lắm chớ bộ, đâu phải dễ dàng có được nắm dây thun cột chơi. Còn nhớ lúc đó, trà thì không được bỏ bịch nilon để hơ lửa vì bịch nilon sẽ làm hư mùi trà. Dì Tư thường gói trà trong giấy báo hoặc tập cũ của học trò, gói thành từng gói nhỏ như gói thuốc. Người lớn thường mua gói đem về pha trà uống, chứ chẳng có thập cẩm các loại trà đóng gói sẵn bày bán ở siêu thị như bây giờ.

Một đêm nọ, buổi tối bất thình lình cúp điện dù mới tầm 7 giờ vừa cơm nước xong. Không có điện đóm, cũng không có ti vi để xem vô tuyến truyền hình, nhà nào cũng kéo ra trước sân ngồi nói chuyện hoặc nằm chơi xơi nước ngắm trăng. Lúc cúp điện thì đèn dầu bao giờ cũng là vị cứu tinh để soi đường chỉ lối cho cả nhà, đặc biệt là đứa con nít rất sợ cúp điện tối om như tôi. Nhưng trước sự vằng vặc của ánh trăng, ngọn đèn dầu cũng phải khép mình nhún nhường, làm tôi chợt nhớ mấy câu ca dao tiểu học:

Đèn khoe đèn tỏ hơn trăng
Đèn ra trước gió còn chăng hỡi đèn?
Trăng khoe trăng tỏ hơn đèn
Sao trăng lại phải chịu luồn đám mây?

Mãi đến khi trưởng thành, tôi mới nhận ra một điều, bóng đèn ở nhà ngoại sáng yếu vì nó đã quá tuổi thọ, đã gần chết bóng nhưng vì tiết kiệm nên nhà ngoại không thay cái mới mà phải đợi đến khi nó hư mới thay. Cũng như khi thấy một tuýp kem đánh răng ở nhà ngoại, mọi người đã vắt sạch tới mức dẹp lép nhưng vẫn còn để đó dùng đến khi nào hết hẳn, không như nhà tôi thấy nặn hết được ra kem đã vứt đi rồi.

Đôi khi nhìn lại, mới thấy đó là sự cám cảnh của cái nghèo khó của một thời quá khứ, mà con nít như tôi thì không hiểu được. Và chợt thấy mình may mắn khi từng sống trong cảnh khốn khó nhưng lại luôn nghĩ mình giàu có…

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx