Ảnh: Chơn Linh

Khi người ta trưởng thành, họ không còn đong đếm thời gian qua những tờ lịch cũ. Thời gian như những sự kiện trôi nhanh lướt qua đời người. Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Tết Tây, rồi lại Tết Nguyên đán. Một năm trôi đi rất nhanh, người ta bắt đầu nhận ra lễ tiết bởi không khí nhộn nhịp nơi phố phường chứ không còn để tâm nơi ngày tháng.

Mùa trung thu năm Covid, không còn hình ảnh những gian hàng bánh trung thu vàng vàng đỏ đỏ chộn rộn hai bên đường từ độ rằm tháng bảy, hay những hộp bánh trung thu người ta biếu tặng nhau hay công ty tặng nhân viên. Mà dẫu cho không có Covid, thì cái chất trung thu náo nức, rộn ràng dường như đã trôi qua lâu lắm rồi, không thể nào tìm lại được những mùa trung thu dĩ vãng.

Nhớ ngày xưa, cái hồi còn lóc cha lóc chóc chạy nhảy, con nít nghe nhắc đến trung thu là thấy háo hức, chộn rộn vô cùng. Không khí trung thu âm thầm và lặng lẽ rộ lên khi qua rằm tháng bảy cúng cô hồn, len lỏi vào đời thường như một nụ mai vàng chợt thấy sau những ngày đông. Khi xưa thì trung thu cũng là một dịp lễ quan trọng có kém cạnh ngày Tết đâu, là Tết đoàn viên nên ai nấy cũng đều cố gắng thu xếp trở về nhà, đoàn tụ quây quần với gia đình, thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà tổ tiên.

Ảnh: Chơn Linh

Ấn tượng nhất với mình là những mùa trung thu trải qua ở quê ngoại. Cuộc sống ở quê và thành thị là hai mảng hoàn toàn khác biệt, ví von như ánh trăng và ánh đèn điện bên đường. Trẻ em ở quê đón trung thu bằng niềm hân hoan của tuổi nhỏ, trong những món đồ chơi tự tay làm và những cuộc vui chúng tự tổ chức. Không phải bằng những mâm quà bánh đầy tú hụ, những chiếc lồng đèn điện tử phát nhạc xập xình hay đoàn diễu hành lồng đèn nườm nượp dưới phố, ấy vậy mà rộn rã vô cùng.

Hồi ấy trước mỗi dịp trung thu, mấy anh chị họ mình hay tụ tập lại làm lồng đèn. Cái lồng đèn nan tre giấy kiếng bây giờ rẻ rề chứ hồi xưa ở quê con nít cũng không có tiền mà mua chơi. Lồng đèn thường làm bằng lon sữa bò, cái loại sữa Ông Thọ hay Phương Nam ngày xưa người ta mua cho con nít còn ẵm bồng hay người bệnh uống. Cũng phải vất vả lắm mới đi xin hay thu thập khắp nơi về một đống lon sữa bò rồi chà rửa cho sạch. Mấy kiểu lồng đèn quen thuộc anh họ mình thường làm là lấy đinh đục lỗ khắp lon sữa bò, cột cọng dây kẽm thành cái quai để xách đi tòn ten. Một kiểu khác kỳ công hơn là làm lồng đèn xe đẩy biến tấu từ hai lon sữa bò, đục lỗ ở lon này và nối với lon dưới bằng một thanh kẽm cứng. Dưới đáy lon sữa phía trên có đục nhiều lỗ nhỏ, trong đó gắn đèn cầy, mỗi khi đẩy lồng đèn phát ra tiếng leng keng và ánh nến bên trong hắt ra rất đẹp.

Lồng đèn xe đẩy làm bằng hai lon sữa bò

Xóm thì thường con nít rất đông, đứa nào tới trung thu cũng ráng có bằng được cái lồng đèn làm từ lon sữa bò để đi rước đèn chung với nhau. Không có thì thế nào cũng tỉ tê khóc lóc, nằng nặc đòi cho bằng được. Rồi chập choạng tối khi đã ăn cơm xong, đứa nào đứa nấy tắm rửa sạch sẽ tụ hội trong sân nhà một đứa. Trong tay mỗi đứa nhỏ là một cái lồng đèn con con, đứa thì xách quai, đứa thì đẩy. Cả bầy nối đuôi nhau đi diễu hành một vòng quanh xóm, tiếng cười nói hí hửng hòa cùng tiếng leng keng phát ra từ lồng đèn làm nô nức cả xóm quê.

Đêm rằm trung thu trăng lên sáng vằng vặc, ở quê hồi ấy ít xài đèn điện, người ta chủ yếu xài đèn dầu nên ánh nến từ trong mấy chiếc lồng đèn của tụi nhỏ phát ra càng lung linh, huyền ảo hơn. Ánh sáng li ti, lọt ra những khe nhỏ trên chiếc lon sữa bò tạo thành những luồng sáng lập lòe, lấp lửng trong không trung khi nhìn từ đằng xa. Bóng mấy đứa nhỏ in dài trên mặt đường, rơi rớt trên những ngõ nhỏ đi qua hòa cùng ánh trăng tạo nên một đêm kỳ ảo mà thiêng liêng vô cùng.

Lồng đèn lon sữa bò hình bông hoa

Rồi những mùa trung thu cũng trôi dần như khoảng cách từ quê về phố. Ở phố, hơn hai chục năm trước đây trung thu vẫn còn mang nhiều màu sắc rất riêng đọng lại trong niềm vui trẻ nhỏ. Hồi ấy là thời mà lồng đèn điện tử Trung Quốc ồ ạt tiến vào thị trường và đánh bật những sản phẩm lồng đèn quen thuộc của Việt Nam. Đứa con nít nào cũng hứng thú với cái lồng đèn điện tử bỏ pin vào, bật công tắc một cái là có đèn xanh xanh đỏ đỏ, nhạc vang lên khoái chí vô cùng. Hồi mình còn nhỏ, năm nào gần tới trung thu cũng đòi mẹ chở ra khu phố của người Hoa để mua một cái lồng đèn điện tử, mỗi năm là mỗi cái khác nhau vì chẳng có cái nào xài qua được hết một năm.

Cái lồng đèn điện tử ấy khi mình đem về quê chơi thì bao nhiêu đứa con nít thích chí, tò mò bu quanh để xem. Lần đầu tiên nhìn thấy nên đứa nào cũng lạ lẫm, hết sờ vào rồi cầm lên mân mê, đứa nào cũng ao ước có được một cái giống như vậy. Ấy vậy mà giờ nhìn lại hình ảnh những chiếc lồng đèn lon sữa bò, lồng đèn giấy kiếng nan tre lại thấy quá đỗi thân thương, bình dị vô cùng. Có ánh sáng nhân tạo nào đẹp đẽ như ánh sáng từ cây đèn cầy heo hắt trong đêm rằm phát ra, có tiếng nhạc điện tử nào hay bằng tiếng cười nói rổn rảng của tụi con nít?

Lồng đèn điện tử Trung Quốc

Trung thu tuổi nhỏ còn đọng lại là những chiếc bánh vuông vuông mà đứa con nít nào cũng thèm thuồng. Hồi ấy bánh trung thu không phải là thứ quà cáp biếu xén nhan nhản, nhà nào dư dả lắm mới mua được vài hộp để nhà ăn hay biếu tặng người thân trong gia đình. Ngoài bánh trung thu dành riêng cho người lớn còn có loại bánh dành cho con nít, đó là mấy chiếc bánh trung thu con con cỡ bàn tay trẻ nhỏ, chiếc bánh hình con lợn quay, hình ông trăng tròn tròn dăm ba ngàn một cái ở các tiệm tạp hóa nhỏ.

Rằm trung thu đến còn rộn ràng ở những xóm đạo, nơi nhà thờ hay tổ chức phát bánh trung thu và đèn cầy cho tụi nhỏ. Mặc dù trong nhà chẳng có ai theo đạo cũng như đi lễ nhà thờ vậy mà đứa nào cũng chen lấn xếp hàng để chờ nhận bánh. Con nít ở quê hay ở phố thì cũng chỉ là con nít, cũng có ngần ấy niềm vui trong ngày trung thu với chiếc lồng đèn và quà bánh. Ở phố, tụi con nít xóm mình ngày trước không đứa nào làm lồng đèn bằng lon sữa bò cả, và có lon sữa cũng chẳng ai biết làm nên chỉ có lồng đèn điện tử, lồng đèn giấy kiếng, lồng đèn giấy xếp đủ kiểu mà rồng rắn nối đuôi nhau đi vòng quanh cả xóm.

Ảnh: Chơn Linh

Nhiều năm trôi qua, đứa con nít nào rồi cũng có lúc lớn lên, rồi trưởng thành. Mấy ai còn nhớ lại những mùa trung thu tuổi nhỏ vui vầy, những chiếc lồng đèn làm bằng lon sữa leng keng khắp xóm. Trung thu ở phố giờ đọng lại không còn gì ngoài những quầy bánh trung thu rộ lên vào một sớm nọ bên đường rồi chợt tắt khi rằm đi qua.

Tự dưng mình chợt nhớ câu chuyện vui vui về thằng cháu trong nhà. Giữa cái thời bao nhiêu thứ lồng đèn đủ loại bán nhan nhản, nó lại nằng nặc đòi dì Út làm cho nó cái lồng đèn bánh ú bằng nan tre, giấy kiếng. Ừ thì Út cũng bỏ công một buổi làm cho nó, xong rồi nó phán “Cái bánh ú gì méo xẹo dì Út ơi!”…

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.