Ảnh: Unsplash.com

Mình có một chị bạn, vốn là du học sinh Anh quốc, hiện đang làm việc ở một tập đoàn đa quốc gia. Chị thích đọc sách, nhưng vấn đề lớn nhất chị gặp phải là không biết chọn sách như thế nào giữa một rừng hàng vạn cuốn sách trên thị trường xuất bản Việt Nam. Chị cũng không có nhiều thời gian để tham gia vào mấy hội nhóm trên Facebook chuyên review sách, hay theo dõi những trang chuyên review sách như Trạm Đọc để biết cuốn nào là sách hot, sách hay để mà tìm đọc.

Thế là, mỗi lần có hứng muốn đọc sách, chị lại inbox nhẹ cho mình, hỏi em ơi dạo này có cuốn sách nào hay không giới thiệu chị. Và mình sẽ giới thiệu cho chị một vài tựa sách mình tâm đắc gần đây, tất nhiên là phải phù hợp với gu đọc sách của chị. Kết quả cũng tích cực là những cuốn mình giới thiệu cho chị, hay nhiều bạn khác, thì ai nấy đọc cũng đều thấy hay và tâm đắc y như mình. Đó cũng là một chút niềm vui nhỏ của “đại sứ” chuyên quảng bá văn hóa đọc như mình.

Ở bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số bí quyết chọn sách của mình cho mọi người tham khảo.

1. Đi tìm lời giải đáp cho một vấn đề

Trong cuộc sống của mỗi người, mình luôn tin rằng chúng ta luôn phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn và nan giải khác nhau. Khi thì là vấn đề lựa chọn giữa ngã ba đường, khi thì là vấn đề cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống, khi thì là vấn đề theo đuổi đam mê, khi thì là trắc trở trong chuyện tình cảm hay hôn nhân gia đình, khi thì là vấn đề về sức khỏe thể chất hay sức khỏe tinh thần, v.v. Hiếm có ai sống được một cuộc đời luôn suôn sẻ và thuận lợi, đường dưới chân đều trải đầy hoa hồng đã được cắt bỏ hết gai hay những ổ voi, ổ gà đã được san bằng phẳng. Những người như vậy là người có phước phần rất lớn, và người như vậy chỉ là thiểu số trong xã hội.

Khi đối diện với một vấn đề, con người ta thường có hai tâm thế: hoặc là bị mắc kẹt trong vấn đề đó, loay hoay hoài không thoát ra được; hoặc là cố tìm đủ mọi cách để vùng vẫy, giải quyết cho bằng được vấn đề mới thôi. Thông thường, trong tự bản chất của mỗi vấn đề đều đi kèm không chỉ một mà là nhiều giải pháp, chỉ là vì chúng ta thiếu trí nên mới không nhìn ra được giải pháp đó là gì. Câu trả lời cho những vấn đề bạn gặp phải trong cuộc sống có thể tìm được từ một cuốn sách, một khóa học, hay một người thầy.

Khi bản thân mình gặp phải một vấn đề nào đó, mình thường tự đi tìm lời giải qua rất nhiều cuốn sách liên quan tới vấn đề mình đang gặp. Ví dụ, nếu mình thấy vấn đề của mình là hướng nội, ngại giao tiếp với đám đông, thì mình sẽ tìm đọc hết tất tần tật những cuốn sách về chủ đề kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng xây dựng lòng tự tin,… Hoặc khi mình có vấn đề về mặt tâm lý do những ký ức từ tuổi thơ để lại, mình sẽ tìm đọc những cuốn sách về chủ đề sang chấn tâm lý, chữa lành nỗi đau, chữa lành đứa trẻ bên trong bạn,…

Trong quá trình đồng hành với những cuốn sách đó, thường là mình sẽ tìm thấy được câu trả lời mình cần, và hiểu được cơ chế để lý giải cho vấn đề mình đang gặp phải ở nhiều góc độ khác nhau. Một khi bạn từng bước giải quyết được hết các vấn đề của bạn từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, thì cuộc sống tự nhiên sẽ cũng trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

2. Đi theo một tác giả yêu thích

Giống như trong chuyện nghe nhạc, mỗi người sẽ có một ca sĩ và dòng nhạc mình yêu thích. Ca sĩ ở đây tương ứng với tác giả, còn dòng nhạc tương ứng với thể loại sách. Người thì thích nghe nhạc pop, người thì thích nghe nhạc rock, người thì lại thích nghe nhạc thính phòng. Hẳn là trong playlist của chúng ta ai cũng có một vài ca sĩ mình thần tượng, hễ họ ra ca khúc nào mới thì chúng ta cũng tìm nghe.

Chuyện đọc sách cũng tương tự, khi mình đọc một cuốn sách và yêu thích tư duy, phong cách lẫn văn phong của một tác giả, thì mặc nhiên mình sẽ tìm đọc hết tất cả những cuốn sách khác của họ. Chẳng hạn, mình rất mê lối viết của bộ đôi tác giả Chip Heath & Dan Heath, thế là NXB Trẻ phát hành bao nhiêu cuốn của nhóm tác giả này mình đều mua về, và đi lùng sục cả những cuốn phát hành từ cả chục năm về trước (chỉ còn ebook trên mạng). Hay khi mình mê văn của chú Nguyễn Quang Thiều, mình tìm đọc hết tất cả những cuốn sách chú này viết. Rồi những tác giả khác như học giả Nguyễn Hiến Lê, học giả Nguyễn Duy Cần, giáo sư Phan Văn Trường, v.v. mình đều tìm đọc hết tất tần tật sách họ viết.

Thông thường, khi đi tìm đọc tất cả các tựa sách của một tác giả yêu thích, kết quả không bao giờ làm mình thất vọng, mà hoàn toàn đúng như kỳ vọng của mình. Những cuốn sách khác của họ cũng hay không kém cạnh cuốn đầu tiên mình đã đọc. Tuy nhiên, không phải bài hát nào của ca sĩ bạn yêu thích cũng là bài hát hay và hợp nhĩ với bạn, cũng có nhiều bài họ ra và flop (thất bại). Đôi khi cũng có vài cuốn sách của các tác giả mình yêu thích không hay như mình mong đợi, vì có ít bụi vàng ẩn giấu trong đó, và thường mấy cuốn này cũng flop hơn những cuốn còn lại.

Khi đi theo hành trình viết lách của một tác giả, bạn có thể thấy được phong độ của họ qua thời gian. Có người thì ngày càng trưởng thành qua từng tác phẩm, cũng có người phong cách viết về sau đổi hẳn sang một phong cách mới (mà phong cách mới này có khi không còn hợp với bạn nữa). Rồi đến một lúc nào đó khi bạn trưởng thành về mặt nhận thức và tư duy, một tác giả bạn từng yêu thích cách đây 3 năm, 5 năm, có khi bây giờ đọc lại bạn sẽ thấy hết thích. Không phải vì họ thay đổi lối viết, mà vì tư duy và kinh nghiệm sống của bạn đã khác ngày xưa rất nhiều.

3. Đọc sâu các chủ đề yêu thích

Trong chuyện đọc sách, mỗi người sẽ có một gu đọc sách khác nhau. Người thì chỉ thích đọc truyện trinh thám, người thì chỉ thích đọc sách lịch sử, người thì lại thích đọc sách dinh dưỡng. Chủ đề mình yêu thích thì rất đa dạng, từ tâm linh, tâm lý học, ngôn ngữ học, kinh tế – tài chính tới sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, văn học trữ tình – lãng mạn, v.v.

Với mỗi chủ đề yêu thích, khi trên thị trường xuất bản có một cuốn sách nào mới phát hành đáp ứng đủ các tiêu chí sau thì mình đều mua:

  • Thuộc nhóm chủ đề mình yêu thích.
  • Thuộc công ty sách/NXB mình đánh giá cao chất lượng dịch thuật & hình thức trình bày.
  • Mục lục cuốn sách có nhiều nội dung mới mẻ và thú vị, và không bị trùng lắp với những cuốn cùng đề tài mình đã có.

Lẽ vậy, khi có một cuốn sách nào mới ra mà thỏa được ba tiêu chí trên, dù cho đó không phải là tác giả mình yêu thích, hay cũng không phải là vấn đề mình đang gặp phải, thì mình đều đặt mua. Cho nên bạn cũng đừng bất ngờ vì sao tủ sách của mình ngày càng dày lên theo năm tháng, tới mức mình phải bán bớt các cuốn sách đã đọc trên Tiệm sách Tà Lơn để giải phóng bớt không gian cho tủ sách.

Khi đọc sâu các chủ đề yêu thích, bạn sẽ có được một tư duy đa chiều và khách quan khi nhìn nhận một vấn đề dưới nhiều quan điểm, học thuyết của các tác giả khác nhau từ Đông sang Tây, chứ không phiến diện trói buộc mình trong một quan điểm hữu hạn nào đó. Càng hiểu sâu về gốc rễ của một vấn đề, bạn sẽ nhận ra được những quy luật hữu hình và siêu hình tiềm ẩn trong cuộc sống. Khi đó, tâm trí của bạn cũng đạt tới cảnh giới của sự minh triết và thấu hiểu được bản chất cốt lõi của vạn vật xung quanh. Sự giác ngộ cũng từ ấy mà ra.

o0o

Với những ai mê đọc sách, mình tin rằng đời sống nội tâm của họ rất phong phú. Nhưng nếu biết chọn đúng sách để đọc và đọc đúng phương pháp, thì đời sống ấy sẽ càng trở nên viên mãn hơn. Bạn nào nếu đang không biết đọc sách gì, muốn tham khảo ý kiến của mình thì đừng ngại gửi email tới địa chỉ oliver.linhnguyen@gmail.com

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.