Poster phim.

When you talk about “quê hương”, it’s totally strange to me. What is ‘quê hương’?

Khi Tammy, cô cháu gái người Việt sinh ra ở đất Mỹ nói điều này với ông nội của mình là Tư Lành, cả Tư Lành lẫn ông Năm Triều đều lặng người, cả rạp dường như cũng lặng đi.

What is ‘quê hương’?

Có vài tiếng sụt sịt khóc, nước mắt mình cũng chực rơi. Hôm nay đi xem Dạ Cổ Hoài Lang bản điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, bất ngờ là suất mình xem có một đoàn hơn chục cô chú U50, U60 đi taxi tới xem. Lúc mới gặp ở thang máy là thấy ngờ ngợ rồi, lúc vô rạp ngồi luôn mấy hàng phía trước mình. Người lớn tuổi mà, dễ xúc động, xem phim mà mấy cô nào cũng lấy tay chậm nước mắt, mà nói chứ mấy anh trai trẻ ngồi xung quanh mình còn khóc huống hồ gì.

Vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang ra mắt từ năm 1994, sau 1 năm kể từ khi mình ra đời, do NSƯT Thanh Hoàng biên soạn, lấy cảm hứng từ khúc vọng cổ nổi tiếng Dạ Cổ Hoài Lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, mà nghe qua mấy câu “Từ là từ phu tướng, báu kiếm sắc phán lên đàng, vào ra luốn trông tin chàng, năm ơ canh mơ màng…” thì dân Đàng Trong ai cũng quen thuộc.

NSƯT Thanh Hoàng trong phim.

Trong phim, NSƯT Thanh Hoàng có tham gia diễn xuất trong vai cha của Năm Triều. Xem phim mình mới biết cha đẻ của vở kịch Dạ Cổ Hoài Lang này chính là chú diễn viên quen thuộc trong nhiều bộ phim truyền hình Việt Nam mình xem hồi nhỏ như Lẵng Hoa Tình Yêu, Nguyệt Quán, Blouse Trắng ở cái thời vàng của phim Việt.

Vì chuyển thể từ kịch, mà kịch vốn mang tính ước lệ nhiều, nên cái tứ phim Dạ Cổ Hoài Lang cũng không quá phức tạp, đi đúng chu trình một vở kịch cổ điển: trình bày, thắt nút, phát triển, cao trào, mở nút. Cao trào của phim cũng chính phân đoạn lấy nhiều nước mắt của quý vị khán giả nhất.

Lâu lắm rồi mới thấy lại hình ảnh của hai chú Hoài Linh và Chí Tài trong một tác phẩm điện ảnh thực thụ, chứ không phải là một bộ phim hài giải trí. Diễn xuất của hai chú trong phim rất ấn tượng và xuất sắc, xem mà quên mất hình tượng của hai chú vốn là diễn viên hài. Ấy mới là cái tài của bậc lão làng.

Có một điểm không ưng của phim là tone màu phim khi flashback về quá khứ lại có vẻ hiện đại quá, không có sự tách bạch rõ ràng giữa thực tại và quá khứ đầy hoài niệm, và cả những diễn viên thủ vai của Tư Lành, Năm Triều hay Út Trong thời quá khứ cũng mang nhiều nét tân thời quá nên xem có cảm giác không được trọn vẹn.

Có vài điểm nữa hơi khó hiểu, một là vai bà Út Trong trước khi bệnh chết, đạo diễn lại chọn một nữ diễn viên trẻ và hóa trang cho già đi, và kì khôi cô này lại không phải bà già trong ảnh treo ở bàn thờ. Trong quá khứ, Út Trong từng tiễn chồng là ông Tư Lành đi lính, mà sau đó con của hai người là ông Nguyễn lại cùng vợ vượt biên sang đất Mỹ. Ủa vậy là tổng động viên đi lính cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa hay Quân Đội Nhân Dân Việt Nam vậy ta? Còn ông Năm Triều lúc đó cũng trạc tuổi mà hổng bị bắt đi, sau này lại sang Mỹ ở rồi tái ngộ, chắc là nhà có điều kiện nên chạy vụ đi nghĩa vụ được? (chắc chỉ có hỏi tác giả với đạo diễn mới biết được)

Nói chứ mình không biết những bạn trẻ 9x đời sau và những bạn 10x, nếu có xem Dạ Cổ Hoài Lang, khi nghe phân đoạn Tammy (tên tiếng Việt là Mỹ Tâm) nói với ông nội, liệu các em có cảm được để mà rơi nước mắt cho sự nhức nhối của khoảng cách thế hệ, của sự xung đột văn hóa như vậy không?

“Quê hương” cũng chỉ là một từ ngữ, gồm hai chữ. Định nghĩa quê hương trong lòng mỗi người sẽ khác nhau, dựa trên những trải nghiệm trong quá khứ của chúng ta với đất mẹ quê cha của ông bà tiên tổ. Nhưng với lớp trẻ ngày nay – những người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, đôi khi mình vẫn hay trăn trở, liệu trong tâm khảm các em có trả lời được câu hỏi “Quê hương là gì?” không?

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx