Ảnh: Unsplash

Hồi còn là sinh viên, mình từng tham gia một câu lạc bộ truyền thông, với xuất phát điểm là một cameraman chuyên phụ trách chụp ảnh và quay phim sự kiện. Khi đó câu lạc bộ của mình có một dự án hợp tác với Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG) để thực hiện một bản tin truyền hình sinh viên, phát sóng trên kênh YouTube của ĐHQG. Với chương trình đó, bọn mình được ưu ái một tấm vé thông hành có thể ra vào bất cứ trường đại học nào trong các trường thành viên của ĐHQG như ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc tế, ĐH KHXH&NV, ĐH CNTN và ĐH Kinh tế – Luật.

Điều khó chịu đầu tiên trong đời sinh viên mình phải đối diện là việc đi lấy tin sự kiện tại các trường thành viên của ĐHQG. Mỗi cuối tuần, các trường thường tổ chức rất nhiều chương trình hội nghị, sự kiện trong các hội trường lớn. Và bạn thử tưởng tượng, một người siêu hướng nội, sợ nói chuyện trước đám đông, nhát cáy như mình phải đứng giữa lối đi trong hội trường để chụp ảnh, để quay phim, có khi phải chạy lên cả sân khấu trong lúc MC hay đại biểu phát biểu để lấy góc từ trên xuống khán giả. Khỏi phải nói, bỗng chốc bạn trở thành tâm điểm của hàng trăm cặp mắt đổ về, nên thật sự trong thời gian đầu tác nghiệp, mỗi lần tác nghiệp là mỗi lần mình đối diện với cảm giác khó chịu, không thoải mái.

Hồi còn đi làm ở công ty cũ, sau một quãng thời gian gắn bó với công ty rất lâu và lên vị trí senior manager, một trong những điều khó chịu đưa mình đến quyết định nghỉ việc là chuyện mình phải từ văn phòng bước ra ngoài để tham gia tổ chức các sự kiện lớn của công ty. Khi công ty mình mở rộng quy mô, tổ chức những sự kiện lớn lên cả ngàn người ở cả hai miền Bắc – Nam, mình là một thành viên trong core team nên phải có mặt ở mỗi sự kiện ở vai trò điều phối và quản lý bộ phận Sales. Mỗi sự kiện như thế kéo dài 3 ngày cuối tuần, bắt đầu từ 6g sáng cho tới 10g đêm đối với nhân viên; nếu tổ chức ở Hà Nội thì mất thêm nửa ngày bay đi và nửa ngày bay về. Một chuỗi phức hợp những sự khó chịu liên tiếp đối với một người không thích sự di chuyển và luôn cần hai ngày cuối tuần để nạp lại năng lượng như mình.

Vậy, điều gì khiến cho mình có thể vượt qua sự khó chịu phải đối mặt trong câu chuyện thời sinh viên, nhưng lại không thể vượt qua sự khó chịu ở câu chuyện lúc đi làm?

Đối với những ai đã đọc hay học nhiều khóa self-help (phát triển bản thân), hẳn bạn sẽ biết tới khái niệm vùng an toàn, hay vòng tròn thoải mái. Ai cũng có một vùng an toàn của bản thân, mà ở đó họ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, còn bước ra thì sẽ khó chịu. Theo lý thuyết này, khi chúng ta dám bứt phá khỏi vùng an toàn đó, thì vòng tròn của chúng ta sẽ được cơi nới ra rộng hơn, đồng nghĩa là những việc từng khiến chúng ta khó chịu trong quá khứ một khi đã làm quen rồi thì cũng thành điều dễ chịu. Các nhà đào tạo hay nhà huấn luyện về self-help thường hay cổ vũ con người ta hãy bước ra hỏi vùng an toàn để tạo nên những đột phá trong sự nghiệp và cuộc sống, chứ nếu mãi ở trong vòng tròn thoải mái đó thì cuộc sống của bạn sẽ mãi như cũ chứ chẳng thể tiến lên được.

Mình chỉ đồng tình một nửa với lý thuyết này, nửa còn lại là anti. Đối với thế giới quan của mình, sự khó chịu được chia làm hai loại:

  1. Khó chịu tích cực: Một điều cực kỳ khó chịu mà trải qua nó thì bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn.
  2. Khó chịu tiêu cực: Một điều cực kỳ khó chịu mà trải qua nó thì bạn vẫn y nguyên như vậy, không có gì thay đổi.

Ở câu chuyện thời sinh viên, điều khó chịu mình đối diện – xuất hiện ở đám đông, nhận được sự chú ý của rất nhiều người – đối với mình ở thời điểm đó là một sự khó chịu tích cực. Bởi lẽ, mình là sinh viên chuyên ngành Báo chí & Truyền thông, thì chuyện sau này đi thực tập hay đi làm phải đi lấy tin, đi sự kiện tác nghiệp là chuyện cơm bữa. Nếu bây giờ mình không tập làm quen trước thì đợi đến khi nào mới làm quen được? Cho nên, sự khó chịu đó là một cửa ải mình buộc phải vượt qua để trở thành một phiên bản dạn dĩ hơn trước đám đông, và nhiều năm sau này mình rất biết ơn quãng thời gian đó đã giúp tôi luyện sự tự tin bên trong một người hướng nội nhát cáy như mình.

Ở câu chuyện thời đi làm, mình từ lâu đã không còn sợ đám đông, nhưng điều khó chịu mình gặp phải ở đây là chuyện dành cả cuối tuần để làm việc, và bị mất rất nhiều thời gian cá nhân cho những chuyến đi công tác. Với những bạn nào hướng ngoại, thích đi du lịch, trải nghiệm của mình lúc đó là điều mà nhiều bạn rất khoái. Nhưng với mình, đó là một sự khó chịu tiêu cực. Tại sao lại tiêu cực? Bởi lẽ, mình biết rằng khi trải qua hết những chuyện đó, mình không trở thành một phiên bản tốt hơn mà ngược lại là thành một phiên bản tệ hơn – lúc nào cũng uể oải, mệt mỏi, mất năng lượng vì cuộc sống bị xáo trộn. Đây là một cơ chế tự nhiên mình có đề cập trong series Hành trình của người hướng nội.

Ảnh: Unsplash

Lựa chọn những điều khó chịu tích cực

Đối với những điều khó chịu tích cực, mình khuyến khích mọi người hãy chủ động lựa chọn làm nó, trải qua nó, thay vì để cuộc đời dồn ép bạn vào tình thế miễn cưỡng phải làm. Nếu bạn xác định được ở điểm cuối của điều khó chịu ấy, bạn sẽ trở nên tốt hơn và ngày càng hoàn thiện mình hơn, vậy cớ sao lại từ chối một cơ hội tốt như vậy?

Với những ai là dân văn phòng và đã đi làm nhiều năm, việc đi học một khóa gì đó ngắn hạn vài ba tháng không phải là chuyện dễ dàng. Sau một ngày làm việc áp lực, mệt mỏi, hầu như ai cũng muốn được về nhà tắm rửa nghỉ ngơi, ăn một món gì đó thật ngon, xem một bộ phim nhẹ nhàng, hay đọc sách, chứ chẳng ai muốn dành quãng thời gian sau giờ làm để đi học. Đi học vào buổi tối sau giờ đối với mình là một điều khó chịu, nhưng nó là khó chịu tích cực, vì học xong thì mình sẽ tích lũy thêm một chứng chỉ cho sự nghiệp, cũng như tích lũy thêm kiến thức chuyên môn hay kỹ năng bổ trợ nghề nghiệp.

Bạn cứ thử tưởng tượng, có những lúc vừa hết giờ làm xong, mình phải ba chân bốn cẳng chạy ra bãi giữ xe, vội vàng lấy xe rồi hối hả chạy tới địa điểm học vì giờ học thường chỉ cách giờ làm khoảng nửa tiếng, mà giờ tan tầm thì kẹt xe thôi rồi. Đã vậy còn không có thời gian ăn tối mà phải học một lèo tới 8-9 giờ tối mới đi về. Chưa kể học buổi tối thì còn dễ buồn ngủ và khó tiếp thu bài vở hơn học hành ban ngày. Một combo toàn những điều khó chịu mà mình phải vượt qua liên tục trong mấy tháng trời, và mình luôn tự hào là mỗi năm mình luôn đi học một thứ gì đó mới nên kỹ năng mình tích lũy được ngày càng nhiều.

Với những ai thuộc típ không thích vận động như mình, chuyện tập thể dục là một cực hình, mà mỗi lần tập là mỗi lần nản và chỉ muốn từ bỏ. Tập thể dục đối với mình là một điều khó chịu, nhưng là khó chịu tích cực, vì mình biết đầu ra của quá trình này là mình có một cơ thể fitness hơn, và sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần đều tốt hơn. Đó cũng là lý do để mình kiên trì tập thể dục mỗi tuần 4-5 buổi, mỗi buổi một tiếng đồng hồ, bao gồm nhiều bài tập và chạy bộ mấy vòng quanh công viên. Những hôm nào trời mưa hay không ra công viên được, mình vẫn duy trì lịch tập luyện ở nhà.

Ảnh: Unsplash

Làm thế nào để đi qua những điều khó chịu tiêu cực?

Một đối tác tặng cho mình một khóa học, mà nội dung khóa học thì không liên quan tới chuyên môn của mình, cũng không rơi vào chủ đề mình hứng thú, và chưa kể khóa học lại rơi vào một buổi cuối tuần. Khóa học kéo dài 10 buổi, đồng nghĩa là mình sẽ mất 10 buổi cuối tuần để đi học một thứ mình không thích.

Nếu như ở điều khó chịu tích cực bạn có quyền chủ động lựa chọn làm hay không làm, thì ở điều khó chịu tiêu cực đa phần là ngược lại – đó là những tình huống bạn bất đắc dĩ phải làm dù bản thân không muốn làm, hoặc bị đưa vào một tình thế buộc phải làm. Ví dụ ở câu chuyện thời sinh viên, mình có quyền từ chối làm camera-man và đơn giản là ngừng tham gia CLB, không có sự ràng buộc gì quá lớn. Nhưng ở câu chuyện thời đi làm, mình bị rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan, khi ban giám đốc đặt kỳ vọng vào mình, và vai trò của mình cũng rất quan trọng trong sự kiện đó nên không thể không làm, mà làm thì tự chuốc lấy khó chịu vào thân.

Ở tình huống được tặng khóa học trên, mình khó có thể từ chối được vì sẽ ảnh hưởng tới quan hệ lâu dài với đối tác nên đành phải nhận. Và hỡi ôi, thật sự mỗi cuối tuần đi học đòi hỏi ở mình một nỗ lực ý chí rất lớn để vượt qua sự khó chịu đó. Suốt cả 10 buổi, bề ngoài mình luôn vui vẻ hồ hởi học hành, nhưng bên trong thì sóng lòng đang vần vũ. Không phải giảng viên khóa đó dạy dở, dạy rất hay và thú vị là đằng khác, cũng có nhiều kiến thức bổ ích. Nhưng vấn đề là nội dung khóa học không phải là chủ đề mình hứng thú và chuyện mất một buổi cuối tuần đi học với mình là một sự lãng phí, vì thời gian đó mình có thể làm được nhiều thứ khác hữu ích hơn.

Bí quyết của mình khi rơi vào tình huống này thì hãy hóa thân, nhập vai thành một diễn viên. Dù cho vai diễn đó là vai bạn chúa ghét, và vở kịch đó bạn không thích một chút nào, nhưng vì cuộc đời đã đẩy đưa bạn lên sân khấu rồi thì thôi hãy cố gắng diễn cho tròn vai. Cái sự diễn tròn vai đó chính là năng lực ứng biến của bạn, chứ còn bạn diễn trong thái độ mặt cau mày có, nhăn khó khó chịu thì ông bầu nào trả cát-xê cho bạn?

Nếu cuộc đời đẩy bạn vào một tình thế khó chịu mà bạn bất đắc dĩ phải làm, vậy thì hãy ráng làm trong tâm thế vui vẻ nhất để quá trình đó trôi qua nhanh hơn. Khi bạn vui thì mọi thứ trôi qua rất nhanh, nhưng khi bạn buồn chán thì thời gian tâm thức sẽ kéo dài đăng đẵng. Một khi bạn thành thục được điều này, bạn xứng đáng được trao giải “Diễn viên xuất sắc nhất của năm”.

Khi bắt đầu công việc mới, công ty mình làm việc thứ Bảy cách tuần (tuần làm tuần nghỉ), đồng nghĩa mình sẽ mất một ngày cuối tuần, chỉ để làm việc. Với mình đây không chỉ là một điều khó chịu, mà còn là cực kỳ khó chịu, và nó nằm trong nhóm khó chịu tiêu cực. Chuyện đi làm vào cuối tuần chẳng giúp mình tốt hơn, cũng chẳng giúp cuộc đời mình đẹp hơn, mà chỉ là một ngày u ám xám xịt.

Có những điều khó chịu tiêu cực ngắn hạn, như việc tham gia khóa học ở trên, cùng lắm thì chỉ kéo dài 10 buổi. Nhưng trong câu chuyện đi làm thứ Bảy này, nó lại là điều khó chịu tiêu cực dài hạn, vì thực tế mình không biết đến khi nào công ty mới thay đổi chính sách thành cho nghỉ cuối tuần (có trời mới biết được!). Dĩ nhiên mình vẫn có một đường lui để không phải đối diện điều khó chịu tiêu cực này, đó là nghỉ việc và tìm một công việc khác không làm vào cuối tuần. Nhưng tình huống tiến thoái lưỡng nan nằm ở chỗ đây là công việc mình thật sự yêu thích và muốn gắn bó lâu dài, mọi thứ ở công ty mới đều tốt, trừ chuyện đi làm vào thứ Bảy.

Và mỗi sáng thứ Bảy như thế, mình đều rất miễn cưỡng đi làm, và dù cho có chuyển hóa ý nghĩa tích cực theo kiểu nhập vai vui vẻ thế nào, mình cũng không tài nào vui nổi được khi biết nó sẽ là một chuỗi khó chịu tiêu cực kéo dài và không có điểm kết thúc.

Cho đến một hôm nọ, mình đến bưu cục Viettel Post để giao đơn sách cho Tiệm sách Tà Lơn. Thường mình sẽ đi giao vào sáng thứ Bảy ở tuần nghỉ, nhưng cũng có lúc khách đặt sách vào tuần mình đi làm thứ Bảy, nên lên tra thông tin thì mình mới biết hóa ra một số bưu cục cũng làm cả Chủ Nhật. Khi chứng kiến bạn nhân viên bưu cục và cả bác bảo vệ tới ngày Chủ Nhật cũng đi làm, mình cảm thấy thật áy náy các bạn à. Bởi trước đó mình luôn suốt ngày tự ca cẩm, than thở chuyện đi làm thứ Bảy cách tuần, và đây, trong xã hội này, có nhiều con người khác họ phải đi làm cả thứ Bảy và Chủ Nhật mỗi tuần, chứ còn chẳng cách tuần như mình. Và nhìn ra xa hơn những người buôn gánh bán bưng hay người làm ngành dịch vụ, với họ làm gì có khái niệm gọi là “cuối tuần”.

Trên đường về nhà hôm đó, mình cứ bị ám ảnh mãi bởi suy nghĩ này, bởi trong mùa dịch Covid bất ổn như hiện tại, có một công việc ổn định và một mức thu nhập tốt quả thực là một điều rất rất may mắn đối với mình. Vậy sao mình cứ phải than vãn hoài như thế? Trong khoảnh khắc ấy, mình đã tự chuyển hóa điều khó chịu tiêu cực của bản thân thành điều khó chịu tích cực. Và sau hôm đó, mình đón nhận chuyện đi làm vào thứ Bảy một cách rất nhẹ nhàng, bình thản, và ngược lại còn thấy vui khi được đi làm.

Khi mình chuyển hóa được tâm thức từ khó chịu với một tình huống khó khăn trong cuộc sống sang bình thản đón nhận nó, bạn có biết điều kỳ diệu gì đã xảy ra không? Chỉ sau đó một tháng, công ty mình có trưởng phòng Nhân sự mới, và sau đó ban hành chính sách làm việc mới – chính thức cho nghỉ luôn ngày thứ Bảy cuối tuần.

Suy cho cùng, mọi chuyện khó chịu hay dễ chịu đều nằm ở tâm thái của chúng ta. Khi bạn chuyển hóa được tâm thức của mình, cuộc sống của bạn dần tích cực hơn và nhiều điều tốt đẹp rồi sẽ xảy đến. Hãy tin, rồi sẽ được. Hãy an, đời sẽ yên.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

2 bình luận

  1. À, thực ra mình thì sở hữu một dạng năng lực, đó là “thích đi làm cuối tuần” hihi, ngẫm lại cũng có thể vì lúc sinh viên mình đã làm ngành dịch vụ, không có khái niệm cuối tuần. Nên bây giờ mình sở hữu năng lực như thế, mình thấy bản thân có hẳn 2 ngày cuối tuần để nghỉ thật là xa xỉ và quá nhàn rỗi, mình chỉ cần 2 buổi tối t7,cn nạp năng lượng là đủ, còn lại sáng cn và thứ 7 mình vẫn có thể đi làm. Vì vậy, những năm tháng qua mình vẫn đi làm hành chính và thứ 7,cn ghé tiệm cây xanh đi làm vì đam mê cây. Nhưng giờ thì mình thất nghiệp rồi, vì tiệm cây chuyển mô hình kinh doanh. Nếu tiệm sách Tà Lơn của chủ thớt cần ai đó yêu sách như mình vào cuối tuần, thì inbox mình nhé. Cảm ơn sâu sắc hì hì^^

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải