Đọc một quyển sách cũ xuất bản từ năm 1995, có cảm giác như đang trò chuyện với một người đến từ thập niên 90, thời vô tuyến truyền hình còn đen trắng hay nhiễu sóng và không phải nhà nào cũng có đủ điều kiện sắm nổi một chiếc vô tuyến truyền hình.
1995, năm mình mới có 2 tuổi, còn chưa ý thức được cuộc đời tròn méo như thế nào. Tính ra quyển sách có tuổi đời còn lớn hơn nhiều bạn trẻ sinh sau năm 1995 này.
1995, thời đó Window 95 đang là mốt thời thượng của dân công nghệ trên thế giới, mà cơ hồ lúc ấy nhiều người còn chưa biết hình dáng cái máy tính để bàn ra sao. Window 95 có biểu tượng chiếc cửa sổ 4 màu, cùng với chiếc máy tính để bàn có màn hình và bàn phím màu trắng, cục CPU to đùng là mơ ước của bao nhiêu người một thời.

Mỗi lần giở ra một quyển sách cũ, điều khiến mình luôn thấp thỏm là xem thử có ai viết lên đề từ trên đấy không. Có khi bắt gặp một lời chúc mừng sinh nhật, một lời nhắn gửi yêu thương, hay một lời từ biệt trước lúc đi xa. Mỗi quyển sách đều có linh hồn và đời sống riêng, tình cảm được kí thác vào những dòng nhắn gửi.
Quyển “Nghệ thuật vào đời & lập nghiệp” của T. Woolf C.Roth mình đọc, có lời chúc của một người chị gửi đến cậu em tên Thiện, không biết là em ruột hay chỉ là một cậu em quen biết.
Lời chúc viết ngày 29.9.1997, tính đến nay là đã 23 năm. Cậu em tên Thiện đó, mình đoán áng chừng phải là sinh viên tầm khoảng 18 tuổi trở lên thì chị Trang này mới chọn quyển sách chủ đề lập nghiệp này tặng cậu. Tính đến hôm nay thì cậu Thiện ấy cũng đã 41 tuổi rồi.
Không biết anh Thiện khi nhận được quyển sách này trong dịp sinh nhật năm 1997 có vui không, nhưng chị Trang à, nếu chị có đọc được dòng này thì xin tiết lộ với chị có lẽ anh Thiện chưa đọc hết quyển sách này mà sau đó đã cho người khác hay bán ve chai rồi. Vì một số trang trong quyển sách mình đọc khi xuất bản nhà in họ rọc giấy chưa kĩ, nên có vài trang bị dính liền với nhau, phải lấy dao rọc giấy rọc ra thì mới đọc được nội dung giữa 2 trang đó.
Trong 23 năm đó, không biết hành trình của quyển sách đã chu du qua những xó xỉnh nào, qua tay biết bao nhiêu người chủ, nhưng đa số vẫn để nguyên các trang sách bị dính lại với nhau mà không cắt ra để đọc nội dung bên trong. Buồn thay cho vòng đời của một quyển sách.
Và mặc dù quyển sách đã 23 năm tuổi, nhưng những câu chuyện, bài học trong sách vẫn không bị lỗi thời mà vẫn còn rất thực tiễn trong thế kỷ 21. Một trong những điều mình thích nhất khi đọc sách cũ đó là chất lượng dịch thuật, đọc câu nào thấy thấm câu đó, và cứ như đang trò chuyện với một người thời đó khi sử dụng câu chữ đậm chất riêng của thập niên 90. Bên cạnh đó là mùi sách cũ đặc trưng, màu sách ngả vàng, phông chữ in nguyên bản thời đó mới có chứ bây giờ đã “tuyệt chủng”.
Mãi sau này khi tặng ai một quyển sách, mình rất ngại viết lời đề từ hay lời chúc lên sách, vì quyển sách đó có thể sẽ không bao giờ được đọc và trôi lạc về nơi phương nào.
Một quyển sách có thể cũ đi theo thời gian, nhưng tri thức trong quyển sách đó sẽ không bao giờ cũ.
2 bình luận
Em đang tìm cuốn này mà ko ra…ko biết anh biết ở đâu còn chỉ em với…e cảm ơn trước ạ !
Đây là sách cũ, chỉ tìm thấy ở tiệm sách cũ nếu hữu duyên thôi nha em 🙂