Trong những ngày tháng cuối đời, giáo sư Lê Tôn Hiến từng chia sẻ với lớp Dịch thuật của chúng tôi về việc muốn tìm đọc những tác phẩm văn học Việt Nam mà tác giả là những người rất sõi tiếng Việt. Khi tôi còn chưa kịp gửi thầy vài quyển sách của các tác giả mà tôi đánh giá cao thì thầy đã không còn. Nếu có bạn trẻ nào hỏi tôi nên tìm đọc sách gì để trau dồi tiếng Việt và văn phong của mình, tôi sẽ không ngại ngần giới thiệu bạn nên tìm đọc sách của Nguyễn Quang Thiều.
Nguyễn Quang Thiều (sinh năm 1957) là một nhà thơ hiện đại Việt Nam bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình từ những năm 1990. Tôi biết tên của chú đầu tiên qua quyển truyện “Bí mật hồ cá thần” do NXB Kim Đồng xuất bản trong series văn học dành cho thiếu nhi hồi những năm cấp ba. Lúc ấy còn khá non trẻ, nên đọc chỉ như đọc truyện chứ chưa gọi là cảm thụ văn học. Mãi đến dịp lễ 1/5 năm ngoái khi về nhà, tình cờ tôi mua được tập tản văn “Mùi của ký ức” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và bén duyên với văn của chú từ dạo ấy.
Có một điểm thú vị là dù trong tất cả các quyển sách chú xuất bản tôi đọc được, chú đều tự nhận mình là nhà thơ chứ không tự xưng là nhà văn – nhà thơ, nhưng thú thật là tôi chưa đọc được tập thơ nào của chú (mà bản thân vốn dĩ không hứng thú với thơ cho lắm), tuy nhiên văn của chú Thiều rất thơ, rất giàu tính hình tượng và mỹ cảm. Mà ngẫm lại cũng phải, đa số các tác phẩm chú viết đều là tản văn, tự truyện mang tính chất tự sự trữ tình, chứ không phải là truyện ngắn, truyện dài, hay tiểu thuyết, có lẽ vì vậy mà chú hiếm khi nào tự xưng mình là nhà văn.
“Trong ngôi nhà của mẹ” là một trong những tác phẩm hết sức cảm động của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi viết nên câu chuyện về mẹ Tạ Thị Dung, một người mẹ bình dị qua lời kể của bạn thân tác giả là anh Trịnh Văn Sỹ. Anh Sỹ là một người bạn sớm mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ký ức về mẹ trong anh chỉ là những ý niệm được chắp vá mơ hồ, rời rạc và ngày càng mờ đi theo tuổi tác. Từ những câu chuyện được anh bạn thân kể lại, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chắp bút viết nên câu chuyện về một người mẹ sống âm thầm trong một ngôi nhà nhỏ ở một làng quê ít người biết đến. Một câu chuyện vô cùng hấp dẫn mà cũng sống động đầy lạ thường, tái hiện lại một hình ảnh làng quê Bắc Bộ những năm tháng nghèo đói thời chiến trận.

Đây cũng là tập sách khiến tôi nhiều lần rơi nước mắt vì sự hi sinh tảo tần của một bà mẹ quê, hay câu chuyện về chú chó Vện chấp nhận hi sinh thân mình để bữa cỗ cúng mẹ có chút gọi là. Và trong căn nhà ngày ấy của mẹ là sự hiện hữu của 2 thế giới song song – thế giới của người trần mắt thịt và thế giới của người âm:
“Mẹ vào căn phòng của tôi ở tầng hai. Mẹ bảo tôi quay lưng lại về phía mẹ đang ngồi để mẹ xoa lưng cho. Tấm lưng ấy giờ không còn gầy guộc giơ xương như gần 50 năm trước. Mẹ lại nuốt nước mắt vào trong. Mẹ không hát ru và kể những câu chuyện thuở xưa mà mẹ kể cho tôi nghe về đời sống nơi mẹ đang ở. Mẹ bảo nơi ấy gần như thế giới trần gian nhưng có khác ở chỗ các linh hồn không bị già đi. Ai mắc tội của đạo làm người, nhất là tội bất hiếu với cha mẹ, tội đầy đọa con cái chưa bị phạt thì sang thế giới ấy sẽ bị xử tội rất nặng. Ở thế giới ấy người ta vẫn có thể mắc tội nhưng tất cả được xử lý công minh. Trên trần gian không biết gì về thế giới ấy nhưng những người đã trở về thế giới ấy đều nhận biết những gì mà người thân của họ còn sống đang làm, chuẩn bị làm…”
Trong rất nhiều quyển sách của Nguyễn Quang Thiều, độc giả có thể bắt gặp rất nhiều yếu tố mang màu sắc tâm linh qua các câu chuyện chú kể để tái hiện lại những giá trị tinh thần gần như đã mai một của người Việt. Như gần đây, tôi có đọc quyển “Cô gái áo xanh” của chú Thiều. Đây là một tập sách thú vị với chủ đề những chuyện ma ở làng Chùa (quê tác giả) do chính tác giả cóp nhặt, hồi tưởng lại qua những lời kể của người bà, người mẹ, những bà con lối xóm hay chính từ trải nghiệm của tác giả.
20 câu chuyện trong tác phẩm là 20 mẩu chuyện ma có thật được tái hiện lại rất sống động dưới ngòi bút tác giả. Cái hay của chú không phải kể chuyện ma để hù họa người đọc, mà đằng sau mỗi câu chuyện đều là một bài học tâm linh sâu sắc mà người đời sau cần phải suy ngẫm. Đọc câu chuyện “Bí ẩn đàn rùa trắng”, tâm thức tôi bị chấn động rất mạnh tới mức bật khóc khi chứng kiến hình ảnh người dân vì sự phàm ăn tục uống đi đuổi bắt đàn rùa trắng dưới đầm sen, để đàn rùa thần nổi giận bay đi và đầm sen hoang tàn suốt bao nhiêu mùa sau đó. Đàn rùa không bao giờ trở về, và hoa sen trắng không bao giờ mọc trở lại khi dân làng chưa ý thức về tội lỗi của mình gây ra.
“Có nhiều điều trong cuộc sống mà bây giờ kể lại chúng ta nghĩ rằng đó là chuyện cổ tích hay là chuyện hoang đường. Nhưng đó là sự thật. Bởi bây giờ, chúng ta không còn có khả năng nhìn thấy điều đó nữa. Bởi bây giờ, chúng ta đã chạm những ngón tay vào vũ trụ này và làm cho những điều kỳ diệu tan biến hoặc rời bỏ chúng ta.”
Hay đến câu chuyện “Ma ăn trộm”, khi biết sự thật con ma chuyên đi ăn trộm trầu cau của dân trong làng đem về cho người mẹ già nghiện ăn trầu sống thui thủi một mình vì con cháu đã mất hết, trong tâm tôi dấy lên một niềm thương cảm lạ kì. Một mẩu chuyện thực tế hết sức nhân văn và đầy ý nghĩa về chữ hiếu của người con đã mất với mẹ già.
Thú thật là khi đọc sách của các tác giả trẻ văn học 8x, 9x, rất ít tác giả định hình nên một phong cách và lối viết riêng. Trải nghiệm của họ được phả vào những câu chuyện mang bối cảnh của cuộc sống hiện đại và lối sống, lối suy nghĩ tân thời của người trẻ. Mãi đến khi đọc văn của những tác giả thời trước, bằng kinh nghiệm và vốn sống của họ qua những năm tháng đói khổ chiến tranh, tôi như tìm lại vẻ đẹp trong câu chữ, một thứ vẻ đẹp rất khó diễn tả bằng ngôn từ mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn. Đó là vẻ đẹp của sự Chân – Thiện – Mỹ, vẻ đẹp về những số phận, những cuộc đời, những con người ngày trước. Một vẻ đẹp của một thời quá vãng, gợi lên không khí trầm mặc, suy tư và đầy hoài niệm, mà nếu không có ai ghi chép và lưu giữ lại, chúng sẽ biến mất và mai một như những di tích lịch sử bị con người thời nay đối đãi.
Nếu một ngày bạn muốn tìm lại những điều xưa cũ của một thời quá vãng, hay muốn tìm sự bình yên trong tâm hồn qua câu chữ, xin hãy tìm đọc văn của Nguyễn Quang Thiều.
Đặt sách Trong ngôi nhà của mẹ & Cô gái áo xanh