Năm lớp 12, trong một lớp luyện thi đại học môn Sử, thầy giáo từng hỏi mấy đứa học sinh chúng tôi có ai đọc quyển “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh chưa. Quyển đấy tôi đọc hồi năm lớp 9 qua giới thiệu của một người bạn, và cũng là quyển sách đầu tiên khiến tôi… rơi nước mắt vì thương cho số phận của nhân vật trong truyện.

Vậy đó mà lúc nghe thầy hỏi, tôi ngớ người ra không nhớ được nhân vật chính của “Mắt biếc” tên gì, cốt truyện diễn biến ra sao, chỉ nhớ mang máng trong đầu có nhân vật nữ nào đó tên Hà Lan với Trà Long. Tôi chỉ nhớ được rằng quyển sách này hay vì khiến tôi khóc, trong khi đó một anh khác học cùng lớp đọc “Mắt biếc” cũng đã lâu, nhưng có thể ngồi đó kể vanh vách tình tiết câu chuyện ra sao, diễn biến tâm lý nhân vật như thế nào như thể anh mới đọc nó mấy hôm trước.

Theo khảo sát, tốc độ đọc trung bình của một người trưởng thành là khoảng 300 từ/1 phút. Tất nhiên không có một khảo sát chính xác nào về thời gian đọc một quyển sách trung bình khoảng bao lâu, vì số trang của mỗi quyển đều khác nhau và còn tùy vào tần suất đọc có liên tục hay không của người đọc. Nếu tính dựa vào số từ trên phút thì có thể đơn cử thời gian đọc một vài tác phẩm nổi tiếng như sau: “Nhà giả kim” – 2,18 giờ; “Đại gia Gastby” – 2,62 giờ; “Lolita” – 6,25 giờ; “Mật mã Da Vinci” – 7.72 giờ; “Harry Potter” – 60,23 giờ (theo thống kê của trang PersonalCreations.com).

Dĩ nhiên con số trên chỉ đúng khi bạn đọc bằng một sự tập trung cao độ và liên tục để đạt chỉ tiêu 300 từ/1 phút, và thường chúng ta sẽ mất thời gian lâu hơn để đọc một quyển sách thông thường, có thể là vài ngày, thậm chí cả vài tuần. Như một khảo sát lấy ý kiến số đông trên trang Goodreads, nếu đọc liên tục không ngừng nghỉ thì thời gian để đọc một quyển sách 300 trang là khoảng 3-6 giờ.

Chắc hẳn trong đời tôi và bạn đã đọc rất nhiều quyển sách, nếu nhẩm tính thời gian chúng ta bỏ ra thì con số ấy chắc chắn sẽ không nhỏ. Nhưng rồi, liệu chúng ta có còn nhớ gì về những thứ mình đã từng đọc, hay để nó chôn vùi ở một xó xỉnh nào đó theo thời gian?

Tôi từng suy ngẫm về điều này rất lâu: Tại sao mình phải phí thời gian đọc sách, để rồi thứ đọng lại trong đầu chẳng là gì? Cảm xúc về một quyển sách có thể khiến tâm hồn của bạn giàu có hơn, nhưng sẽ không thể chuyển hóa thành kiến thức để làm hành trang đi cùng với bạn sau này. Qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bậc cha chú, anh chị, cũng như quá trình tự chiêm nghiệm, tôi vỡ lẽ ra chút ít về cái gọi là kỹ năng Đọc Sách Thông Minh, nên muốn chia sẻ lại cùng những bạn yêu sách và yêu văn hóa đọc để chúng ta đọc sách hiệu quả hơn và tiết kiệm thời gian hơn.

1. Nguyên tắc đọc sách 15 trang (sách văn học)

Nguyên tắc này của một chị nhà văn sống bên Pháp, chia sẻ với tôi trên blog. Chị là tuýp người đọc sách rất nhiều, rất khoa học và bài bản, đến nỗi chị lập ra một danh sách dài cả trăm quyển sách để dành đọc mỗi năm, và lên kế hoạch phải hoàn thành đúng chỉ tiêu mỗi tháng.

Chuẩn mực của chị rất cao, nên chị đặt ra giới hạn cho mình sẽ dễ dãi trong 15 trang sách đầu tiên của một quyển sách mới. Nếu sau khi đọc 15 trang, nó vẫn còn thu hút, chị sẽ tiếp tục đọc tới hết, còn không thì thôi, không bao giờ động tới quyển sách đó nữa. Bởi lẽ, chỉ trong vòng 15 trang mở đầu mà tác giả đã khiến người đọc cảm thấy chán nản vì văn phong, câu cú và sự dẫn dắt tẻ nhạt, lòng vòng thì sẽ không ai đủ kiên nhẫn để đọc tiếp mấy trăm trang phía sau để “đãi cát tìm vàng”.

Giới hạn này tùy theo mỗi người mà bạn có thể đặt ra một con số cho riêng mình, để tránh việc mất thời gian cho việc đọc một quyển sách không hợp gu.

2. Đọc thứ bạn cần đọc chứ không cần phải đọc cho hết (sách khoa học)

Đối với dòng sách khoa học chia sẻ kiến thức, nó khác với sách văn học ở chỗ bạn không cần phải đọc theo thời gian tuyến tính từ đầu tới cuối quyển sách mới hiểu được, mà có thể chọn lọc để đọc bất kì chương nào bạn cần hoặc thấy thích muốn đọc trước.

Trước đây, tôi thường phí phạm thời gian để đọc hết một quyển sách để rồi nhận ra nó chỉ hay có vài chương. Sau này đi học tiếng Anh với một Giáo sư từng dạy đại học ở Mỹ, nghe thầy chia sẻ về phương pháp đọc sách của thầy tôi mới được “khai sáng” ra nhiều điều.

Nguyên tắc của thầy là chọn lọc những thứ mình sẽ đọc, đôi khi thầy mua một quyển sách chỉ vì nó có một vài chương hoặc ý tưởng nào đó thấy tâm đắc. Và thầy sẽ không mất nhiều thời gian để đọc hết từ đầu tới cuối, mà chỉ chọn đọc những chương cung cấp kiến thức cần thiết cho việc giảng dạy hoặc làm giàu vốn sống của thầy.

Một cái hay nữa tôi học từ thầy là dù quyển sách có hay đến mấy, đừng khư khư giữ nó lại làm gì. Vì cái còn lại sau khi đọc một quyển sách nó phải nằm ở trong đầu bạn, chứ không nằm nơi quyển sách. Ở mỗi tác giả, mỗi quyển sách đều có một ý tưởng gì đó hay ho, thú vị mà chúng ta học được từ họ. Mỗi lần như vậy, thầy đều chép lại cái ý tưởng đó vào một mẩu giấy nhỏ, sau đó cất vào hộp. Thầy bảo vui cái hộp đó là “bộ não thứ hai” của mình, sẽ nhắc nhớ bản thân về những điều hay đã đọc, đã học. Và mỗi ngày, thầy sẽ lấy các mẩu giấy ra xem lại khi rảnh rỗi, đến khi nào ý tưởng đó của tác giả thật sự nằm trong đầu mình, thầy sẽ bỏ mẩu giấy đó đi.

3. Một vài thủ thuật khác

– Dùng miếng phân trang (Self-stick flags): Khi đọc một quyển sách, bắt gặp ý tưởng hoặc dòng nào tâm đắc, bạn có thể dùng miếng phân trang đủ màu sắc để đánh dấu vào và ghi chú lại trên đấy. Sau này, khi nhớ mang máng về một ý tưởng nằm trong quyển sách đó, bạn có thể dễ dàng tìm lại qua các miếng phân trang đã đánh dấu, chứ không cần “nổi điên” lật hết mấy trăm trang để tìm lại một dòng.

– Sổ đọc sách: Bạn nên đầu tư một quyển sổ thật đẹp và bắt mắt để ghi chép lại ý tưởng, câu cú, trích dẫn hay trong các quyển sách bạn đã đọc. Đó là sẽ nguồn tư liệu cực kỳ đồ sộ bạn dùng trong sự nghiệp viết lách, thuyết trình, thậm chí cho cả viết luận IELTS Writing chẳng hạn. Vốn sống của bạn sẽ đọng lại trong “bộ não thứ hai” này, và nên đọc lại khi có thời gian rảnh.

– Review sách: Viết review cho một quyển sách hay mình đã đọc trên Facebook, blog, website cá nhân… là một cách tốt giúp bạn ghi nhớ quyển sách được lâu hơn. Sau này khi cần tìm lại thông tin, bạn chỉ cần đọc lại bài review của mình là cảm xúc tự động ồ ạt tràn về như thể bạn vừa mới đọc xong quyển sách. Muốn vậy, bài review của bạn phải thật sự sâu và kèm những trích dẫn tâm đắc trong quyển sách đó. Ngoài ra, review cũng là một hình thức bạn giới thiệu sách hay cho nhiều người biết đến hơn.

“Tất cả chúng ta từng trải qua trường hợp: sau khi lật vài trang tiểu thuyết, bỗng ta nhận ra ta không biết mình vừa đọc cái gì. Ta nhìn thấy chữ trên giấy nhưng ta không thật sự để tâm. Nói cách khác, có một sự khác biệt giữa việc nhìn thấy và đọc hiểu. Cứ mở mắt là ta sẽ nhìn thấy. Đó là một quá trình sinh học thụ động. Nhưng việc đọc hiểu đòi hỏi bạn phải dùng đến năng lực trí tuệ. Đó là một quá trình chủ động tạo ý nghĩa.” (Brett & Kate McKay)

Trên đây là một đoạn trích dẫn hay tôi đọc được và lưu trữ lại cho riêng mình, và nó trở thành kiến thức của tôi, nay là của bạn. Bạn hãy cân nhắc và suy nghĩ về điều này, hãy đọc sách bằng tâm trí, bằng năng lực trí tuệ chứ đừng phí thời gian “nhìn thấy” sách rồi để nó biến mất.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.