Ảnh: Huy Hoàng Books

Nhắc đến cuốn tiểu thuyết Hai số phận của Jeffrey Archer, mình đã từng đọc qua rất nhiều bài review sách về cuốn này. Mỗi khi vào bất cứ nhóm văn học kinh điển nào trên Facebook, bao giờ Hai số phận cũng được nhắc tới với rất nhiều lời khen, làm mình không khỏi tò mò và phải tìm đọc cuốn sách để lý giải vì sao nó hấp dẫn đông đảo độc giả khắp nơi trên thế giới đến như vậy. Qua bản dịch của dịch giả Nguyễn Việt Hải do Huy Hoàng Books phát hành, cuốn sách dày khoảng gần 750 trang khổ nhỏ và là một thử thách đối với những ai ngại đọc sách quá dày. Ấy vậy mà mình đã “xử gọn” cuốn sách chỉ trong hai ngày cuối tuần, gần như nằm đọc cuốn sách cả ngày cả đêm không dứt ra được vì quá hấp dẫn.

Tựa gốc của tiểu thuyết Hai số phận có tên là Kane & Abel. Ai là người Công giáo hoặc có biết qua về một số dụ ngôn trong Kinh Thánh thì sẽ biết hai cái tên này xuất phát từ Cain và Abel, hai người con trai đầu tiên của Adam và Eve. Theo câu chuyện trong Kinh Thánh, người anh trai Cain vì đố kỵ việc em trai Abel được Chúa trời nhận lễ vật còn mình thì bị khước từ nên đã giết chết người em trai. Lấy cảm hứng từ câu chuyện này, Jeffrey Archer đã sáng tạo nên thế giới của Hai số phận xoay quanh hai nhân vật chính là Kane và Abel, hai con người đến từ hai quốc gia khác nhau, sinh trưởng trong hoàn cảnh khác nhau, tưởng chừng không liên quan gì nhau nhưng cuối cùng lại giao nhau ở mối thâm thù kéo dài hàng chục năm trời.

Hai anh em Cane và Abel trong Kinh Thánh

Lấy bối cảnh thời gian vào đầu thế kỷ 20, cuốn sách trải dài qua cuộc đời của hai nhân vật chính từ lúc mới sinh ra đời cho đến tận lúc cuối đời, kéo dài tới hơn 60 năm từ năm 1906 đến năm 1967. Sinh ra tại Ba Lan, cậu bé Wladek Koskiewicz là một đứa con hoang không rõ xuất thân, bị bỏ rơi trong rừng và được một gia đình người bẫy thú nhặt về nuôi. Trong khi đó, cậu bé William Kane được sinh ra tại một bệnh viện lớn ở nước Mỹ, là con của một gia đình triệu phú ngân hàng thuộc giới thượng lưu. Cả hai đều sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm – 18/04/1906, nhưng mang trong mình hai số phận hoàn toàn khác nhau. Một người được ấn định lớn lên sẽ thừa hưởng khoản thừa kế kếch xù của cha và trở thành giám đốc ngân hàng, còn người kia sẽ chỉ là một người bình thường thuộc tầng lớp lao động thấp kém.

Tuy được nuôi nấng trong một gia đình nghèo khổ có tới tận 9 đứa con, nhưng ngay từ nhỏ Wladek đã có tố chất thông minh khác thường và luôn là đứa con nổi bật nhất trong nhà. Tiếng lành đồn xa, bước ngoặt trong cuộc đời cậu bé Wladek xuất hiện khi Nam tước Rosnovski tìm đến nhà và muốn hỏi xin ý kiến gia đình Wladek về việc cho cậu bé nghỉ học ở trường làng và sang học cùng Leon Rosnovski, con trai của ngài Nam tước, vì cậu bé cần sự ganh đua trong học tập để tiến bộ. Bước vào cuộc sống mới ở lâu đài của ngài Nam tước, Wladek như bước vào một thế giới mới của đời sống thượng lưu khi được ở phòng riêng, có người hầu kẻ hạ, bàn ăn luôn đầy ắp thức ăn ngon. Nhưng niềm vui chẳng tày gang, Đệ nhất thế chiến ập đến, quân Đức tấn công Ba Lan và chiếm đóng lâu đài của Rosnovski, sau đó quân Nga kéo tới và cậu bé Wladek bị bắt sang Nga làm tù binh.

Trải qua mấy năm làm tù binh, trốn trại, phiêu bạt từ Nga qua Thổ Nhĩ Kỹ, vào tù, suýt bị chặt tay vì trội trộm cắp, Wladek được một viên sĩ quan người Anh giúp đỡ và đưa cậu tới Lãnh sự quán Ba Lan. Dẫu hết lòng mong mỏi được trở về quê hương xứ sở để phục dựng lại lâu đài nhà Rosnovski, nhưng Ba Lan với Nga vẫn còn đang trong giai đoạn chiến tranh, thế là Wladek đành phải lên tàu để di cư sang miền đất hứa mới – nước Mỹ. Khi mới nhập cảnh vào đất Mỹ, sĩ quan Sở Di trú hỏi tên của Wladek để điền hồ sơ nhập cảnh. Trong giây phút cậu ngập ngừng không dám nói cái tên quê mùa của mình ra, viên sĩ quan chụp lấy cổ tay cậu và xem dòng chữ trên chiếc vòng bạc cậu được ngài Nam tước trao tặng. Từ đó, cậu bắt đầu cuộc đời mới trên nước Mỹ với tên gọi của ngài Nam tước từng nuôi dạy mình: Nam tước Abel Rosnovski.

Phiên bản phim truyền hình

Trái ngược hẳn với số phận của Abel, cậu ấm Kane ngay từ nhỏ đã được ngậm thìa vàng với sự dạy dỗ và đầu tư hết mực cho con cái từ bậc cha mẹ thượng lưu trong một gia đình danh giá. Bước ngoặt trong cuộc đời Kane xảy đến vào năm cậu 6 tuổi, ngài William Richard cha cậu chẳng may qua đời trong vụ chìm tàu Titanic nổi tiếng (vâng, đó chính là chiếc tàu trong bộ phim Titanic) và để lại cho cậu phần lớn tài sản thừa kế, dưới sự ủy thác của gia đình cho tới năm cậu được 21 tuổi. Khi Kane tròn 8 tuổi, hai người bà nội ngoại của cậu quyết định sẽ dạy cho cậu cách đầu tư với mục đích để cậu sớm nhận biết giá trị của đồng tiền. Họ phát cho Kane 1 đô mỗi tuần làm vốn, yêu cầu cậu phải có bản kê khai chi tiết mọi khoản chi tiêu. Cuối mỗi quý, hai bà sẽ kiểm tra sổ sách của đứa cháu và đặt vấn đề về những khoản chi bất thường.

Với tố chất thông minh về tài chính từ bé, chẳng mấy chốc cậu bé Kane đã học được cách đầu tư và làm cho số vốn của mình sinh lợi ngày càng nhiều. Nối gót theo người cha giỏi giang từng theo học Đại học Harvard, Kane cũng nỗ lực phấn đấu không ngừng để giành lấy một suất học bổng vào trường. Dù nỗ lực bao nhiêu, Kane vẫn luôn thấy mình không thể vượt qua được cái bóng quá sức tài giỏi của cha mình. Tất cả mọi tâm huyết và sức lực cậu bỏ ra cho việc học tập và rèn luyện đều là để trang bị cho mình những hành trang cần thiết để sau này nối nghiệp cha cậu, trở thành giám đốc của ngân hàng Kane và Cabot.

Bản bìa sách tiếng Anh

Hai số phận, cấu trúc của tiểu thuyết được tác giả Archer viết theo lối song hành: hết một chương nói về Kane sẽ đến một chương nói về Abel, cứ tuần tự liên tục như thế xuyên suốt 8 phần của cuốn sách. Với cấu trúc triển khai này, ban đầu nếu độc giả không quen thì sẽ có thể nhầm lẫn, tưởng rằng sách in nhầm trật tự các chương. Ban đầu khi mình đọc cũng có phần hơi lúng túng vì đang câu chuyện về bối cảnh này của nhân vật này thì lại chuyển sang bối cảnh khác nhân vật khác. Lúc mới đọc mình còn nhầm nhọt rằng hai số phận ở đây là nói về cuộc đời của cậu bé con nhà nghèo Wladek với cậu bé con nhà giàu Leon, con trai ngài Nam tước Rosnovski. Mãi sau đó khi nhân vật Kane hiện lên rõ hơn qua bối cảnh nước Mỹ trong sự tương quan với Waldek ở Ba Lan thì mình mới nhận ra được cấu trúc thực sự của cuốn sách.

Cấu trúc song hành có sự độc đáo ở chỗ nó như một cuốn sách 2-trong-1: bạn đọc một cuốn sách mà tưởng chừng như đang đọc hai cuốn sách về hai nhân vật độc lập và hoàn toàn khác nhau, ngay cả bối cảnh nhân vật sinh sống, chỉ ngoại trừ thời gian là trùng khớp nhau. Mãi đến gần một nửa cuốn sách, Kane và Abel mới lướt qua đời nhau và có những giao điểm trong cuộc đời, từ đó mới dẫn đến những cao trào kịch tính trong số phận của mỗi nhân vật. Để viết ra được một tác phẩm đồ sộ với cấu tứ phức tạp như vậy, mình đồ rằng tác giả phải có hẳn một cái bảng storyline (cốt truyện) y như trong mấy phim điều tra tội phạm, cũng như tình tiết phát sinh trong cuộc đời của mỗi nhân vật ở mỗi cột mốc, từ đó mới có thể triển khai ra mạch nội dung song hành. Bởi lẽ nếu tác giả chỉ ngồi bên bàn bút mà phân chia não bộ ra thành hai ngăn để viết song song và liên tục hai mạch truyện khác nhau, cơ hồ có lẽ chỉ có thiên tài viết lách mới thế.

Khi đọc về quá trình cậu bé Kane đầu tư kinh doanh và chứng khoán ngay từ nhỏ, cũng như những kế hoạch và chiến lược của Kane trong lĩnh vực ngân hàng và óc phân tích thông minh, sắc sảo của cậu, mình có phần ngạc nhiên và tự hỏi: Tác giả Jeffrey Archer phải am hiểu về tài chính đến mức nào mới có thể viết ra một câu chuyện chân thực, sống động như thế, cứ như thể ông là một chuyên gia tài chính của Phố Wall viết sách? Khi đọc lại lời đề từ đọc sách, mình càng ngạc nhiên hơn gấp bội phần:

Tác giả xin được gửi lòi tri ân hai người đàn ông đã giúp cho cuốn sách này được ra đời. Cả hai đều tha thiết muốn được giấu tên, vì một người đang viết cuốn tự truyện của đời mình và người còn lại đang là một nhân vật tầm cỡ ở nước Mỹ.

Như vậy, thông qua dấu chỉ được tác giả gài ở lời đề từ, độc giả có thể hình dung rằng Hai số phận là cuốn tiểu thuyết được viết dựa trên cuộc đời của hai nhân vật có thật nhưng không công khai danh tính. Thông tin này có thể là một kỹ thuật “framing” (định hình khung nhận thức) cho độc giả để họ bước vào cuốn tiểu thuyết với một tâm thế tin tưởng vào những gì tác giả viết hơn, từ đó sẽ cảm thấy nó chân thực và sống động hơn. Hoặc có thể tác giả Archer đã từng gặp gỡ, tiếp xúc và trò chuyện với hai nhân vật như vậy ngoài đời thực và ông chấp bút viết cuốn tiểu thuyết dựa trên cuộc đời của họ, dĩ nhiên phần hư cấu và sắp đặt vẫn chiếm phần nhiều.

Ảnh: Huy Hoàng Books

Cái hay nhất của tác phẩm Hai số phận nằm ở chỗ, bạn càng đọc thì càng tin câu chuyện mà tác giả kể là sự thật, bởi tất cả bối cảnh, địa danh, thời điểm và sự kiện trong cuốn sách đều ứng với thực tế – từ vụ chìm tàu Titanic, Đệ nhất thế chiến, tên các vị tổng thống và chính trị gia, tên các ngân hàng và chủ ngân hàng, v.v. Với quá nhiều dữ liệu thực tế cài cắm trong sách như vậy, mặc nhiên độc giả dễ có cảm tưởng rằng hai nhân vật Kane và Abel cùng câu chuyện của họ cũng hoàn toàn có thực. Chính vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi nhiều tờ báo đã ca ngợi Jeffrey Archer là một “người kể chuyện thiên tài” (Daily Telegraph), hay “một trong mười người kể chuyện hay nhất thế giới” (Los Angeles Times).

Kể từ lần xuất bản đầu tiên ở Anh vào năm 1979, đến nay cuốn tiểu thuyết Hai số phận đã bán hơn 320 triệu bản trên toàn cầu, là một trong những cuốn tiểu thuyết thành công nhất trong lịch sử – xếp sau Giết con chim nhại (Harper Lee) và đứng trước Chiến tranh và hòa bình (Leo Tolstoy). Không đơn thuần là một cuốn tiểu thuyết, Hai số phận là câu chuyện đại diện cho hai thân phận khác nhau trong cuộc đời – người sinh ra đã không có gì và người chiến thắng ngay từ vạch đích. Cuốn sách có thể làm rung động những trái tim luôn muốn khao khát thay đổi số phận, vượt lên nghịch cảnh và không dễ dàng chấp nhận một cuộc sống đi theo lối mòn.

Điểm trừ của cuốn sách đối với mình là cú twist chốt hạ cuối cùng khá dễ đoán, khiến cho 20% cuối truyện có phần đuối dần vì đó chỉ là lúc giải quyết những mâu thuẫn và nút thắt chất chồng mà tác giả đã kỳ công sắp đặt trước đó. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến tổng thể mạch truyện và khách quan mà nói bởi lẽ độc giả như chúng ta ngày nay đã quen với thể loại truyện trinh thám, phim ảnh cài cắm nhiều plot twist hay đọc Conan từ nhỏ nên cú twist của thập niên 80 có thể là hấp dẫn bất ngờ với thời đại bấy giờ nhưng sẽ có phần dễ đoán trong thời đại bây giờ. Với mình thì Hai số phận vẫn là một cuốn sách hay và đáng để bạn phải đọc một lần trong đời.

Một câu quote trong sách mình rất thích:

Đừng bao giờ tìm gió trên cánh đồng. Thật vô ích khi cố tìm kiếm những điều đã mất.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Nội dung thuộc bản quyền của Chơn Linh. Vui lòng liên hệ xin phép trước khi sử dụng lại.