Trên thế giới có hơn 7 tỷ dân thì trong số đó có 1/3 là người hướng nội, 1/3 là người hướng ngoại và 1/3 còn lại là người vừa hướng nội vừa hướng ngoại. Giống như trong thế giới của thần thoại Hy Lạp, có các vị thần thuần chủng và á thần (nửa người nửa thần) thì thế giới của nhóm tính cách hướng nội (introvert) – hướng ngoại (extrovert) có thể phân thành 3 nhóm như sau: hướng nội thuần chủng, hướng ngoại thuần chủnghướng nội lai hướng ngoại.

Bản thân mình là một người hướng nội thuần chủng với các đặc điểm nhận diện điển hình:

  • Thích nghe nhiều hơn thích nói, và rất dễ mất năng lượng khi phải nói nhiều cả buổi.
  • Thích không gian yên tĩnh, và rất dễ mất năng lượng trong một không gian quá ồn ào.
  • Thích ở một mình đọc sách suy tư, và rất dễ mất năng lượng khi phải tham gia nhiều hoạt động cả ngày.
  • Thích làm việc độc lập hơn là làm việc nhóm, và không thích giao tiếp họp hành thường xuyên với sếp hay đồng nghiệp.
  • Không có nhu cầu nói chuyện và làm quen với người lạ, cũng không có nhu cầu thể hiện bản thân với người khác. Trong đám đông, càng vô danh càng nhỏ bé không ai biết đến mình thì càng tốt.

Với những đặc trưng điển hình của một người hướng nội thuần chủng như trên, điều gì khiến mình “lột xác” trở thành một người… hướng ngoại và có thể:

  • Dẫn dắt một cuộc họp từ 15-20 người nơi làm việc?
  • Quản lý một team Sales gần 20 người và đa số toàn người hướng ngoại?
  • Thuyết trình tiếng Anh trước một hội trường từ 40-50 người?
  • Thuyết trình tiếng Việt trước một hội trường gần cả trăm người?
  • Tham gia tổ chức và quản lý một sự kiện với gần 1000 người tham dự?

Có rất nhiều bạn trẻ ở độ tuổi thiếu niên lẫn những người đã trưởng thành nhưng vẫn còn đang loay hoay trong hành trình khám phá và thấu hiểu bản thân. Không nhiều người ý thức được mình là người hướng nội hay hướng ngoại, hoặc giả có ý thức được thì cũng dễ bị định kiến của đám đông tác động, dẫn tới việc dán nhãn sai lệch về hai nhóm tính cách này.

Trong series Hành Trình Của Một Người Hướng Nội này, mình sẽ chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm của bản thân với những khó khăn, vất vả và khổ sở mà một người hướng nội thuần chủng phải gánh chịu như thế nào, cũng như quá trình mình đã “lột xác” ra sao để trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Hy vọng những gì mình chia sẻ có thể truyền cảm hứng và giúp ích cho những bạn thuộc nhóm hướng nội thuần chủng giống mình – những người chưa nhận thức được tiềm năng của bản thân, và cho cả những bạn khác thuộc nhóm hướng ngoại có thể đọc, hiểu và đồng cảm hơn với thế giới của người hướng nội.

“Con cóc suốt ngày ru rú trong hang”

Khi nhắc đến kỷ niệm ngày đầu tiên đi học, mình vẫn còn nhớ hoài cái ngày đầu tiên đi học mẫu giáo vào năm 3 tuổi. Ngày đầu tiên mẹ dắt mình tới trường rồi gửi cho cô giáo, khoảnh khắc nhìn một bà cô hoàn toàn xa lạ và một đám đông toàn con nít hết sức ồn ào, mình òa lên khóc hu hu.

Chuyện con nít lần đầu xa nhà đi học mà khóc là chuyện hết sức bình thường về mặt tâm sinh lý. Nhưng với mình thì không chỉ ngày đầu tiên mà còn thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm rồi lại thứ sáu, không có ngày nào mình không khóc. Mấy ngày đầu mẹ còn chở mình đi học, sau đó mẹ khoán luôn cho bác xích lô chở giùm mỗi ngày, và dù đi học bằng xích lô chung với thằng bạn hàng xóm, mình vẫn khóc tu tu như chưa bao giờ được khóc. Áng chừng chắc cũng phải mất mấy tuần sau đó, khi đã làm quen được với cô giáo và bạn bè trong lớp, mình mới… hết khóc nhè.

Ngay từ lúc nhỏ xíu, mình đã nhận thức được chuyện mình không thích đám đông, không thích tiếp xúc với người lạ – đây là việc khiến mình không thoải mái tới mức sợ hãi. Ví như nhà có một vị khách lạ đến chơi, mình sẽ chạy tót vào phòng đóng kín cửa lại, không bao giờ ra chào hỏi, cứ như thể nhà này ba mẹ mình không có đứa con nào. Hay mỗi lần mẹ mình có việc cần nhờ như sai đi mua đồ hay đưa đồ giùm cho ai đó lạ hoắc lạ huơ thì mình nhất quyết không đi là không đi.

Bởi tính cách hướng nội như vậy nên phần lớn thời gian mình đều ở nhà, rất hiếm khi ló mặt ra đường nên hàng xóm quanh năm suốt tháng không bao giờ có cơ hội thấy được bản mặt vàng trong làng hướng nội của mình. Mình còn nhớ có một cô hàng xóm trong lúc nhiều chuyện với mẹ mình, từng buông ra một câu nhận xét khiến mình nghe thấy rất buồn: “Thằng Linh nó y như con cóc, suốt ngày ru rú ở trong hang không bao giờ nói chuyện với ai.”

Đến những năm đi học tiểu học rồi trung học, sổ liên lạc của mình năm nào cũng nhận được cùng một lời phê có nội dung na ná nhau: “Chăm, ngoan, hiền nhưng còn thụ động. Cần tích cực phát biểu hơn.”

Còn nhớ năm lớp 9, mình nhỏ con nên ngồi ngay bàn đầu, mà sát bên là một thằng bạn siêu nhiều chuyện. Đang giờ học Văn mà nó cứ luôn mồm tía lia kể đủ thứ chuyện cho mình nghe, còn mình thì ngồi im như tượng vừa nghe nó nói mà vừa nghe cô giáo giảng bài. Sau này mình thi vào chuyên Văn, cô dạy Văn mới kể lại ấn tượng đó với mình và bảo rằng, mỗi lần tới tiết của cô thì nhìn em cứ y như tượng ông Phật, dù ai nói ngả nói nghiêng cũng không hề mở miệng câu nào.

Hồi tưởng lại quãng thời gian từ lúc học mẫu giáo cho đến hết cấp ba, bản thân mình lúc đó cũng chưa nhận thức được chuyện mình là người hướng nội, vì thời điểm đó khái niệm hướng nội hay hướng ngoại vẫn còn rất xa lạ. Tuy 3 năm cấp ba mình đọc gần hết sách ở thư viện tỉnh, nhưng không có một cuốn sách nào đề cập tới hai khái niệm này.

Người chủ nhiệm bị tổn thương

Lên đại học, mình chọn theo chuyên ngành Báo chí vì xuất phát điểm vốn là dân chuyên Văn nên chỉ chọn được nhóm ngành khối C, mà Báo chí là ngành có điểm chuẩn cao nhất của khối C thời điểm đó. Hồi đó việc định hướng nghề nghiệp vẫn còn là chuyện hết sức xa vời, nhất là đối với học sinh tỉnh lẻ nên rất nhiều bạn tới khi bước chân vào môi trường đại học rồi mới nhận ra mình đã lựa chọn sai ngành.

Ở lớp Báo chí của mình, có khoảng gần 150 bạn sinh viên, và khi soi chiếu ở góc nhìn hiện tại về thời điểm đó thì có tới 2/3 sinh viên trong lớp là người hướng ngoại bởi đa số đều rất năng động, tự tin thể hiện cá tính của bản thân và… nói rất nhiều. Thường vào đầu mỗi niên học cũng là thời gian các câu lạc bộ lớn nhỏ, trong trường lẫn ngoài trường chiêu mộ thành viên. Trong tâm thế của một sinh viên theo học một ngành top đầu của trường, mình cũng quyết định tham gia ứng tuyển vào hai câu lạc bộ nổi đình nổi đám nhất trường – câu lạc bộ A thì trực thuộc khoa còn câu lạc bộ B thì do các anh chị cựu sinh viên khoa sáng lập.

Ở câu lạc bộ A, mình chọn thi vào ban Phóng viên, bài thi đầu vào là một bài test dò lỗi trên văn bản báo chí. Vòng này mình pass qua được dễ dàng vì quá đúng chuyên môn, nhưng tới vòng phỏng vấn trực tiếp, với một người hướng nội không giỏi ăn nói như mình (ở thời điểm đó mình vẫn chưa nhận thức được vụ hướng nội), lại lần đầu đi phỏng vấn ứng tuyển. Kết quả khỏi nói thì bạn cũng đã đoán được, mình bị trượt câu lạc bộ A. Kết quả này khiến mình bị sốc tâm lý khá nặng, bởi sau tất cả, dù cho bài test chuyên môn bạn làm có giỏi tới đâu mà khả năng ăn nói và thể hiện bản thân không có thì cũng bị loại. Và mình bị loại vì chính những đặc trưng tính cách của một người hướng nội.

Đến câu lạc bộ B, mình đã rút được kinh nghiệm xương máu từ câu lạc bộ A nên phải thay đổi chiến lược ứng tuyển. CLB B có tới 3 ban khác nhau là ban Nội dung, ban Đối ngoại và ban IT. Ban Đối ngoại thì xác định là tạch rồi đó, ban Nội dung thực ra là ban mình muốn ứng tuyển vào nhất nhưng theo thông tin mình dò hỏi được thì bài test là khả năng MC dẫn chương trình của bạn nên thôi rồi Lượm ơi xác định tạch luôn. Cuối cùng, mình quyết định ứng tuyển vào ban IT, vì đây là ban có số lượng ứng viên ít nhất, tỉ lệ chọi thấp và IT đòi hỏi tư duy về máy móc, biết chụp ảnh, thiết kế, làm video thì mình có phần nào tự tin hơn. Kết quả là mình đậu vào ban IT của CLB B, vì ban này không yêu cầu những đặc tính nổi bật của một người hướng ngoại.

Tua nhanh đến giai đoạn 2 năm sau đó, mình lên vị trí Trưởng ban IT và tới năm cuối đại học, mình trở thành Chủ nhiệm CLB B, quản lý một đội ngũ bao gồm 3 phòng ban với hơn 30 thành viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau ở TP.HCM. Trong quá trình ở hai vị trí Trưởng ban IT & Chủ nhiệm CLB, hằng năm mình phải tham gia vào quá trình tuyển thành viên mới đầu mỗi năm học. Dù ở vai trò nào thì mỗi lần tới đợt tuyển thành viên mình đều khá áp lực và căng thẳng. Bởi lẽ, mình là người phải trực tiếp phỏng vấn các ứng viên thi tuyển vào ban IT của mình (ở vai trò Trưởng ban), hoặc là host và cũng là mentor đứng ra phát biểu, giới thiệu thể lệ các vòng thi và chấm thi (ở vai trò Chủ nhiệm).

Hồi ấy CLB B mình quản lý vốn tiền thân từ một chương trình của VTV, sau tách riêng ra hoạt động độc lập bởi các anh chị cựu sinh viên của khoa nên tên tuổi của CLB B này nổi tiếng khắp TP.HCM trong khối ngành liên quan tới truyền thông, báo chí, truyền hình, phát thanh. Mỗi đợt tuyển thành viên hằng năm, bên mình nhận được sơ sơ… 200-300 CV, và 4 vòng ứng tuyển được tổ chức theo đúng format các chương trình đang hot lúc bấy giờ như Vietnam’s Next Top Model, The Voice ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố. Bạn cứ thử tưởng tượng, ở vòng loại đầu tiên thôi mà có gần 100 sinh viên xếp hàng dài đến để phỏng vấn, và một người hướng nội như mình phải đứng ra phát biểu, điều phối ban tổ chức, dẫn dắt chương trình diễn ra đúng theo kịch bản v.v. thì phải nói áp lực đè nặng lên thiên hướng tính cách như thế nào.

Ở vòng 4 của đợt tuyển thành viên, theo truyền thống hằng năm đều tổ chức ở một địa điểm xa thành phố, năm thì Cần Giờ năm thì Vũng Tàu với n hoạt động thể chất và trí não không thua gì gameshow Cuộc Đua Kỳ Thú để các ứng viên bộc lộ cá tính của mình trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Và mỗi đợt đi xa như vậy, thường phải di chuyển tự túc bằng xe máy, mình thường rất dễ bị mất năng lượng và mau bị mệt, nên sau tất cả những vòng thi tuyển, đến phần ban tổ chức bao gồm các anh chị cố vấn, ban chủ nhiệm, 3 trưởng ban và các thành viên hỗ trợ cùng ngồi lại ăn uống nhậu nhẹt với nhau, mình không bao giờ còn đủ hơi sức để nói được chuyện gì cho ra hồn mà chỉ muốn nằm yên một chỗ, không muốn ai tới quấy rầy mình.

Nhưng nhiều lần như vậy, trong nhiều cuộc đi chơi và sinh hoạt tập thể của CLB, mà mình ở vai trò là một Trưởng ban hay một Chủ nhiệm, lại thường nhận về những lời phản hồi không mấy tích cực từ các anh chị lớn hơn, cũng như từ các thành viên khác là mình không xông xáo, không hòa đồng với tập thể, hành xử kỳ quặc và cái tính của mình như vậy thì làm sao đảm đương được trách nhiệm dẫn dắt CLB?

Từng lời từng lời đó, đều như những vết dao cứa vào tính cách hướng nội của mình và khiến mình bị tổn thương. Ở thời điểm đó, mình vẫn chưa ý thức được việc mình là một người hướng nội, mà chỉ đổ lỗi cho bản thân là còn quá nhút nhát và yếu đuối, xong rồi lại chuyển sang tự trách chính mình tại sao không được hoạt ngôn hay hoạt bát như người này người kia trong CLB.

Và sau một vài mâu thuẫn diễn ra vì sự xung đột tính cách đó với các thành viên khác của CLB, mình quyết định từ chức và rời khỏi CLB. Một việc mà tính tới thời điểm của mình, chưa từng có tiền lệ Chủ nhiệm nào từ chức trong quá trình CLB hoạt động hơn 7 năm…

Đọc tiếp Tập 2 – Kỳ thực tập đầy sóng gió

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

9 bình luận

  1. Hóng tập 2 để học hỏi kinh nghiệm quá anh =))) Hồi nhỏ lần đầu đi mẫu giáo, trong 1 tháng em không nói chuyện với cô giáo hay bạn bè, chỉ ngồi đúng 1 chỗ để quan sát xung quanh, xong cô trả về cho gia đình mới bựa.

  2. Giới thiệu với anh em là Thư năm nay 22 tuổi học một trường đại học kinh tế có tiếng ở Hà Nội. Em không chỉ hướng nội em còn rất nhút nhát và thụ động nữa. Vì ít nói chuyện và giao tiếp với những người xung quanh nên cách nói chuyện dùng từ của em cũng bị hạn chế. Đứng trước mặt người ngoài bảo em phát biểu cái gì em sẽ bị hồi hộp và nhịp tim tăng nhanh (vì vấn đề này em trượt 2/3 môn vấn đáp ở trường dù là năm cuối). Em cũng không thích( ghét) đọc sách nên em nghĩ việc thay đổi bản thân em hiện tại càng khó. Em bị chửi hay làm sai cái gì thì lần sau em sẽ né những việc đó ra thay vì đối mặt và giải quyết rành rọt vấn đề đó. Tại vì hướng nội nên em rất khó để chia sẻ suy nghĩ của mình cho người khác thậm chí cả ba mẹ anh chị em ruột. Mỗi lần em tìm bạn nói chuyện tâm sự của em bạn em bảo là ai cũng có vấn đề em kể nhiều quá người ta cũng sẽ mệt mỏi đâm ra em lại càng tránh việc đó. Sinh viên trường em nổi tiếng là năng động và tài giỏi vì vậy lạc vào môi trường này em lại càng co rút bản thân. À còn nhiều cái em muốn chia sẻ…

    • Chơn Linh Phản hồi

      Cảm ơn em đã chia sẻ câu chuyện của bản thân. Anh cũng hy vọng từ từ qua series bài viết này, em có thể tìm thấy điểm sáng cho con đường phía trước và có phương hướng khắc phục các vấn đề hiện tại em nhé. Series vẫn còn nhiều tập 🙂

  3. Có vẻ mình giống bạn rồi đó, hôm nay chợt xem đc bài viết của anh Linh mình thấy hóng tập tiếp quá, hy vọng mình sẽ tìm đc hướng đi tươi sáng cho bản thân:))

  4. Cảm giác bạn là sv trg F nhỉ, nếu mình đoán sai bạn bỏ qua nha, hì. Đọc commnet của bạn mình thấy đồng cảm quá vì cũng gặp vấn đề y hệt :<

  5. Đọc bài viết này mới nhớ ra hồi đi học thì sổ liên lạc của mình cũng toàn được nhận xét (dù là thầy hay cô): học chăm, ngoan, hiền nhưng cần than gia nhiều hoạt động của lớp, của trường hơn =))))
    Nhưng được cái mình cười nhiều lắm, gặp ai mình cũng cười vì mọi người bảo mình cười xinh (tính ra hồi đó cũng đã biết phát huy ưu điểm của bản thân rồi đó chớ =))), cộng với gương mặt sáng sủa, hiền lành nữa nên thường xuyên bị bắt tham gia văn nghệ của lớp :), nhưng mình lại không muốn nổi bật giữa một đám đông, mình tìm mọi cách trốn ở phía bên rìa hay đứng ở những hàng sau, hạn chế trang điểm hay làm tóc quá lố => những bạn nam ko để ý mình nhiều, những bạn nữ thì không tị nạnh với mình. Chính vì vậy mà dù ít nói và cứ ru rú trong nhà nhưng mình vẫn có nhiều bạn và mng đối xử với mình cũng tốt lắm, những năm học hành của mình đã trôi qua êm đềm như vậy. Nói thật giờ nghĩ lại mình thật sự rất biết ơn nụ cười của mình lắm. Hiện tại dù hướng nội nhưng mình đã chủ động hơn nhiều rồi :))

    • Chơn Linh Phản hồi

      Bạn có lợi thế nụ cười là điểm cộng to lớn gây thiện cảm rồi. Còn mình từ nhỏ tới lớn luôn bị bảo là KHÔNG CẢM XÚC =))

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải