Trong bộ phim My Liberation Notes (Nhật ký giải phóng của tôi) của Hàn, nhân vật Mi Jeong là một cô nhân viên công sở điển hình, sáng cắp cặp bắt tàu điện ngầm đi làm, chiều tối lại tất tả bắt tàu đi về nhà. Ở công ty của Mi Jeong, bộ phận Nhân sự có một chính sách là khuyến khích nhân viên tham gia vào các câu lạc bộ sinh hoạt sau giờ làm, ví như câu lạc bộ bowling, câu lạc bộ leo núi, câu lạc bộ khiêu vũ,… nhưng Mi Jeong không có nhu cầu tham gia vì không thích giao lưu với đồng nghiệp mà chỉ muốn đi về nhà sớm.

Cùng tâm trạng với Mi Jeong, hai đồng nghiệp khác cùng công ty hay bị phòng Nhân sự mời lên nói chuyện vì họ không chịu tham gia hoạt động của câu lạc bộ nào, trong khi công ty thì mong muốn nhân viên trở nên hòa đồng và giao lưu với các phòng ban khác nhiều hơn. Park Sang Min, một anh trung niên nằm trong bộ ba này, trong một lần ngồi cafe chung với nhau mới cảm thán: “Mình là đối tượng cần được quan tâm đặc biệt chắc? Để cho người ta yên ổn hướng nội cũng không được à?”.

Dưới con mắt của người hướng ngoại, đa số sẽ nhìn nhận bộ ba này là lập dị, không hòa đồng với người khác, nhưng ít người biết rằng có tới 1/3 dân số trên thế giới là người hướng nội. Sự khác biệt giữa những người luôn thích hoạt động náo nhiệt với những người chỉ thích hoạt động yên tĩnh cũng phần nào phản ánh xu hướng tính cách đặc trưng của cặp tính cách thứ nhất trong MBTI: nhóm Hướng nội (Introversion) và Hướng ngoại (Extroversion). Hiểu về cặp I & E này, bạn sẽ thấu cảm hơn về những người không “cùng loài” với mình.

“Bộ ba lập dị” trong phim My Liberation Notes.

Đặc điểm nhận dạng I & E

Nhóm Hướng nội (Introversion)Nhóm Hướng ngoại (Extroversion
– Hướng sự tập trung vào thế giới bên trong của bản thân để suy ngẫm và chiêm nghiệm các ý tưởng.– Hướng sự tập trung vào thế giới bên ngoài của sự gặp gỡ giao lưu với người khác và các hoạt động.
– Lấy năng lượng từ thế giới nội tâm trong sự yên tĩnh, riêng tư.– Lấy năng lượng từ thế giới bên ngoài và qua việc tương tác với người khác.
– Thích giao tiếp thông qua viết lách/chat.– Thích giao tiếp thông qua nói chuyện.
– Học tập và tìm ý tưởng bằng cách suy ngẫm về chúng.– Học tập và tìm ý tưởng bằng cách thảo luận về chúng.
– Chỉ sẵn sàng hành động đối với những chuyện thật sự quan trọng.– Sẵn sàng hành động trong mọi vấn đề và tình huống.

 

Ở series Hành Trình Của Một Người Hướng Nội, mình có chia sẻ chi tiết về thiên tính hướng nội của bản thân, không ở mức độ hướng nội thông thường mà là siêu hướng nội. Ngay từ nhỏ, mình đã không thích các hoạt động quá ồn ào, náo nhiệt mà chỉ thích an tĩnh chơi trong một góc của riêng mình. Khi đi học, mình rất ít khi chủ động nói chuyện hay kết thân với bạn bè mà chỉ ngồi yên một chỗ cả buổi, cũng như rất ít giơ tay phát biểu bài nên trong sổ liên lạc giáo viên thường hay nhận xét là “Chăm, ngoan, hiền nhưng còn thụ động. Cần tích cực phát biểu hơn”. Đến khi về nhà, mình cũng rất ít khi ra ngoài la cà với chúng bạn mà chỉ chơi với một nhóm bạn thân thiết trong xóm, hầu như thời gian của mình đều ở trong nhà, ngay cả khi có khách đến chơi nhà thì mình cũng trốn trong phòng và rất ngại giao tiếp với người lạ. Đến nỗi một cô hàng xóm ngay sát nhà mình phải nhận xét: “Thằng Linh nó y như con cóc, suốt ngày ru rú ở trong hang không bao giờ nói chuyện với ai”.

Lên đến trung học, đại học rồi ra trường đi làm, không ít lần mình nghe được lời nhận xét của người khác sau lưng mình rằng mình như một đứa tự kỉ, suốt ngày lầm lầm lì lì chả thấy nói chuyện với ai. Giống như nhân vật Mi Jeong, suốt một quãng thời gian dài mình sống trong sự cật vấn bản thân: Tại sao mình lại khác người như thế? Tại sao mình lại không giống như bao người khác?

Nhờ học và hiểu về MBTI, mình như tìm thấy ánh sáng cuối đường hầm về tính cách hướng nội bẩm sinh của bản thân, cũng như hiểu về điểm mạnh lẫn điểm yếu của tính hướng nội để có thể sống chung với nó trong một thế giới ưa chuộng tính hướng ngoại.

Nhận diện người I & người E trong cuộc sống

a. Sự tập trung chú ý và cơ chế nạp năng lượng

Mình có một cô bạn hướng nội sống chung nhà với một cô bạn hướng ngoại, cả hai đều là bạn chơi thân từ thời đại học tới giờ. Cứ vài ba tháng, mình lại nghe cô bạn hướng nội nhắn, này cái X nó sắp đi Đà Nẵng đấy, hôm thì cái X nó sắp đi Huế, hôm thì cái X nó sắp đi Hà Nội, v.v. Một năm chỉ có 12 ngày phép, nhưng cô bạn hướng ngoại của mình cứ cách 1-2 tháng là lại xách vali lên và đi đâu đó, hoặc là du lịch, hoặc là đi công tác, hoặc là tham gia giải chạy bộ ở một tỉnh thành nào đấy. Mà đó mới chỉ là chuyện sử dụng ngày phép, chứ còn mỗi cuối tuần thì cô bạn hướng ngoại này đều xê dịch liên tục chứ không bao giờ ở yên một chỗ. Có tuần thì bạn đi leo núi, có tuần thì bạn đạp xe, có tuần thì bạn chèo thuyền sup trên sông Sài Gòn, v.v. Chưa hết, đến ngay cả ngày làm việc trong tuần, thì sau giờ làm của bạn cũng là một lịch trình đầy sôi động. Hôm thì đi nhậu với đồng nghiệp, hôm thì đi cafe với bạn, hôm thì đi xem phim, hôm thì đi dự event nào đấy v.v.

Cuộc sống của một người hướng ngoại điển hình dường như luôn đầy ắp các hoạt động và sự kiện, càng đi nhiều nơi càng tham gia nhiều hoạt động càng tương tác với nhiều người, họ lại được sạc thêm năng lượng để tiếp tục quay trở về lại làm việc và học tập. Trái lại, một lịch trình dày đặc như trên là một cơn ác mộng đối với những người hướng nội như mình. Giống như Mi Jeong, thật sự sau giờ làm mình chỉ muốn đi về nhà để tận hưởng không gian yên tĩnh và riêng tư trong phòng, và mình hầu như hạn chế các cuộc hẹn trong tuần để tránh việc bị cạn kiệt năng lượng. Cơ chế nạp năng lượng của người hướng nội/hướng ngoại ví như cục pin điện thoại, sau một ngày làm việc đã tổn hao quá nhiều năng lượng thì người hướng nội cần phải dành thời gian yên tĩnh để sạc lại năng lượng từ từ cho ngày mai đi làm. Nếu hôm nào có hẹn gì đấy buổi tối thì người hướng nội rất dễ mệt mỏi, tụt năng lượng vào hôm sau khi cơ thể vẫn chưa sạc đủ năng lượng cần thiết.

Cô bạn hướng ngoại của mình thì rất thích xách laptop ra quán cafe ngồi làm việc hay ngồi học, vì tiếng ồn trắng (white noise) ở quán cafe và khung cảnh nhộn nhịp người qua kẻ lại là một nguồn cảm hứng tuyệt vời cho người hướng ngoại. Với người hướng nội như mình, càng ở lâu trong không gian có đông người, ồn ào và đặc biệt lại là một nơi xa lạ mới đi lần đầu thì đó là một combo triệt tiêu sạch sành sanh năng lượng. Chính vì thế, khi hẹn bạn bè đi cafe hay đi ăn, người hướng nội như mình thường sẽ ưu tiên lựa chọn quán nào có không gian yên tĩnh, nhạc nhẹ chứ không quá ồn, ít người thì càng tốt và phải là quán quen từng đi vài lần rồi thì mới gọi là không gian lý tưởng cho một cuộc trò chuyện.

Có lần cô bạn hướng ngoại của mình rủ cô bạn hướng nội cuối tuần chạy xe máy từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu chơi, khởi hành từ chiều thứ Sáu và ở cho tới chiều Chủ nhật mới về. Đến tối Chủ nhật khi về tới nhà trọ, trong khi cô bạn hướng nội đã rã rời cạn kiệt năng lượng (dù cô bạn hướng ngoại mới là người lái xe cả hai chiều) thì cô bạn hướng ngoại lại tiếp tục đi nhậu tăng hai với bạn bè ở Bùi Viện, dù cho sáng mai thứ Hai phải đi làm. Sự khác biệt về cơ chế nạp – xả năng lượng ở người hướng nội và hướng ngoại trái dấu như thế đấy!

b. Xu hướng giao tiếp

Khi nói đến tính hướng nội và hướng ngoại, đa số mọi người sẽ có định kiến rằng người hướng ngoại thì nói nhiều, hoạt bát, năng động còn người hướng nội thì ít nói, ngại ngùng, rụt rè. Thực sự thì trong một số tình huống cần thiết phải giao tiếp và thể hiện bản thân, ví dụ như trình bày ý kiến trước sếp hay thuyết trình trước một đám đông, người hướng nội vẫn có thể nói nhiều, hoạt bát và năng động không thua kém gì người hướng ngoại, miễn họ có kỹ năng giao tiếp và thuyết trình. Còn trong những tình huống bình thường, phần lớn người hướng nội có xu hướng thể hiện thiên tính bản năng của mình nhiều hơn, bởi việc nói càng nhiều chỉ càng làm họ mất năng lượng và hệ quả là sự mệt mỏi, uể oải kéo dài sau đó.

Trong bộ phim My Liberation Notes, ngoài chính sách khuyến khích nhân viên tham gia các câu lạc bộ sau giờ làm, công ty của Mi Jeong còn có chính sách ghép nhóm ăn trưa ngẫu nhiên. Mỗi ngày các nhân viên sẽ được hệ thống ghép ngẫu nhiên vào các nhóm ăn trưa khác nhau, mục đích cũng nhằm để nhân viên giao lưu, làm quen thêm với nhân sự ở các phòng ban khác trong công ty và tăng thêm tinh thần đội nhóm tập thể. Trong mỗi nhóm ăn trưa như vậy, nếu như người hướng ngoại bắt chuyện hồ hởi và hứng khởi chia sẻ bao nhiêu thì người hướng nội lại kiệm lời bấy nhiều, thực sự thì họ chỉ muốn an ổn tập trung vào bữa ăn cho xong để còn về nghỉ ngơi trước giờ làm buổi chiều. Ông chú Park Sang Min một lần nữa lại cảm thán: “Đến cả giờ ăn cũng làm người ta thấy áp lực. Bộ phải quen hết đồng nghiệp ư? Sao phải thân với người ở phòng khác? Nội người phòng mình thôi đã đủ mệt rồi”.

Đối với những người hướng nội như Mi Jeong, cô cảm thấy rất khó xử mỗi khi ngồi đối diện với một người lạ, dù cho đó là đồng nghiệp trong công ty. Mỗi cuộc nói chuyện như vậy đối với cô là như một lần đánh trận vậy, phải trầy trật xoay xở tới lui và trong lòng chỉ mong rằng cuộc chiến này mau sớm kết thúc.

Đối với người hướng ngoại, họ rất thích những cuộc giao tiếp 1-1, mặt đối mặt, trực tiếp, dù cho đó chỉ là một chuyện nhỏ hay không mấy quan trọng. Ví như ở văn phòng, dù cho đồng nghiệp có thể chat nhanh với nhau nhưng người hướng ngoại sẽ không nề hà bắt điện thoại lên gọi cho nhanh hoặc thậm chí chạy qua chỗ đối phương để nói chuyện trực tiếp. Ngược lại, người hướng nội hầu như chỉ thích chat, với họ dù cho đó là việc lớn hay việc nhỏ, nếu chat được thì sao phải gọi điện thoại hay gặp trực tiếp làm gì? Khi chat như vậy, người hướng nội rất dễ bộc lộ suy nghĩ, ý kiến của bản thân, họ cũng có thời gian để suy ngẫm và phản hồi câu trả lời chứ không rơi vào tình huống bị đơ ra trong giây lát để suy ngẫm câu trả lời như khi trò chuyện trực tiếp.

c. Cách tìm ý tưởng và giải pháp

Trong một lớp học thông thường, bạn rất dễ nhận ra đâu là người hướng ngoại và hướng nội thông qua cách học sinh sinh viên giơ tay phát biểu bài. Trong cơ chế tư duy của người hướng ngoại, họ có xu hướng tìm ý tưởng và giải pháp thông qua cách thảo luận về chúng nên đôi khi dù bản thân chưa biết đáp án hay chỉ biết một phần, người hướng ngoại vẫn hăng hái giơ tay phát biểu và vừa nói vừa tìm câu trả lời. Trong khi đó, cơ chế của người hướng nội có phần chậm hơn vài nhịp, khi họ chỉ có thể tìm ý tưởng và giải pháp trong lúc yên lặng suy ngẫm về chúng. Bởi vậy nên chờ tới khi người hướng nội tìm ra được một câu trả lời hoàn chỉnh thì có khi người hướng ngoại đã trả lời xong từ đời nào và giáo viên đã chuyển sang một câu hỏi khác.

Một số giáo viên không hiểu được sự khác biệt về thiên hướng này, khi đã chán với những em thường giơ tay phát biểu quá nhiều mới mời những em hướng nội ít phát biểu đứng lên. Hậu quả là các em bị đứt mạch suy nghĩ, cứ đứng ậm ờ một hồi lâu mà vẫn chưa xử lý cho xong được đáp án, bởi khi đó không chỉ giáo viên mà còn có hàng chục cặp mắt của cả lớp đang nhìn vào mình thì người hướng nội càng dễ cảm thấy bối rối, ngại ngùng hơn. Một điểm quan trọng nữa để nhận diện người hướng nội và hướng ngoại là người hướng nội không thích là tâm điểm của sự chú ý, họ rất không thích cảm giác rất nhiều cặp mắt săm soi nhìn chòng chọc vào mình, nhất là khi đi đến một nơi xa lạ hay ở trong một đám đông không quen biết.

Trong chốn công sở, các nhà lãnh đạo và quản lý thích các nhân viên năng nổ nhiệt tình, tích cực trình bày ý tưởng hay giải pháp trực tiếp trong các buổi họp hành hay thảo luận nhóm hơn là những người trầm lặng chỉ ngồi góp mặt chứ không nói gì. Người hướng nội sẽ cần thời gian suy ngẫm về ý tưởng hay giải pháp đó thật chu đáo vẹn tròn trước sau, và cách tốt nhất là sẽ email hoặc chat riêng với sếp thì mới diễn đạt được trọn vẹn chính kiến của mình. Để diễn đạt được ý kiến ra thành lời một cách suôn sẻ, người hướng nội sẽ cần thời gian tập luyện và thực hành độc thoại nội tâm, chứ dù ý kiến đó là do họ tìm tòi nghiên cứu nghĩ ra mà bắt họ nói ngay lần đầu thì cũng khó mà nói được trơn tru mạch lạc.

d. Xu hướng hành động

Bởi không thích là tâm điểm của sự chú ý, người hướng nội thường phải cân nhắc rất kỹ lưỡng trước khi thực hiện một hành động nào. Ví như sếp có một nhiệm vụ mới cần người phụ trách, người hướng nội phải suy xét thật kỹ xem năng lực bản thân có đáp ứng được nhiệm vụ đó không, khối lượng công việc hiện tại có đang bị quá tải và có khả năng nhận thêm nhiệm vụ mới được không, hay nếu đảm nhận thì sẽ có những vấn đề nào cần chuẩn bị hay sẽ có rủi ro nào phát sinh v.v. Khi họ tự độc thoại và trả lời hết được chuỗi câu hỏi này thì họ mới dám đứng ra hành động là nhận nhiệm vụ. Trong khi đó, người hướng ngoại chẳng cần suy nghĩ phức tạp như vậy, khi thấy có thể làm được là họ tự ứng cử bản thân ngay và luôn.

Có một đợt về quê, mình tổng vệ sinh dọn dẹp đồ đạc trong phòng nên bày biện ra khá nhiều đồ linh tinh. Với cách tư duy của người hướng nội, mình phải hình dung trong đầu xem nên xếp đặt món đồ này ở vị trí nào, và món đồ này ở vị trí ấy thì có hòa hợp hay tương quan trong tổng thể với món đồ khác không, hay có thuận tiện dễ lấy khi cần không, hệ quả là mình ngồi cả buổi loay hoay mà vẫn chưa xếp xong đồ. Mẹ mình là một người hướng ngoại điển hình nhìn thấy vậy thì mới bảo, cứ xếp vào đi cho xong chứ ngồi đó suy nghĩ chi mất thời gian quá vậy.

Chính vì sự khác biệt trong cách tư duy như thế nên người ngoài nhìn vào sẽ thấy người hướng nội làm việc gì cũng chậm rãi, từ từ mới xong, còn người hướng ngoại thì lại nhanh chóng, rốt ráo, làm ào ào như một cơn gió.

Đón đọc:
– Tập 7: Sự tổng hòa của 4 cặp xu hướng tính cách
– Tập 8: Nhìn đời qua lăng kính MBTI
– Tập 9: Ứng dụng MBTI trong cuộc sống
– Tập 10: Những tranh cãi về MBTI

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

3 bình luận

  1. Mình thường lười comment lắm mà cái series này rất hay, vì có ví dụ nên siêu dễ hiểu luôn ấy! Mình đang bị rối tìm type thật sự của mình vì mình chỉ mới xác định được mình là siêu I, khá là N (tuy có lúc mình bắt gặp phần S trong mình) và còn giữa F vs T, P vs J thì phân vân liên tục không biết chọn vì nó cứ 50-50 nên đọc type INxx nào cũng thấy phần giống mình, đọc xong cũng lú luôn. Nên đọc được series này như được thông não vậy ?.

    Cảm ơn bạn và mong bạn có thể viết tiếp phần so sánh sự khác biệt giữa Ne Ni, Se Si, Te Ti, Fe Fi.

    • Chơn Linh Phản hồi

      Do series này ít được quan tâm nên mình mới tạm ngừng để viết những series khác chứ vẫn chưa nói hết các khía cạnh khác trong MBTI. Nhưng kế hoạch của mình thì vẫn sẽ viết đủ 10-12 tập của series MBTI này trong năm 2023. Bạn có thể subscribe blog để nhận bài mới qua email nhen ^^

  2. Cảm ơn bạn đã tâm huyết cho ra 1 series rất chất lượng và có tính ứng dụng cao qua các chiêm nghiệm thực tế. Những kiến thức mà bạn đã đúc kết đóng gói đã giúp cho quá trình hoàn thiện nội dung đào tạo cho nhân sự trước thềm năm mới 2023 của mình một cách hấp dẫn và có chiều sâu hơn rất nhiều.

    Mình đã gửi chút ” phí ” đầu tư qua STK của bạn rồi. Hi vọng được đọc đủ chuỗi các tập trong thời gian gần nhất.

    Thanks Linh ^^

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.