Trong quá trình từ cấp ba lên hết đại học, 7 năm đó mình chưa từng nghe qua khái niệm “kỹ năng sống” vì trường lớp không hề dạy, giáo viên không bao giờ nhắc tới và những quyển sách mình đọc qua cũng không đề cập đến. Thậm chí, từ lúc mình bắt đầu sử dụng Facebook vào năm 2011 thì hầu như trong quãng thời gian sinh viên, chưa bao giờ thấy xuất hiện một quảng cáo nào về một lớp dạy kỹ năng sống.
Khi gặp phải khó khăn về vấn đề giao tiếp ở giai đoạn đi thực tập, mình mặc nhiên cho rằng bản thân kém kỹ năng giao tiếp, và yếu chỗ nào thì phải khắc phục ngay chỗ đó để giải quyết cho bằng được vấn đề nội tại của mình. Thế là, mình Google search và đăng ký tham dự một lớp học về kỹ năng giao tiếp với giá cả phù hợp với túi tiền sinh viên lúc bấy giờ (tầm 2 triệu).
Lần đầu học kỹ năng giao tiếp
Khóa học mình đăng ký kéo dài 2 tuần, học vào các buổi 2-4-6 do một diễn giả dạy. Thật sự lúc đó mình vẫn còn khá lạ lẫm với các khái niệm như “diễn giả”, “kỹ năng sống” do trước giờ chỉ tập trung học chuyên môn chứ không biết rằng còn có mấy lớp học kiểu như vậy tồn tại. Điều khiến mình bất ngờ không kém là lớp có khoảng 10 bạn học viên tham dự, nhưng có thể chia ra làm 2 nhóm như sau:
- Nhóm 1: Những người rất kém kỹ năng giao tiếp
- Nhóm 2: Những người có kỹ năng giao tiếp tốt
Trong đó, có một nhóm khiến mình hơi bị sốc nhẹ là ba chị làm sales bất động sản, vốn rất hoạt ngôn và khả năng giao tiếp rất tốt mà lại đi học kỹ năng giao tiếp nên khiến mình rất tò mò. Qua tìm hiểu, mình mới biết ba chị này đi học theo diện công ty đài thọ vì muốn giúp nhân viên nâng cao năng lực nghiệp vụ công việc.
Trong lớp, còn có một trường hợp đặc biệt khác là một anh du học sinh Nhật, ở Hà Nội nhưng vào tận TP.HCM để tham dự lớp học này. Lý do anh tham gia là vì đi du học một thời gian, khi về nước thì gặp trở ngại trong việc giao tiếp nên đi học để cải thiện kỹ năng.
2 tuần học kỹ năng giao tiếp đó với mình quả thực là một sự khai sáng, đưa mình đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi được học những điều trước giờ chưa ai từng dạy mình như học cách nói chuyện sâu, phát triển một chủ đề hội thoại khi gặp người lạ, học cách lắng nghe đối phương, rồi cách kết hợp sử dụng ngôn ngữ cơ thể để cuộc nói chuyện thêm sinh động, cho đến học cả cách thuyết trình một chủ đề nhỏ trước một đám đông. Mình bước vào lớp học với tâm thế không có ý niệm gì về kỹ năng giao tiếp, và bước ra với quá nhiều kiến thức mới mẻ làm hành trang để áp dụng.
Mãi sau này khi đã đi làm, dù có tham gia một số khóa học về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình ở các trung tâm đào tạo khác nổi tiếng hơn, nhưng nếu so sánh với khóa học đầu tiên ở trung tâm nhỏ ngày xưa mình tham dự thì còn cách xa một trời một vực bởi mức độ chuyên sâu về nội dung lẫn kinh nghiệm của diễn giả không bằng. Phần khác có lẽ vì số lượng tham dự quy mô nhỏ nên diễn giả cũng gần gũi với học viên, tương tác và chỉ dẫn tận tình hơn so với các khóa học có quy mô quá lớn gần cả trăm người.
Ngã rẽ nghề nghiệp đầu đời
Kết thúc kỳ thực tập cuối năm ba, lên năm tư mình chỉ học một học kỳ là đủ tín chỉ và thuộc nhóm tốt nghiệp sớm của lớp. Với những kiến thức được trang bị từ lớp học kỹ năng giao tiếp kể trên, mình tự tin thêm một tẹo trong chuyện ăn nói nhưng cảm thấy vẫn chưa đủ, nên mình bắt đầu tìm đọc khá nhiều sách về kỹ năng giao tiếp, thuyết trình từ Đông sang Tây.
Khi phân tích sâu về 4 tháng thực tập đã qua, mình nghiệm ra một vấn đề mình mất năng lượng sau mỗi ngày đi làm là do 2 yếu tố:
- Công việc đòi hỏi sự giao tiếp quá nhiều, từ giao tiếp với đồng nghiệp (chiếm phần ít) tới giao tiếp với nhân vật phỏng vấn (chiếm phần nhiều). Và những cuộc giao tiếp với người lạ với một thái độ không mấy hợp tác từ phía họ thật sự khiến mình không thoải mái.
- Tính chất công việc không cố định về mặt thời gian và lịch trình làm việc. Bản tính của mình vốn là một người nguyên tắc, làm việc gì cũng cần có kế hoạch và lịch trình cố định chứ không phải tùy hứng và phụ thuộc vào nhiều biến số ngoại cảnh khách quan như vậy. Việc này cũng khiến mình không thoải mái, và khi không thoải mái thì rất dễ mất năng lượng.
Nếu mình tiếp tục đi theo con đường trở thành một biên tập viên truyền hình thì hai vấn đề nan giải trên là điều mình phải đối diện vì đó là tính chất bắt buộc của công việc. Biên tập viên hay phóng viên là một nghề đòi hỏi sự năng động, quảng giao và linh hoạt, và khi bạn làm việc ở chương trình hay nhà đài nào, bạn cũng phải gặp gỡ tiếp xúc với các nhân vật lên sóng hằng ngày, còn lịch trình làm việc thì sẽ không bao giờ giới hạn trong 8 tiếng mà là… vô cực vì có quá nhiều biến số.
Khi xác định đi theo con đường sự nghiệp đúng chuyên môn, mình phải đối diện với chuyện làm một công việc không phù hợp với tính cách của bản thân (của một người hướng nội thuần chủng), dù mình thừa kỹ năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu công việc. Chính vì lẽ đó, mình quyết định rẽ hướng chọn một công việc văn phòng thuần túy đáp ứng 2 tiêu chí giải quyết được vấn đề mình đang gặp:
- Công việc không đòi hỏi giao tiếp quá nhiều, chỉ cần giao tiếp với đồng nghiệp trong văn phòng là đủ (không tiếp xúc hay nói chuyện với khách hàng càng tốt).
- Chỉ làm đúng 8 giờ công sở, và 5 ngày trong tuần, nghỉ 2 ngày cuối tuần để mình có thời gian nghỉ ngơi hồi phục năng lượng sau một tuần làm việc.
2 tiêu chí trên đối với khối công việc văn phòng là chuyện hết sức thường tình, nhưng với lĩnh vực truyền hình lại là chuyện không tưởng. Và rất nhanh sau đó, mình tìm được một JD (job description) thỏa mãn các yêu cầu của bản thân cũng như 2 tiêu chí trên để apply.
Điều khiến mình hứng thú là công ty này hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và đào tạo kỹ năng sống. Đây cũng là chủ đề mình đang quan tâm với mong muốn phát triển kỹ năng giao tiếp, thuyết trình mình vẫn còn đang yếu. Vừa có job thỏa mãn tính cách của mình mà vừa có cơ hội đi học… miễn phí thì quá hời còn gì.
Tiếp xúc với khái niệm hướng nội – hướng ngoại
Khi chuyển sang công việc Digital Marketing ở công ty mới, mình bắt đầu một công việc trái ngành nghề với lĩnh vực chuyên môn mình đã được đào tạo ở 4 năm đại học. Mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0, nhưng mình đậu được phỏng vấn cũng nhờ các kỹ năng cá nhân tích lũy trước đó đáp ứng được tính chất công việc yêu cầu (như viết lách, thiết kế, làm website, video,…).
CEO công ty mình vốn là cựu du học sinh Singapore nên môi trường và văn hóa công ty cũng được xây dựng theo phong cách làm việc của người Singapore – tập trung vào hiệu quả và áp dụng khá nhiều mô hình mới mẻ so với các công ty truyền thống của Việt Nam.
Thời gian đầu vào làm, mình hay nghe sếp và đồng nghiệp nói chuyện với nhau bằng một “ngôn ngữ lạ”, gì mà MBTI rồi nào là người I người E, người P người J, nghe một hồi thấy hoang mang Hồ Quỳnh Hương y như nghe tiếng Miên không hiểu gì ráo trọi. Trước đó, mình cũng có biết qua về bài test tính cách MBTI trên mạng, nhưng trước giờ mình không hứng thú làm mấy bài “bói tính cách” trên báo hay trên mạng vì không tin tưởng cho lắm.
Sau đó, mình được tham gia vào một khóa đào tạo nội bộ mà nhân viên mới nào cũng được cho đi học để hiểu MBTI là gì và bản thân thuộc nhóm tính cách nào trong 16 loại MBTI. Hóa ra, gốc gác hệ thống phân loại tính cách MBTI vốn bắt nguồn từ học thuyết của bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học Carl Jung nổi tiếng. Lý thuyết của ông phân ra 4 nhóm xu hướng tính cách chính:
- Người I (Introvert – Hướng nội) và người E (Extrovert – Hướng ngoại)
- Người S (Sensing – Cảm giác) và người N (iNtution – Trực giác)
- Người T (Thinking – Lý trí) và người F (Feeling – Tình cảm)
- Người J (Judging – Nguyên tắc) và người P (Perception – Linh hoạt)
4 nhóm tính cách này khi kết hợp lại với nhau sẽ tạo ra 16 loại tính cách đặc trưng nhất của mỗi người, ví như loại tính cách của mình là INTJ. Theo thuyết của Carl Jung, mỗi người đều có một xu hướng tự nhiên nghiêng về một trong hai xu hướng đối lập ở 4 nhóm tính cách kể trên.

Sở dĩ gọi là “xu hướng tính cách” vì nó không mang tính chất tuyệt đối theo kiểu, hoặc bạn là người hướng nội hoặc là người hướng nội 100%, mà là xu hướng của bạn có bao nhiêu % hướng nội và bao nhiêu % hướng ngoại. Bên nào chiếm số % nhiều hơn thì đó là xu hướng tính cách tự nhiên của bạn, và đó cũng chính là tính cách khiến bạn cảm thấy tự nhiên và thoải mái nhất khi dùng bởi vì được sống đúng bản chất vốn là của mình.
Theo lý thuyết do mình tái định nghĩa (chứ Carl Jung không đề ra), nhóm tính cách hướng nội – hướng ngoại có thể được làm rõ như sau:
- Người hướng nội thuần chủng: xu hướng 90-100% hướng nội.
- Người hướng nội bình thường: xu hướng 60-80% hướng nội.
- Người hướng ngoại thuần chủng: xu hướng 90-100 hướng ngoại.
- Người hướng ngoại bình thường: xu hướng 60-80% hướng ngoại.
- Người hướng nội lai hướng ngoại: xu hướng 50-50 hoặc 40-60 hướng nội/hướng ngoại hay hướng ngoại/hướng nội.
Mức độ % kể trên chỉ mang tính chất tương đối cho bạn dễ hình dung mình đang thuộc tính cách hướng nội hay hướng ngoại, nếu là hướng nội thì là hướng nội bình thường hay hướng nội thuần chủng để bạn có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức mình chia sẻ trong các bài viết tiếp theo ở series này. Do vậy, đừng hỏi cắc cớ mấy số % còn lại thì thuộc nhóm gì?!
Bài trắc nghiệm MBTI cơ bản mang tính chất tham khảo về nhóm tính cách của bản thân ở thời điểm hiện tại, và tính cách sẽ thay đổi theo môi trường nên sau một thời gian bạn làm lại, kết quả có thể sẽ đổi khác nếu bạn thuộc vào nhóm “á tính cách” (như á thần trong thần thoại Hy Lạp) – tức kiểu người lai có xu hướng lưng chừng 50-50 hay 40-60 nhóm này với nhóm kia.
Ví dụ, bạn là một người có xu hướng 60% hướng nội và 40% hướng ngoại. Công việc của bạn là làm sales, và môi trường làm việc bạn thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với khách hàng nên lâu dần bạn trở nên cởi mở, thoải mái hơn với việc nói chuyện với người lạ và nói chuyện hằng ngày. Sau đó, khi làm MBTI lại thì có khi kết quả đã thay đổi thành xu hướng 40% hướng nội và 60% hướng ngoại.
Tương tự, nhóm hướng nội bình thường và hướng ngoại bình thường cũng sẽ có sự xê dịch về mặt xu hướng trên cán cân loại tính cách tùy theo môi trường họ phát triển, cả ở độ tuổi thiếu niên phát triển tính cách lẫn độ tuổi trưởng thành khi đã đi làm. Ở đây mình chỉ xét riêng đến nhóm hướng nội – hướng ngoại trong 4 nhóm xu hướng tính cách, chứ không đi sâu 3 nhóm còn lại vì không liên quan tới chủ đề của series.
Tuy nhiên, riêng nhóm hướng nội thuần chủng và hướng ngoại thuần chủng, sự xê dịch về mặt xu hướng là chuyện rất hiếm xảy ra vì đó là tính cách thuần chủng của họ. Như câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, bạn có thể thay đổi cả một giang sơn, di dời cả một ngọn núi nhưng khó đổi khó dời được bản tính thuần chủng của một con người.
Và mình là một người hướng nội thuần chủng, ở xu hướng cao nhất là siêu hướng nội 100%.
Khi nói về chuyện hướng nội – hướng ngoại, không ít người có những định kiến rất sai lầm…
Đọc tiếp Tập 4 – Nhận định sai lầm về người hướng nội & hướng ngoại
8 bình luận
Linh ơi, Linh có thể giới thiệu nơi tổ chức khóa học giao tiếp 2 tuần mà Linh đã học được không? Cám ơn Linh nhiều lắm!
Phần tài liệu tham khảo mình có list ở tập 9 của series bạn nhé:
https://nguyenthanhlinh.com/hanh-trinh-cua-mot-nguoi-huong-noi-tap-9-suc-manh-cua-nguoi-huong-noi-trong-mua-covid-19/
Em mới đọc xong tập 9 nên quay lại đây. Khóa học giao tiếp đầu tiên anh học mà anh nhắc đến trong bài là của diễn giả Trần Đình Tuấn (Trung tâm Cuộc Sống Đúng Nghĩa) đúng không anh?
Đúng rồi em nhé. Dù trung tâm nhỏ thôi nhưng vì là khóa đầu tiên anh học nên ấn tượng sâu sắc hơn các trung tâm khác sau này 🙂
Mình cũng có làm bài test MBTI rồi nè, mình là type INFP, Bạn bè quanh mình bảo mình hợp với type đó thế =))) kiểu soft and tender
Cho mình hỏi bạn là type nào được hông?
Mình thuộc type ISTJ nhen, gần như đối lập với bạn ngoại trừ vụ hướng nội ^^
Ỏ~ crush cũ của mình là type này và bạn ấy tốt với mình. Đôi lúc nguyên tắc và lí trí làm mình phát bực (vì mình toàn dùng cảm xúc để quyết định 🙂 ) nhưng bù lại thì lịch sự, thực tế, vững vàng, ổn định, đáng tin cậy, mang lại cảm giác an tâm cho mình mà ko cần phải cầu xin :)) nói chung là rất đàn ông 🙂 Điều duy nhất ko tốt là bạn ấy ko thích mình, đã cho mình vào friendzone =)))) Và bạn biết đấy, một ng con trai đã ko thích mình thì việc j mình phải cố chấp, say bye thui 🙂
hmn… hình như con trai type này ko thích con gái mơ mộng và dễ mủi lòng như type của mình chăng (I’m not sure).
Nếu đối lập về kiểu tính cách thì sẽ dễ va chạm khi tranh luận và chia sẻ quan điểm sống với nhau đó. Tuy nói có những trường hợp tính cách trái ngược sẽ bù trừ cho nhau, nhưng nghĩ tới viễn cảnh đồng hành với một người cái gì cũng ngược với mình thì tương đối mệt ^^