Tính hướng nội (introvert) và hướng ngoại (extrovert) vốn là hai khái niệm do bác sĩ tâm thần, nhà tâm lý học Carl Jung dùng để phân loại một nhóm tính cách của con người (bên cạnh ba nhóm tính cách khác trong hệ thống phân loại MBTI). Theo quan điểm của Carl Jung cũng như nhiều nhà bác học đương thời, thiên tính hướng nội hay hướng ngoại được hình thành do những nguyên nhân sinh lý, có thể hiểu như bản năng tự nhiên của mỗi con người khi sinh ra.

Hướng nội hay hướng ngoại không có nguồn gốc từ di truyền, vì nhiều trường hợp trong thực tế cha mẹ đều là người hướng ngoại nhưng sinh con ra lại là người hướng nội. Khi đó, hướng nội là thiên tính tự nhiên của đứa trẻ, còn quá trình giáo dục của bậc phụ huynh đó theo phong cách hướng ngoại sẽ tạo ra một môi trường uốn nắn tính cách hướng nội thuần chủng của đứa trẻ thành trở thành hướng nội bình thường hay hướng nội lai hướng ngoại.

Nếu nhìn ở góc độ hữu hình, thiên tính hướng nội hay hướng ngoại của một đứa trẻ chỉ bắt đầu khi đứa trẻ học nói và hình thành phần tính cách bản năng tự nhiên. Tính cách, hiểu theo một cách nào đó chính là phần linh hồn của đứa trẻ. Nhưng khi chuyển đổi sang góc độ vô hình, tính cách của một linh hồn không chỉ bắt đầu ở kiếp sống hiện tại, mà khởi nguồn từ rất nhiều kiếp trước.

Các linh hồn hướng nội qua những cuộc hồi quy tiền kiếp

Edgar Cayce (1877-1945) là một nhà tâm linh người Mỹ nổi tiếng ở thời cận đại. Ông có một khả năng đặc biệt là đi vào trạng thái thôi miên và chẩn đoán chính xác được bệnh tình trong cơ thể một người, dù tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hay chỉ cần nghe tên của họ (dù họ ở cách ông hàng ngàn cây số). Sau đó, khả năng tâm linh của một phát triển hơn một bậc khi có thể đi sâu vào tiềm thức và hồi quy được tiền kiếp của các bệnh nhân, không chỉ xem được một mà là hàng chục kiếp sống trước đây của họ.

Chân dung Edgar Cayce

Trong thời gian 43 năm hành nghề, Edgar Cayce đã để lại trên 14.000 tài liệu tốc ký về đời sống tiền kiếp của hơn 6000 người thuộc mọi tầng lớp xã hội. Đặc biệt, trong số những tập hồ sơ của ông để lại, có ghi chép rõ ràng nhiều trường hợp người hướng nội có nguyên nhân do những kinh nghiệm sống của họ từ kiếp trước.

Ở tập này, mình sẽ điểm qua một số trường hợp điển hình cho bạn đọc tham khảo:

1. Một cô sinh viên 21 tuổi, có năng khiếu về âm nhạc nhưng tính cách lại e lệ rụt rè quá đáng. Mặc dù rất xinh xắn nhưng cô rất khó kết giao bạn bè và không được nhận vào CLB âm nhạc của trường. Người ta không biết gì về hoàn cảnh gia đình của cô, vì môi trường sống có thể là nguyên nhân gây ra tính cách hướng nội trong kiếp sống hiện tại. Tuy nhiên, khi được Edgar Cayce soi kiếp, ông cho biết tính cách hướng nội của cô gái bắt nguồn từ kiếp sống khi cô là một mệnh phụ phu nhân dưới thời triều đình Pháp, có tài hoa, nhan sắc và rất lịch thiệp.

Nhưng chồng của cô ở kiếp sống đó là một người rất ích kỷ, không muốn cho vợ mình giao thiệp hay tiếp xúc với quá nhiều người bên ngoài. Bởi đó, ông ta ngăn trở mọi giao tế của vợ mình với xã hội bằng một sự áp chế lạnh lùng và khắc nghiệt, thậm chí có khi đánh đập bằng roi vọt. Điều này làm cho người vợ e dè sợ sệt, và sự sợ sệt đó còn in sâu vào trong tiềm thức cho đến tận kiếp sống này.

2. Một thanh niên 28 tuổi, rất hiếu học nhưng cũng có tích cách hướng nội. Khi soi kiếp, Edgar Cayce cho biết trong kiếp trước, thanh niên này từng bị khủng bố tàn nhẫn trong vụ xử án các phù thủy ở Salem, thuộc tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Sự uất hận trong quá khứ đã bộc lộ qua hai đặc trưng tính cách của anh trong kiếp sống hiện tại. Một là, anh có sự căm hờn đối với mọi hình thức áp chế. Hai là, anh chỉ muốn giữ kín những điều mình học hỏi, hiểu biết cho riêng mình, không có nhu cầu chia sẻ với bất kỳ ai.

Trong tự nhiên, chúng ta có thể thấy một con chó hay con mèo khi bị chủ đánh đập tàn nhẫn, bản thân chúng cũng sanh ra bản năng tự vệ và có sự sợ hãi đối với chính chủ nhân của mình. Ngay cả những đứa trẻ nhỏ sống trong hoàn cảnh bị bạo hành bởi cha mẹ cũng vậy. Lẽ tự nhiên, anh thanh niên kể trên từ trong tiềm thức vẫn còn in sâu bản năng tự vệ, và nó khiến cho anh luôn đề phòng những người xung quanh.

3. Một vị Giám đốc Tài chính ở New York có tính rụt rè, ngại xã giao hội họp. Trong một kiếp trước, ông ta là một nhà thám hiểm, sống một đời cô độc nơi rừng rậm châu Phi.

4. Một vị bác sĩ có tính dè dặt kín đáo, không thích giao du với ai. Trong một kiếp trước, ông là một tu sĩ và phát nguyện giữ giới tịnh khẩu theo kỷ luật trong tôn giáo của mình.

Theo như tài liệu từ các bộ hồ sơ tâm linh của Edgar Cayce để lại, có thể hiểu tất cả trường hợp những người có tính cách hướng nội hay hướng ngoại đều là kết quả của những kinh nghiệm sống và hoạt động xã hội của y trong những kiếp trước đó. Xét theo quy luật nhân quả, tính cách của một linh hồn khi chuyển kiếp từ kiếp này sang kiếp khác, phần nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi kiếp trước (thường là kiếp gần nhất) và từ đó tạo thành thiên tính tự nhiên trong kiếp sống hiện tại.

Đối với trường hợp người hướng nội lai hướng ngoại, theo kết quả soi kiếp của Edgar Cayce thì nguyên nhân được truy nguyên từ hai loại kinh nghiệm khác hẳn nhau trong kiếp sống trước. Một người đàn ông có tính khí thất thường, hôm qua vừa mới vui vẻ, hồn nhiên với mọi người, hôm nay lại tỏ ra lạnh lùng, cách biệt, không muốn giao du với ai mà ở yên trong nhà. Trong một kiếp trước, ông là tu sĩ một nhà tu kín bên Anh, chính kiếp này đã tạo cho ông một tính cách hướng nội và lánh đời. Ở một kiếp khác, một là một người tình nguyện ra trận trong một trận thánh chiến thời Trung cổ, chính kiếp này đã tạo cho ông một tính cách hướng ngoại và sự lạc quan, yêu đời.

Như vậy, sự tổng hòa kinh nghiệm của nhiều kiếp sống đã góp phần hình thành nên tính cách bản năng của ông trong kiếp sống hiện tại.

Chuyển hóa tính cách: Gieo trồng hôm nay, gặt hái về sau

Có một bài thơ nổi tiếng về quy luật trồng trọt mà mình rất thích:

“Gieo tư tưởng, gặt hành động
Gieo hành động, gặt thói quen
Gieo thói quen, gặt tính cách
Gieo tính cách, gặt số phận”
(Samuel Smiles)

Trong các ca Edgar Cayce từng soi kiếp, có một trường hợp khá thú vị liên quan tới tính cách hướng nội và quy luật nhân quả, cũng như quá trình chuyển hóa tính cách của một người từ tiền kiếp tới hậu kiếp.

Một người phụ nữ 49 tuổi, làm thư ký ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ, có viết thư tâm sự với Edgar Cayce về hoàn cảnh của mình để nhờ ông soi kiếp giúp bà tìm hiểu nguyên nhân. Trong nhiều bức thư, bà chia sẻ trong bất cứ mọi tầng lớp trong xã hội mà bà cố gắng tiếp xúc, bà đều cảm thấy rằng mình không được mọi người hoan nghênh. Bà cho rằng đó là vì lúc nhỏ, bà thường bị những anh chị trong gia đình ghẻ lạnh nên vẫn mang cảm xúc mặc cảm ấy khi ra tiếp xúc với đời sau này. 

Có đoạn trong thư bà viết:

“Tôi lớn lên với một sự mặc cảm sợ sệt luôn luôn ám ảnh tôi. Khi tôi đi chơi với một nhóm bạn bè, tôi luôn luôn cảm thấy rằng sự có mặt của tôi không cần thiết, và tôi tự hỏi rằng tôi phải nói gì và phải làm gì. Tôi muốn đi sâu hơn vào các vấn đề, nhưng không biết phải làm sao. Tôi luôn luôn có cảm tưởng rằng tôi phải cố gắng làm nhiều hơn kẻ khác, để làm cho họ vui lòng. Bởi đó, tôi hy sinh sức khỏe và thời giờ của tôi để làm việc gì cho một người nào đó. Tôi muốn rằng người ta cần dùng đến tôi.”

Đọc đoạn tâm thư trên, có thể bạn đọc sẽ thấy được những biểu hiện đặc trưng của tính cách hướng nội nơi người phụ nữ này. Nhưng drama chưa dừng lại ở chuyện tuổi thơ, mãi tới khi trưởng thành thì bà còn bị phụ tình ba lần, trong đó hai lần người yêu bỏ đi cưới vợ khác.

Khi Edgar Cayce tiến hành soi kiếp từ xa cho bà, ông cho biết kiếp trước bà là một trong những người khai phá thuộc địa đầu tiên ở tiểu bang Ohio, Hoa kỳ. Tính cách của bà trong kiếp sống này là một người vui vẻ, nồng nhiệt bên ngoài nhưng ẩn sâu bên trong là sự tính toán một cách ích kỷ và trục lợi. Bà không thật tâm muốn kết giao hay tụ họp với người khác, mà chẳng qua chỉ vì muốn lợi dụng họ.

Linh hồn của bà ở kiếp sống này tuy hướng ngoại và thỏa mãn được thành công của mình, nhưng lại là nguyên nhân đem lại sự thất vọng cho nhiều người. Và quy luật nhân quả của vũ trụ hết sức công bằng, nó lại cho bà những cái quả mà bà từng gieo nhân ở kiếp trước. Trong kiếp này, từ nhỏ khi sống trong chính gia đình của mình, bà đã bị chính người thân ngược đãi và ruồng bỏ, để tính cách của bà trở nên hướng nội và những sang chấn tâm lý thủa ấu thơ đó vẫn đeo bám bà dai dẳng cho tới lúc trưởng thành.

Bà có một nhan sắc khá đẹp và hấp dẫn được nhiều người đàn ông, nhưng một lần nữa khi huyễn hoặc rằng mình được họ yêu mến thì cũng là lúc họ rời bỏ bà ra đi, để lại trong bà một sự thất vọng ê chề như những gì bà gây ra cho người khác trong kiếp trước.

Vậy người phụ nữ trên đã học được gì thông qua cuộc soi kiếp của Edgar Cayce? Có 2 bài học quan trọng:

  1. Vũ trụ rất công bằng, nó trả lại cho chúng ta đúng những gì ta đã gây ra. Cuộc đời của mỗi người trong kiếp sống hiện tại chính là tấm gương phản chiếu đời sống của họ trong kiếp trước.
  2. Chỉ có gieo nhân tốt mới gặt được quả lành. Bà bắt đầu học cách thay đổi thái độ của mình và giúp đỡ người khác một cách thật lòng để được họ yêu mến và tin cậy. Đây cũng chính là hành động cải sửa lỗi lầm của bà trong quá khứ kiếp để trở thành một người thành thật, vị tha và kiên nhẫn hơn.

Nói chung, luật nhân quả luôn xoay chuyển theo nguyên tắc giáo dục, sửa đổi, cải tiến, và lập lại thế quân bình trong tâm tính của con người. Tính cách hướng nội hay hướng ngoại của một người khi soi chiếu ở góc nhìn tâm linh đều là kết quả đến từ lối sống của của họ ở tiền kiếp.

o0o

Trải qua hàng ngàn năm, trừ khi bạn lựa chọn một lối sống ẩn dật như các tu sĩ ở chốn thâm sơn cùng cốc xa lánh cõi cục, thì đa số người hướng nội với tính tình nhút nhát, khép chặt, cô đơn đều gặp phải khó khăn trong việc hòa nhập với cuộc sống hiện đại – nơi thế giới đều ưu tiên trọng dụng người hướng ngoại. Bất kỳ người hướng nội nào, khi đã trải qua những tổn thương trong cuộc sống từ tính cách đặc trưng của mình đều có nguyện vọng chung là cải thiện tình hình hiện tại để làm cho số phận của họ trở nên tốt đẹp hơn.

Cho nên, nếu bạn muốn thay đổi thiên hướng tính cách của mình ở kiếp sau, thì thời điểm tốt nhất để làm là ngay từ kiếp sống hiện tại. Việc thay đổi này có thể tiến hành thông qua cách phát triển các kỹ năng giao tế cần thiết như một người hướng ngoại, và tích cực thực hành nó vào đời sống cho đến khi thành thục như một thói quen. Khi đó, kiếp sau của bạn nhiều khả năng đỡ phải mệt nhọc hơn hay không còn phải trăn trở khổ não về tính cách hướng nội của mình như bây giờ.

*Tài liệu tham khảo: Những Bí Ẩn Cuộc Đời – Nguyễn Hữu Kiệt

Đọc tiếp Tập 9 – Sức mạnh của người hướng nội trong mùa dịch Covid-19

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.