Đã từng rất nhiều lần, mình bị ám ảnh và trăn trở về việc làm sao có thể nạp hết toàn bộ kiến thức trong những quyển sách đã đọc vào đầu để không lãng phí thời gian đọc sách? Ám ảnh về việc đọc kỹ như một chướng ngại vật làm cản trở thú vui đọc sách, bởi vì có một sự thật không thể phủ nhận là:

“Dù có đọc kỹ đến đâu, những điều bạn quên vẫn nhiều hơn những điều bạn nhớ.”

Giá trị của 1% xứng đáng

Gần đây, mình có đọc được một ý niệm rất hay của chị Chi Nguyễn – nghiên cứu sinh ngành Giáo dục ở Mỹ về triết lý đọc sách: “Nếu như tôi đầu tư thời gian và tâm sức đọc một cuốn sách và học được ít nhất một điều mới (chỉ một điều thôi cũng được) từ cuốn sách đó, tôi cho vậy là hài lòng. Coi như mọi công sức, thời gian, sự tập trung của tôi đều đã được đền đáp. Bởi vậy, thật tuyệt vời biết bao khi bạn đọc một cuốn sách mà học được 2-3 điều mới, hay nhiều hơn thế nữa.”

Nhiều người thích đọc sách thường tự tạo cho mình một áp lực phải ghi nhớ hết tất cả những kiến thức chúng ta đã đọc. Mặc dù khả năng của bộ não con người là vô hạn, nhưng khả năng ghi nhớ của con người thì có hạn, và trong thời buổi “ngón tay cái” – người ta thích lướt màn hình điện thoại và đọc nhanh, đọc giải trí thì khả dĩ trí nhớ đã không mấy sắc sâu lại còn dễ bị mai một hơn.

Thử nhìn lại những quyển sách bạn đã đọc, những quyển khiến bạn xúc động tới rưng rưng nước mắt hay phải thốt lên cảm khái vì làm bừng sáng tâm trí của bạn, có quyển nào bạn nhớ như in được một đoạn hay một trang sách không? Câu trả lời chắc chắn là không, chúng ta có thể sẽ không nhớ chính xác được về mặt câu chữ, nhưng cảm xúc về chúng hoặc những ý tưởng chúng mang lại vẫn sẽ đọng lại một phần nào đó trong tâm trí. Lẽ vậy, như Atsushi Innami – một biên tập viên, nhà bình luận sách có sức đọc khủng khiếp hơn 700 cuốn sách mỗi năm, mới chia sẻ: “Giá trị của việc đọc sách không phải là chụp lại 100% những gì sách viết mà chính là việc gặp được 1% giá trị xứng đáng.”

Đọc một quyển sách dày 300 trang, nhưng tìm ra được “1% giá trị xứng đáng”, hay ghi nhớ được một dòng, ấn tượng một quan điểm, một ý niệm hay, với mình đã là sự thành công và xem như việc đọc quyển sách ấy đã có kết quả.

Đọc sách như một dòng chảy

“Flow” trong tiếng Anh có nghĩa là dòng chảy. Đọc sách như một dòng chảy còn được gọi là phương pháp đọc lướt, ví như kỹ thuật skimming khi làm bài thi IELTS Reading. Đọc lướt là đọc xuyên suốt qua nội dung bên trong để tìm ra giá trị mình mong muốn.

Khi ta đọc một quyển sách cũng như để tâm hồn mình chảy qua một dòng sông, những điều còn đọng lại khi gấp quyển sách lại cũng như phù sa lắng dòng, bồi đắp cho tâm hồn thêm trù phú và màu mỡ, cho tâm trí thêm sáng và trong.

Phương pháp đọc lướt sẽ trái ngược hoàn toàn với đọc tích trữ – đọc và muốn thâu nạp hết kiến thức trong sách vào đầu, và tìm nhiều cách (highlight, ghi chú, self-stick flags) để ghi nhớ. Việc đọc tích trữ vốn dĩ là thói quen được hình thành từ 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, khi chúng ta luôn bị ám ảnh về việc phải đọc kĩ và học thuộc lòng từng nội dung trong sách giáo khoa, từ các môn xã hội cho đến cả các môn khoa học tự nhiên. Tới khi rời khỏi ghế nhà trường, mỗi khi cầm một quyển sách bất kì lên, ta vẫn còn “tâm lý ám ảnh” đã đọc sách thì phải ghi nhớ cho thật kỹ.

Chính cái cảm giác đọc tích trữ nhiều nhưng trí nhớ lại không tích trữ được bao nhiêu mới khiến cho nhiều người từng có sở thích đọc sách nhưng sau đó cảm thấy chán nản và từ bỏ theo thời cuộc. Thử nghĩ, thời đại công nghệ 4.0 rồi, Google và Internet như một bộ não vĩ đại của nhân loại có sức ghi nhớ và lưu trữ siêu khủng thì ta đâu cần phải làm khó bộ não của mình làm chi?

Học cách buông xả, từ bỏ việc đọc tích trữ sẽ là một bước chuyển tiếp cho bạn tiến đến việc đọc nhiều sách hơn và tìm lại niềm vui trong việc đọc sách ngày nào. Hãy để sách chảy trong đầu và tri thức sẽ đọng lại.

Đọc sách cũng giống như nghe nhạc

Hầu hết mọi người đều thích nghe nhạc, mỗi lứa tuổi và mỗi thế hệ, và trong mỗi bản thể sẽ có gu nghe nhạc khác nhau không ai giống ai. Nhưng tựu trung ta nghe nhạc là để cảm thụ âm nhạc, để lắng lòng và giải tỏa cảm xúc, để tâm trạng bình tĩnh hơn, an yên hơn.

Một bản nhạc hay là một bản nhạc nghe đúng tâm trạng. Một quyển sách hay là một quyển sách đọc đúng thời điểm.

Nếu không phải là nhạc sĩ, ca sĩ hay người chơi nhạc chuyên nghiệp, liệu khi nghe nhạc có bao giờ ta để tâm tới từng giai điệu, nốt cao nốt thấp, tiết tấu bài hát ra sao, nhịp phách thế nào? Và có ai lại đi ghi nhớ từng câu từng chữ trong lời bài hát, từng nốt nhạc không sót chút nào? Chắc cũng có vài người, nhưng là thiểu số thuộc nhóm nghệ sĩ kể trên, còn lại nghe nhạc chỉ đơn giản là cảm thụ âm nhạc như một hình thức giải trí trong cuộc sống.

Vậy thì, cớ sao ta lại gò ép mình phải tích trữ hết mọi kiến thức đã đọc trong sách cho bằng được, đúng không? Không có ai cố gắng ghi nhớ âm nhạc, nên ta cũng đừng tự làm khó mình khi phải ghi nhớ sách. Đọc sách cũng giống như nghe nhạc, điều quan trọng nằm ở 2 chữ: thưởng thức. Thưởng thức âm nhạc không phải là ghi nhớ mọi âm thanh, tiết tấu, mà là tận hưởng một cách thoải mái âm nhạc chảy tràn trong cơ thể mình, xoa dịu tâm hồn và đồng điệu cảm xúc.

Nhà bình luận sách Atsushi Innami vốn cũng là một người viết nhạc, chơi nhạc và DJ từng cảm thán: “Giá trị nguyên sơ nhất của âm nhạc chính là thứ sinh ra trong bản thân mỗi người sau khi nghe nhạc.”

Khi bạn có thể đọc sách như nghe nhạc, thấy sách chảy tràn trong tâm trí, là lúc bạn đã tìm được thú vui trong việc đọc sách và tận hưởng nó một cách dễ dàng.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.