Khi nhìn poster phim Hillbilly Elegy đầy những mảng xanh và xem bản dịch tựa phim là “Khúc bi ca từ nguồn cội”, mình cứ ngỡ đây là một bộ phim tài liệu nói về thiên nhiên, về hành trình trở về nguồn cội là Mẹ Thiên Nhiên. Nhưng xem rồi mới phát hiện mình “bé cái nhầm”, đây là một bộ phim được dựng lại dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của tác giả J.D Vance, kể về hành trình của cậu sinh viên Luật Đại học Yale trở về quê nhà ở Ohio. Trên hành trình đó, cậu miên man suy nghĩ về những ký ức trong quá khứ, về lịch sử gia đình mình qua ba thế hệ, cùng nỗi trăn trở về tương lai phía trước khi cậu vừa mới tốt nghiệp ra trường.

“Hồi tôi còn nhỏ, tôi chẳng hiểu nổi chuyện đó.
Cứ hình dung bà trạc tuổi tôi, mang bầu, chạy trốn khỏi mọi thứ bà biết, toàn bộ gia đình mà bà có.
Tôi cảm thấy mình đụng phải gì đó rồi. Một mảnh ghép, một lời đáp cho câu hỏi mà tôi hiếm khi hỏi về gia đình mình và tố chất của chúng tôi.”

J.D và mẹ cậu bé.

Phân đoạn mở đầu phim là cảnh cậu nhóc J.D đang cùng gia đình ba thế hệ của mình – ông bà ngoại, mẹ và chị gái đang về thăm nhà bà cố ở vùng quê Appalachia thuộc bang Kentucky. Năm 13 tuổi, bà ngoại của J.D mang bầu mẹ cậu và cùng ông ngoại cậu đưa nhau đi trốn tới bang Ohio của nước Mỹ. Giờ đây, mỗi mùa hè thì gia đình cậu lại về quê, và mỗi lần ngồi trên xe từ nhà bà cố quay trở về, J.D đều ngoái đầu lại phía sau nhìn những người thân trong gia đình lớn của cậu đầy quyến luyến. J.D từng hỏi bà mình: “Sao ta không ở lâu hơn? Lúc nào ta cũng đi trước hết”.

Nghe câu hỏi này của J.D cũng như cái ngoái đầu của cậu bé nhìn về quê hương xa ngái đang trôi dần đằng sau cửa kính xe ô tô, mình có một chút mủi lòng và xúc động, vì thấy hình ảnh của chính mình trong J.D.

Mình nhớ mãi một lần vào một cuối tuần của năm lớp 2, như thường lệ mình về nhà ngoại chơi, và suốt hai ngày cuối tuần đó mình đi theo các anh ra đồng bắt cá lòng tong bắt nòng nọc. Ông ngoại còn cho mình một cái lon để đựng mấy con cá bắt được ngoài ruộng. Bình thường vào chiều Chủ nhật lẽ ra mình phải về thành phố lại, nhưng hôm ấy trời mưa to tầm tã nên không ai xuống quê đón mình, trong lòng mình thì sướng rơn vì được ở lại nhà ngoại lâu hơn. Nhưng rồi sáng thứ Hai hôm sau thì một chú cũng chạy xuống đón mình để còn về đi học, và mặc dù trời đã tạnh mưa, nhưng mình ngồi trên xe thì khóc như mưa.

Mỗi lần từ thành phố trở về quê ngoại, một đứa nhỏ thành phố như mình được kết nối với đồng quê và ông bà, cô dì chú bác, anh chị em họ hàng dưới quê. Những kết nối vô hình ấy như một cái cây bén rễ dưới lòng đất, khi rễ vừa mới nhú, còn chưa kịp gắn kết với đất mẹ, thì cái cây ấy đã bị bứng trở lại về cái chậu bé tí teo trên thành phố. Những lần bén rễ và bứng rễ như thế, đều là những vết cứa vào trái tim của một đứa nhỏ. Chúng ta có thể rời xa quê hương, nhưng vĩnh viễn không bao giờ xa rời được nguồn cội của mình.

Tâm trạng của cậu nhóc J.D là thế, nhưng người mẹ đơn thân nghiện ngập của cậu khi về lại Ohio thì lại thở phào nhẹ nhõm: “Đã về lại xứ văn minh rồi”.

Mẹ J.D vốn là một cô gái rất thông minh và học hành giỏi giang, nhưng một lần nữa mẹ cậu lại đi vào vết xe đổ của người bà, để rồi trở thành mẹ đơn thân khi còn rất trẻ và sớm phải ra đời bươn chải. Chính trong cái nghèo đói khủng khiếp của hoàn cảnh cùng hàng tá vấn đề mà một bà mẹ trẻ đơn thân phải đối mặt, mẹ J.D dần trở nên nghiện ngập, hút chích, và phải cặp kè với nhiều người đàn ông khác nhau để tìm một mái ấm cho hai chị em J.D nương tựa.

Điểm lắt léo trong cuộc sống gia đình ba thế hệ nhà J.D là ông bà ngoại cậu không sống chung với nhau, mỗi người sống tại một căn nhà riêng ở hai góc phố, và ngay cả bà ngoại và mẹ cậu cũng không sống chung với nhau, còn gia đình nhỏ của mẹ J.D cùng hai chị em cậu thì rày đây mai đó tùy theo người đàn ông mà mẹ cậu cặp kè.

Dù hết mực yêu thương J.D, nhưng một bà mẹ trẻ xốc nổi, nghiện ngập đôi lúc không kiềm chế được chính mình nên có những lời nói, hành động làm tổn thương đến cậu bé, để lại trong cậu rất nhiều sang chấn tâm lý bám đuổi dai dẳng cho đến khi trưởng thành. Cuộc sống của J.D có lẽ đã đi vào bế tắc và trở nên hư hỏng, nếu một ngày nọ bà cậu không xuất hiện và quyết định giành lấy J.D ra khỏi tay mẹ cậu để bà đem về nuôi dưỡng. Chính khoảnh khắc quả quyết đó của người bà thương cháu, không muốn chấp nhận cho J.D bị mẹ cậu kéo chìm theo sự trượt dài không có điểm dừng, đã là bước ngoặt thay đổi cuộc đời J.D.

Sống với bà J.D phải học cách làm việc nhà, phụ giúp bà những việc lặt vặt, đi làm thêm để kiếm tiền, và phải nỗ lực học hành vươn lên để tìm cho mình một cơ hội trong cuộc sống. Bởi nếu bà không còn sống nữa, ai sẽ là người đứng ra lo cho cái gia đình này đây? Câu hỏi của bà ngoại khiến cậu bé J.D bừng tỉnh và chấn chỉnh lại lối sống đang lầy lội dần theo đám bạn hư của cậu.

Trước giờ khi xem phim Mỹ, mình rất ít khi tìm thấy sự đồng điệu về mặt văn hóa để có thể xúc động được y như xem phim của một số nước châu Á. Nhưng ở Hillbilly Elegy, thật sự đây là một bộ phim lấy đi của mình khá nhiều nước mắt, không chỉ một vài cảnh cao trào mà gần như rải rác từ đầu tới cuối phim. Mạch phim liên tục đan xen giữa quá khứ và hiện tại, dồn dập liên hồi khiến người xem đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác.

Phim được đạo diễn bởi Ron Howard, một cái tên nổi tiếng trong làng điện ảnh nếu bạn từng biết đến những bộ phim đình đám như A Beautiful Mind, Apollo 13, Cinderella Man.

Hành trình của J.D trở về quê nhà ở Ohio, gặp lại mẹ mình sau nhiều năm xa cách cũng chính là hành trình đi tìm về nguồn cội của gia đình qua nhiều thế hệ, về những đau thương mất mát mà thế hệ ông bà tổ tiên cậu đã trải qua, cùng những di chứng trong quá khứ vẫn còn để lại nỗi đau mãi đến tận bây giờ.

Theo dõi
Thông báo của
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx