Tôi hầu như dành thời gian của mình cho việc truy cập Internet và làm những việc vô bổ, cho tới một ngày một người bạn lớn hơn tôi 20 tuổi, hỏi tôi một câu đơn giản: “Bạn đọc bao nhiêu quyển sách mỗi tháng?”. Và tôi trả lời: “Không có quyển nào cả.” Bạn tôi ngạc nhiên: “Anh nghiêm túc đấy chứ?”. Tôi đã nói rằng mình rất nghiêm túc.

Một ngày nọ, một người bạn nói với tôi rằng: Merhant, nếu anh muốn thành công, anh phải bắt đầu đọc sách, trừ khi anh không muốn học hỏi những cái mới. Với tôi, chuyện này nghe có vẻ rất bất thường bởi vì tôi vốn dĩ không thích người khác bảo tôi phải làm cái gì hay không làm cái gì. Tôi đã bảo với người bạn ấy rằng: “Tôi vẫn có thể thành công và tìm hiểu mọi thứ bằng việc đọc trên Internet, và tôi thật sự không cần tìm hiểu mọi thứ qua đọc sách.”

Vài tháng sau cuộc hội thoại đó, tôi đi đến một trung tâm thương mại để mua vài món đồ. Cửa hàng mà tôi ghé mua thông báo phải đến một tiếng nữa mới mở cửa, vì vậy tôi phải chờ một tiếng đồng hồ nữa cho tới khi nhân viên mở cửa. Thế là tôi suy nghĩ mình nên đi đến rạp chiếu phim hay đi dạo vòng quanh trung tâm thương mại để giết thời gian, bất thình lình tôi để ý thấy bên cạnh cửa hàng là một hiệu sách lớn. Vì thế tôi quyết định vào trong và xem sách.

Tiếng mẹ đẻ của tôi không phải là tiếng Anh, và trong suốt thời gian đó tôi cũng không rời khỏi đất nước của tôi là Iran (Mehran làm việc tại hãng hàng không Airasia), nên việc đi vào một hiệu sách chỉ bán sách tiếng Anh cho một người đọc không thạo tiếng Anh quả thật rất kì quặc. Tôi chưa từng ghé vào bất cứ hiệu sách tiếng Anh nào trước năm 27 tuổi bởi vì tôi chỉ mới ra nước ngoài năm 25 tuổi, và sách tiếng Anh không phổ biến lắm ở Iran, hầu hết sách ở đây đều được dịch sang tiếng Ba Tư.

Ban đầu tôi thấy rất nhàm chán vì tôi chẳng thể nào tìm được một quyển sách hấp dẫn để mua hay nhìn vào nó (lý do là tôi thậm chí không đọc được hầu hết các tựa đề tiếng Anh). Cuối cùng, tôi chọn quyển sách của Paulo Coelho và lấy nó. Tôi biết ông vì đã từng đọc sách của ông ở Ba Tư những năm còn niên thiếu. Thế là tôi quyết định mua quyển sách.

Tôi về nhà, bắt đầu mở quyển sách ra và đọc nó. Thật sự việc đọc rất khó khăn với tôi vì có rất nhiều từ mới ở mỗi trang mà tôi không biết nghĩa của chúng. Vì vậy tôi dùng từ điển để tra từ và vất vả lắm để đọc, cũng như tốc độ đọc cực kì chậm. Nhưng sau khi đọc được vài trang, tôi chợt cảm thấy rằng mình thích nó. Tôi tự nói với mình, nếu tôi có thể đọc được sách tiếng Anh thì tôi có thể đọc được rất nhiều quyển sách khác mà không bao giờ được dịch sang tiếng Ba Tư. Điều này quả thực là một động lực rất lớn đối với tôi!

Thử thách sau khi đọc xong quyển sách đầu tiên là chọn quyển nào tiếp theo, bởi vì tôi không đọc nhiều khi tôi còn trẻ, nên tôi không biết nhiều về các tác giả, vì vậy tôi thử tìm kiếm trên Internet để xem người khác đề xuất quyển sách nào để đọc.

Sau 2 năm, bây giờ mỗi tuần tôi đều đọc một quyển sách và luôn thấy thèm đọc sách. Tôi đã học được rất nhiều thứ, nên khi gặp một người bạn mới tôi có rất nhiều thứ để nói chuyện, đặc biệt khi gặp những người đến từ quốc gia khác. Ví dụ, tuần vừa rồi tôi gặp một chàng trai đến từ Nhật Bản và chúng tôi chuyện trò với nhau. Tôi chia sẻ bất cứ điều gì tôi biết về Nhật Bản với anh ta, anh chàng rất ngạc nhiên khi tôi biết quá nhiều điều về Nhật Bản. Tôi biết tất cả những điều này từ một quyển sách viết về Nhật Bản tôi đọc cách đây 6 tháng.

Tôi có thể hiểu rằng việc đọc sách thì không dễ dàng như xem phim hay lướt Internet, vì đầu tiên bạn phải trả tiền mua nó, rồi ngồi, rồi đọc, rồi phải chú tâm vào quyển sách.

Sau đây là vài đề xuất của tôi dành cho bạn nếu bạn thật sự muốn đọc sách:

  1. Cố gắng tìm đọc những chủ đề nào mà bạn hứng thú.
  2. Tìm một nơi thoải mái để đọc sách.
  3. Khi bạn đang đọc sách, cố gắng đặt điện thoại xa bạn và chuyển sang chế độ im lặng. Hãy tránh xa những món đồ công nghệ trong vài phút.
  4. Bạn không cần phải hiểu hết quyển sách tiếng Anh mà mình đang đọc, nếu có một số từ không quen thuộc với bạn hay khi bạn bị lạc trong một số phần của quyển sách, cứ để nó ở đó và đừng cố gắng buộc bản thân phải biết tất cả mọi thứ.
  5. Thử tạo cho mình một danh sách sách hay trên mạng, ví dụ như trên Fanpage của Bill Gates hay Mark Zuckerberg, họ đều có một danh sách những quyển sách sẽ đọc.
  6. Thử đọc sách với nhiều chủ đề khác nhau, đừng chỉ tập trung vào một chủ đề.
  7. Đừng quên rằng bạn không cần một thư viện ở nhà, sách là để đọc chứ không phải để giữ.
  8. Nếu một quyển sách không hay, đừng cố để đọc nó, mà hãy hãy thưởng thức quyển sách khác.
  9. Nếu đọc sách giấy khó quá, hãy thử đọc trên điện thoại hay máy tính bảng (với điều kiện bạn phải tắt Wifi để tránh bị xao nhãng bởi tin nhắn và những thứ khác).

Hy vọng câu chuyện của tôi sẽ giúp mọi người thích đọc sách hơn.

Mehran Janfeshan, làm việc tại AirAsia
Thành Linh dịch

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

4 bình luận

  1. Lang thang và bắt gặp được trang của anh. Cảm ơn vì những chia sẻ của anh nhé 🙂

    • Thành Linh Phản hồi

      Cảm ơn em, chúc em luôn duy trì thói quen đọc sách nhé 🙂

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.