Có bao giờ bạn cảm thấy đau đầu khi có quá nhiều sách để đọc nhưng lại có quá ít thời gian? Chưa kể, bây giờ chúng ta còn đang sống trong kỷ nguyên vàng của làng content với Facebook, Youtube, Netflix, podcast, các trang tin điện tử,… thì lấy đâu ra thời gian để đọc cho xong một quyển sách?
Câu hỏi trên là điều đã ám ảnh Max Joseph, một nhà làm phim người Mỹ, để anh quyết định thực hiện một bộ phim nhằm đi tìm đáp án. Bộ phim cũng là chuyến hành trình Max đi tìm cách vượt qua “nỗi sầu muộn hiệu sách”, khi mỗi lần anh rời khỏi hiệu sách bao giờ cũng phải mua ít nhất 3 quyển sách, và rồi lại để quên chúng vào một góc không bao giờ đụng tới.
Nếu bạn cũng giống như Max, người đang tìm cách cân bằng lại chế độ “tiêu hóa nội dung” của mình mỗi ngày để đọc được nhiều sách hơn trong phần đời còn lại thì đây là bài viết dành cho bạn!
Trong chuyến hành trình của mình, Max Joseph tìm gặp những người nổi tiếng với việc đọc sách thần sầu nhằm học hỏi bí quyết của họ.
1. Tim Urban
Anh là một doanh nhân, diễn giả của TED và là blogger chủ xị trang Wait But Why với những chia sẻ thú vị về nhiều lĩnh vực trong đời sống. Nếu phải tìm một người nào đó giúp Max Joseph có cái nhìn rõ ràng hơn về “nỗi sầu muộn hiệu sách” anh gặp phải thì người đó không ai khác chính là Tim Urban.
Max chia sẻ, anh thường đọc 1 quyển sách/năm, dĩ nhiên 1 quyển ở đây là đọc vì yêu thích chứ không tính đến những quyển sách buộc phải đọc vì công việc hay vì mục tiêu phát triển bản thân.
– Tim: Anh dự tính sống đến năm bao nhiêu tuổi?
– Max: Ông bà tôi sống thọ đến tận 90 tuổi.
– Tim: Vậy là anh còn lại 55 năm tuổi đời.
Tim thử làm một phép tính, theo tốc độ đọc sách của Max hiện tại thì anh chỉ có thể đọc được 54 + 1 quyển sách trong phần đời còn lại, sở dĩ +1 cuốn là vì anh có thể chết bất cứ lúc nào nên quyển sách cuối cùng có thể chưa kịp hoàn thành. Số sách này chỉ tương đương bằng một hàng sách dài trên một kệ sách thông thường.
Với tốc độ đọc trung bình của Max, anh đọc 2 trang sách quyển Lolita khoảng 1550 từ mất 6 phút 27 giây. Dựa trên tốc độ này, Max sẽ mất khoảng 10 giờ để đọc xong một quyển sách. Mỗi ngày, Max mất 8 giờ để ngủ, vị chi còn dư 16 tiếng đồng hồ. Nếu chia nhỏ 16 tiếng này thành các ô vuông nhỏ như hình Tim vẽ dưới đây, mỗi ô vuông tương ứng với đơn vị 30 phút thì thời gian dành cho việc đọc sách hàng ngày hiện tại của Max đang chỉ là một chấm nhỏ.
Theo công thức của Tim:
- Nếu Max chỉ đọc sách 1,64 phút/ngày –> mất 1 năm để hoàn thành 1 quyển sách –> 55 năm còn lại chỉ đọc được tối đa 54 + 1 quyển sách
- Nếu tăng thời gian đọc sách lên 30 phút/ngày –> Max có thể đọc được hơn 1000 quyển sách trong 55 năm còn lại
Chơn: Rõ ràng, chỉ cần tăng thời gian dành cho việc đọc sách mỗi ngày, tối thiểu 30 phút/ngày thì bạn có thể cải thiện số lượng sách mình đọc được trong quãng đời còn lại lên đáng kể. 30 phút không phải là con số quá nhiều, thậm chí bạn còn có đến 2 ngày cuối tuần với nhiều thời gian rảnh hơn nữa cơ mà?
Tâm sự mỏng với Tim, Max kể tiếp, anh bị ngốn quá nhiều thời gian với tin tức trên mạng. Mỗi ngày, anh mất 20 phút để cập nhật tin tức trên báo mạng, và mất 30 phút online trên social media (Facebook, Twitter, Instagram…), tổng cộng mất hết 50 phút mỗi ngày cho những chuyện này. Tính ra Max mất hết 304 giờ mỗi năm cho việc đọc tin tức trên mạng, thời gian này tương đương với 30 quyển sách Max có thể đọc được mỗi năm theo công thức đã tính ở trên.
Thử tưởng tượng, thời gian Max dành cho việc đọc báo mạng và social media quy ra ngang ngửa một kệ sách lấp đầy 30 quyển. Nếu Max chỉ cần giảm tải 1/2 thời gian đọc tin tức trên mạng thì anh có thể đọc thêm được tới 17 quyển sách nữa trong 1 năm.
2. Cô nhân viên nhà sách Boekhandel Dominicanen
Boekhandel Dominicanen là một nhà sách nằm trong một nhà thờ, thuộc thành phố ven sông Maastricht (Hà Lan). Nhà thờ Dominicanen vốn bỏ trống gần 200 năm, sau này được trưng dụng để tổ chức các dịp lễ hội, trưng bày, ít ai biết nó còn từng là nơi để máy chém của địa phương vào thế kỷ 19.
Tại đây, Max có dịp trò chuyện với cô nhân viên nhà sách Boekhandel Dominicanen:
– Chế có đọc được nhiều sách không?
– Có chứ cưng, ít lắm, tầm 50 tới 60 quyển một năm à.
– Nhiều dữ thần, vậy là đọc nhiều dữ lắm đó chế.
– Ủa mà chế có hay xem TV không?
– Xem chút éc à cưng.– Chế đi làm cả ngày rồi dành thời gian đọc sách lúc nào hay vậy?
– Tối tối chế lên giường sớm rồi đọc chứ có gì đâu.
– Vậy chế đọc tầm nhiêu tiếng mỗi ngày?
– Từ 1 tới 2 tiếng, tùy theo bữa, bữa nào mệt quá thì ngủ sớm hà.
Chơn: Bớt dành thời gian cho những việc không bổ béo cho tâm trí như xem TV, xem Youtube giải trí, lướt Facebook giải sầu thì bạn sẽ có nhiều ngân quỹ thời gian hơn dành cho việc đọc sách nè.
3. Eric Barker
Có một trang blog rất nổi tiếng trong hơn 10 năm qua ở Mỹ tên là Barking Up The Wrong Tree, chủ blog là anh chàng Eric Barker. Quyển sách cùng tên blog của Eric được bên Ecoblader (Việt Nam) dịch với tựa “Chó sủa nhầm cây” rất thú vị về chủ đề thành công dưới góc độ khoa học.
Eric Barker có gì đặc biệt để Tim Urban đề cử Max viếng thăm? Để viết ra được 1 bài viết trên blog, Eric phải dày công nghiên cứu bằng cách đọc rất nhiều sách cùng đề tài, báo chí, tài liệu khoa học lẫn tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn dài. Anh không đăng bài mới hàng tuần mà 1 tháng có khi chỉ đăng 1-2 bài, nhưng bài nào là chất lừ bài đó, bởi bài viết của anh ngồn ngộn cứ liệu và dẫn chứng khoa học đàng hoàng.
– Làm thế nào để anh “tiêu hóa” được mớ kiến thức ngồn ngộn kia?
– Tôi đọc trên điện thoại thôi. Tôi không có Facebook, không xài Twitter, cũng không dùng email quá thường xuyên. Thay vì phải lướt social media mỗi ngày, tôi dùng Kindle app. Tôi chỉ cho phép bản thân 3 lần kiểm tra mỗi ngày khi có email thật sự quan trọng gửi đến. Bất cứ khi nào tôi có việc khẩn cấp phải kiểm tra social media, tôi thường dừng ại và tự hỏi: “Có lý do tốt nào để xem tin này không?”. Nếu không, tôi lại chú tâm vào việc đọc của mình.
– Anh có hay đọc trên iPhone không?
– Hầu hết thời gian tôi đọc trên Kindle app ở máy iPad.
Thay đổi một thói quen giống như ghi đè lên phần mềm bạn đang sử dụng, và nếu thực hiện đủ trong một thời gian nhất định, bộ não của bạn sẽ “viết lại” phần mềm để đáp ứng theo thói quen mới. Một chuyên gia nghiên cứu về thói quen của đại học Stanford là B.J. Fogg có đưa ra một nguyên tắc thú vị gọi là “minimum viable effort” (nỗ lực khả thi tối thiểu). Khi bạn bắt đầu xây dựng một thói quen, chìa khóa là sự kiên định, bởi nếu không kiên định thì nó không còn là thói quen.
Ví dụ bạn muốn đọc 1 trang sách, nó là chuyện hết sức đơn giản ai cũng có thể làm được. Một khi bạn có thể đọc liên tục 1 trang sách trong 2 tuần liền, hãy tiếp tục chuyển sang đọc 2 trang. Cứ thế, bạn tăng dần số trang lên mỗi ngày cho đến khi đọc được tối thiểu 30 phút/ngày.
Chơn: Bất cứ việc lớn nào cũng bắt đầu từ những hành động nhỏ, tích lũy dần đều mỗi ngày. Một việc đơn giản như đọc 1 trang sách mỗi ngày nếu bạn cũng không tập được thì khó làm được chuyện gì lớn lao trong đời.
4. Howard Berg
Howard Berg là một kỷ lục gia đọc nhanh nhất thế giới được ghi nhận vào sách Kỷ lục Guinness Thế Giới với thành tích đọc 80 trang sách chỉ trong vòng 1 phút. Ông chia sẻ, đọc nhanh là một kỹ năng ai cũng có thể học được và ông đã dạy kỹ năng này cho nhiều người suốt mấy chục năm qua.
Phương pháp đọc nhanh của Howard Berg:
1. Dùng ngón tay dò theo từng dòng trên trang sách từ trái sang phải. Mắt dõi theo tay bạn, dò càng nhanh càng tốt ở mức bạn có thể hiểu được nội dung và cứ làm như vậy đến một lúc nào đó tốc độ đọc của bạn sẽ nâng lên được tầm 10-20%.
Sai lầm của trường học là dạy cho học sinh cách đọc thành tiếng trong đầu. Việc này giống như có ai đó trong đầu bạn phát-âm-từng-tiếng-một. Khi Howard đọc 80 trang/phút, cái ông thấy là một bộ phim diễn ra trong đầu, và khi muốn nhớ lại một đoạn đã đọc, ông tua ngược lại bộ phim để xem chi tiết phân cảnh đó để chuyển đổi những gì ông thấy ra thành âm thanh.
2. Nhập vai để trải nghiệm nội dung đọc. Nghe – ngửi – nếm – chạm – cảm từng câu chữ mình đang đọc. Lúc đó toàn não bộ của bạn cũng tương tác với nội dung đọc như đang trải nghiệm chúng trong thực tế.
Ví dụ hãy trải nghiệm đoạn văn sau: Paul Revere đứng gần cảng Boston. Ông ngửi và nếm vị muối biển. Trèo lên cầu thang, ông nhìn thấy ánh sáng của ngọn hải đăng. Ra bên ngoài, ông nhảy phóc lên lưng ngựa nhưng chiếc yên ngựa làm ông khó chịu. Ông chạy một mạch vào rừng sâu. Tiếng vó ngựa vang trên thềm đất mềm những tiếng lộc cộc ngay dưới chân.
Khi áp dụng thử phương pháp của Howard Berg, tốc độ đọc của Max đã cải thiện ngay tức thì lên đến 20%.
5. Tiến sĩ Ruth J. Simmons
Ruth J. Simmons là hiệu trưởng da đen đầu tiên của liên đoàn Ivy League danh giá khi bà trở thành hiệu trưởng của Đại học Brown vào năm 2001. Hiện nay, bà là đương kim hiệu trưởng và cũng là nữ hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Prairie View A&M, bang Texas (Mỹ). Về chuyên môn, bà là một học giả đẳng cấp thế giới về văn học so sánh, một lĩnh vực học thuật liên quan đến nghiên cứu văn học và biểu hiện văn hóa qua các ranh giới ngôn ngữ, quốc gia.
Khi được Max hỏi về phương pháp đọc hiệu quả với thời gian có hạn, bà chia sẻ:
“Chế là chế không dễ bị dụ bởi mấy danh sách bá láp về mấy quyển sách khuyến cáo người ta phải đọc trong đời như top 10 quyển sách XYZ nè he. Chế tin chắc rằng việc đọc nhiều hiểu rộng thì quan trọng hơn bất kỳ danh sách được khuyến cáo nào. Chế chả bao giờ mua sách theo mấy danh sách đó.
Chế nhớ lại lúc trước tụi sinh viên Brown hay tới gặp chế với lịch học dày đặc trên tay và đứa nào đứa nấy mặt mày đều hổng dzui mà còn quạu dễ sợ. Thế là chế mới nói tụi nhỏ, cô muốn thấy mấy đứa ngồi trên bãi với một cuốn sách. Hãy dừng lại, và suy ngẫm.
Nếu điều đơn giản như trên mà mấy cưng còn không làm được thì chắc chắn trình còn thấp hơn tụi khỉ đột. Chuyện làm kinh doanh không làm cho cuộc sống của mấy cưng trở nên có ý nghĩa hơn đâu, mà chính đời sống nội tâm mới tạo nên sự khác biệt to lớn nhất với tụi mình khi đi hết cuộc đời.”
Ở cuối cuộc hành trình, sau những cuộc trò chuyện với những người đọc sách thần sầu trong cuộc sống, Max Joseph chiêm nghiệm:
Có lẽ toàn bộ mục đích của việc đọc không phải để học hỏi thêm, mà để chạm đến phần sâu thẳm và tĩnh lắng nhất bên trong mỗi người. Đó chính là “ngôi đền” nội tâm của bạn.
Chơn: Toàn bộ hành trình của Max được gói gọn trong bộ phim tài liệu gần 40 phút dưới đây. Nếu bạn có khả năng nghe hiểu tiếng Anh tốt thì nên xem phim để cảm nhận trọn vẹn hơn chuyến đi của Max cùng chia sẻ của các nhân vật nổi tiếng kể trên, và cùng Max du ngoạn một vòng qua những nhà sách nổi tiếng trên thế giới (có cả nơi J.K. Rowling từng lấy cảm hứng để viết Harry Potter). Còn nếu bạn nghe mà không hiểu được thì cũng yên tâm, vì Chơn Linh đã giúp bạn rã nát cái video thành bài viết ở trên.
P/S: Bài viết Chơn Linh lược dịch theo video và có thêm vào nhiều yếu tố giải trí để bớt khô khan và dễ đọc nên sẽ không theo sát phần voice gốc.