Nếu bạn đang tìm một bộ phim giải trí không quá nhẹ nhàng, có vài phần hài hước và nhiều cảnh mạo hiểm thót tim đùng đùng thì Lối Thoát Trên Không (2019) là một phim rất thích hợp để xem vào một ngày mưa cuối tuần.
Ban đầu xem phim mình không trông đợi gì nhiều lắm và cứ nghĩ đây là một bộ phim tình cảm hài hước của Hàn Quốc, ai ngờ vừa mới xong phần giới thiệu bối cảnh và nhân vật thì phim chuyển một phát thành phim hành động sống còn và 2/3 sau của phim là những màn hồi hộp đến ná thở của hai diễn viên chính do Jo Jung Suk và Yoonah (Girl’s Generation) thủ vai.
Chuyện phim khá đơn giản, kể về chàng trai Yong Nam vốn là một tay leo núi rất cừ trong câu lạc bộ thời đại học nhưng không gặp nhiều may mắn trên con đường sự nghiệp, nộp CV tới đâu là rớt tới đó và phải ở nhà “ăn bám” mẹ và người chị của mình. Tình cờ anh gặp lại Eui Joo, cô gái mình từng theo đuổi trước đây và đã bị phũ không thương tiếc khi tỏ tình. Biết Eui Joo đang là phó quản lý ở một trung tâm tổ chức tiệc cưới nên Yong Nam đã dàn xếp buổi mừng thọ 70 tuổi của mẹ mình ở trung tâm nơi Eui Joo làm việc để tái ngộ người xưa (dù trung tâm rất xa nhà).
Yong Nam là đại biểu của một thế hệ người trẻ sa cơ lỡ vận không gặp thời, “công việc” chính của cậu mỗi ngày là tỉnh dậy, ăn uống, đi vệ sinh và ngủ, và cứ lặp lại vòng lặp đó liên tục đến đứa cháu Ji Ho của cậu mới học tiểu học cũng thấy khinh thường người cậu của mình và không dám nhận mặt người quen trước bạn bè. Người trong khu dân cư hay gọi Yong Nam là “trai xà ngang” vì suốt ngày thấy cậu tập xà ngang ở 50 sắc thế như một vận động viên chuyên nghiệp.
Cho những ai sống vội thì mạch phim không hề chậm mà chuyển rất nhanh sang phần cao trào, khi có một gã điên nổi dại cho xe tải chứa mấy bình khí độc xì khắp thành phố, ai hít vào cũng gặp triệu chứng khó thở và ngất xỉu, có thể chết nếu không cấp cứu kịp thời. Khi tiệc mừng thọ của mẹ Yong Nam còn đang xập xình sắp sửa tàn tiệc thì nguyên khu vực đó đã bị khí độc bao phủ. Mọi người bỏ chạy tán loạn, và lối thoát duy nhất là trèo lên sân thượng để tránh khí độc và chờ trực thăng giải cứu.
Trong tình huống khẩn cấp này, tài năng của Yong Nam mới được hiển lộ khi cửa sân thượng trung tâm sự kiện bị khóa kín, anh phải dùng dây thừng và kỹ thuật leo núi… liều mạng của mình để đập kính leo từ tầng cao nhất lên sân thượng mở cửa từ bên ngoài. Một phen Yong Nam làm cả gia đình hú hồn hú vía muốn rụng tim rụng nụ. Kết cục, cả gia đình được trực thăng tới giải cứu, chị Yong Nam bị ngộ độc khí ga cũng kịp thời đến bệnh viện, chỉ riêng Yong Nam cùng Eui Joo bị kẹt ở lại do buồng giải cứu của trực thăng có hạn.
Diễn biến 1/2 còn lại của bộ phim là quá trình Yong Nam và Eui Joo sử dụng kỹ năng leo núi điêu luyện của mình để… chuyền từ tòa nhà này sang tòa nhà khác, leo trên những bờ tường chênh vênh, chạy dọc trên sân thượng các tòa nhà để lên được nơi cao nhất vì khí độc càng lúc càng bay lên cao. Kết phim tất nhiên để vừa lòng mãn nguyện khán giả thì happy ending khi cả hai được giải cứu và cả nhà đoàn tụ sum vầy có nhau.
Bài học rút ra từ nhân vật Yong Nam là gì?
Điều mình thích nhất ở nhân vật Yong Nam chính là thái độ sống và tôn chỉ của bản thân rất kiên định, dù ai nói ngả nói nghiêng thì Yong Nam vẫn là chàng “trai xà ngang” kiên trì luyện tập mỗi ngày tới mức độ thành thục và chuyên nghiệp. Hay một tình tiết rất nhỏ trong phim, khi tóc anh đã chải ngôi này thì mẹ anh có cố tình chải lại kiểu khác thì Yong Nam cũng phải chải về ngôi cũ mới chịu. Dù người nhà có nhiều lần chỉ trích, anh vẫn không từ bỏ đam mê leo núi của mình ngày nào mà vẫn thường xuyên tập luyện để rèn luyện bản thân.
Chính sự tích lũy mỗi ngày đó của Yong Nam mới là sự chuẩn bị tốt nhất khi tình huống nguy hiểm xảy đến, trái ngược với những cậu anh rể chức cao vọng trọng mở miệng ra nói chuyện đao to búa lớn nhưng gặp cớ sự thì không còn dám to mồm, Yong Nam mới bộc lộ được sự quả cảm và tinh thần thép của mình khi đưa ra một lựa chọn nguy hiểm là phá cửa kính và leo lên sân thượng để mở cửa. Nếu không có hành động quyết liệt này của Yong Nam, mặc cho bố mẹ và người nhà hết sức ngăn cản vì quá nguy hiểm thì cả nhà cậu có lẽ đã mắc kẹt ở đó chờ chết chứ không tài nào được giải cứu.
Hãy thử nghĩ về một tình huống khác, nếu bạn ở trong hoàn cảnh của Yong Nam, bị người nhà chỉ trích, đến đứa cháu cũng xem thường vì cái tội thất nghiệp không có tương lai, liệu bạn có đủ động lực để theo đuổi một đam mê với người khác cho là vô nghĩa như leo núi? Hay bạn sẽ từ bỏ đam mê đó để sống nhàn nhã ở nhà là được rồi đợi cơ hội đến thì mình tìm được việc làm?
Người khác nói gì nghĩ gì về mình không quan trọng, quan trọng là mình tự định nghĩa giá trị của bản thân như thế nào. Anh hùng không gặp được thời vận, sự nghiệp không thành, sẽ bị người đời xem thường và chỉ trích, nhưng khi gặp thời có được sự nghiệp vinh quang thì bao nhiêu người xúm xít ngưỡng mộ. Thời thế sẽ có lúc thay đổi, người từng gặp thời sẽ có lúc hết thời, người chưa gặp thời rồi sẽ có lúc được gặp, nhưng mặc cho thời thế xoay vần ra sao, cách ta sống như thế nào và thái độ sống của ta mới là điều quyết định.
Có những thứ người khác cho là tầm phào, vô nghĩa, nhưng nếu bạn yêu thích, đam mê với nó thì hãy cứ theo đuổi tới cùng mặc kệ người đời đàm tiếu. Và sự tích lũy về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất, đến một ngày nào đó khi tích lũy đủ thì điểm bùng phát bất ngờ sẽ xảy đến. Khi đó, bạn sẽ thấm thía được giá trị của sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.