Mình biết qua bộ phim Love, Death & Robots vì được một người em giới thiệu. Em bảo phim hay và ý nghĩa lắm, phải xem nha anh. Nhưng khi nhìn cái poster hết sức khô khan như trên và xem qua mấy phút đầu của tập 1 thì… nản siêu nản và mình tắt cái bụp, không còn hứng thú xem nữa bởi phần đồ họa của phim không đúng gu của mình.
Phim gì mà đen tối hắc ám bạo lực thấy ghê!
Nếu bạn cũng xem sơ qua vài phút đầu của phim và có cảm giác như mình thì bình tĩnh, chuyện đâu vẫn còn có đó, và mồng 1 tháng Chạp vẫn chưa phải là Tết.
Mãi tới gần đây, vô tình mình lại đọc được khá nhiều bình luận trên mạng đều khen Love, Death & Robots và so sánh bộ này với series Black Mirror nổi tiếng trên Netflix nên làm mình tò mò tìm xem lại một cách đàng hoàng. Bởi lẽ khi nhiều người cùng công nhận một bộ phim là hay, ắt hẳn nó phải có cái gì đó hay thiệt mà mình chưa kịp nhận ra.
Và trong một buổi, mình xem một lèo hết luôn 18 tập của Love, Death & Robots. Bạn đừng hết hồn vì mỗi tập chỉ có 10-20 phút thôi chứ không phải 45 phút hay 1 tiếng đồng hồ nên xem hết cũng khá nhanh. Như vậy cũng đủ chứng tỏ mê lực của bộ phim này đỉnh như thế nào!
Love, Death & Robots là series phim hoạt hình ngắn được sản xuất bởi đạo diễn Tim Miller và công chiếu trên Netflix vào tháng 3/2019. Đây không phải là một bộ phim dài tập mà chỉ là từng phim lẻ (y như style của Black Mirror) có cùng chung chủ đề về viễn cảnh thế giới tương lai – nơi robot, trí thông minh nhân tạo và công nghệ sẽ thống trị thế giới. Điểm đặc biệt thú vị là mỗi tập phim được sản xuất bởi các nhà làm phim đến từ các quốc gia khác nhau, dựa trên một chủ đề chung kể trên nên mỗi tập là mỗi style đồ họa hoàn toàn khác biệt, có tập thì 3D, tập thì 2D, tập thì người thật đóng.
Vốn yêu thích đề tài về thế giới tương lai, cũng như từng mê mẩn series Black Mirror (ai chưa xem thì nên xem một lần trong đời) nên Love, Death & Robots quả thực đã chinh phục cảm tình của mình qua từng tập phim. Mỗi tập đều hết sức ngắn gọn, cô đọng, súc tích nhưng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa nhân văn và những điều để cả nhân loại phải trăn trở, suy ngẫm về một thế giới tương lai chúng ta sẽ phải đối mặt trong vài thập kỷ tới.
(Dưới đây là phần phân tích phim, có spoil, khuyến cáo chỉ nên đọc sau khi xem phim.)
Có một số tập phim mình đặc biệt thích nên bình luận ít dòng về các tập này:
Ep 8 – Good Hunting
Bối cảnh phim ở Trung Hoa thời cận đại khi thế giới vẫn còn phép thuật và các loại yêu tinh tồn tại. Con trai của một thợ trừ yêu vì động lòng trắc ẩn nên đã cứu mạng con gái của hồ yêu, từ đó cả hai trở thành bạn thân của nhau. Khi thế giới trở nên ngày một hiện đại hơn với nhiều máy móc tân thời, sự hiện hữu của phép thuật trong thế giới này cũng biến mất, và hồ yêu bị mắc kẹt trong hình dạng con người chứ không thể biến lại thành yêu để được sống đúng với bản thể của mình – tự do đi săn bắt, chạy nhảy.
Ẩn dụ của phim rất hay ở chỗ thời xưa phép thuật chính là những điều kỳ bí huyền ảo trong dân gian, nhưng thời nay phép thuật lại chính là sự tiên tiến của khoa học công nghệ. Công nghệ tuy hiện đại nhưng cũng chính là thứ ràng buộc sự tự do bản năng của con người và đẩy họ xa rời mẹ thiên nhiên.
Cậu bé con người thợ săn năm nào khi lớn lên trở thành một kỹ sư đam mê chế tạo máy móc và nghiên cứu công nghệ tự động hóa. Chính cậu đã giúp cô bạn hồ yêu có thể biến thân từ người thành hồ nhờ sự can thiệp của công nghệ, hay nói đúng hơn là nhờ ma thuật do cậu tạo ra.
Phim cũng gợi nhiều trăn trở về thân phận của người phụ nữ Á Đông, trong xã hội tân thời vẫn bị rẻ rúng và chà đạp thể xác để thỏa mãn dục vọng của cánh đàn ông có quyền có tiền.
Ep 10 – Shape-Shifters
Tập này lấy bối cảnh chiến trận ở Afghanistan, hai binh sĩ Decker và Sobieski vốn là bạn tâm giao với nhau trong quân đội. Họ cũng có một đặc điểm khác biệt so với các binh sĩ khác là thuộc giống người thú, tức người có thể chuyển đổi thành thú tùy theo giống loài đặc trưng của họ. Cả hai sở hữu một số khả năng đặc biệt mà người thường không có như có thể nghe thấy âm thanh từ rất xa hàng chục cây số hay nhìn được xuyên màn đêm, tốc độ chạy cũng gấp mười mấy lần người bình thường và dẫu có bị súng bắn thì khả năng phục hồi của cơ thể cũng hết sức nhanh chóng.
Có thể xem tập phim này bạn thấy đây chỉ là chuyện… khoa học viễn tưởng, khó có thể xảy ra, chỉ có trong truyện tranh hay hoạt hình vì làm sao có thể lai tạo một sinh vật giữa người và thú như thế?
Nhưng theo một số tài liệu về tiền kiếp, đặc biệt những kiếp sống ở châu Atlantis huyền thoại ngày xưa, đã có thời khoa học công nghệ phát triển tới mức con người ta có thể lai tạo giữa người và thú để tạo ra những sinh vật nửa người nửa thú, sở hữu những khả năng vượt trội của thú vật để phục vụ cho binh đoàn và những cuộc chiến tranh. Bạn thử tưởng tượng, ví như một con chó có khả năng đánh hơi tìm đồ vật bị mất, hay một con chim ưng có tầm nhìn rất xa, hay một con dơi có thể bay xuyên màn đêm bằng sóng âm, vậy thì tại sao những đặc tính nổi trội trong cá thể đó không thể tách chiết ra để ghép vào con người?
Hãy suy ngẫm về điều này, vì giống người thú thời Atlantis cũng từng là thảm họa khi phần con lấn át phần người dẫn đến những cuộc giết chóc đẫm máu. Công nghệ rơi vào tay những người muốn làm bá chủ thế giới sẽ bị lạm dụng để phục vụ cho mục đích của họ.
Thông điệp của tập phim này cũng rất ý nghĩa khi con người là đồng loại của nhau nhưng lại thích giễu cợt, châm biếm lẫn nhau, phân biệt chủng tộc giữa người thường với người thú. Trong khi đó, hai binh sĩ người thú này sẵn sàng sống chết có nhau, và khi một người mất đi thì người kia đau khổ tột cùng – còn đám người thường chỉ biết nhìn mà cười cợt.
Ep 11 – Helping Hand
Alexandria là một nữ phi hành gia lãnh nhiệm vụ sửa chữa một trạm ngoài không gian, nhưng trong lúc làm việc do sơ ý phạm phải lỗi kỹ thuật khiến cô rơi vào thế lưỡng nan khi mắc kẹt ngoài quỹ đạo và bình oxy thì sắp cạn đến nơi. Cô bị trôi lơ lửng trong không gian với một sợi dây nối liền tàu vũ trụ, tuy nhiên không gian vũ trụ không có áp suất kìm nén nên cô không thể nào tự dùng lực của bản thân để di chuyển về phía cửa tàu y như trên Trái Đất được. Muốn làm được điều này, phải có một lực đẩy đủ mạnh về phía sau lưng để tạo ra một áp lực trong không gian đẩy cô về hướng muốn đến.
Trong tình huống thập tử nhất sinh đó, Alexandria quyết định tháo một phần bộ đồ bảo hộ và để cho cánh tay bị áp suất của vũ trụ làm cho đông cứng lại; từ đó cô chơi bạo bẻ luôn cánh tay và ném nó về phía sau để tạo ra một lực đẩy đẩy cô về phía con tàu. May mắn thay cuối cùng cô cũng thoát chết được và trở vào được bên trong tàu.
Một điểm thú vị về ngôn ngữ học khi người đồng đội Bill điện đàm cho Alexandria, cậu hỏi cô có cần cậu “helping a hand” (giúp một tay) không? Nghe câu này thì Alexandria cũng phì cười một cách chua chát vì cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của câu nói đó.
Tập phim này đưa ra một bài học về problem-solving (giải quyết vấn đề) dựa trên những nguồn lực ta sẵn có. Theo thuyết sáng tạo từ khuôn mẫu thì đây là cách giải quyết vấn đề inside the box, tức tận dụng những thứ có sẵn trong chiếc hộp chứ chẳng cần phải đi tìm đâu xa. Nếu rơi vào tình huống lưỡng nan như Alexandria, đa số chúng ta cứ loay hoay đi tìm giải pháp outside the box rồi chết đột ngột lúc nào không hay, trong khi inside the box vẫn có nhiều cách khác nếu chịu khó tư duy sáng tạo.
Ep 16 – Ice Age
Đây là tập phim duy nhất của Love, Death & Robots có người thật đóng chứ không phải hoạt hình. Một cặp vợ chồng trẻ mới chuyển nhà đến một căn hộ và phát hiện có một chiếc tủ đông cổ lỗ sĩ. Bất ngờ thay khi mở chiếc tủ đông đó ra là cả một nền văn minh nhân loại thu bé lại chỉ vừa bằng một ngăn tủ đá. Lần đầu tiên họ mở tủ thì thế giới vẫn còn đang trong kỷ băng hà với voi ma mút và các bộ lạc người nguyên thủy, nhưng khi đóng lại chỉ dăm ba phút sau thôi thì nhân loại đã trôi cái vèo qua thời kỳ cách mạng nông nghiệp, rồi cách mạng công nghiệp cho tới thời hiện đại, đi tới thế kỷ 22 chứ chẳng phải thế kỷ 21 bây giờ.
Điều thú vị là khi nhân loại thu nhỏ trong tủ đông đã đi tới giới hạn tột đỉnh của sự phát triển thì cũng là lúc chiến tranh liên miên xảy ra, bom hạt nhân nổ ra liên tục trong cuộc chiến giữa các nước lớn. Khi mọi thứ bị san bằng sau chiến trận, con người cũng nhanh chóng xây dựng lại thế giới, tiến vào du hành vào không gian và chẳng mấy chốc đã rời bỏ Trái Đất đi khắp nơi trên vũ trụ.
Xem tập phim này mình cứ liên tưởng tới câu “thế giới trong một thoáng này”, cũng là tựa một quyển sách cùng tên. Quy luật phát triển của thế giới cũng ứng với quy luật Thành – Trụ – Hoại – Diệt, nó như một vòng luân hồi lẩn quẩn sẽ lặp đi lặp lại liên tục theo chu kỳ.
***
Trên đây là vài tập mình tâm đắc nhất, các tập khác vẫn còn nhiều điều thú vị để suy ngẫm và giải mã. Mời bạn hãy xem và cùng bình luận.