Hôm nay nhân dịp dọn nhà nên dọn dẹp lại tủ sách, phần mất thời gian nhất muôn thuở luôn là phân loại sách về đúng nơi đúng đúng chỗ và lọc ra bớt những quyển sách không còn nhu cầu lưu giữ lại để give away (tặng) cho bạn bè. Bình thường mình ít khi give away vì chụp hình từng quyển mất công lắm, nên hay gom thành mấy bịch lớn đem cho các thư viện cộng đồng hoặc những nơi quyên góp sách. Sau bao nhiêu đợt gom gom tặng tặng như thế thì số lượng sách ở nhà còn lại tầm gần 300 quyển, trong đó có hơn 200 quyển đa số là sách chưa đọc tới.

Hồi bé mơ ước của mình khi lớn lên là mở một cái thư viện để không làm gì hết, chỉ ngồi đó quản lý sách và đọc sách từ sáng tới chiều. Hồi nhỏ đi thư viện thấy mấy cô thủ thư sướng dễ sợ, sách mới nào cũng có hết, mà còn được ngồi không đọc sách cả ngày, nhìn uyên bác lắm. Giờ lớn rồi thì ước mơ hồi bé cũng trở nên lỗi thời đại, nên đành tự mở một thư viện tại gia rồi tự làm chủ. Bài viết này mình sẽ chia sẻ cách thức vận hành một thư viện ngay tại nhà và cách đọc sách theo phong cách Chơn Linh.

Mở một thư viện ngay tại nhà

Muốn mở một thư viện ngay tại nhà thì điều kiện tiên quyết là bạn phải có rất nhiều sách đã rồi mới tính tiếp được. Nếu sách không đủ nhiều thì bạn vẫn có thể tham khảo phần này để tự quản lý số sách mình mua một cách khoa học.

Quy trình quản lý thư viện của mình bao gồm các bước:

  • B1. Nhập sách lên hệ thống
  • B2. Lưu trữ sách vào kệ tương ứng
  • B3. Theo dõi tình trạng đọc sách

B1. Nhập sách lên hệ thống

Mình sử dụng Airtable – một ứng dụng quản lý dữ liệu (tương tự Google Sheets nhưng đẹp hơn nhiều) để quản lý số lượng sách trong kho. Mỗi khi mua sách online hay offline, mình sẽ tiến hành nhập liệu thông tin quyển sách lên hệ thống.

Airtable dễ xài lắm, chịu khó mò tí là ra à mấy chế.

Trên đây là giao diện Airtable của mình bao gồm một số trường chính:

  • Tựa sách
  • Tác giả
  • Thể loại
  • Tình trạng
  • Đánh giá: từ 1 tới 5 sao –> quyển nào dưới 3 sao sẽ give away bớt, không hẳn là sách không hay mà có thể không phù hợp với gu đọc của mình
  • Rã sách: Nếu quyển sách có nhiều self-stick flags được dán (chứng tỏ có nhiều nội dung hay), mình sẽ tiến hành công đoạn rã sách
  • Review: Quyển nào mình thấy tâm đắc thì sẽ có bài review riêng, kèm link bài viết
  • Ngày bắt đầu: thời điểm bắt đầu đọc quyển sách đó
  • Ngày đọc xong

Ở mục Thể loại, mình phân loại sách của mình thành các dòng sách chính sau:

  • Lifestyle: sách về phong cách sống, dinh dưỡng, ẩm thực…
  • Tâm lý ứng dụng
  • Tâm linh huyền bí
  • Kỹ năng sống
  • Rèn luyện tư duy: cực thích mấy quyển về sức mạnh của tư duy, não bộ
  • Tư duy thành công
  • Cổ học tinh hoa: các sách của cổ nhân truyền lại
  • Marketing – PR: dòng sách chuyên môn trong lĩnh vực bạn đang làm
  • Sales
  • Kinh tế – Tài chính: dù không thích lắm nhưng cũng nên đọc cho biết
  • Văn học: các thể loại sách hư cấu (truyện, tiểu thuyết)
  • Ngôn ngữ học: dòng này là sở thích về ngôn ngữ
  • … (càng ít thể loại càng tốt)

B2. Lưu trữ sách vào kệ tương ứng

Tùy vào nơi bạn ở có nhiều chỗ để kệ sách hay không thì sau khi phân loại hãy xếp vào kệ / khu vực tương ứng. Như mình ở trọ nên cũng hạn chế mua nhiều đồ nội thất cồng kềnh như tủ sách mà chỉ xếp gọn lại trong một góc riêng theo thể loại. Mỗi thể loại mấy chục quyển là đầy cả chồng rồi.

B3. Theo dõi tình trạng đọc sách

Khi bắt đầu đọc quyển sách nào, mình sẽ chuyển tình trạng READING trên hệ thống, đọc xong rồi là DONE, nếu dở quá không đọc nổi là STOP, nếu đang đọc nửa chừng mà hết mood đọc là PAUSE. 

Đọc 100 quyển sách 1 năm? Chuyện đùa như thật!

Hôm nọ đọc bucket list 2019 của một bạn nhỏ, thấy một mục tiêu bạn đề ra trong năm là đọc 100 quyển sách trong 1 năm. Thử làm một bài toán nhỏ với Chơn Linh:

  • Để đọc hết 100 quyển sách trong 1 năm, trung bình bạn phải đọc 8,3 cuốn trong 1 tháng
  • Để đọc hết 8,3 cuốn trong 1 tháng, tính trung bình 1 cuốn 200 trang thì bạn phải đọc 1.660 trang trong 1 tháng
  • Vị chi là mỗi ngày bạn phải đọc được hết khoảng 55 trang sách x tốc độ đọc trung bình 2 phút / trang = 110 phút ~ 2 giờ đồng hồ đọc sách mỗi ngày

Nếu bạn duy trì được 2 giờ đọc sách mỗi ngày + bonus đọc nhiều hơn vào cuối tuần liên tục 365 ngày thì chuyện đọc 100 quyển sách 1 năm không khó, với những ai siêu kỷ luật với bản thân. Còn với mấy chế vừa mới cầm mấy trang sách lên đọc đã bị xao nhãng bởi noti từ điện thoại, buồn ngủ, mất tập trung v.v. thì chắc 10 năm mới đọc hết được nhiêu đó sách. Chưa kể, 1 tháng chắc gì bạn đã mua đủ 8,3 quyển sách để đọc 🙂

Mình chỉ tự hào một chuyện là mình có nhiều sách, chứ không bao giờ dám tự hào đọc được cỡ 100 quyển sách trong 1 năm (khó lắm) vì quy tắc đọc của mình thì sẽ không thể nào đạt được tới mốc số đó.

Quy tắc đọc của mình đơn giản như sau:

  • Quy tắc 1: Chỉ đọc tối đa 3 quyển sách trong 1 tháng
  • Quy tắc 2: 3 quyển sách phải thuộc 3 thể loại khác nhau
  • Quy tắc 3: 1 quyển đọc theo nhu cầu, 1 quyển đọc theo sở thích

Quy tắc 1: Chỉ đọc tối đa 3 quyển sách trong 1 tháng

Nếu thử tính nhẩm, bạn sẽ thấy một ngày đã mất 8 giờ đi làm, 1-2 tiếng cho việc di chuyển, 8 tiếng ngủ, 1 tiếng ăn uống và vệ sinh cá nhân, 5 tiếng còn lại dành cho bản thân. Trung bình một ngày mình chỉ dành tầm khoảng nửa tiếng cho việc đọc sách (thường vào buổi sáng sớm), để quãng thời gian trống còn lại dành cho việc tự học các kỹ năng mình cần + giải trí.

Với thời lượng phân bổ như vậy, việc đọc hết 3 quyển sách trong 1 tháng đối với mình đã là nhiều, sách càng dày thì đọc sẽ càng lâu hơn nên đôi khi 1 tháng chỉ xong được 1-2 quyển. Thế giới bạn đang sống còn hiện hữu ngoài trang sách nữa, nên hãy đọc bớt bớt lại mà dành thời gian đó thực hành trong đời sống nhiều hơn. Cho nên chế nào bảo đọc được 8 cuốn 1 tháng để xử được 100 cuốn 1 năm thì chỉ có thể loại hổng đi làm nằm nhà ở không chổng mông đọc sách từ sáng tới chiều.

Quy tắc 2: 3 quyển sách phải thuộc 3 thể loại khác nhau

Bình thường mình sẽ ít khi đọc tập trung 1 quyển trong suốt 1 tháng, vì như vậy rất mau ngán, như bạn ăn cơm mà có một món ăn hoài mỗi ngày nguyên cả tháng vậy, vì có nhiều loại sách học thuật rất khô khan chứ đâu phải ướt át diễm tình mỹ lệ như truyện dài hay tiểu thuyết. Do đó mình hay chọn 3 cuốn sách thuộc 3 thể loại khác nhau để đọc xoay tua, đọc cuốn này ngán là đổi qua cuốn khác liền, luân phiên cho tới khi nào hết thì thôi.

Quy tắc 3: 1 quyển đọc theo nhu cầu, 1 quyển đọc theo sở thích

Bất kỳ việc gì khi chúng ta đã dành thời gian ra làm thì nên làm cho có mục đích để cuộc đời không bị mục nát, chứ đừng có rảnh quỡn làm chuyện khơi khơi chơi chơi rồi nhìn lại thấy mình như đang bơi còn người ta đã ngồi du thuyền hồi nào hổng hay.

Trong 3 quyển sách mình chọn trong 1 tháng, sẽ có 1 quyển đọc theo nhu cầu. Nhu cầu ở đây bao gồm nhu cầu đến từ chủ thể – một kỹ năng trong công việc mình đang thiếu, một vấn đề khó khăn mình đang gặp, hoặc nhu cầu đến từ khách thể – dù mình rất không thích thể loại đó nhưng đọc nó sẽ giúp ích cho mình về mặt kiến thức thì vẫn phải đọc.

Quyển thứ hai mình sẽ ưu tiên đọc theo sở thích, đang đặc biệt thích đọc quyển nào hoặc thể loại nào thì cứ đọc đi chờ chi. Và quyển còn lại trung dung, nó sẽ ngả theo chiều hướng quyển số 1 hoặc quyển số 2 tùy theo thời điểm.

Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn sẽ được Chơn Linh khai quang điểm nhãn để đọc sách thông minh, hiệu quả mà nhẹ nhàng hơn.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải