Mình có quen một người anh trên Facebook, thuộc trường phái ác cảm dữ dội với sách và chuyện đọc sách. Anh không thích đọc sách, và cảm thấy không tiếp thu nổi kiến thức qua sách vở mà cho đó là những điều hàn lâm sáo rỗng. Và tất nhiên, anh cũng rất dị ứng với những con mọt tôn sùng sách, “thần thánh hóa” chuyện đọc sách – có lẽ chiếm một phần ba người biết đọc trên thế giới.
Ấy vậy mà, anh lại rất thích xem phim ảnh, phim khoa học – tài liệu, hay đọc những bài báo / bài viết trên mạng về những case study hay, những câu chuyện của người thành công nổi bật, và tích lũy vốn kiến thức cho bản thân mình từ những kênh đó.
Bạn tiếp thu thông tin qua kênh nào?
Nhân loại mấy ngàn năm qua vẫn thường nói, đọc sách là để có thêm kiến thức, học hỏi được tư tưởng của người đi trước. Nhìn từ gốc rễ, kiến thức, tư tưởng mới là chánh yếu, còn sách chỉ là phương tiện truyền đạt kiến thức, tư tưởng đó qua chữ viết. Nếu ví von thì sách chỉ là chiếc thuyền – phương tiện chuyên chở kiến thức cho người chèo lái đi tới bến (sự thành tựu) trong một bể học vốn dĩ đã vô bờ.
Có rất nhiều cách tiếp thu kiến thức khác nhau, có người thì thích đọc sách, người thì đọc bài viết trên mạng, người thì thích xem phim ảnh, người thì phải tham dự khóa học để học hỏi từ các chuyên gia đào tạo, người thì lại thích tự rút tỉa ra bài học từ những trải nghiệm của bản thân v.v. Lý giải điều này, có thể dựa trên nền tảng lý thuyết về VAK – phương pháp tiếp thu thông tin dựa trên 3 yếu tố chính là Visual (Thị giác), Auditory (Thính giác) và Kinesthetic (Xúc giác). Mỗi cá nhân sẽ có thiên hướng VAK khác nhau:
- Người có V nổi trội thì rất thích đọc sách vì dễ tiếp thu kiến thức qua hình ảnh, biểu đồ, câu chữ và ghi nhớ thông tin qua kênh này cũng nhanh hơn.
- Người có A nổi trội thì lại thích nghe audio sách hơn (với họ chuyện cầm một cuốn sách để đọc thì rất mau chán), hoặc khi đọc sách họ cũng có xu hướng đọc thành từng tiếng rõ ràng trong đầu thì mới thúc đẩy được quá trình tiếp thu thông tin.
- Người có K nổi trội ngược lại không thích việc được hướng dẫn bằng lời nói hay đọc sách, họ thích tự mình trải nghiệm, thích “bắt tay vào làm” để tự rút ra bài học. Nhóm này đọc sách thì cũng phải chọn sách nào có nhiều ví dụ minh họa hay trải nghiệm sống động thì mới chịu, hay đi học các khóa học thì cũng quan tâm tới trải nghiệm nhiều hơn lý thuyết.
Nếu làm trắc nghiệm VAK mà bạn ra kết quả 3 nhóm xấp xỉ nhau thì thuộc vào nhóm Không xác định (Unspecified) – nhóm thường có đặc trưng của cả VAK. Tất nhiên, VAK cũng chỉ là một phương pháp mang tính chất tương đối, trong mỗi cá nhân cá nhân đều sẽ tồn tại cả 3 xu hướng, chỉ là xu hướng nào nổi trội hơn và chiếm ưu thế nhiều nhất (qua những biểu hiện rõ ràng).
Khi hiểu về VAK, nếu bạn rơi vào nhóm kênh tiếp thu không phải là thị giác hay thính giác thì chuyện đọc một quyển sách vài trăm trang với bạn sẽ trở nên chán òm, và bạn sẽ có xu hướng tìm những kênh khác sống động, hấp dẫn hơn để tiếp thu kiến thức.
Sách hư cấu và phi hư cấu
Khi nói về sách nói chung, những người không thích đọc sách thường hay vơ đũa cả nắm: sách ngôn tình là sách, sách self-help là sách, sách khoa học là sách, mà sách giáo khoa cũng là sách. Khi xét như vậy, người ấy chỉ mới xét về tính chất vật lý của một quyển sách đơn thuần:
“Sách là một loạt các tờ giấy có chữ hoặc hình ảnh được viết tay hoặc in ấn, được buộc hoặc dán với nhau về một phía. Một tờ trong cuốn sách được gọi là một trang sách.” (Theo Wikipedia)
Đối với người đọc sách chính hiệu, sách sẽ chia thành 2 nhóm:
- Sách hư cấu (fiction): văn học được viết dựa trên sự tưởng tượng như truyện kỳ ảo, khoa học viễn tưởng, truyện lãng mạn, truyện trinh thám, chick lit (văn học cho nữ giới) v.v. Trong nhóm sách hư cấu sẽ được chia thành các thể loại tùy theo tính chất như tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn… “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway, “Harry Potter” của J. K. Rowling là những ví dụ điển hình cho dòng sách hư cấu.
- Sách phi hư cấu (nonfiction): văn học được viết dựa trên thực tế như sách kinh doanh, sách tâm lý, sách self-help, sách dạy ngôn ngữ, sách tôn giáo, sách lịch sử v.v. Đây là nhóm chiếm số lượng nhiều nhất.
Một người có thể ác cảm với những quyển sách ngôn tình ba xu, hay các quyển sách mang tính hô hào châm ngôn sáo rỗng của một số tác giả trẻ, nhưng nếu đồng nhất hai dòng sách hư cấu và phi hư cấu để kết luận rằng đọc sách thì vô bổ, nhảm nhí há chẳng phải không khách quan lắm hay sao?
Tùy theo mục đích đọc sách, mỗi dòng sách sẽ cung cấp lợi ích khác nhau cho người đọc. Sách phi hư cấu sẽ cung cấp kiến thức, thông tin, còn sách hư cấu sẽ làm giàu thêm về mặt suy nghĩ, cảm xúc để sống sâu sắc hơn.
Ngón tay chỉ mặt trăng
Theo kinh điển, Đức Phật Thích Ca khi thuyết pháp từng nói với chúng tăng: “Những lời thuyết giảng của ta cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, chứ không phải là mặt trăng.”
Sách, về căn bản là tập hợp những tư tưởng của cổ nhân hay người đương thời, mà tư tưởng thì có đúng có sai, có trúng có trật chứ không phải chân lý tuyệt đối. Ai đọc sách làm theo thấy trúng thì nói là sách đúng, mà làm thấy trật thì lại bảo là sách sai, đó cũng là kinh nghiệm cá nhân của mỗi người. Ngay cả những khảo sát, nghiên cứu trong những quyển sách phi hư cấu cũng chỉ mang tính chất tương đối vì nhiều lý do, như số mẫu khảo sát có hạn, sự sai biệt về không gian địa lý, sự lỗi thời qua thời gian. Chẳng hạn, nếu chỉ khảo sát một nhóm người ở phương Tây thì không thể kết luận người phương Đông cũng có hành vi như vậy, và một nghiên cứu cách đây vài chục năm thì chưa chắc bây giờ vẫn còn đúng.
Mượn câu nói trên của Đức Phật thì ngón tay là phương tiện biểu đạt (sách), còn mặt trăng mới chính là tri thức, trí tuệ. Khi đã xét về bản chất sách chỉ là phương tiện truyền đạt thông tin, thì trong thực tế có rất nhiều phương tiện khác nhau có thể làm được điều này như phim ảnh, báo chí, bài viết trên mạng, những người thầy trong cuộc sống v.v. tùy theo căn cơ của mỗi người mà sẽ có kênh tiếp nhận thông tin phù hợp. Một diễn giả có thể là một người thầy trong một khóa học, nhưng cũng là tác giả một quyển sách. Có khi bạn đi nghe vị diễn giả đó nói thấy không hay, không hợp nhưng đọc quyển sách vị diễn giả đó viết lại thấy cảm ngộ sâu sắc.
Một lời khuyên dành cho những người đọc sách là nên đọc sách với một tinh thần khách quan khoa học, với mục đích để tham khảo thêm, và phải biết xét duyệt lại xem chỗ nào đúng và chỗ nào sai. Phải biết tự mình gạn lọc ra, để bỏ cái sai lấy cái đúng, như ta ăn trái cây thì biết bỏ vỏ, bỏ hột vậy. Có ai ăn mít, ăn sầu riêng, ăn dừa mà lại ăn cả vỏ?
Và trong bất kì một cuộc tranh luận nào về chuyện đọc sách, bao giờ cũng sẽ chia làm 2 phe phái: một bên có xu hướng cực đoan ác cảm việc đọc sách, bên còn lại sẽ tôn sùng. Hai bên đấu đá qua lại không biết đến khi nào mới chấm dứt, thôi thì ta hãy làm một người trung dung, ai thích đọc sách thì đọc, ai không thích đọc thì thôi, đừng miễn cưỡng. Dù người có chỉ tay hướng Bắc hay hướng Nam, người quay mặt về phía trước hay phía sau, thì mặt trăng vẫn ở trên đỉnh đầu.