Phong cách quản lý là một phần đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp, và phong cách quản lý này sẽ xuất phát từ quan điểm cá nhân của ban lãnh đạo mỗi doanh nghiệp. Như câu “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi doanh nghiệp sẽ có một phong cách quản lý riêng biệt, không có nơi nào giống nơi nào vì tâm tính lãnh đạo mỗi nơi vốn dĩ cũng khác nhau.

Nhưng tựu trung lại, dù quản lý dưới hình thức nào thì có hai phong cách quản lý chủ đạo thường được doanh nghiệp áp dụng: quản lý công việc hoặc quản lý con người.

Phong cách quản lý con người

Nếu ở công ty bạn đang làm việc hiện tại, mỗi sáng bạn phải tất tả chạy đến công sở đúng giờ để quẹt vân tay chấm công, chiều tan làm về cũng phải nhớ quẹt vân tay khi đi về (quên là “ăn hành”) thì đích thị đây là phong cách quản lý con người điển hình. Mục đích của việc chấm công căn bản là để đảm bảo nhân viên làm việc đủ 8 giờ mỗi ngày, không được đến trễ, cũng không được về sớm. Mọi sự sớm hay trễ đều đã có số liệu nằm trên hệ thống và sẽ tự động tổng kết về cho bộ phận HR/Admin hàng tuần để lập bảng chấm công.

Quản lý con người là phong cách quản lý tập trung vào việc kiểm soát thời gian và hoạt động của con người trong môi trường công sở. Các nhà lãnh đạo sử dụng lối quản lý này hay có quan điểm, tôi trả lương cho anh mỗi tháng đồng nghĩa tôi có quyền kiểm soát thời gian của anh mỗi ngày ở công ty, và liệu hồn đừng có gian lận với tôi đấy nhé! Về bản chất, quản lý con người như một cuộc đổi chác, mà ở đó bạn – nhân viên đổi thời gian + sự tự do của mình để lấy lương tháng của công ty.

Lúc còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, chúng ta cứ ngỡ rằng sau này lớn lên đi làm thì mình sẽ được tự do như chim trời tung cánh, thoát được khỏi sự kèm cặp của hệ thống quản lý ở nhà trường với hàng tá nội quy trường học, các thầy cô giám thị tinh vi như cú vọ và mấy chế sao đỏ chuyên săm soi lỗi sai để bắt phạt. Đi học muộn, phạt. Không mặc đồng phục, phạt. Trốn học, phạt. Nếu lỗi vi phạm nặng quá thì bị nêu tên trước cờ vào mỗi đầu tuần hay bị mời phụ huynh lên làm việc. Lớn lên rồi mới thấy, vào đời hóa ra đâu đâu cũng có “thiên la địa võng” để… bắt chim, và phong cách quản lý con người ở doanh nghiệp cũng không khác gì cách các giám thị và sao đỏ kèm cặp tụi học sinh năm nào.

Sao đỏ – Clip Hậu Hoàng

Như công ty của bạn mình là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng (vốn hóa mấy ngàn tỷ đồng), nghe bạn kể chuyện nội quy ở công ty mà mình thấy hú hồn vì không khác gì học sinh đi học:

  • Đi trễ phải có giấy xin phép, không xin phép trước hoặc đột xuất trễ quá 1 tiếng thì bị trừ nửa ngày lương.
  • Không mặc đồng phục, không đóng thùng (sơ vin), không đeo thẻ tên công ty,… thì nhắc nhở lần 1, lần 2 phạt xếp hạng loại C.
  • Cuối tháng đánh giá xếp loại xong mới phát lương. Loại C thì bị phạt -10% lương.

Là một người ủng hộ phong cách quản lý công việc (phần sau mình sẽ nói chi tiết), mình rất anti các công ty áp dụng phong cách quản lý con người như trên. Bởi lẽ, có rất nhiều điểm nếu thử bóc tách ra để phân tích thì hết sức vô lý. Ví dụ:

  • 1 buổi làm việc = 4 giờ. Đến trễ 1 tiếng thì bị trừ phần lương của 1 giờ này trên số lương của 1 ngày, chứ sao lại trừ luôn nửa ngày lương trong khi 3 giờ còn lại mình vẫn làm việc đủ đầy? Nếu vậy thì thôi ở nhà nửa buổi rồi chiều lên công ty luôn cho rồi!
  • Mặc đồng phục hay đóng thùng cũng vì muốn đem lại hình ảnh đẹp đẽ và chuyên nghiệp hơn cho công ty. Nhưng như vậy chỉ cần các bộ phận nào là “bản mặt” của công ty như Sales hay Lễ tân mới cần chỉn chu, nghiêm túc, còn khối văn phòng bên trong suốt ngày chỉ làm việc với nhau và với cái máy tính thì mặc đồng phục làm gì?

Một số công ty khác theo phong cách quản lý con người thì không đến mức hà khắc như công ty trên, nhưng cũng có những hình thức phạt khác như phạt tiền 50K, 100K khi đi trễ. Ngoài chính sách phạt của công ty, mỗi team đặt dưới sự quản lý của các vị sếp theo phong cách quản lý con người cũng sẽ đẻ ra n chính sách nội bộ của team để phạt, khiến nhân viên luôn bị căng thẳng và áp lực tâm lý mỗi khi bị phạt.

Nhìn ở góc độ lãnh đạo, các vị sếp sẽ bảo, “Nếu không muốn bị phạt thì đừng làm sai!”. Nhưng khi thử đặt bản thân mình vào góc độ nhân viên, câu hỏi đặt ra là liệu chính các vị lãnh đạo đặt ra những quy tắc đó có bao giờ làm đúng và làm gương được cho nhân viên chưa? Các vị có đảm bảo được việc ngày nào mình cũng đi làm đúng giờ và ra về đúng giờ mà không bị trễ lần nào trong suốt một năm đi làm hay chưa? Hay quy tắc đó không áp dụng cho tôi, vì tôi là… lãnh đạo?

Phong cách quản lý vi mô

Trong phong cách quản lý con người, cấp độ cao nhất và cũng là “kinh dị nhất” của việc quản lý con người là quản lý vi mô (micromanagement). Quản lý vi mô là quản lý chi tiết tới từng giây từng phút thời gian làm việc, cùng mọi hoạt động dù là nhỏ nhất của nhân viên cũng đều phải nằm trong sự kiểm soát của lãnh đạo. Thay vì để cho nhân viên có được sự tự do và không gian riêng tư nơi công sở, các nhà quản lý vi mô luôn tìm mọi cách, tận dụng mọi công cụ khác nhau để kiểm soát hành vi lẫn tư tưởng của nhân viên, không khác gì một nghi phạm của một vụ trọng án nào đó đang bị tổ điều tra đi theo giám sát chặt chẽ mọi hành động của y.

Như thời điểm bùng dịch Covid-19, nhiều công ty phải cho nhân viên làm việc remote (ở nhà) để đảm bảo tuân thủ giãn cách xã hội. Sếp của công ty bạn mình mới nghiên cứu ra một phần mềm giúp quản lý nhân viên khi làm việc ở nhà. Và sau đây là một số đặc tính của phần mềm này kể ra cho quý vị nghe chơi:

  • Giám sát màn hình làm việc của nhân viên, biết được nhân viên mở website hay app nào và mở trong bao lâu.
  • Giám sát email của nhân viên, biết được nhân viên gửi email cho ai, soạn thảo nội dung gì.
  • Giám sát nhân viên typing (gõ bàn phím) gì trên máy, có thể search lại theo từ khóa (nên đừng hòng nói xấu sếp dưới bất kỳ hình thức nào!)
  • Giám sát nhân viên tìm kiếm gì, copy và paste nội dung gì, upload và download file gì,…

Thật sự khi nghe xong những tính năng kể trên, mình có một sự rùng mình không hề nhẹ vì cảm thấy sự riêng tư cá nhân nơi công sở bị xâm phạm quá nhiều. Ngay cả khi mối quan hệ giữa nhân viên và công ty là mối quan hệ sòng phẳng theo kiểu đổi thời gian lấy lương tháng, thì việc can thiệp một cách hết sức vi mô và tinh vi như thế này cũng là điều rất khó chấp nhận được vì nó biến nơi làm việc trở thành một cỗ máy đúng nghĩa và nhân viên y như những con robot làm việc được lập trình tập trung 100% vào công việc.

Lấy một ví dụ đơn giản, mẹ giao bạn một nhiệm vụ là vào bếp chiên cho mẹ dĩa đậu hũ. Kết quả đầu ra (output) ở đây là một dĩa đậu hũ đã được chiên vàng ươm giòn rụm cho bữa ăn tối của gia đình. Nếu mẹ bạn là một người theo phong cách quản lý công việc, mẹ chỉ quan tâm đến kết quả là bạn có chiên được một dĩa đậu hũ vừa ý mẹ hay không, chứ mẹ không quan tâm đến chuyện trong lúc chiên đậu hũ thì bạn có coi TV, coi Youtube hay chơi game không. Mẹ ra ngoài đầu ngõ đi gội đầu ở tiệm quen, trong lúc nằm lim dim nhắm mắt tận hưởng, mẹ cũng thừa biết rằng bạn chiên đậu hũ thì sẽ bật bếp, lấy chảo, cho dầu ăn, bỏ đậu hũ vào chiên và canh lật đậu hũ lúc nào cho khỏi bị cháy.

Nhưng người mẹ theo phong cách quản lý con người và còn là quản lý vi mô thì ngược lại. Mẹ giao nhiệm vụ cho bạn, và mẹ không cần đứng kế bên giám sát, nhưng mẹ bỏ tiền lắp camera trong bếp và khắp nhà để trong lúc nằm gội đầu ở đầu ngõ, mẹ bật ứng dụng camera trên điện thoại để xem bạn chiên đậu hũ như thế nào, chiên có đúng quy trình không, có làm việc gì riêng tư trong lúc chiên đậu hũ không. Ủa mẹ, chi cực vậy???

Giống như phụ nữ cũng có những ngày nhạy cảm khi tới tháng, hay cảm xúc con người cũng có lúc nắng lúc mưa, chúng ta không phải là những con robot mỗi ngày đi tới công sở được chủ bấm nút ON thì chạy công việc liên tục 8 tiếng mỗi ngày rồi chiều về thì được bấm nút OFF. Thật sự, nếu công việc diễn tiến theo chiều hướng như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn nhân viên sẽ bị kiệt sức và từ từ bị rút cạn năng lượng, niềm đam mê lẫn sự sáng tạo trong công việc. Một tỷ lệ hài hòa giúp quân bình công việc và cảm xúc cá nhân là 80/20 – 80% thời gian dành cho công việc và 20% thời gian dành cho những việc riêng tư để hồi lại năng lượng hay cảm xúc cho những nhiệm vụ tiếp theo.

Phong cách quản lý công việc

Đối lập hoàn toàn với phong cách quản lý con người là phong cách quản lý công việc, mà ở đây “công việc” là đối tượng quản lý trọng tâm chứ không phải “con người”. Phong cách này tập trung vào việc nhân viên có đảm bảo tiến độ làm việc như kế hoạch đã đặt ra, và kết quả đầu ra của công việc có đáp ứng yêu cầu như sếp kỳ vọng không.

Các nhà lãnh đạo theo phong cách quản lý công việc sẽ không mấy quan tâm lắm đến chuyện nhân viên đi muộn về sớm, dĩ nhiên vẫn phải trong một khoảng du di chừng mực nào đó như nửa tiếng hay một tiếng chẳng hạn mà không cần phải xin phép sếp hay báo với bộ phận HR/Admin để chấm công. Họ cũng không quan tâm chuyện trong giờ làm việc nhân viên có lướt Facebook, đăng status, chơi game, coi Youtube hay thậm chí có luyện phim bộ không, miễn sao là nhân viên làm ra được kết quả công việc họ mong muốn.

Thông thường, các doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp thường e ngại việc áp dụng phong cách quản lý công việc vì 2 lý do chính:

  • Các vị lãnh đạo thuộc lớp thế hệ 7x, 8x có tư duy khá bảo thủ và không thích sự đổi mới. Thế hệ của họ, khi từng là nhân viên, cũng từng đặt dưới sự quản lý của các vị lãnh đạo đi trước theo phong cách quản lý con người và họ đã quen với phong cách này, cho nên họ vẫn tiếp tục áp dụng khi bản thân lên làm sếp. 
  • Tâm lý thích kiểm soát của các nhà lãnh đạo như nằm trong ADN. Họ không-chấp-nhận được việc mình trả lương tháng mua thời gian của nhân viên, và nhân viên lại dùng thời gian đó làm việc cá nhân mà không phục vụ cho công việc của họ.

Trong thực tế, phong cách quản lý công việc thường được các doanh nhân trẻ và các công ty start-up áp dụng nhiều hơn, bởi họ cũng đã từng trải qua những môi trường áp dụng phong cách quản lý con người và họ không muốn doanh nghiệp riêng của mình đi vào lối mòn cứng nhắc đó. Khi áp dụng phong cách quản lý này, các nhà lãnh đạo cũng tạo cho nhân viên một môi trường làm việc có nhiều sự tự do hơn, thoải mái hơn y như ở nhà (vì đa phần ở nhà chẳng có bố mẹ nào kiểm soát đời tư của con cái khắt khe một cách quá đáng).

Khi đó, hệ quả các lãnh đạo cấp tiến này có được là một đội ngũ nhân viên năng động, sáng tạo hơn và tâm thái của mỗi nhân viên cũng vui vẻ hơn khi đi làm mỗi ngày. Và sở làm đến một lúc nào đó với họ sẽ trở thành một niềm vui – đến công ty cũng y như về đến nhà, chứ không phải mỗi ngày đi làm là một ngày u ám.

o0o

Một người bạn của mình là freelancer sống ở Hội An và bạn nhận job freelance về PR & copywriting cho một số nhãn hàng lớn. Nói chuyện về phong cách quản lý, bạn cũng kể với mình chuyện một số đơn vị thuê freelancer nhưng lại đưa ra yêu cầu freelancer phải lên văn phòng công ty làm việc X giờ mỗi ngày khi nhận dự án đó. Đây cũng là một ví dụ điển hình về phong cách quản lý con người, vì tuy brand đã outsource (thuê ngoài) nhưng vẫn muốn kiểm soát freelancer như nhân viên của họ. Câu hỏi mình đặt ra là: Ủa, vậy anh thuê freelancer để làm cho ĐƯỢC VIỆC của anh hay thuê freelancer để CÓ NGƯỜI ngồi trên công ty cho anh an tâm?

Đây cũng là câu hỏi mà mình nghĩ nhiều vị lãnh đạo nên suy ngẫm và cân nhắc khi lựa chọn phong cách lãnh đạo nào cho doanh nghiệp của mình. Nếu các nhà lãnh đạo bớt cứng nhắc một chút, tuy không thể chuyển đổi hoàn toàn sang phong cách quản lý công việc (thay vì con người) nhưng vẫn có thể lựa chọn con đường trung dung giữa hai phong cách, thì đời sống nhân viên công sở sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nhân viên cũng biết ơn quý vị hơn vì biết đặt bản thân vào hoàn cảnh của họ, và nên nhớ rằng trước khi là một lãnh đạo, quý vị cũng từng là một nhân viên.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.