Ảnh: Đông A

Được chấp bút trong suốt hai năm 1895-1896, tác phẩm Quo Vadis là đỉnh cao sự nghiệp của văn hào người Ba Lan Henryk Scienkiewicz và đã đem lại cho ông giải Noel Văn học năm 1905 vì thành tựu của ông trong thể loại tiểu thuyết lịch sử.

Lấy bối cảnh La Mã năm 64 Công nguyên, dưới sự trị vì của tên bạo chúa Nero, Quo Vadis đã vẽ nên một bức tranh về thời kỳ sơ khai của Thiên Chúa giáo, vào khoảng mấy chục năm sau ngày Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá. Diễn biến chính của chuyện xoay quanh mối tình giữa hai nhân vật: chàng hộ dân quan trẻ tuổi Vinicius thuộc dòng dõi quý tộc La Mã và nàng Lygia, công chúa người Lugii (một dân tộc đã bị chính quyền La Mã xâm lược và bắt làm nô lệ).

Câu chuyện tình yêu của Vinicius và Lygia diễn ra trong bối cảnh vụ hỏa tai thành Roma năm ấy, sự kiện đưa đến một cuộc khủng bố giáo dân tàn khốc sau đó. Tình yêu của đôi trẻ là hạt mầm tốt đẹp được gieo trồng bởi đức tin nơi Đấng Chúa cứu thế, đã thắp sáng lên niềm tin yêu và ngọn lửa hy vọng nơi những giáo dân trong những thời khắc ác nghiệt tăm tối nhất, khi tội ác của tên bạo chúa Nero và xã hội La Mã trụy lạc sa đọa như khói lửa phẫn nộ ngùn ngụt khắp trời.

Với độ dài 124 chương, Quo Vadis là một thiên tiểu thuyết lịch sử đồ sộ phục dựng lại một thời kỳ của thành Roma đầy tráng lệ, nhiều phù hoa mà cũng lắm bi ai thống khổ. Chính vì những giá trị tư tưởng và nghệ thuật lớn lao, từ khi ra đời, Quo Vadis đã được dịch sang hơn 40 thứ tiếng với nhiều lần chuyển thể lên sân khấu và màn ảnh rộng, cho đến nay vẫn là kiệt tác bất hủ của văn hào Henryk Scienkiewicz được mọi thế hệ độc giả trên khắp thế giới đón nhận.

Một kiệt tác văn chương bất hủ

Đọc một cuốn tiểu thuyết lịch sử đoạt giải Nobel Văn học ra đời cách đây gần hai thế kỷ, đối với mình là một thử thách lớn, không chỉ vì độ dày của sách (tới 727 trang) mà còn vì tính chất xuyên suốt của mạch truyện, buộc độc giả phải đọc liên tục để nắm bắt và xâu chuỗi các tình tiết trong truyện lại. Việc đọc sách văn học khác với sách kỹ năng ở chỗ, bạn phải dành thời gian trọn vẹn cho nó, trong một dòng chảy liên tục để duy trì mạch cảm xúc, chứ không thể đọc vài ba chương rồi mấy ngày sau hay cả tuần sau mới đọc tiếp.

Ngoài độ dày, điều khiến mình e ngại đầu tiên khi đọc cuốn sách là chuyện dịch thuật. Với một tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển thế giới như thế này, liệu dịch giả có đủ tài ba xuất chúng để chuyển ngữ nó, mà cụ thể là tiếng Ba Lan sang tiếng Việt? Nhưng bản dịch công phu và mượt mà của dịch giả Nguyễn Hữu Dũng đã làm mình bị cuốn vào mạch truyện tới mức quên mất rằng đây là một tác phẩm văn học dịch.

Ở những chương đầu tiên khi mô tả bối cảnh diễn ra câu chuyện, độc giả không đơn thuần là đọc sách rồi mường tượng mà cứ như đang xem một bộ phim sống động về thành Roma năm 64 Công nguyên. Vào thế kỷ đầu kỷ nguyên Tây lịch, thành Roma là kinh đô của đế quốc La Mã lẫy lừng nhất lịch sử. Nơi đây có những tiện dân từ mọi miền thế giới chen chúc nhau trên những con đường dẫn tới Forum Romanum, có những tiệc rượu trong tiếng nhạc lời thơ Anacreon, có tiếng sư tử gầm vang trong đấu trường. Một thành Roma đầy màu sắc và sự nhộn nhịp.

Trong một lần bị thương từ chiến trận, chàng hộ dân quan Vinicius được gia đình ông bà Aulus giúp đỡ và phải ở nhà ông bà điều trị một thời gian. Tại đây, Vinicius có cơ duyên gặp gỡ nàng Lygia xinh đẹp như một nữ thần Rạng Đông, con gái nuôi của ông Aulus, và đã trúng tiếng sét ái tình ngay khoảnh khắc nhìn thấy nàng chơi cùng cậu em trai trong góc vườn. Đến khi hồi phục trở về nhà, Vinicius vẫn không ngừng tương tư và tưởng nhớ tới nàng Lygia, ngay từ khoảnh khắc gặp nàng, anh đã biết nhất định anh sẽ lấy nàng làm vợ, và anh chỉ yêu duy nhất mỗi mình nàng trên đời thôi.

Ảnh: Phim Quo Vadis

Ở thành Roma, Petronius – cậu của Vinicius – vốn nức tiếng là một bậc thầy uyên bác đầy trí tuệ, một con người tài hoa am hiểu âm nhạc và thi ca, là người cận thần được hoàng đế Nero rất mức yêu quý và bảy tám phần nể nang. Biết đứa cháu của mình phải lòng Lygia tới mất ăn mất ngủ, Petronius đã ủ mưu để giúp anh chàng “đưa nàng về dinh”. Nếu Lygia chỉ là con gái của một vị quan bình thường trong thành thì chuyện chẳng có gì để nói, ở đây Lygia lại là công chúa của tộc người Lugii bị bắt về làm nô lệ, nên về bản chất thì nàng là người của hoàng đế Nero. Do vậy nếu Vinicius muốn cưới được Lygia thì phải thông qua sự cho phép của hoàng đế. Điều oái ăm nằm ở chỗ tên Râu Đỏ Nero lại là một người háo sắc, nếu y biết được vẻ đẹp của Lygia không thua kém gì nữ thần sắc đẹp và tình yêu, thậm chí còn vượt trội hơn ả hoàng hậu Poapea của y thì không thể không động lòng ái dục.

Chính vì thế mà Petronius mới bày mưu tính kế để Nero ban Lygia cho Vinicius mà y không cần phải gặp nàng. Nhưng vô tình mưu kế này lại khiến cho Lygia sợ hãi cuộc hôn nhân ép buộc không tình yêu này và bỏ trốn vì không muốn lấy Vinicius. Gần hết một nửa câu chuyện là hành trình Vinicius đi lùng sục tìm kiếm Lygia ở khắp nơi và phát hiện một bí mật động trời – hóa ra nàng là một giáo dân, một con chiên ngoan đạo thờ kính Chúa Jesus và hiện đang ở với Đức Sứ Đồ Peter cùng những cận thần người Lugii của nàng. Nửa sau đó là cuộc hội ngộ và gặp gỡ của cả hai, và rồi tình yêu bắt đầu nảy nở, mà tình yêu nhỏ của đôi trẻ ấy lại được bao bọc trong tình yêu lớn của Chúa.

Nhưng câu chuyện không đơn giản đến thế, nếu đơn giản như thế thì Quo Vadis đã không trở thành một kiệt tác văn chương bất hủ và được giải Nobel Văn học. Với tính chất điển hình của kết cấu bi kịch, khi mọi chuyện vừa trở nên khá hơn một chút ở giữa truyện thì sau đó mọi chuyện lại tồi tệ trở lại. Khi tình yêu giữa Vinicius và Lygia vừa mới chớm nở, cả hai đã bị chia cắt bởi cuộc khủng bố giáo dân của chính quyền Nero. Viên quan Tigellinus vì muốn xu nịnh cảm hứng thi ca của Nero và muốn thể hiện mình vượt trội hơn tài hoa của Petronius nên đã đốt cả thành Roma, biến Roma thành một chảo lửa đầy tiếng khóc than thống khổ của dân chúng, với mục đích cho tên bạo chúa Nero chứng kiến được một quang cảnh huy hoàng tráng lệ có một không hai trong lịch sử để viết nên một áng thơ bất hủ để đời. Đốt thành Roma xong rồi, y mị hoặc Nero rằng chính những tên giáo dân của một thứ dị giáo ngoại đạo là người đốt thành, và Nero đã ra lệnh truy lùng và bắt hết tất cả giáo dân nhốt vào lao ngục chờ ngày tử hình.

Tình yêu tươi đẹp của Vinicius và Lygia bị chia cắt ngay từ khoảnh khắc đó, khi Lygia bị nhốt vào lao ngục và chờ ngày hành hình, còn chàng thì không thể vào gặp được nàng nên càng héo hon tiều tụy. Cả Petronius và Vinicius đều bị Nero thất sủng vì những lời đường mật xảo trá của Tigellinus.

Liệu Vinicius có cứu được Lygia ra khỏi chốn ngục tù? Liệu hồng ân của Chúa cứu thế có ban phát cho tình yêu của đôi trẻ cùng những tín đồ Thiên Chúa giáo đang chịu cơn bĩ cực ở ngục tù Roma? Cái kết của câu chuyện mình sẽ không tiết lộ, mà bỏ ngỏ để độc giả tìm đọc ở phần còn lại của cuốn sách. Một cái kết đặc biệt và đầy ấn tượng, đưa người đọc đi từ trạng thái cảm xúc này đến cảm xúc khác, và chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.

Ảnh: Đông A

Cuộc đụng độ giữa cường quyền và thần quyền

Trong lần xuất bản đầu tiên, Quo Vadis còn có một tiêu đề phụ là “Tiểu thuyết về thời Nero”. Cơn ác mộng của đế chế La Mã lúc bấy giờ không phải là thiên tai nhân nạn, cũng không phải là giặc ngoại xâm, mà là chính vị hoàng đế của nó – tên bạo chúa Nero, người sẵn sàng giết cả mẹ, vợ và em trai mình để lên ngôi vua. Có thể nói Nero là một vị hoàng đế đa nhân cách: có một Nero yêu thi ca, thích được xu nịnh tán tụng như một nghệ sĩ vĩ đại nhất lịch sử; nhưng cũng có một Nero tàn bạo nhẫn tâm, ai thốt ra một lời không lọt tai là y liền ban cho án tử, hay đi tìm lạc thú trong việc đem đến bất hạnh cho người khác.

Roma thời kỳ đó có rất nhiều sự kiện lịch sử, nhưng Henryk Scienkiewicz chỉ tập trung chủ yếu vào hai vấn đề: vụ đốt cháy thành Roma và cuộc khủng bố các tín đồ Thiên Chúa giáo, còn các sự kiện khác chỉ được điểm qua làm nền. Chính sự thu hẹp phạm vi ấy đã cho phép tác giả làm nổi bật lên sự đối đầu giữa hai thế giới: một bên là thế giới triều đình của tên bạo chúa Nero đang ở đỉnh cao nhất của quyền lực, sống trong sự xa hoa, trụy lạc và tội lỗi; còn một bên là thế giới của những người nô lệ và dân nghèo theo đạo Thiên Chúa, xoay quanh hai vị Sứ Đồ Peter và Paul.

Trong thế giới của những người nghèo, họ không có chút quyền lực nào trong tay, nhỏ nhoi và yếu ớt, nhưng họ có một niềm tin mãnh liệt vào Chúa và không cam chịu khuất phục bạo lực. Cuộc đụng độ đầu tiên giữa hai bên là lần đọ nhãn quan tình cờ giữa Sứ Đồ Peter và Nero khi hoàng đế cùng đám quần thần rời bỏ Roma đi chu du nơi khác. Và rồi cuộc đối đầu thầm lặng giữa hai chuyến tuyến đó dần mở rộng ra, dâng cao lên, cuốn hút toàn xã hội vào vòng xoáy lịch sử mãnh liệt của nó.

Ở cuộc khủng bố giáo dân năm đó, Nero cho thả những tín đồ Thiên Chúa giáo vào trong đấu trường để cho mãnh thú như sư tử và gấu đến xé xác họ ra. Y cho bịt mắt họ lại và để họ đấu với những binh lính của thành Roma, để rồi chết như ngã rạ. Y cho đốt sống tội nhân để thưởng thức tiếng da thịt cháy của họ. Khủng khiếp hơn, Nero cho đóng đinh giáo dân lên thập tử giá, tái diễn lại màn đóng đinh câu rút của Chúa Jesus. Cả một rừng thánh giá được dựng lên dày đặc trong đấu trường đầy những xác người, mùi máu tanh tởm lợm, trong sự vui sướng tột cùng của Nero và tiếng hò reo hứng khởi của đám dân chúng khi chứng kiến cảnh hành hình giáo dân – những người bị vu oan đã đốt thành Roma.

Nhưng dù cho sự bạo tàn của Nero có đẩy lên đỉnh điểm như thế nào, những tín đồ Thiên Chúa giáo vẫn một mực hướng về Chúa, mở rộng lòng từ ái để tha thứ hết cho những kẻ gây ra khổ đau cho họ về thể xác lẫn tinh thần. Chính ánh hào quang tỏa ra từ khuôn mặt bình thản, ánh mắt sáng rực, nụ cười rạng rỡ trên môi của những giáo dân thuần thành khiến cho chính Nero và nhiều người dân thường kinh ngạc đến sửng sốt.

Phải chăng có một thứ tôn giáo nào đó của tình yêu và sự sống vĩnh hằng đang nảy nở từ trong cái chết, mà ở tôn giáo đó người ta có được sự bình yên và hạnh phúc vượt thoát lên trên khổ đau? Chính cái ý niệm ấy vô hình trung đã dấy lên đâu đó trong xã hội La Mã lúc bấy giờ, và dù Nero có ra sức diệt trừ giáo dẫn như thế nào, mỗi ngày vẫn không ngừng có những hạt giống đạo mới được gieo khắp nơi.

Trong cuộc đụng độ giữa cường quyền và thần quyền, cuối cùng thì thần quyền cũng đã chiến thắng!

Ảnh: Đông A

Bi kịch tình yêu trong sự dị biệt tôn giáo

Khi đọc câu chuyện tình yêu ngang trái trong Quo Vadis, mình chợt liên tưởng tới một mối tình cũng trái ngang không kém được viết trước đó 300 năm – chuyện tình Romeo và Juliet, một câu chuyện bi kịch của đại văn hào William Shakespeare. Câu chuyện bắt đầu tại thành Verona, hai dòng họ nhà Montague và nhà Capulet có mối hận thù lâu đời. Romeo, con trai họ Montague và Juliet, con gái họ Capulet đã yêu nhau say đắm ngay từ cái nhìn đầu tiên tại buổi dạ tiệc tổ chức tại nhà Capulet. Sau đó, mối tình của cả hai phải trải qua nhiều sóng gió và dẫn tới một kết cục đầy bi ai.

Khi viết Quo Vadis, mình đồ rằng có lẽ Henryk Scienkiewicz ít nhiều có chịu sự ảnh hưởng của cấu tứ bi kịch tình yêu như của Romeo và Juliet: hai đôi trẻ trai tài gái sắc yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên; sự khác biệt giữa hai dòng tộc – một bên là dòng dõi quý tộc La Mã, một bên là công chúa của một dân tộc bị đô hộ. Nhưng ở Quo Vadis, Henryk đã nâng tầm bi kịch tình yêu của mình lên một góc độ mới, đó là sự dị biệt về mặt tôn giáo của đôi trẻ –một bên là người theo tôn giáo truyền thống của người La Mã, tin vào các vị thần trên đỉnh Olympus, một bên lại là giáo dân tin vào sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus.

Ảnh: Phim Quo Vadis

Ở những chương đầu tiên, nhân vật Vinicius hiện lên là một chàng hộ quan rất dễ nổi nóng, cộc tính. Ngay khi biết đám nô lệ của mình để xổng mất nàng Lygia, Vinicius nổi trận lôi đình vớ ngay lấy cái chân đèn bằng đồng đập vỡ toang sọ người lão nô Gulo – người một tay nuôi nấng anh từ nhỏ. Chính tính khí thất thường này của anh khiến Lygia mất hết thiện cảm ban đầu về Vinicius mà chỉ cảm thấy sợ hãi và trốn chạy khỏi anh càng xa càng tốt.

Chặng đường tìm lại Lygia của Vinicius cũng chính là quá trình cải biến nhân phẩm và tâm linh của anh, để rũ bỏ hình ảnh người lính La Mã hung bạo khắc nghiệt trong quá khứ để hướng về tình yêu và điều thiện. Chính tình yêu với Lygia đã cảm hóa Vinicius và dẫn lối đưa anh vào tình yêu của Chúa, để rồi Vinicius cũng nhận lễ rửa tội và chính thức trở thành một con chiên ngoan đạo. Sự thay đổi dần dần của người cháu khiến ông cậu Petronius phải thảng thốt ngạc nhiên khi tưởng anh uống lầm thuốc hay ai đó đã mê hoặc anh. Và cũng chính Vinicius là người sau đó dần dần đã cảm hóa được Petronius về sự tồn tại của một Đấng Chúa toàn năng với tình yêu thương vô điều kiện.

***

Kết lại tác phẩm, có thể thấy được Vinicius chính là hiện thân của hy vọng vào tương lai. Khi lửa ngừng cháy trên thành Roma và cơn ác mộng bạo chúa qua đi, các thế hệ sau sẽ được xây dựng nên trên một thế giới tốt lành hơn từ những hạt mầm đã được gieo trong những thời khắc tối tăm ác nghiệt nhất.

Quo Vadis đã vượt lên trên cái tầm của một tiểu thuyết lịch sử thông thường. Sau cùng, tác phẩm không phải là một sự tái hiện lại về một thời kỳ lịch sử, mà nó cho người đọc thấy được hành trình mà những linh hồn đau khổ phải trải qua để biểu đạt đức tin, để theo đuổi cái thiện, tình yêu và hy vọng, để sống tốt lành và chết ngay thẳng. Sự chiến thắng của đức tin, tình yêu, điều thiện và cái đẹp trước những thế lực tàn bạo chính là chân giá trị của Quo Vadis.

Đặt mua sách: Bản bìa cứng hoặc bản bìa mềm

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx