Trong ngành Báo chí, có một thuật ngữ gọi là “rã băng”. Thường khi đi phỏng vấn một nhân vật để lấy tư liệu viết bài, phóng viên sẽ ghi âm cuộc phỏng vấn đó lại. Về nhà, họ sẽ mở file ghi âm lên nghe, và chọn lọc lại những đoạn đặc sắc phục vụ cho bài viết của mình.
Tương tự, trong nghề truyền hình cũng vậy, thuật ngữ này cũng được dùng cho các băng hình quay phỏng vấn nhân vật. Biên tập viên sau khi phỏng vấn về sẽ phải ngồi nghe lại từng đoạn băng phỏng vấn, chọn lại những đoạn trả lời tâm đắc để dùng và ghi chú lại số giây chính xác, sau đó viết thành kịch bản rồi chuyển sang bộ phận kỹ thuật để dựng hình.
Có thể nói, rã băng là một quá trình để review lại một cuộc trò chuyện, chọn lọc lại những nội dung cần dùng và bỏ đi những nội dung không cần thiết. Nhiều khi trò chuyện với một người, những tưởng chúng ta đã nắm được hết ý tứ trong lời người đó nói, nhưng thực ra cái đọng lại cuối cùng là những gì tâm trí ta khái quát lên qua nhiều bộ lọc, chưa chắc đã chính xác và truyền tải đúng nguyên vẹn câu chữ nhân vật thật sự muốn nói.
Lẽ vậy, rã sách là một thuật ngữ do mình định danh, để chỉ quá trình phân tích và xử lý một quyển sách sau khi đọc xong.
Với một người có trí nhớ ngắn hạn như mình, việc ghi nhớ chính xác nội dung hay ý tưởng của một quyển sách là điều khó khá khăn. Nhiều khi đọc xong một quyển sách, cái đọng lại chỉ còn là cảm xúc chứ không phải là nội dung hay ý tưởng một cách chi tiết. Như vậy, việc dành một khoảng thời gian để đọc quyển sách đó bỗng dưng hóa công cốc. Hết sức lãng phí!
Sau một thời gian “ngâm cứu”, sau đây là quy trình đọc sách và rã sách hiện tại của mình, bao gồm 2 giai đoạn chính:
Chú ý: Quy trình này chỉ phù hợp với thể loại sách phi hư cấu (tâm lý, khoa học, chuyên môn, kỹ năng, self-help…).
Đọc sách
1. Một trong những “bảo bối thần kì” không thể thiếu của mình khi đọc sách là miếng phân trang (Self-stick flags, có bán ở mọi nhà sách). Khi đọc sách gặp những đoạn tâm đắc, hay một ý tưởng hay ho thú vị, mình thường dùng một miếng phân trang để đánh dấu lại.
Với mình, một quyển sách hay là một quyển sau khi đọc xong được dán rất nhiều miếng phân trang – chứng tỏ có quá trời thứ hay ho gói gọn trong quyển sách đó. Có những quyển, đọc mỏi mòn mà toàn thấy những nội dung nhàm chán, cũ rích, không có gì thú vị cần để lưu trữ lại.
2. Trong quá trình đọc, mình không phải bận tâm việc ghi nhớ một ý tưởng nào nữa mà cứ để miếng phân trang như một “bộ não thứ hai” đảm nhiệm vai trò đó. Còn việc của mình là tận hưởng thú vui đọc sách và cảm nhận quyển sách thôi.
Rã sách
1. Sau khi hoàn tất một quyển sách, mình thường để riêng ra một góc. Khi nào rảnh thì mới tiến hành công đoạn rã sách. Rã sách hiểu đơn giản là mở lại các trang đã được đánh dấu bởi miếng phân trang, sau đó đánh máy lại thành văn bản để lưu trữ.
Đánh máy văn bản thật sự là một việc hơi khô khan nhàm chán và có phần hao tổn sức lực. Nhưng sau đây là vài lợi ích khi đánh máy lại các đoạn hay bạn đã đánh dấu:
- Việc đánh máy (nếu đánh được 10 ngón thì càng tốt) sẽ giúp cải thiện được sự tập trung (trong một thế giới quá xáo động như hiện tại).
- Một số nghiên cứu từ ĐH New York năm 2002 cũng cho biết, việc tăng được sức tập trung như vậy sẽ giúp cho hồi hải mã trong não bộ hoạt động mạnh hơn, qua đó thậm chí còn làm tăng cường trí nhớ nữa.
- Quá trình đánh máy là lúc bạn review lại các đoạn tâm đắc bạn đã đọc, lúc đó bạn sẽ ghi nhớ chúng lâu hơn và sẽ nảy sinh ra nhiều ý tưởng khác hay ho hơn. Việc này cũng sẽ giúp tăng khả năng liên kết và hệ thống các ý tưởng lại với nhau.
Tips: Nếu lười đánh máy, bạn có thể dùng tính năng Voice typing trong Google Docs để nhờ chị Google đánh máy giùm. Nếu bạn phát âm không chuẩn thì sẽ có một số chỗ sai sót nhưng ít ra cũng giúp bạn đỡ nhọc công phần nào.
2. Sau công đoạn đánh máy, mình sẽ tiến hành lưu trữ nội dung theo tên từng quyển sách trong hệ thống thư viện online do mình xây dựng, được phân chia theo nhiều danh mục chủ đề khác nhau. Hệ thống này bạn có thể xây dựng bằng các công cụ như:
- Google Docs: quá quen thuộc cho dân văn phòng nên khỏi nói.
- Google Sites: một ứng dụng của Google để tạo lập website cơ bản.
- Evernote: một ứng dụng ghi chú tiện lợi để lưu trữ và sắp xếp nội dung.
- …

Tùy theo sự quen thuộc và hứng thú của bạn với công cụ nào thì có thể chọn công cụ đó để lưu trữ. Tuy nhiên, tuyệt đối đừng dùng Word, vì Word offline thì khi cần tra cứu online trên máy khác lại khá bất tiện.
o0o
Với những bạn làm công việc chuyên về content marketing / copywriter, sở hữu một hệ thống thư viện online như trên có thể xem là vốn liếng sự nghiệp để khai thác nội dung, ý tưởng trong nghề.
Có một số cách khác để lưu trữ và ghi nhớ thông tin như dùng mindmap, nhưng mình không phải là tuýp người V (Visual) trong VAK (phương pháp tiếp thu thông tin qua 3 giác quan chính thị giác, thính giác và xúc giác) nên việc ghi nhớ thông tin qua hình ảnh thì khá khó khăn (đã thử nhiều lần và luôn thất bại). Chưa kể, có những khi nhớ ra một ý tưởng trong một quyển sách, nhưng muốn tìm lại chính xác được đoạn đó tác giả nói thế nào thì mindmap sẽ không hữu dụng lúc này.
Lúc đó, chỉ cần mở thư viện online, truy cập vào quyển sách bạn cần tìm và search vài keyword, a lê hấp món ăn đã được dọn sẵn lên bàn.
Thể loại sách hư cấu (văn học) mình không đề cập ở đây vì văn học thuần túy là về cảm xúc, chứ không phải để lưu trữ thông tin khoa học. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể áp dụng quy trình rã sách như trên để lưu trữ các đoạn tâm đắc mà bạn nghĩ sẽ cần dùng tới sau này.