Cách đây 6 năm, mình từng có cơ hội được tham dự khóa “Life Values” (Giá trị sống) do trường Kinh Luân tổ chức và cố giáo sư Lê Tôn Hiến là người trực tiếp dẫn dắt. Ở khóa học này, có một chủ đề làm mình cực kì ấn tượng là về vai trò của các giác quan. Thầy đưa ra một ý niệm hết sức đơn giản nhưng từ trước đến thời điểm ấy mình chưa bao giờ nghĩ đến, đó là: “Ngũ quan đón nhận mọi kích thích trong đời sống. Những gì ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy tạo thành phản ứng”.
Có thể hiểu đơn giản mỗi giác quan của chúng ta như thị giác (mắt), thính giác (tai), khướu giác (mũi), vị giác (miệng) và xúc giác (tay chân) đều là những kênh tiếp nhận kích thích (input) từ thế giới bên ngoài, sau đó thông tin sẽ được nội tại hóa bằng một cơ chế vô hình nào đó trong cơ thể, để rồi tạo thành những cách thức phản ứng khác nhau trước những kích thích ấy. Như vậy, việc bạn rèn luyện, mài giũa và làm tinh sắc các giác quan của mình lên có thể dẫn tới kết quả là sự phát triển năng lực tâm trí cũng như khả năng phản ứng nhạy bén, tinh nhạy hơn đối với thế giới.
Trong ngũ quan kể trên, luyện đôi mắt và đôi tai là phần quan trọng nhất, bởi đây là hai kênh chính mà chúng ta tiếp nhận thông tin hằng ngày và nhờ chúng mà ta mới có thể chu du vào những cõi giới tinh thần siêu việt của tâm trí – như việc bạn đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, nghe một bản nhạc hay thưởng lãm một tác phẩm nghệ thuật.

Luyện đôi mắt – Mở “cửa sổ” ra cho nắng sớm vào đầu
Gần đây mình có xem trên mạng một đoạn video ngắn về một tai nạn xảy ra ở trạm xe buýt tại Trung Quốc. Trong video, một tài xế điên bị lạc tay lái và đâm sầm vào trạm xe buýt, một số người đang ngồi chờ nhờ nhanh tay lẹ mắt nên đã vội vọt chạy ngay lập tức và né được chiếc xe đang lao thẳng vào người họ. Riêng một phụ nữ vì vẫn còn đang ngồi mải mê bấm điện thoại nên bị chiếc xe tông sầm vào và sau đó tử vong ngay tại chỗ.
Bên chung cư mình ở, mỗi sáng đi làm đi thang máy, thể nào mình cũng gặp vài ca vừa đứng bấm điện thoại vừa bước vào thang máy, có khi thang đã xuống tới nơi mà họ vẫn không ý thức được vì vẫn còn đang mê mải với chiếc điện thoại. Nhiều lần mình trộm nghĩ, lỡ thang hỏng hóc không chạy lên đúng tầng, cửa vẫn mở ra nhưng bên trong không có buồng thang máy, họ dán mắt vào điện thoại như thế mà bước vào thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Luyện đôi mắt, điều cơ bản trước hết là tập khả năng quan sát và chú tâm vào thế giới xung quanh, vào những thứ hiển hiện ngay trước mắt mình chứ đừng có mắt mà cũng như mù. Không phải thị lực bạn 10/10 thì đồng nghĩa rằng bạn có khả năng quan sát tốt, mà đôi khi một người cận thị hay viễn thị lại hoàn toàn có thể tinh mắt hơn bạn. Như em gái mình gần đây bị tai nạn xe cộ khi chạy về gần tới nhà, đột ngột có một đứa bé chạy băng ngang đường mà em mình lại không chủ tâm quan sát nên cuối cùng thắng xe đột ngột, dẫn tới ngã xe và bị gãy chân băng bột, phải nằm nhà suốt mấy tháng trời. Thị lực em mình thì 10/10, trong khi mình bị cận và chạy xe ngoài đường hầu như không bao giờ đeo kính (những bạn bị cận hay không cận nghe điều này đều khá ngạc nhiên) nhưng kinh nghiệm chạy xe mười mấy năm nay của mình chưa bao giờ xảy ra tai nạn bởi khả năng quan sát của mình rất tốt.
Ở môi trường công sở, nếu để ý bạn sẽ thấy có trường hợp một đồng nghiệp nào đó mới cắt tóc hay diện một bộ trang phục mới, hay đeo một món phụ kiện mới trên người, thường sẽ có một ai đó trong nhóm rất tinh mắt nhận ra ngay và khen diện mạo hay món đồ mới của người kia. Năng lực này tưởng chừng là một điều nhỏ nhặt nhưng không phải ai cũng có khả năng nhận ra, bởi bạn phải quan sát và ghi nhớ được hình ảnh ngày thường của đối phương trong một quãng thời gian nhất định, cũng như phải nhớ hết họ từng mặc bộ đồ nào, đeo phụ kiện gì thì mới có thể nhận ra sự thay đổi ấy.
Thứ hai, bạn nên chọn lọc những thứ mình xem, nhìn mỗi ngày để nâng cao khả năng cảm thụ, tư duy thẩm mỹ và nội hàm của bản thân. Bạn không thể nào xem những thứ nhảm nhí, xàm xí mang tính giải trí mỗi ngày rồi lại kì vọng rằng bản thân có thể nhìn ra những điều thật, điều tốt, điều đẹp trong cuộc sống, bởi năng lực để nhìn ra cái sự chân, thiện, mỹ ấy cũng đòi hỏi thời gian luyện tập.
Như gần đây mình đi gặp một cô em khóa dưới từng sinh hoạt chung câu lạc bộ thời đại học, sau nhiều năm gặp lại em nhận xét thấy mình bây giờ khác quá, cụ thể là style đầu tóc, trang phục khác hồi xưa rất nhiều. Thú thật là thời sinh viên mình rất “lúa” và “phèn”, không có ý thức gì về chuyện ăn mặc. Nhưng từ lúc đi làm, mình tự nâng cao gu thẩm mỹ của bản thân thông qua việc quan sát cách những bạn nam xung quanh ăn mặc như thế nào, hay khi xem phim mình cũng để ý cách các diễn viên nam phối đồ mix & match ra sao để ban đầu là bắt chước, sau đó là học hỏi và tự định hình nên phong cách thời trang của riêng mình.
Ngay trên blog mình, có một bạn đọc từng nhận xét cách mình bố cục bài viết, chọn lọc hình ảnh rất bắt mắt và ấn tượng không khác nào một designer thực thụ. Thậm chí có một bạn sinh viên học ngành thiết kế đồ họa từng liên hệ xin phép dùng blog mình làm tư liệu cho một đồ án tốt nghiệp của bạn. Nhiều bạn bè quen trong giới làm content từng hỏi mình bí quyết nào để dàn bài viết sao cho đẹp mắt, chọn ảnh sao cho đẹp và phù hợp nội dung, cơ bản là tư duy thẩm mỹ của mình không có trong một sớm một chiều hay gói gọn trong một vài tips mà đến từ quá trình mình tích lũy qua thời gian. Mỗi khi rảnh rỗi là mình thường hay lang thang vào các trang đồ họa, các sân chơi của các designer trên thế giới để xem các artwork (tác phẩm) của họ, từ đó mình tiếp nhận (input) óc thẩm mỹ của họ vào người và từ từ nâng cao tư duy thẩm mỹ của mình lên.

Đọc sách hay xem phim cũng là một kênh tiếp nhận thông tin bằng mắt có tác dụng phát triển óc tưởng tượng và làm phong phú thêm đời sống nội tâm. Giáo sư David C. McClelland (1917-1998), Đại học Harvard, đã chứng minh sau nhiều thí nghiệm rằng những gì ta trông thấy thực sự có ảnh hưởng đến cơ thể ta về mặt sinh hóa. Trong một thí nghiệm, ông mời một số người xem một đoạn phim chiếu về hoạt động của Mẹ Teresa khi bà đang chăm sóc những người bệnh và trẻ em mồ côi tại Calcutta, Ấn Độ. Giáo sư McClelland khám phá ra rằng trong nước bọt của những người xem phim có tỉ lệ phản ứng miễn nhiễm cao hơn nhiều so với những người không xem đoạn phim này.
Qua thí nghiệm trên, chúng ta có thể thấy được sức mạnh kỳ diệu của thị giác đến nhường nào. Và bạn thử tưởng tượng, nếu mỗi ngày bạn dành thời gian đọc một cuốn sách hay, xem một bộ phim nghệ thuật cảm động sâu sắc và đầy giá trị nhân văn, hay thưởng lãm một tác phẩm nghệ thuật (một bức tranh, một pho tượng, một công trình kiến trúc,…), hay chỉ đơn giản là nhìn ngắm vẻ đẹp bình yên của thiên nhiên cỏ cây hoa lá,… thì những tác động mà bạn tạo ra cho cơ thể là không thể nghĩ bàn.

Luyện đôi tai – Chú tâm nghe những thanh âm cuộc sống
Trên công ty mình có một số em đồng nghiệp trẻ có thói quen vừa đeo headphone/earphone nghe nhạc vừa làm việc, và thường các em bật âm lượng rất lớn. Qua một thời gian duy trì thói quen xấu này, hậu quả là các em bị lãng tai và hay nghe nghễnh ngãng chữ được chữ mất. Đôi khi mình chỉ ngồi cách một bàn, nói một câu gì đó với âm lượng vừa phải mà các em không nghe được mình nói gì, hoặc có khi nghe ra thành một câu hoàn toàn khác.
Như hôm nay mình gặp phải một tình huống khá thú vị, khi một em bàn phía bên kia (trong văn phòng open space) nói nhỏ qua khu vực team mình đang ngồi, hỏi một bé nọ “Ăn súp cua không?”. Mình ngồi cách xa một quãng vẫn nghe rõ được mồn một em kia nói gì, nhưng cô em bàn mình lại ngớ người ra: “Hả, chạy đua gì?”.
Có một số bạn hay có thói quen mỗi khi chạy xe trên đường thường sẽ đeo tai nghe để nghe nhạc hay sách nói, hoặc có khi ở nhà nằm ngủ thôi cũng đeo tai nghe suốt từ đêm tới sáng. Cá nhân mình rất kị điều này, vì đó không phải là thói quen tốt để luyện tai mà còn làm cho thính giác của bạn bị mài mòn. Giống như luyện mắt, điều cơ bản trước hết để luyện đôi tai là bạn phải tập khả năng lắng nghe và chú tâm vào những thanh âm cuộc sống. Dù cho âm thanh khi bạn chạy xe trên đường thực tế rất hỗn loạn và nhiều tạp âm, nhưng khi bạn lắng nghe và nghe quen thì sẽ thấy hết sức bình thường, thậm chí bạn còn có thể luyện được kỹ năng nghe chủ động – tức chỉ tập trung vào những âm thanh bạn muốn nghe và bỏ qua những âm thanh còn lại.

Thử tưởng tượng, nếu bạn đang chạy xe máy trên đường và có một chiếc xe hơi bị lạc tay lái sắp lạng qua đâm vào xe bạn, mà lúc ấy bạn đeo tai nghe và đang nghe nhạc ở max âm lượng thì điều gì sẽ xảy ra? Cơ bản là bạn đã mất hoàn toàn khả năng lắng nghe âm thanh từ thực tế cuộc sống, như tiếng bánh xe hơi đang rít trên đường, tiếng người la ó hỗn loạn né chiếc xe ấy để cơ thể bạn có thể kịp đưa ra bất kỳ phản ứng nhanh nào nhằm bảo vệ bản thân khỏi tai nạn đó.
Đối với những người hướng nội, đa số đều thích ở trong một không gian tĩnh lặng và hạn chế tiếng ồn tới mức tối đa, bản thân mình cũng không ngoại lệ. Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào người hướng nội cũng có được một không gian lý tưởng hoàn toàn cách âm như thế. Như từ khi công ty mình chuyển sang văn phòng làm việc mở, trong một không gian có tới gần cả trăm người cùng ngồi làm việc chung nên mức độ tiếng ồn cũng không khác nào một tiệm cafe. Đây là yếu tố ngoại cảnh khách quan mình không thể thay đổi (ngoài chuyện nghỉ việc và tìm một công ty nào đỡ ồn hơn), và mình có thể lựa chọn mua tai nghe chống ồn, nhưng cuối cùng mình lựa chọn không đeo tai nghe để luyện tập kỹ năng làm quen với tiếng ồn và lắng nghe chủ động.
Khi mình nghe nhạc hay xem phim trên điện thoại, máy tính, bình thường mình chỉ bật âm lượng vừa phải, vừa đủ nghe chứ không như một số bạn mình biết toàn bật max volume. Có lẽ nhờ vậy mà tai mình cũng thính hơn nhiều bạn, khi người khác nói nhỏ thầm thì hay nói ở một khoảng cách khá xa thì mình vẫn nghe được họ nói gì nếu chủ tâm lắng nghe. Trong môi trường công sở, đôi khi chỉ cần bắt được vài từ khóa và vài thông điệp là mình đã có thể hình dung câu chuyện ngầm ẩn ấy đang diễn ra như thế nào, và thực tế thường là đúng như vậy.

Thứ hai, hãy dành thời gian để chọn lọc những thứ bạn nghe mỗi ngày để chuyển hóa âm thanh thành năng lượng. Có những ngày tâm trạng của mình hết sức ủ dột, mệt mỏi, những khi ấy thì không buồn xem được thứ gì, và đây là lúc kênh thính giác phát huy sức mạnh khi bạn chỉ cần nằm yên một chỗ và nghe một bản nhạc hay, đúng tâm trạng thì mọi buồn phiền dường như tan biến. Như thầy Lê Tôn Hiến từng kể tụi mình nghe một câu chuyện, có ngày thầy ngủ dậy thấy đau trong người, thầy bật một bản nhạc không lời trong danh sách nhạc quen thuộc và chỉ nằm nghe thôi, vậy đó mà cơn đau phút chốc biến mất nhẹ như không.
Về mặt khoa học, tính cộng hưởng của âm nhạc tạo nên sự chuyển hóa năng lượng. Khi âm thanh tạo nên cảm xúc vui buồn, năng lượng đã chuyển từ vật lý sang tâm lý. Khi cảm xúc ảnh hưởng đến cơ thể, năng lượng chuyển từ tâm lý trở về vật lý. Khi cảm xúc ảnh hưởng đến tư tưởng, năng lượng chuyển từ tâm lý sang tinh thần. Khi tư tưởng tác dụng đến cơ thể, năng lượng chuyển từ tinh thần đến thể xác. Âm thanh hòa hợp của âm nhạc tạo nên cảm xúc hòa hợp, và cảm xúc này tạo nên tư tưởng lạc quan, có lợi cho sức khỏe. Cũng như âm thanh cộng hưởng có tính vang dội và ngân dài, năng lượng cộng hưởng tạo cho cơ thể sự khỏe mạnh và sinh lực lâu bền.
Bản chất những âm thanh của tự nhiên trong một khu rừng, bên một con suối, ngọn thác hay bờ biển cũng chính là một bản hòa tấu diệu kỳ có tác dụng chữa lành. Lắng nghe âm thanh tự nhiên và những bản nhạc hay, sâu sắc đem lại những tác dụng vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta rất nhiều.
Tác dụng sinh hóa thần kỳ của giác quan
Qua hai phần luyện mắt và luyện tai, mình chỉ điểm qua hai góc nhỏ mà bạn đã thấy được giác quan của chúng ta vi diệu như thế nào, thì thử tưởng tượng nếu bạn rèn luyện được ba giác quan còn lại thì ngũ quan của bạn sẽ còn bén nhạy ra sao. Chưa kể, khi luyện được ngũ quan tinh sắc, chúng ta mới đi tới được việc phát triển được giác quan thứ sáu – hay còn gọi là trực giác, một năng lực chỉ hiện hữu khi ngũ quan của bạn thật sự tinh nhạy.
Giáo sư sinh học Bruce Lipton nổi tiếng từng chia sẻ về các giác quan như sau:
Loài người chúng ta được tạo nên theo hình ảnh của môi trường, vì các tế bào trong cơ thể ta không ngừng phản ứng và thay đổi theo những gì bên ngoài cơ thể do giác quan tiếp nhận. Tôi tin rằng vai trò của chúng ta là phải duy trì quân bình trong môi trường đó, để đảm bảo được là chúng ta sống hòa hợp với thiên nhiên. Nếu không, nhân loại khó mà tồn tại được.
…
Trong báo cáo tôi viết tại Đại học Wiscosin năm 1977 về phân hóa tế bào, tôi nhận thấy rằng nếu tôi thay đổi môi trường của tế bào, tôi có thể biến tế bào ấy thành xương, đổi thêm nữa, tôi đã biến chúng thành tế bào mỡ. Vậy, rõ ràng là không phải DNA mà chính môi trường biến đổi tế bào. Sau này tại Đại học Standford, trong thời gian nghiên cứu về tế bào mạch máu, tôi khám phá ra rằng loại tế bào này có hai hình thể chính. Tế bào sẽ thành hình theo một trong hai, đều do các tín hiệu nhận được từ hệ thần kinh của não bộ. Như vậy, rõ ràng chúng ta kiểm soát mạch máu bằng trí óc.
Khi chúng ta rèn luyện và làm chủ được các giác quan của mình, đồng nghĩa rằng chúng ta sẽ thay đổi được cách thức cơ thể tiếp nhận thông tin đối với các kích thích từ thế giới bên ngoài, từ đó ta hoàn toàn có thể làm chủ các phản ứng của cơ thể đối với thế giới theo hướng tích cực hơn.
Những phản ứng hằng ngày của bạn thể hiện ra bên ngoài cũng chính là thứ tạo tác và khắc họa nên chân dung của bạn. Cuộc đời không nghĩ đến bạn bằng cái tên khai sinh mà qua hình ảnh (hay phản ứng) của bạn để lại ấn tượng. Cái thằng lẩm cẩm, con nhỏ bộp chộp, cái bà lắm lời, cô này kiêu căng, cha nội phách lối,… hay là: Anh ấy hiểu biết, cô ta ân cần, chị ấy tế nhị, em ấy độ lượng, chàng trai đầy năng lực,…
Tất cả đều bắt nguồn từ việc bạn kiểm soát được các phản ứng với thế giới và làm chủ các giác quan của mình. Làm chủ được các giác quan, bạn cũng làm chủ được thế giới nội tâm lẫn thế giới thực tế. Đời sống của bạn sẽ được mở ra một chiều kích mới ưu việt hơn so với trước đây rất nhiều.
3 bình luận
Cảm ơn anh đã chia sẻ những kinh nghiệm quan sát vời nhiều tri thức và bằng chứng khoa học, rất hữu ích ạ. Cá nhân em đang có cái nỗi đau đáu, thôi thúc việc rèn luyện tinh mật từng bộ giác quan để tiếp nhận thông tin đúng sự thật. Nếu có thể, mong anh chia sẻ thêm về cái “dàn ý” khi anh chủ động sử dụng từng bộ giác quan được không ạ? Em cảm ơn.
Chào Khánh,
Việc làm sao nhận diện một thông tin mình tiếp nhận có đúng sự thật hay không thì đòi hỏi một số kỹ năng:
+ Đọc vị ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của người nói (kênh thị giác)
+ Lắng nghe chủ động âm sắc, giọng điệu của người nói (kênh thính giác)
+ Đánh giá độ tin cậy của nguồn tin (kênh tri giác). Kỹ năng này sinh viên Báo chí bọn anh ngày trước được đào tạo rất kỹ. Em có thể đọc thêm 2 bài này để tham khảo
https://nguyenthanhlinh.com/giai-ma-quy-luat-cuoc-song-tap-3-quy-luat-tam-sao-that-ban/
https://nguyenthanhlinh.com/mot-nua-su-that-khong-phai-la-su-that/
+ Cảm nhận về cái vibe và năng lượng của đối phương (kênh trực giác – giác quan thứ sáu): cái này rất khó luyện, muốn nhạy về trực giác thì 5 giác quan kia phải tinh trước đã
Trong bài viết anh đã chia sẻ khá chi tiết phương pháp anh luyện thị giác với thính giác rồi, còn 3 kênh như xúc giác, vị giác, khướu giác sẽ khó luyện tập hơn vì phụ thuộc vào môi trường sống và tính chất công việc. Ví như người nào ăn thuần chay hay làm đầu bếp, thử rượu vang sẽ nhạy kênh vị giác và khướu giác hơn, hay người làm về điều chế nước hoa sẽ nhạy kênh khướu giác, còn người làm nghề xoa bóp massage và vật lý trị liệu sẽ nhạy về xúc giác. Nguyên lý cốt lõi ở đây là làm sao ở input (đầu vào), em chỉ tiếp nhận những dữ liệu “sạch” thì nội quan bên trong cơ thể mới có thể cảm nhận được rõ rệt những tác nhân đến từ thế giới bên ngoài để có output tốt ở phản ứng đầu ra. Còn nếu làm cho giác quan bị mai một thì nội quan bên trong cũng sẽ loạn, khó cảm nhận được gì sâu sắc.
Em chào anh Linh,
Em cảm ơn phần giải đáp thêm của anh nhiều ạ. Bản thân em hiện tại đang đau đáu cái “bản đồ” quan sát Thuật Quan Sát trong Óc Sáng Suốt của học giả Nguyễn Duy Cần gợi ý, hôm nay hữu duyên tìm thấy blog của anh, cảm giác “đông thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, mà rút tỉa được nhiều kiến thức “sạch”, hữu ích cũng như nhắc nhở, tưới tắm lại khu vườn tinh thần của mình.
Biết ơn anh rất nhiều ạ, chúc anh nhiều sức khỏe!