Ảnh: Brands&People

Gần đây mình có một trải nghiệm khá khó chịu khi xem phim trong rạp, cứ chốc chốc là hai bạn ngồi kế bên lại mở màn hình điện thoại ra xem (ánh sáng từ màn hình điện thoại làm những người đang xem phim như mình bị mất tập trung). Hành động này của hai bạn lặp đi lặp lại gần như xuyên suốt cả bộ phim, thậm chí ở ngay cả những phân đoạn cao trào nhất phim. Nếu như trước đây, việc mở điện thoại trong rạp chiếu phim là hành động rất hiếm thấy thì giờ đây nó lại trở nên phổ biến tới mức – ngay cả khi ở trong rạp thưởng thức một bộ phim qua màn ảnh rộng, những “màn ảnh nhỏ” cứ liên tục bật sáng ở khắp nơi trong rạp.

Một lần khác, mình tham dự một lễ hội khinh khí cầu được tổ chức ngoài bãi biển. Trong đêm tối, ngọn lửa bên trong các khinh khí cầu làm rực sáng cả một vùng trời, hàng chục chiếc khinh khí cầu được thả lên như những chiếc thiên đăng lơ lửng giữa trời. Đứng len lỏi trong đám đông và ngước mắt lên chiêm ngưỡng khung cảnh hoành tráng ấy, mình thảng thốt nhận ra rằng tất cả mọi người xung quanh đều đang giơ điện thoại của họ lên – người thì chụp hình, người thì quay phim, người thì đang livestream,… Thay vì tập trung vào khung cảnh ngay trước mắt, ai cũng muốn thâu tóm nó vào trong khung hình để chia sẻ lên mạng xã hội.

Dường như có gì đó sai sai đang xảy ra trong thế giới chúng ta đang sống, mà nói như tác giả Johann Hari trong cuốn Stolen Focus là “nền văn minh của chúng ta như bị phủ một lớp bột ngứa, chúng ta cứ liên tục cựa quậy, không thể chú ý đến những điều có ý nghĩa”. Ngày nay, mỗi khi bạn muốn đặt điện thoại xuống, có cả ngàn kỹ sư đằng sau các mạng xã hội sẽ tìm cách khiến bạn cầm điện thoại lên. Tâm trí của chúng ta giống như một chú khỉ cứ liên tục chuyền từ thiết bị này sang thiết bị khác, từ ứng dụng này sang ứng dụng khác – một lối sống mà cách đây 10 năm chưa từng tồn tại. Nhiều người bây giờ thường hay than thở họ không thể nào tập trung đọc được một cuốn sách vài trăm trang, dù hồi trước có thể ngấu nghiến cả mấy cuốn tiểu thuyết dày cộm. Khả năng tập trung của chúng ta đã và đang rạn vỡ, có một thế lực nào đó dường như đang “đánh cắp” sự tập trung của chúng ta.

Khi đối diện tình trạng này, nhiều người ngộ nhận rằng vấn đề là ở bản thân họ, do họ nghiện chơi Facebook, YouTube, TikTok,… mà không biết kiểm soát thời gian sử dụng sao cho hợp lý. Không ít người từng cố “cai nghiện” điện thoại bằng cách deactive tài khoản, xóa hết các ứng dụng mạng xã hội, nhưng cách nào cũng vô tác dụng. Dường như có một ma lực nào đó lôi kéo họ quay trở lại và rồi bị cuốn vào một vòng xoáy lướt lướt không hồi kết. Bản thân tác giả Johann Hari cũng gặp phải vấn đề tương tự. Suốt nhiều năm, mỗi khi không thể tập trung, tác giả đều trút giận lên bản thân. Anh thường tự nói: “Mày lười biếng, mày vô kỷ luật, mày cần phải xốc lại bản thân”. Hoặc anh sẽ đổ lỗi cho chiếc điện thoại và tức giận với nó, rồi ước gì người ta chưa từng phát minh ra nó.

Trên thực tế, có điều gì đó sâu xa đang diễn ra ở đây, một sự thật đang bị che giấu bởi rất nhiều thế lực. Là một nhà báo, Johann Hari đã thực hiện một cuộc hành trình hơn 48.000km qua nhiều quốc gia như Đan Mạch, Nga, Canada, Úc, Thụy Sĩ, Brazil,… để tìm cách khôi phục lại khả năng chú ý và tập trung của chúng ta. Anh đã tiến hành phỏng vấn 250 chuyên gia hàng đầu thế giới về sự chú ý và phát hiện ra một sự thật chấn động rằng mọi điều chúng ta biết về cuộc khủng hoảng này đều sai. Có một lỗ hổng rất lớn trong tất cả những cuốn sách hiện có về cách nâng cao khả năng tập trung. Những cuốn sách đó không nói về nguyên nhân thật sự gây ra cuộc khủng khoảng khả năng chú ý của chúng ta – thứ đang trở thành “đại dịch” của kỷ nguyên số.

Ảnh: Tác giả Johann Hari

Sau quá trình đào sâu tìm tòi, tác giả đúc kết ra được 12 thế lực sâu xa đang ra sức đánh cắp sự tập trung của chúng ta, từ sự gia tăng của tốc độ trong thời đại số, sự sụp đổ của trạng thái dòng chảy, sự suy kiệt về thể chất và tinh thần, cho đến sự trỗi dậy của công nghệ theo dõi và thao túng con người v.v. Đọc cuốn sách này, độc giả sẽ đi từ cú sốc này tới cú sốc khác bởi có rất nhiều sự thật được vén màn, mà sự thật nào cũng đắng lòng. Điểm mình ấn tượng nhất trong cách tiếp cận đề tài của Johann Hari là anh thu thập rất nhiều quan điểm và góc nhìn khác nhau về vấn đề, sau đó hệ thống hóa chúng lại để phác thảo nên một bức tranh đa diện về hiện trạng mất tập trung của chúng ta ngày nay. Đa số các tác giả khác chỉ viết về một lát cắt, một điểm nhìn, còn cuốn sách của Johann Hari là sự tổng hòa của rất nhiều góc nhìn để độc giả thấy được bức tranh rộng lớn hơn, không chỉ từ góc độ của mỗi cá nhân mà còn của cả xã hội.

Nếu ai từng yêu thích cây bút này qua tác phẩm Lost Connection – Mất kết nối trước đây thì quả thực không nên bỏ qua Stolen Focus, bởi tác giả sẽ đưa bạn lên một chuyến tàu lượn siêu tốc để đi qua 12 trạm khác nhau, mà mỗi trạm đều làm bạn “dằn tâm xóc trí” để đến cuối cùng là nhận ra được bản chất thật sự của những kẻ đánh cắp sự tập trung của bạn và giành lại sự tập trung từ họ. Khi dịch cuốn sách này, dịch giả Thảo Lâm cũng chia sẻ với mình lúc dịch tầm chục trang là chị đã bị “kích động” tới mức phải thay đổi luôn thói quen làm việc và hoàn thành sớm trước tiến độ 1 tháng nhờ tập trung sâu hơn. Từ góc độ biên tập viên, mình đặc biệt yêu thích bộ đôi cuốn sách của Johann Hari và cực kỳ muốn giới thiệu bạn bè, người quen tìm đọc. Mình tin rằng cuốn sách này sẽ khơi gợi cho bạn rất nhiều điều để suy ngẫm về sự tập trung sâu và những gì chúng ta đã và đang đánh mất trong thời đại số.

“Điều gì xảy ra với một thế giới mà trong đó hình thức tập trung sâu này ngày càng suy giảm quá nhanh. Điều gì sẽ xảy ra khi ngày càng ít người tiếp cận tới tầng suy nghĩ sâu nhất?”

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.