Xem phim Việt nói chung đừng kì vọng nhiều, vì kì vọng xong sẽ thất vọng tràn trề. Với Tấm Cám – Chuyện chưa kể, mình xem đó là một thất bại của Ngô Thanh Vân trong việc chuyển thể cổ tích thành điện ảnh.

Với mình, Tấm Cám là một câu chuyện cổ tích truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ, vì đằng sau những lời kể dân gian tưởng chừng bình dị đó lại là rất nhiều góc độ để nhìn nhận và khai thác về cốt truyện, về nhân vật, về những triết lý đằng sau câu chuyện.

Sự thất vọng đầu tiên đối với phim là nhân vật chính – chế Tấm. Không thể hiểu được vì lý do gì mà Ngô Thanh Vân chọn Hạ Vi vào vai Tấm, để rồi cô này làm vai diễn lu mờ nhạt nhòa còn thua mẹ con chế Cám và chỉ làm nền cho câu chuyện của thái tử. Có mấy điểm không ưa nổi nhân vật này:

1. Người đẹp son phấn

Ai đời phân cảnh đầu tiên lúc chế Tấm ra ao bắt cá bống, mình lấm lem bùn đất mà ngẩng mặt lên ta nói, lông mày được kẻ rất điệu đà chỉn chu, mỏ tô son đỏ chót như thể chim đảng mấy tiếng đồng hồ rồi mới ra đồng. Cặp lông mày của Hạ Vi đã giết chết nhân vật Tấm như rứa!

2. Người đẹp mặt đơ

Sai lầm của Ngô Thanh Vân là giao một vai nặng kí cho một nhỏ hot girl amateur chả có kinh nghiệm gì về diễn xuất hay được đào tạo bài bản qua trường lớp. Nhân mới coi phần training của giảng viên Sân Khấu Điện Ảnh bên show Học Viện Danh Hài nên mới thấy cô ấy cái mặt siêu đơ và chả biểu cảm được. Từ đầu tới cuối phim, Hạ Vi đang khổ sở gò ép mình vào vai diễn chứ không thấy được cô nhập tâm vào diễn xuất của Tấm. Khóc gì mà ta nói cái mỏ như cười, khóc gì mà siêu giả tạo gượng ép, chỉ có diễn đạt nhất là khúc dẹo trai. Ngay cả mấy chi tiết nhỏ nhất như lúc phát hiện cá bống chết, Tấm khụyu xuống đau đớn mà Hạ Vi diễn cũng không ra hồn như thể ngồi xuống cái đụi. Nói chung đem xếp Hạ Vi bên cạnh dàn cast kinh nghiệm diễn xuất đầy mình như Ninh Dương Lan Ngọc, Ngô Thanh Vân, Thành Lộc, Hữu Châu thì thôi đã lu nay còn mờ hơn.

3. Người đẹp bất lực và vô trách nhiệm

Điểm mình không ưa nổi trong việc khắc họa hình tượng của Tấm trong phim là cho cô một tính cách quá ư là bạc nhược và yếu đuối, đụng chuyện gì cũng bù lu bu loa, khóc lóc kêu réo bụt. Mặc dù biết nguyên bản cổ tích là vậy, nhưng nếu muốn xây dựng hình tượng nhân vật thì nên khắc họa tính cách qua cách xử lý tình huống của cô trong đời sống hằng ngày. Chẳng hạn, nếu mẹ con Cám đổ hai thúng đậu đen đậu trắng bắt cô ngồi lựa, thì ít ra cô cũng phải động não suy nghĩ tìm đủ mọi cách để làm, không làm được thì mới bất lực than khóc, chứ chưa gì đã ngồi đó khóc lóc ỉ ôi mà chả thèm động tay động chân gì.

Ở cái khúc lựa đậu trong phim, ông Bụt còn chưa hóa phép hay réo chim sẻ tới phân loại đậu, mà chế Tấm sau khi có được xiêm y đã ba chân bốn cẳng chạy đi bỏ mặc ông Bụt lại với mớ đậu. Một chi tiết nhỏ nhưng thể hiện sự vô trách nhiệm cực kì của Tấm.

4. Người đẹp thiếu não

Cái khúc chết cười nhất trong phim là cảnh chế Tấm cầm kiếm bay lên lưng con quái vật do thừa tướng biến thành để đâm một phát vô lưng nó. Chời ơi, con quái vật nó cao gần 2-3m, chế Tấm chân yếu tay mềm ở đâu biết khinh công mà bay như đúng rồi, xong rồi còn đu dây điện, í lộn dây xích treo tòng teng trên nóc cung điện với bộ đồ trắng như thể Cô Long. Siêu chết cười khúc này.

Xong phần chế Tấm, giờ qua phần bới lông tìm vết vạch nát bộ phim thảm họa này:

1. Kịch bản thêm mắm dặm muối

Nếu chuyển thể hay phóng tác từ cổ tích, ít nhất bộ phim phải đảm bảo được cốt truyện chính, và cái cần làm đáng lẽ là đi sâu vào lý giải những câu chuyện hậu trường, vì sao nhân vật đó lại hành xử như vậy, vì sao tình huống đó lại xảy ra… chứ không phải là thêm thắt tè le nhân vật vào rồi xuyên tạc câu chuyện hết sức hoang đường. Điểm này ai coi series Once upon a time của đài ABC sẽ rõ.

Sau đây là vài biến tấu rất vớ vẩn của phim:

– 4 cái hũ chôn xương cá bống ở 4 góc vườn, nguyên bản là phải đào lên 4 hũ rồi mở ra mới có xiêm y áo lụa và ngựa để tới kinh thành. Dụng ý của cổ tích nói về tính nhân quả, cái quả gì cũng có nguyên nhân của nó, con cá bống Tấm thương yêu hi sinh là để giúp đỡ sau này khi gặp nạn. Còn trong phim, Tấm chả cần ra vườn đào, ông Bụt hóa phép một cái 4 cái hũ xuất hiện rồi biến ra trang phục đúng điệu Cinderella. Ủa, nếu vậy mắc mớ ngay từ đầu kêu con nhỏ đi nhặt xương rồi bỏ vô 4 cái hũ chi mất công vậy?

– Nguyên tác là Tấm khởi hành trên lộ trình trước nhà vua nên mới đánh rơi giày, đoàn hộ tống của đi sau qua chỗ lội thấy lạ mới nhặt được. Còn đằng này trong phim, đang tuyển vợ thái tử dỗi phi ngựa chạy ra ngoài kinh thành, rồi đang đứng cãi lộn hăng máu với hai ông tướng ở đâu la làng lên: Ủa cái gì lấp lánh ở kia vậy cà. Chời ơi, liên quan dễ sợ.

– Ủa, bộ có ông Bụt là phải có yêu quái hả trời, mà yêu quái thể loại monster rất ư là fantasy chứ không phải xà tinh, chằn tinh kiểu Liêu trai chí dị. Tạo hình yêu quái trong phim theo chuẩn phương Tây chả ăn nhập liên quan gì văn hóa phương Đông ráo trọi.

2. Thiếu kiến thức về lịch sử và văn hóa

Ở một cái thời đại xưa lơ xưa lắc nào đó của Việt Nam, nghĩ sao mà đi gọi con vua là thái tử, vợ con vua là thái tử phi y chang phim cổ trang Trung Quốc? Chời ơi, đọc lại truyền thuyết, cổ tích dân gian Việt Nam đi, người ta toàn gọi hoàng tử không hà. Cái này hình như biên kịch tra Wiki để viết kịch bản mà tra không tới nên quất nguyên đoạn này trên Wiki nói về thái tử của Trung Quốc nè: “Dưới ảnh hưởng Nho giáo, các Hoàng thái tử tại Đông Á thường là con trai trưởng của Hoàng hậu.” Bởi vậy nên Isaac trong phim mới được gọi là Hoàng thái tử. Bó tay.

Câu chuyện của cổ tích nó xảy ra ở một vùng miền, ở một chốn kinh thành và khu vực lân cận, nên cái tone giọng chính trong phim nó phải đồng bộ một vùng miền, hoặc là Bắc hoặc là Trung hoặc là Nam hết. Ai đời mẹ con Tấm Cám, thái tử nói giọng miền Nam, cha thái giám nói giọng miền Trung, ông nội tướng quân Hữu Vi và vài người khác nói giọng Bắc. Cái gì mà đa vùng đa miền dữ dội vậy trời.

Tiếp nữa, vụ phục trang trong phim là một sự thiếu hiểu biết về lịch sử trang phục trầm trọng. Ai đời cái thời Tấm Cám là thời mặc áo yếm áo vải theo kiểu áo tứ thân miền Bắc, mà tới lúc đi trẩy hội trên kinh thành thập cẩm hầm bà lằng áo yếm, áo dài, nón quai thao tè le hột me, ta nói thiếu bộ bà ba nữa là 3 miền hội tụ.

Phim cổ trang Việt, đàn ông sao không cho tóc búi củ hành đi, mắc mớ chi hỗn tạp lai căng tết con rít xõa tóc dài ra y chang mấy cha nội Mông Cổ trong phim cổ trang Trung Quốc. Xem phim Trung Quốc còn chưa có cái triều đại nào mà triều đình tóc dài tóc búi như rứa, có ai để ý ông vua nằm trên long xà ổng búi tóc không?

Có một sự thiếu tinh tế nhẹ trong phim, ở phim Trung Quốc, khi thái tử từ chiến trận trở về, ở những khu vực riêng tư như hậu cung hay phòng của phụ hoàng, đáng lẽ phải bỏ mũ ra cầm ở bên tay để thể hiện sự tôn trọng. Cha nội thái tử trong phim vô phòng thăm bịnh phụ hoàng mà đội nguyên cái mũ soái ca oách thần sầu.

3. Câu chuyện thiếu chiều sâu

Xem phim nước ngoài, để khán giả rút ra một bài học gì đó thì bài học phải được truyền tải qua nhân vật điển hình trong tình huống điển hình, sử dụng tích cách đặc trưng của nhân vật đó để bộc lộ và phản ứng trước các tình huống nghịch cảnh khó khăn mà bật lên nét đẹp tính cách và thể hiện thông điệp.

Còn ở phim Việt Nam, vâng, bài học là những câu từ rất hoa mỹ và sáo rỗng được mớm vô miệng ông Bụt, chế Tấm, thái tử để phát ngôn ra rả như đọc bài.

Xem phim, không thấy được chiều sâu trong tình cảm của Tấm và thái tử để gọi là đồng cam cộng khổ hay đôi lứa thề nguyền sống chết chia lìa có nhau, cũng chả thấy được sự đấu tranh nội tâm hay dằn vặt của Cám khi buộc phải hãm hại chị mình hay giết thái tử. Cám cũng là một người yêu thái tử, lẽ ra khi bị thừa tướng ép buộc phải giết thái tử để bảo toàn mạng sống cô phải dằn vặt đau khổ và đấu tranh dữ dội mới làm được. Những điều này, cần có chiều sâu ở mặt phân tích tâm lý nhân vật và thể hiện qua một số chi tiết điểm nhấn trong phim để khán giả qua đó mới cảm được.

Rất tiếc, phim chỉ dừng lại ở mức kể lại một câu chuyện – theo lối hành văn tự sự và miêu tả, chứ chưa viết được ở cấp độ văn biểu cảm. Nói vụ này vì hồi đầu năm lớp 10 khi mới vào lớp chuyên Văn, đề văn đầu tiên cả lớp viết là: viết lại một đoạn trong truyện Tấm Cám bằng thể loại văn tự sự và miêu tả dưới góc nhìn của em. Và bài của mình là một trong những bài được cô đánh giá đặc sắc nhất lớp.

P/S: Ai có coi Chân Hoàn truyện hay Mị Nguyệt truyện của Tôn Lệ sẽ phát hiện Hạ Vi có nét rất giống Tôn Lệ, ngay cả tạo hình trong phim cũng khá giống.

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này."
- Gandhi

Theo dõi
Thông báo của
guest

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

0 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Bình luận để cảm ơn hoặc chia sẻ ý kiến của bạnx