Năm Tân Mão thứ 48, Tần Thủy Hoàng mất. Lúc bấy giờ, vua An Dương Vương Thục Phán đã tại vị được 50 năm, đóng đô ở thành Cổ Loa. Mùa đông năm ấy, Triệu Đà đem quân sang xâm lược Âu Lạc, bị An Dương Vương đem nỏ thần ra nã đạn, Đà chạy té khói.
Thua keo này bày keo khác, chính trị đấu không được nên Đà được đà lấy trớn chuyển sang cung đấu, phái con trai là Trọng Thủy cầu hôn con gái An Dương Vương là Mị Châu để thực hiện mục đích gài nội gián vào chốn thâm cung Âu Lạc, hòng chơi ván cờ thiên niên kỷ mà Mị Châu là con cờ then chốt. Lấy được chồng soái ca, Mị Châu trở nên mù quáng, bị Trọng Thủy dụ lấy nỏ thần cho coi rồi lén bẻ gãy lẫy nỏ, đánh tráo lẫy giả vào.
Vì tin chồng, Mị Châu hồn nhiên không thèm kiểm tra lại quốc bảo của Âu Lạc, để một phút mê trai làm triều cơ 50 năm đổ sụp. Mị bị cộng đồng miệng (các mẹ thiên hạ trong dân gian) lên án cả ngàn năm, bị An Dương Vương rút kiếm chém chết tại chỗ. Không biết bây giờ đầu thai sang mấy chục kiếp khác, Mị đã bớt mê trai chưa? Nếu đầu thai thành dân công sở đi làm văn phòng, lỗi của Mị được gọi là lỗi chủ quan.
Mô thức quen thuộc của lỗi chủ quan
Có lần mình giao cho một bạn nhân viên phụ trách việc in ấn thẻ VIP cho khách hàng. Bạn này sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách khách hàng ở cả hai vùng miền và in theo tháng, sau đó chuyển phát ra Hà Nội để các bạn tư vấn viên ngoài ấy gửi tận tay khách hàng. Một đợt nọ làm thẻ, do có một bạn tư vấn viên ở Hà Nội vào TP.HCM công tác nên nhân tiện bạn in thẻ mới bàn giao luôn số thẻ in trong tháng đó. Bẵng đi một thời gian sau, Sales team ở Hà Nội mới phát hiện bị thiếu một số thẻ VIP khiến vài khách hàng VIP nhận thẻ chậm trễ và phàn nàn, nhưng khi truy ra thì không biết nguyên nhân vì sao lại thiếu. Do bạn in thẻ sơ suất in thiếu hay do bạn tư vấn tiếp nhận làm thất lạc?
Ở tình huống trên, cả hai bạn đều mắc phải lỗi chủ quan. Bạn in thẻ khi bàn giao chỉ nói miệng; bạn nhận thẻ khi kiểm tra cũng chỉ xác nhận miệng. Lời nói gió bay, lên máy bay tới sân Nội Bài thì đã rớt lại Sài Gòn, có khi người nhận thẻ làm mất nhưng cũng có thể lật lọng gãy gọng đổ thừa rằng người in thẻ làm thiếu. Lúc đó, dẫu người in thẻ có làm đúng thì cũng bị mang tiếng oan. Dĩ nhiên gặp “quan tòa” công tâm thì khi không đủ bằng chứng kết luận, lỗi sẽ được chia đều cho cả hai bên cùng chịu trách nhiệm.

Cái sự chủ quan ở đây là bạn in thẻ quá tin tưởng người khác, và tự bạn nhận thấy rằng bàn giao vậy là ổn rồi, hết việc xong chuyện và không có gì phải lo lắng. Nhưng cái khách quan nằm ở chỗ phải có bằng chứng, vật chứng hoặc nhân chứng để xác thực việc bàn giao thẻ là một sự việc tồn tại khách quan:
- Bằng chứng, vật chứng: Cho ký phiếu xác nhận đã nhận đúng số lượng X thẻ đó, hoặc gửi một email thông báo tôi đã bàn giao bạn số lượng X thẻ đó rồi, bạn vui lòng xác nhận lại qua email.
- Hoặc nhân chứng: Có người thứ ba chứng kiến quá trình bàn giao thẻ và xác thực thông tin của cả hai bên.
Khi xác lập một sự việc khách quan như vậy, đố ai dám lật lọng làm phương hại được tới mình khi trong tay mình đã có đủ bằng chứng, vật chứng hoặc nhân chứng để đối chất trước “tòa”.
Một trường hợp khác, một bạn Lead Sales nhận trách nhiệm tổng hợp số thiệp viết tay tặng khách hàng VIP từ các nhân viên trong team để chuyển giao sang bạn Relationship Manager. Sự cố phát sinh khi một bạn nhân viên trong team quên gửi số thiệp của mình cho Lead Sales, nhưng bạn Lead Sales chủ quan tập 1 khi không kiểm tra lại số tổng mà đã bàn giao luôn cho Relationship Manager để gửi bên chuyển phát. Tới bạn Relationship Manager cũng chủ quan tập 2 nốt khi tin rằng bạn Lead Sales đã kiểm tra kỹ nên không double check lại số liệu trên danh sách thống kê có sẵn mà chuyển thẳng đi luôn.
Một chuyện tưởng là hi hữu, khó xảy ra nhưng cuối cùng vẫn xảy ra khi các đầu mối làm việc với nhau lơ là sơ hở. Ở khâu đầu tiên, nếu bạn Lead Sales đối chiếu số lượng thiệp tổng cần phải gửi cho khách hàng với số tổng thực nhận thì sẽ phát hiện được bị thiếu mất X bộ và sẽ hỏi lại trong team xem nhân viên nào gửi thiếu. Ở khâu thứ hai, nếu bạn Relationship Manager cũng đối chiếu lại số lượng thì sẽ dễ dàng phát hiện ra vấn đề và báo bạn Lead Sales bổ sung. Một lỗi nhỏ nếu phát hiện ngay từ đầu thì xử lý đã quá dễ dàng, nhưng đi qua hai bạn đều mắc lỗi chủ quan nên cuối cùng lỗi vẫn xảy ra.
Hóa giải mô thức
Giữa người với người, đặc biệt là khi làm việc ở chốn công sở, không nên làm việc bằng niềm tin, tin nhau bằng lời nói. Lời nói mà không có hành động chứng minh xác thực thì chỉ là lời chót lưỡi đầu môi. Lòng tin đặt không đúng chỗ, cuối cùng bạn sẽ là người đau khi bị phản bội. Có khi vì tin rồi nên mới ân hận, ân hận bởi vì đã trót tin.
Muốn không rơi vào lỗi chủ quan thì phải đặt câu hỏi: Làm sao để việc này khách quan hơn? Làm sao để bảo vệ chính mình trong tình huống xấu nhất xảy ra? Khi nghĩ được tới đó là bạn đã nhìn thấy rủi ro và biết cách để đề phòng rủi ro, bảo vệ cho chính mình.

Ở trường hợp của Mị Châu cũng vậy, vì quá chủ quan tin người nên Mị Châu mới gây ra tội nghiệt hại nước hại dân. Nếu Mị Châu đọc được bài này của Chơn Linh sớm thì đã hành xử khác đi rồi, lúc đó khi bàn giao nỏ thần cho Trọng Thủy sẽ đưa biên bản cho Thủy ký ngay và luôn.
Và đến lúc Trọng Thủy mượn rồi trả nỏ thần lại thì Mị Châu cũng phải kiểm tra kỹ càng, đúng y nguyên trạng thì mới xác nhận hàng họ còn nguyên vẹn. Ai đời cái lẫy nỏ là móng rùa thần Kim Quy mà cũng không phân biệt được với móng chân của ông Thủy thì thôi chớ.
“Ngồi trong đêm quạnh hiu, Mị tiếc thương cho số phận mình
Vì không nghe mẹ cha, em đã sa chân vào cạm bẫy
Chạy theo bao cuộc chơi, em mãi theo con đường tội lỗi
Thân xác em tôi không còn chi.”
(Chế theo lời bài hát “Nàng Kiều lỡ bước” – HKT)