Nhân một chiều quỡn rảnh, Chơn Linh cưỡi cân đẩu vân về núi Tà Lơn thì thấy một vị sư phụ dẫn theo một đệ tử lên núi ngắm cảnh. Tâm linh tương thông, vị sư phụ đó cho Chơn Linh biết đang tính dạy một bài học so deep cho đứa đệ tử này. Đi ngược sườn núi dẫn vào khu rừng, vị sư phụ dẫn người đệ tử đến trước một cái cây và hỏi:
– Con thấy cái gì trước mắt mình?
– Bạch thầy, con thấy cái cây to ở ngay trước mắt.
– Con thử bình tâm nhìn kĩ lại, xem còn thấy gì nữa không?
– Con thấy vỏ cây xù xì, có mấy con kiến đang bò nữa ạ.
– Con thử mở rộng tầm mắt của mình, xem còn thấy gì nữa?
– Con thấy cái cây này cao ghê đó thầy.
Đang ở trên núi dùng thiên nhĩ thông nghe lén câu chuyện, Chơn Linh nghe thấy mà tức á, mới bèn nói vọng xuống dưới núi:
– Cái cây nằm ở trong cánh rừng, ngoài cái cây còn có cái rừng mà nhìn banh con mắt nãy giờ hổng thấy à.
Bài học so deep vị sư phụ muốn dạy cho đệ tử ở đây là cái cây chỉ là một phần tử nhỏ nằm trong khu rừng, có mối liên kết dây mơ rễ má với nhiều cái cây đơn lẻ khác mới hình thành nên cánh rừng. Có nhiều người, vì thiển cận nên chỉ biết zoom in vào cái sờ sờ ngay trước mắt mà không nhìn thấy được bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn khi zoom out lại. Trong chốn công sở, Chơn Linh gọi đó là lỗi cục bộ.
Triệu chứng của lỗi cục bộ được biểu hiện qua 2 phương diện sau:
1. Phương diện cá nhân
Người hay mắc phải lỗi cục bộ là người có tầm nhìn bị giới hạn trong việc mình đang làm và thiếu tư duy liên kết để nhìn nhận một vấn đề trong mối tương quan với cả hệ thống.
Chẳng hạn, Chơn Linh giao một bạn nhân viên cập nhật lại logo mới cho một website. Nếu tư duy cục bộ, bạn này chỉ cần cập nhật xong logo cho website đó là xong nhiệm vụ. Nhưng đây mới chỉ là một cái cây, còn cánh rừng ở đây là gì? Bộ logo đó nằm rải rác trên nhiều website liên kết khác của công ty và trên các sản phẩm truyền thông, in ấn khác, khi cập nhật thì phải cập nhật một lần cho đồng bộ chứ không phải cập nhật cho một cái cây rồi bỏ quên nguyên phần còn lại của khu rừng.
Tương tự, có những bạn làm Design nhưng làm với tư duy cục bộ thì cách hành xử cũng y hệt, ví như bảo bạn đổi lại logo mới. Bạn đổi xong là thấy xong nhiệm vụ (cái cây), và không liên kết được tới việc trước đây là mình đã thiết kế nhiều sản phẩm hình ảnh, in ấn khác có liên quan tới bộ logo đó (khu rừng). Kết quả là, các bạn thường bị động đợi giao việc mới làm, thay vì chủ động hỏi sếp mình có cần đổi logo cho các sản phẩm kia luôn không.
Bạn nhân viên nào mà có được tư duy cánh rừng thay vì tư duy cái cây thì sếp là người đỡ khổ khi công việc trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Bạn sẽ biết liên kết những đầu mối có liên quan và xử lý nhiệm vụ một cách triệt để. Sếp chỉ cần bảo làm một chuyện, bạn tự biết ý tìm những chuyện có liên đới mà xử lý kèm theo. Gặp nhân viên có tư duy cái cây, sếp sẽ mệt mỏi đi nhặt sạn từ ngày này đến ngày khác, lâu lâu lại phát hiện ra chỗ này chưa sửa, chỗ kia chưa chỉnh.
– Sao em chỉnh cái này mà không chỉnh luôn những cái liên quan?
– Em đâu có nhớ nó liên quan. Anh muốn chỉnh cái nào thì phải nói em chứ.
Thuốc chữa bệnh cho nhân viên có tư duy cái cây:
- Khi triển khai một nhiệm vụ, hãy tự hỏi nhiệm vụ mới này có liên quan gì đến những nhiệm vụ trong quá khứ đã từng làm hay không? Nếu không nhớ nổi thì nên vẽ ra cái mindmap để tìm sự kết nối trong tâm trí.
- Khi tìm ra được những nhiệm vụ liên quan, hãy xem xét có cần cập nhật lại những yếu tố bị lỗi thời của nhiệm vụ cũ đó không? Nếu không chắc thì nên hỏi rõ lại sếp trước khi cập nhật.
2. Phương diện tập thể
Khu rừng là một hệ sinh thái bao gồm các cá thể, quần thể, quần xã có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cây rừng và giữa chúng với các sinh vật khác trong quần xã đó. Thảm thực vật trong rừng mà chết khô chết héo thì các loài động vật ăn cỏ cũng bị ảnh hưởng tới tánh mạng, và liên đới là các loài động vật ăn thịt cũng bị cạn kiệt nguồn thức ăn. Hệ sinh thái rừng lúc đó sẽ bị đứt gãy và chết dần chết mòn.
Trong chốn công sở cũng vậy, mỗi cá nhân là một cái cây trong một khu rừng lớn, trực thuộc một quần thể (team) tập hợp các cá thể cùng loài. Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao, ông bà mình còn dạy như thế. Nhân viên có tư duy cục bộ (cái cây) thì biết nghĩ tới chuyện của mình, việc của mình hay team mình, không bao giờ nghĩ rộng hơn tới việc mình đang làm có liên kết như thế nào với tập thể và có ảnh hưởng tới tập thể ra sao.
Ví dụ trong một sự kiện lớn của công ty tổ chức cho cả ngàn người tham dự, Chơn Linh phụ trách quản lý khu vực ngoài sảnh đón khách. Ở phía trước các bàn check-in có một cái thùng rác lớn, và hôm trước có ai ăn cơm hộp chưa dọn để nằm lăn lóc ngay bên thềm ngoài sảnh. Nếu tư duy như một cái cây, việc dọn rác là việc của lao công, hay việc của các bạn nhân viên trực bàn check-in, Chơn Linh là quản lý khu vực thì để tâm làm gì. Nhưng khi tư duy như một cánh rừng, Chơn Linh đi ra nhặt rác bỏ vào thùng để làm sạch cái sảnh đón khách hơn, và cũng giữ hình ảnh đơn vị tổ chức chuyên nghiệp của công ty trong mắt khách hàng.
Trong một sự kiện lớn, có rất nhiều bộ phận (quần thể) của công ty cùng tham gia tổ chức. Khi tư duy như một cái cây, nhân viên thuộc team nào chỉ nắm được giới hạn phần việc thuộc team đó, không hề ý thức được việc mình làm có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp gì tới các team khác. Team nào cũng nghĩ như vậy thì kết quả là “cha chung không ai khóc”, mẹ chung không ai nuôi và sự kiện bể banh chành tè le.
Chẳng hạn, nhiệm vụ của một bạn Sales là chăm sóc khách hàng, nhiệm vụ của một bạn Event là bán sách. Nhưng khi khách hàng tới mua sách mà bạn Event không có mặt ở đó, bạn Sales ngồi kế bên chứng kiến thì phải có trách nhiệm tìm xem bạn Event đang ở đâu để gọi về hoặc hỏi thăm khách hàng đang cần hỗ trợ gì, trong khả năng mình giúp được thì làm hộ phần việc của bạn Event. Đó là tư duy như một cánh rừng, còn tư duy như một cái cây thì bạn Sales ngồi im luôn và ngó lơ khách hàng, vì ủa đó đâu phải chuyện mình chịu trách nhiệm thì quan tâm làm gì?
Có rất nhiều việc, ta tưởng không liên quan đến mình nhưng thật ra nó liên quan hơn ta tưởng. Đôi khi chỉ vì một chút vô tư đến vô tâm, mà từ đó thành thiếu trách nhiệm với đồng nghiệp – những người vốn dĩ ta phải cùng tạo nghiệp với họ chứ không phải ta tạo nghiệp cho họ lãnh.
Thuốc chữa bệnh cho cá thể trong quần thể có tư duy cái cây:
- Khi đã nắm chắc nhiệm vụ của mình, hãy tự hỏi nhiệm vụ đó có liên quan gì đến các bộ phận khác? Mình có cần cập nhật thông tin cho đầu mối ở bộ phận khác nắm không?
- Khi thấy vấn đề phát sinh từ bộ phận khác, mà người ở bộ phận đó không thấy thì bản thân mình phải có trách nhiệm thông báo cho người quản lý bộ phận đó nắm thông tin.
Khi viết đến dòng này, Chơn Linh chợt nghĩ tới một câu hát có phần hơi sến sáo cháo mè (từ này tự chế chứ từ điển tiếng Việt không có):
“Khi nghĩ về một đời người
Tôi thường nhớ về rừng cây.
Khi nghĩ về một rừng cây
Tôi thường nhớ về nhiều người.”
Chơn Linh xin phép nhạc sĩ Trần Long Ẩn chế lời lại để kết cho phù hợp:
“Khi nghĩ về vài người
Họ thường thấy một cành cây
Khi nghĩ về một rừng cây
Tôi ước gì họ thấy được một vạt rừng.”