Nhớ năm xưa khi nhận thiệp mời tham dự hội bàn đào của Tây Vương Mẫu, Chơn Linh từng chứng kiến trận đại náo thiên cung chấn động lịch sử tam giới của Tôn Ngộ Không. Theo lời bên bộ phận HR trên thiên đình kể lại, Tôn Ngộ Không vốn dĩ là một người tài tại Hoa Quả Sơn, nên được headhunter Thái Bạch Kim Tinh xuống chiêu mộ cho vị trí Bật Mã Ôn. Ai ngờ Ngộ Không phát hiện vị trí này tuy là manager của một team lớn nhưng team toàn… ngựa nên khiến lão tôn nổi điên “bùng việc” bỏ về Hoa Quả Sơn và livestream trên mạng xã hội tam giới tố cáo thiên đình với hashtag #thiendinhkhongtrongdungnguoitai.
Ngọc Hoàng mới sai hai cảnh sát mạng tam giới là Lý Thiên Vương và Na Tra xuống mời Ngộ Không lên trời lập biên bản hành chính nhưng bị Ngộ Không đánh một trận tan tác. Vì muốn dập cơn bão truyền thông nên cuối cùng CEO Ngọc Hoàng chịu nhượng bộ gửi offer letter mời Tôn Ngộ Không lên đảm nhận vị trí mới với title rất kêu – Tề Thiên Đại Thánh.
Vị trí Tề Thiên Đại Thánh vốn dĩ rất nhàn, việc nhẹ lương cao, Tôn Ngộ Không cả ngày chỉ có ăn ngủ rồi giữ vườn đào Trường Thọ, không phải quản lý nhân viên mà ngày nào cũng có một bầy tiên nữ tới ca múa hát xướng giải trí trong vườn đào. Tới year end party, biết tánh Tôn Ngộ Không đâu có thích chị chị em em xã giao thảo mai với thần tiên khác (lỡ ai nói gì phật lòng Ngộ Không lấy gậy như ý đập phát đi luôn) nên Ngọc Hoàng không mời dự tiệc.
Hậu quả là đại tiệc ở thiên cung năm đó đi vào lịch sử tam giới và được hậu thế đưa lên màn ảnh nhỏ tới màn ảnh rộng với không biết bao nhiêu phiên bản. Những người như Tôn Ngộ Không ở chốn công sở sẽ được xếp vào nhóm lỗi cảm tính vì cách hành xử bồng bột của họ. Sau đây là chẩn mạch vài triệu chứng của lỗi cảm tính.
1. Không làm chủ được cảm xúc
Trong cuộc sống, bạn có thể buông thả cảm xúc của mình sao cũng được, không ai để tâm, ngoại trừ những người quan tâm đến bạn như gia đình, bạn bè. Còn trong công việc, cảm xúc của bạn là thứ thể hiện ra ngoài mặt, nếu không biết làm chủ cảm xúc thì bạn không khác nào một ngọn núi lửa luôn chực chờ bùng nổ mà chẳng ai dám đến gần.
Nhiều người không ý thức được ranh giới giữa công việc và cuộc sống, đôi khi đem những buồn bực, ẩn uất trong đời sống cá nhân lên chốn công sở, để rồi ngồi 8 giờ làm việc với bản mặt cau có khó ở. Ai vô tình va chạm với bạn trong công việc dù chỉ một chuyện nhỏ thôi cũng có thể khiến bạn nổi đóa lên giận đùng đùng và nộ khí xung thiên không khác gì Tề Thiên Đại Thánh.
Như mình từng làm việc với một em designer, mình đến bàn làm việc của em để trao đổi về một thiết kế mà em hiểu chưa đúng brief của mình. Cả hai bên đều gặp lỗi giao tiếp khi hiểu nhầm ý đối phương trong quá trình thực thiện thiết kế đó (câu chuyện mình đã kể ở Tập 2 – Lỗi giao tiếp). Mình muốn nói ý A nhưng em lại hiểu thành ý B và làm thành thiết kế B, nói chuyện qua lại một hồi tự nhiên em lại nổi cáu lên, nói to tiếng và quát lên với mình: “Bây giờ sai thì làm lại được rồi chứ gì! Nói nhiều mệt quá!!!”.
Nếu là người không biết làm chủ cảm xúc, có thể mình đã quát thẳng vào mặt em vì là nhân viên mà dám to tiếng cãi nhau với sếp ngay giữa văn phòng. Nhưng nếu sự việc diễn tiến như vậy và em không kiềm chế được cảm xúc ngay lúc ấy thì không ai biết hậu quả sẽ bùng phát như thế nào. Không ai muốn kết quả xấu đó xảy ra cả, nên mình chọn cách kết thúc cuộc nói chuyện một cách nhẹ nhàng khi cả hai không tìm được điểm tương đồng, và đi ra chỗ khác để em hạ hỏa, sau đó mới lựa thời điểm thích hợp để nói chuyện với em sau.
Sau này mình mới biết được, thời điểm đó em đang bị trầm cảm vì đời sống cá nhân bế tắc nên đem cảm xúc buồn bực đó vào công việc khi đi làm mỗi ngày. Khi hiểu ra thì mình có sự thông cảm với em hơn, nhưng về cách hành xử của em hôm đó thì mình vẫn không đồng tình.
Cảm xúc vốn dĩ có tính lây lan, một người cười thì những người xung quanh đều thấy vui vẻ, một người khó chịu khó ở thì không khí trong phòng cũng bị ảnh hưởng. Trong môi trường công sở, nếu bạn đến làm việc mà cứ suốt ngày trưng ra bộ mặt đưa đám thì rất ảnh hưởng đến cảm xúc của những người xung quanh bạn. Dù biết là ngày ngắn đêm dài ai cũng đôi lần gặp chuyện không vui trong đời, nhưng có ai đi làm mà suốt ngày đều không vui thì thôi… nghỉ ở nhà chắc vui hơn.
Thuốc chữa bệnh:
- Luyện cho mình một tâm thế khi bước chân vào công sở thì bỏ lại sau lưng những cảm xúc tiêu cực cá nhân để an vui khởi đầu một ngày làm việc mới. Đó chính là tinh thần kính nghiệp.
- Khi ngọn “hỏa diệm sơn” trong lòng bạn chuẩn bị bộc phát, chạy ngay ra toilet để nhìn bản mặt cau có của mình trong gương. Lúc đó bạn hạn chế được một cuộc cự cãi vì nhìn mặt mình trong gương thấy ghê quá cũng tự biết bình ổn cảm xúc lại.
2. Không chấp nhận được khi bị phê bình
Trong công việc, chuyện nhân viên làm sai bị sếp la hay đồng nghiệp phàn nàn là hết sức bình thường. Người lý tính trước hết họ sẽ tìm hiểu mình sai ở đâu, vì sao lại sai, sếp phê bình mình như vậy có hợp lý không? Nhưng gặp những người cảm tính thì họ sẽ phản ứng một cách cực đoan với lời phê bình đó, có khi cự cãi tới cùng với sếp. Họ không thể nào chấp nhận được chuyện mình bị chê và rất dễ tự ái khi bị phê bình.
Đặc điểm nhận diện những người cảm tính là họ có cái tôi cao ngút ngàn y như Tề Thiên Đại Thánh, thường tự cao về bản thân và ai nói động chạm gì tới cái tôi của họ thì họ sẽ không cần biết trời cao đất dày là gì. Nhóm hướng ngoại thì có thể “xả lũ” cãi lại tay đôi bất chấp đối phương là sếp hay đồng nghiệp. Nhóm hướng nội thì im lặng tiếp nhận lời phàn nàn, nhưng bằng mặt mà không bằng lòng, sau đó ở sau lưng sẽ đi nói xấu sếp, nói xấu đồng nghiệp để xả cục tức.
Khi quản lý một team Sales có nhiều bạn hướng ngoại và cá tính mạnh, mình từng vấp phải nhiều lần xung đột với các bạn mỗi lần xử lý vi phạm. Theo chính sách của công ty, nhân viên Sales nào làm sai sẽ bị báo cáo vi phạm và bị phạt tiền theo một mức phạt tương ứng. Nếu ai làm sai, bị phạt cũng vui vẻ chấp nhận chịu phạt thì không có gì để nói, đằng này có những bạn mỗi khi làm sai, bằng chứng rõ rành rành nhưng vẫn không chấp nhận được chuyện bạn SAI và tranh chấp tới cùng để bảo vệ… cái sự ĐÚNG một cách vô lý của bạn.
Tâm lý chung của những người cảm tính khi bị phê bình đều nghĩ là mình bị đánh giá thấp, bị xem thường, bị hiểu sai lệch về con người thật sự của mình. Mình tốt lắm, mình giỏi lắm, mình có năng lực dữ lắm, không có được chê mình như vậy. Nhưng phải tạt một gáo nước cho bạn tỉnh lại, vì cái người ta chê ở đây là tư duy, cách hành xử, hành động sai lầm đó của bạn trong nhiệm vụ đó chứ người ta không đánh giá tổng thể năng lực hay con người bạn luôn dở, luôn sai, mà chỉ có bạn tự kết luận như vậy.
Một sự việc, hành vi bạn làm sai ở một thời điểm không nói lên con người sẽ sai toàn tập, hay không phản ánh bạn sẽ luôn sai ở mọi thời điểm. Vì “nhân vô thập toàn”, ai cũng có lúc sai, có sai sót cũng là chuyện thường tình, và sai sót giúp người ta học hỏi được nhiều kinh nghiệm hơn. Nếu đã sợ không muốn bị phê bình thì tốt nhất không nên làm sai, cần học cách cẩn thận hơn trong công việc của mình.
Trong một câu chuyện có thật mà mình được nghe người trong cuộc kể lại, một bạn manager để xảy ra một lỗi ngớ ngẩn về chuyên môn (mà lẽ ra có thể tránh được) nên bị anh sếp trực tiếp của bạn mắng cho:
– Sao em làm ngu quá vậy?
Nghe chửi như vậy khiến bạn tự ái và nổi đóa lên bật lại:
– Anh, em là quản lý của một team, anh không được chửi em ngu như vậy. Anh nói như vậy là đang xúc phạm em!!!
– Anh thấy em bám chấp vào câu chữ quá. Cái anh nói ngu ở đây là tư duy và cách làm của em trong sự việc này, vì em làm ngu nên mới ra kết quả sai be bét như vậy. Em có công nhận điều đó không?
– Em… công nhận.
– Nếu em làm khôn hơn thì đâu bị chửi ngu, và cái anh chửi là ở giới hạn một sự việc này chứ không kết luận về con người của em là ngu cả người. Làm việc tỉnh táo và suy nghĩ bằng cái đầu lạnh nha em.
– Dạ, đa tạ anh đã chỉ điểm.
Thuốc chữa bệnh:
- Lời phê bình là một động lực mạnh mẽ để giúp bạn lột xác trở thành một phiên bản khác tốt hơn của chính mình. Cố gắng làm tốt hơn mỗi ngày để chứng minh cho người chê bạn thấy bạn cũng không phải dạng vừa đâu và có ngày phải bất ngờ vì những gì bạn làm được.
- Hãy tốt đến mức không ai dám phàn nàn bạn, để dù người khác có cố gắng vạch lá tìm sâu làm khó dễ bạn bằng một lời phàn nàn thì khi thốt ra những lời đó bản thân họ cũng thấy ngượng mồm vì nói ra thấy sượng trân.
- Mở lòng đón nhận lời phê bình thì tâm thế cũng sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. “Sếp chửi em đúng quá! Sếp chửi em nhiều nữa đi. Em xin rửa tai lắng nghe.”
Trong trận đại náo thiên cung năm đó, Ngọc Hoàng phải cầu viện đến Phật Tổ Như Lai giúp đỡ. Phật Tổ đánh cược với Ngộ Không rằng dù Ngộ Không đi đến đâu apply cũng sẽ không thể thoát khỏi lòng bàn tay Phật. Vừa nghe khích tướng, Ngộ Không cưỡi cân đẩu vân nhào lộn một cái trên một vạn tám ngàn dặm, bứt một nhúm lông hóa phép rải ra tám ngàn cái CV khắp tam giới và chọn phỏng vấn ở một công ty xa xôi nhất dải ngân hà.
Vừa bước vào phòng phỏng vấn, Tôn Ngộ Không tá hỏa khi người ngồi trước mắt mình là Phật Tổ Như Lai. Hóa ra ngài chính là “cá mập lớn” (big shark) – người đã đầu tư vào hàng trăm vạn công ty lớn nhỏ khắp tam giới nên dù Ngộ Không có đi đến đâu cũng không thoát khỏi lòng bàn tay của Phật. Nhìn vẻ mặt hốt hoảng của Ngộ Không, Phật mới mỉm cười:
“Có tài mà cậy chi tài
Chữ tâm kia mới bằng một… chữ tâm”