
Ở miệt Đồng Tháp Mười, có ông bá hộ Tuất là một đại hào phú giàu nức tiếng Nam kỳ lục tỉnh. Ruộng vườn của ông bạt ngàn nên thường cho đám tá điền đến canh tác ruộng đất cho mình và trả công bằng giạ (cân) thóc sau mỗi vụ. Hai Lành và Ba Lém là hai anh tá điền làm thuê cho bá hộ Tuất, nhưng Hai Lành luôn được trả công nhiều hơn khiến Ba Lém trong lòng sinh đố kỵ.
Một lần, tới kỳ lãnh công Ba Lém mới mạo muội hỏi bá hộ Tuất:
– Bẩm ông, tôi với thằng Hai Lành cùng nhận mỗi người một sào ruộng giống như nhau, cớ sao tới vụ thu hoạch nó được trả công tới 20 giạ thóc còn tôi chỉ có 10 giạ?
Bá hộ Tuất mới trả lời:
– Một sào ruộng trung bình năng suất một vụ là 150 giạ thóc. Thằng Hai Lành một vụ thu hoạch được 200 giạ thóc còn mày chỉ thu được 100 giạ thì trả công như vậy là công bằng rồi chứ mày còn so bì nỗi gì?
– Bẩm ông, nắng mưa là chuyện của trời, làm nông thì phải canh chuyện thiên thời địa lợi, tôi với thằng Hai Lành cũng mần ruộng như nhau nhưng trời thương nó nên năng suất lúa nó tốt hơn bên ruộng tôi chứ tôi đâu kiểm soát được.
Nghe Ba Lém nói vậy, bá hộ Tuất mới kêu Hai Lành ra nói chuyện:
– Thằng Hai Lành một vụ mày nhổ cỏ trên ruộng mấy lần?
– Bẩm ông, một vụ mần lúa con nhổ cỏ hai lần, một lần đầu vụ khi đã dặm lúa và mạ đẻ nhánh, và một lần giữa vụ khi lúa đã trổ. Khi nhổ cỏ phải nhổ tận gốc và nhổ sạch trên ruộng thì lúa mới mọc tốt được. Ông bà mình cũng có dạy “Công cấy là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”.
Nghe tới đây Ba Lém im thin thít vì biết nguyên nhân vì sao năng suất lúa trên ruộng mình kém hơn. Bá hộ Tuất mới nói:
– Mày thấy chưa Ba Lém, thằng Hai Lành nó mần ruộng kỹ tánh như vậy còn mày thì sao? Đầu vụ nào tao cũng dạy cho tụi tá điền phải nhổ cỏ, tới khi xuống thăm ruộng thì y như rằng… cái ruộng cỏ không, không cỏ nhiều thì cũng cỏ lác đác chỗ này chỗ kia, nhổ gì mà nhổ không tới bến. Làm ăn không có tâm vậy hỏi trời nào thương tụi bây?
Ở chốn công sở, những anh tá điền mần ruộng như Ba Lém dính phải một lỗi mà đa số chủ doanh nghiệp đều ưa hổng nổi – lỗi trách nhiệm.

Tư duy làm thuê
Trong câu chuyện kể trên, bá hộ Tuất vốn là chủ ruộng lúa nên rất quan tâm tới đất đai của mình, mỗi một đợt tuyển tá điền đều phải tiến hành “training” bài bản quy trình mần ruộng để đảm bảo năng suất của mỗi vụ thu hoạch. Bá hộ Tuất vốn là chủ nên ông sẽ tìm mọi cách để chăm chút cho đất đai của mình, và kỳ vọng ruộng lúa nào cũng đạt năng suất cao nhất. Bá hộ Tuất cũng là đại diện cho chủ doanh nghiệp thời @, ông ta sẽ biết mình cần phải làm gì mà không cần ai phải nhắc nhở hay giám sát.
Nhưng những anh tá điền như Ba Lém thì không có mối quan tâm đó vì đó không phải là ruộng của anh ta, mà anh ta chỉ là người làm thuê đến cuối vụ rồi lãnh công. Tư duy của Ba Lém được gọi là tư duy làm thuê – chủ trả công bao nhiêu thì làm bấy nhiêu, làm hết 8 tiếng rồi đi về, có người giám sát thì tỏ ra làm việc rất nghiêm túc nhưng không có ai giám sát thì có khi làm 5 tiếng ngồi chơi hết 3 tiếng.
Những người có tư duy làm thuê đi làm với tâm thế rất hồn nhiên không vướng bận, công ty làm ăn ra sao không liên can gì tới mình, làm ăn được thì mình hưởng ké, làm ăn kém thì thôi mình đi tìm chỗ khác tốt hơn nhảy việc. Tâm thế của họ là tâm thế của người làm công ăn lương, làm vừa đủ việc lương vừa đủ xài chứ không toàn tâm toàn ý thật sự cho công việc.
Triệu chứng nhận diện những người có tư duy làm thuê (hay lỗi trách nhiệm) là họ không bao giờ dám đứng ra nhận trách nhiệm về mình mà luôn tìm cớ thoái thác, làm càng ít việc càng tốt, làm thì không việc nào đến chơi đến chốn. Họ không có trách nhiệm phải lo lắng cho công ty, cho sếp hay đồng nghiệp mà chỉ tập trung lo cho bản thân mình.

Trong team mình từng quản lý có bạn nhân viên nọ xin nghỉ phép vì lý do cá nhân, mà xin trúng đợt trong team đang có nhiều việc phải làm. Tới hôm đi làm lại, có cả tá việc của bạn còn tồn đọng cần phải giải quyết cho kịp tiến độ, ấy vậy mà lúc mình vô tình đi tới bàn của bạn để trao đổi công việc thì thấy bạn đang bật chế độ toàn màn hình chơi game tỉnh bơ. Khi thấy mình xuất hiện thì bạn cuống cuồng tắt màn hình game đi. Mình cũng giả vờ như không thấy gì để giữ thể diện cho bạn, nhưng không tài nào hiểu được trong khoảnh khắc đó bạn suy nghĩ gì mà có thể bình thản chơi game trong khi bao nhiêu bạn khác trong team đang chạy tất bật với một núi việc trên đầu.
Một bạn kế toán khác trong công ty, trước khi bị cho nghỉ việc vì gian lận tài chính thì bạn cũng bị các sếp phát hiện qua camera giám sát là bạn luyện phim bộ trong giờ làm việc. Do khu vực bạn ngồi trong góc khuất nên không ai kiểm soát được bạn đang làm gì, và giai đoạn trước khi nghỉ thì ngày nào bạn cũng luyện phim bộ miệt mài, còn báo cáo kế toán thì làm qua loa đại khái, nhập số khống, báo cáo sai mà cuối tháng vẫn tà tà lãnh lương.
Ở cấp độ nhẹ hơn, lỗi trách nhiệm biểu hiện ở một số hành động rất dễ nhận diện qua một số nhân vật trong công ty. Ai là anh chàng đi về chẳng bao giờ nhớ tắt điện hay tắt máy lạnh, vì tiền điện là tiền công ty chứ đâu phải tiền của anh ta. Ai là cô nàng dùng phòng họp viết bảng đã đời rồi dùng xong không bao giờ lau bảng, để người sau vào dùng thì tự lau. Hay một việc gì đó sếp nhờ, nếu không thấy có lợi lạc gì cho mình thì luôn tìm cớ thoái thác để không phải làm.
Tư duy làm chủ
Ngược lại với tư duy làm thuê là tư duy làm chủ, hay còn được gọi là tư duy sở hữu (ownership). Như anh chàng Hai Lành, mặc dù chỉ là tá điền làm thuê không khác gì Ba Lém nhưng anh có tư duy làm chủ ở chỗ xem mảnh ruộng đó như ruộng của mình, anh làm hết trách nhiệm và hoàn toàn chủ động trong mọi việc để đảm bảo năng suất lúa vào cuối vụ chứ không phải làm chỉ để lãnh công.
Người có tư duy làm chủ chốn công sở cũng vậy, họ xem công ty của chủ y như công ty của mình, dù họ chẳng phải là cổ đông. Khi làm việc, họ có tinh thần xông pha dẫn đầu, biết chủ động nhận lãnh trách nhiệm về phần mình và đã làm thì làm đến nơi đến chốn. Chuyện không liên quan đến mình nhưng khi công ty cần thì họ sẵn sàng làm hết mình không nề hà gì cả và xem đó là cơ hội cho họ học hỏi.
Bạn có bao giờ thử nghĩ, có cái trường học nào lạ đời mà mình vừa được học vừa được trả tiền, đã vậy còn không phải đóng học phí? Cái trường đó chỉ có ở công sở, hay còn gọi là trường đời.

Trong một đợt công ty cũ của mình tổ chức training nội bộ cho nhân viên, quá trình training kéo dài 4 ngày từ thứ Năm đến Chủ nhật nên hầu hết nhân sự làm ở văn phòng (ngoại trừ đội Sales) đều sẽ nghỉ 2 ngày làm việc chính thức là thứ Năm và thứ Sáu. Với những bạn nhân viên bình thường có tư duy làm thuê, khi được thông báo nghỉ là nghỉ tẹt ga theo kiểu vứt hẳn công việc sang một bên không thèm quan tâm, đợi thứ Hai đi làm lại rồi xử lý sau.
Riêng một số bạn với tư duy làm chủ thì cách xử lý của các bạn này hoàn toàn khác hẳn. Từ trước thời gian nghỉ, các bạn đã sốt sắng chuẩn bị trước mọi kế hoạch và lo chạy deadline càng sớm càng tốt để không bị ảnh hưởng, những việc nào chưa gấp các bạn dời sang tuần sau để ưu viên việc nào gấp hơn. Khi làm xong đâu vào đó thì các bạn báo cáo lên cho mình nắm để an tâm rằng mọi việc vẫn đang chạy ổn kể cả khi có nghỉ 2 ngày.
Đối với những ai lên đến nấc thang quản lý trong sự nghiệp, may mắn nhất là khi bạn có duyên được làm việc với những nhân viên có tư duy làm chủ. Khi đó, công việc của người quản lý trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều khi mọi đầu việc đều có người chịu trách nhiệm và đảm bảo vận hành trơn tru. Giao việc cho những bạn nhân viên này thì quản lý rất an tâm vì trách nhiệm và cái tâm làm nghề của họ.
Trái lại, quản lý mà gặp phải team toàn những bạn có tư duy làm thuê thì lúc đó công ty không khác nào nhà trẻ, suốt ngày phải đi đốc thúc và giám sát công việc, chạy theo dí người này tới người kia mệt bở hơi tai, bởi nếu không kiểm soát thì một là mọi thứ ì ạch trì trệ, hai là hỗn loạn như một bãi chiến trường.
Đợt công ty cũ của mình đi du lịch cuối năm, một bạn trong team xin phép không đi mà nghỉ ở nhà, tuy nghỉ phép nhưng vẫn được công ty trả lương vì đó là lựa chọn của bạn. Lúc đi có một việc quan trọng phát sinh, mình mới nhắn cho bạn trên Messenger (thay vì mạng làm việc nội bộ vì có thể bạn sẽ không xem) nhờ bạn kiểm tra xử lý việc đó sớm. Kết quả sau 4 ngày đi về, bạn seen tin nhắn nhưng việc thì để đó không thèm làm, khi mình hỏi thì bạn trả lời rằng ngày nghỉ nên không để ý điện thoại. Những lúc khẩn cấp vốn dĩ là cơ hội để trổ mặt anh tài, mà gặp phải những bạn có tư duy làm thuê kiểu này thì thôi xác định không phải anh tài có thể nhờ cậy được cho việc lớn sau này.

Khái niệm “owner” trong tư duy sở hữu (ownership) còn có nghĩa là người làm chủ đầu việc. Họ là đầu mối xử lý mọi việc, trả lời mọi câu hỏi liên quan, và khi gặp một vấn đề phát sinh ngoài dự kiến thì họ sẽ biết tìm người liên quan để hỏi và giải quyết. Giống như bạn làm chủ một công ty, bạn sẽ biết Trưởng phòng Kế toán là ai, Trưởng phòng Marketing là ai và khi có một nhiệm vụ thì bạn sẽ biết phân bổ về phòng ban nào. Người có tư duy làm thuê thì hay giới hạn phạm vi công việc của mình, thường chỉ quan tâm tới việc mình phụ trách chứ không để tâm chuyện của đồng nghiệp phòng mình hay phòng ban khác ra sao, ngoại trừ chuyện bà tám bên lề thì rành sáu câu vọng cổ.
Một bạn Customer Care thuộc team mình quản lý khi sử dụng hệ thống CRM (chăm sóc khách hàng) thì gặp phải vấn đề hệ thống bị lỗi, mà hệ thống này vốn do bộ phận IT phụ trách về mặt kỹ thuật. Bạn báo lỗi về mình nên mình mới hỏi bạn:
– Em gặp lỗi hệ thống thì báo về anh để làm gì?
– Dạ em báo về anh để anh nắm thông tin và báo IT kiểm tra lại ạ.
– Em có biết hệ thống CRM cho team IT quản lý không?
– Dạ biết.
– Vậy sao em không báo lỗi trực tiếp cho team IT xử lý luôn rồi báo lại anh kết quả là được, chứ báo qua anh chi rồi anh lại phải đi báo IT lòng vòng vậy?
Tình huống của bạn nhân viên trên gặp phải hai lỗi là lỗi báo cáo và lỗi trách nhiệm. Lỗi báo cáo ở chỗ bạn chỉ báo cáo vấn đề và chờ đợi quản lý xử lý, còn lỗi trách nhiệm là bạn thiếu chủ động trong việc xác định đầu mối giúp bạn giải quyết được vấn đề mà đẩy trái bóng “trách nhiệm” sang cho quản lý làm thay bạn.
Với những bạn chưa có nhiều kinh nghiệm giao tiếp công việc hiệu quả thì quy trình xử lý tình huống trên cần đi qua các bước sau:
- Làm rõ với quản lý về mặt quyền hạn: Khi gặp lỗi hệ thống thì em có được báo lỗi trực tiếp với bộ phận IT không hay phải thông qua quản lý? => Nhiều khi nguyên tắc giao tiếp giữa các phòng ban phải do trưởng bộ phận đại diện báo nên việc bạn tự ý báo sẽ vi phạm nguyên tắc.
- Khi xác định rõ quyền hạn từ trước, bạn sẽ biết đối tượng bạn cần báo lỗi về là ai và sẽ làm việc trực tiếp với người đó.
- Khi hoàn tất việc báo cáo, cập nhật cho người quản lý nắm được thông tin.
- Theo dõi tiến độ bên IT đã xử lý được lỗi đó chưa và cập nhật cho quản lý kết quả cuối cùng.
Khi tư duy làm chủ, tất nhiên bạn sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức hơn khi tư duy làm thuê, bởi người tư duy theo kiểu làm thuê thì khi gặp lỗi hệ thống như trên thường họ sẽ im luôn vì đâu phải chuyện của mình, đợi đứa khác phát hiện thì nó đi báo cáo, mình dây dưa vào làm gì cho mất công nhọc lòng. Nhưng những bạn có tư duy làm chủ khi tỏa sáng trong những dịp như vậy thì mới được sếp để ý và biết đến, từ đó sẽ có thiện cảm với bạn hơn và dành thời gian kèm cặp, đào tạo bạn để ra được một viên ngọc quý nơi công sở.

Đa số mọi người đều nghĩ rằng phải đợi đến khi mình làm chủ thật sự mới cần học tư duy làm chủ, nhưng tư duy làm chủ vốn dĩ là thứ cần phải học và rèn luyện trước khi bạn thật sự lãnh đạo một team hay một công ty. Lẽ vậy mới có những trường hợp một người được đề bạt vào vị trí quản lý một phòng ban, nhưng vốn không có tư duy làm chủ từ nền tảng thì phòng ban đó sau một thời gian cũng rối nùi.
Thuốc cho tư duy làm thuê chính là tư duy làm chủ, nhưng để chuyển đổi được từ tư duy làm thuê sang tư duy làm chủ là một quá trình không mấy dễ dàng. Trên thực tế, tư duy sở hữu (ownership) là một dạng tố chất sẵn có, khó có thể học được khi bạn vốn dĩ không có, giống như có một số bạn khi yêu cũng có tâm lý sở hữu và kiểm soát người yêu của mình, một số khác thì không. Và việc nói họ bỏ cái tâm lý sở hữu đó đi là chuyện khó có thể làm được một sớm một chiều, cho đến khi họ va vấp trong tình cảm và phải nhận lấy bài học thì mới lãnh hội được.
Tương tự, tư duy làm chủ cũng là thứ ai không có tố chất sẵn thì sẽ khó học được cho tới khi thật sự làm chủ một team hay một công ty. Lúc đó tự khắc họ sẽ ngộ ra bài học xương máu khi làm việc với một nhóm toàn nhân viên với tư duy làm thuê. Tuy nhiên, nhận thức được tư duy làm chủ và tư duy làm thuê ngay từ sớm cũng sẽ giúp bạn chuyển đổi tư duy sao cho phù hợp khi đối mặt với các tình huống nơi công sở.

Khi xem chốn công sở như trường học, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng khi mình có được một môi trường tốt để học và tích lũy vốn liếng sự nghiệp, vì chỉ duy nhất ở “trường công sở” thì bạn mới vừa được học vừa được trả tiền, làm sai thì có người chịu hậu quả cho và còn được chỉ bảo làm sao cho đúng. Ngược lại, nếu xem công sở như một nhà tù, ngày ngày như tù nhân đi đến 8 tiếng chấm công rồi đi về, vừa làm vừa đếm giờ trôi qua thật mau thì mỗi ngày đi làm chỉ có stress chồng thêm stress.
Dĩ nhiên không phải mọi môi trường công sở nào cũng tốt, khi bạn cống hiến hết mình mà không nhận lại được sự đền đáp xứng đáng thì sao? Tâm thế như thế nào thì thái độ và cách hành xử như thế đó. Người có tư duy làm chủ sẽ luôn có tâm thế tích cực, họ biết bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt linh tinh và biết trân trọng những cái được của công ty hơn là những cái chưa được (thực tế không có công ty nào hoàn hảo và đủ tốt về mọi mặt cho tất cả mọi người).
Nếu cảm thấy công ty không còn đủ tốt, không còn gì có thể học được, họ cũng sẽ nhẹ nhàng rời bỏ vì biết rằng còn rất nhiều nơi khác sẵn sàng chào đón họ. Trong khi đó, người có tư duy làm thuê chỉ biết ngồi một chỗ càm ràm, nói xấu, than phiền đủ thứ về sếp và công ty mà cuối tháng vẫn cứ tỉnh bơ lãnh lương thì cả đời đi làm họ cũng sẽ chỉ quẩn quanh một chỗ mà không được ai tin dùng.
Nghe đâu Hai Lành sau mấy năm làm việc cho bá hộ Tuất cũng tích lũy được cho mình một số vốn liếng và mua được một mảnh đất riêng để mần ruộng, từ đó anh lên đời từ tá điền thành địa chủ. Còn Ba Lém một năm sau đó cũng nghỉ việc, anh nhảy việc sang bên bá hộ Mão ở miệt Tiền Giang, và cũng tiếp tục sự nghiệp làm tá điền nhiều năm về sau.