Trong series Emily in Paris phần 2 mình xem gần đây, có một sự khác biệt văn hóa rất thú vị giữa người Pháp và người Mỹ. Cho những ai chưa xem phim thì Emily là một cô nàng người Mỹ chính hiệu, làm việc cho một agency quảng cáo toàn cầu chuyên phụ trách những nhãn hàng cao cấp. Emily được công ty mẹ cử sang chi nhánh tại Pháp làm việc trong một năm, và tại đây cô bắt đầu gặp những tình huống dở khóc dở cười vì sự khác biệt văn hóa giữa người Pháp và người Mỹ. Một trong những khác biệt đó là ở Pháp có luật quy định không được làm việc cuối tuần. Với người Pháp cuối tuần là để nghỉ ngơi và tận hưởng chứ không phải để làm việc, dù cho bạn đang làm ở một agency – nơi nổi tiếng là không có thời gian nghỉ.

Vốn quen với văn hóa làm việc kiểu Mỹ, Emily đã kết hợp một chuyến đi 3-trong-1 vào cuối tuần: vừa thăm thú thị trấn ven biển St. Tropez của Pháp, vừa đi chơi với đối tác (có tình ý với cô) để mượn cớ bàn chuyện công việc, vừa đặt lịch ở một nhà hàng là đối tác liên kết với nhãn hàng bên cô để xem họ triển khai chiến dịch quảng cáo thực tế như thế nào. Ai ngờ rằng khi tới nhà hàng ở St. Tropez, Emily mới phát hiện chủ nhà hàng chính là chồng của sếp cô, Sylvie. Và Emily bị sếp nhắc nhở vì cô đang vi phạm luật không làm việc cuối tuần ở Pháp. Nhiều lần khác, Emily cũng bị sếp và đồng nghiệp nhắc thẳng thừng chuyện cô không được nhắn tin hay gọi điện cho họ vào buổi tối hay cuối tuần, nếu có liên hệ thì họ cũng sẽ mặc định không trả lời.

Thói quen làm việc bất kể thời gian nghỉ ngơi của Emily, một đặc trưng trong văn hóa làm việc của người Mỹ mà một số shark tank Việt Nam từng cổ xúy, được mình xếp vào nhóm lỗi thời điểm. Một lỗi tương đối phổ biến ở người trẻ khi mới đi làm, nhất là một bộ phận gen Z.

Bắt mạch lỗi thời điểm

Có bao giờ bạn đã trải qua tình huống khi bạn đang ngồi ăn trưa, hoặc buổi sáng một ngày cuối tuần như Chủ nhật, hay vào một kỳ nghỉ lễ tươi đẹp, đột nhiên bạn nhận được email hay tin nhắn công việc từ đồng nghiệp hay đối tác? Khoảnh khắc ấy, đột nhiên phá tan quãng thời gian nghỉ ngơi thanh bình yên ả bạn đang trải qua và làm bạn hết sức bực mình. “Người đâu mà chẳng ý tứ gì cả…”

Ngay chính mình đây, mới sáng sớm hôm nay – khi vẫn còn ở trong kỳ nghỉ lễ Tết dương lịch – vừa mới mở mắt ra check điện thoại thì mình đã nhận được một email công việc từ đồng nghiệp. Rõ có chán không chứ!

Vấn đề lớn nhất của những người mắc phải lỗi thời điểm là họ xem chuyện gửi email hay tin nhắn công việc vào thời gian nghỉ ngơi là chuyện hết sức bình thường. Giả sử đổi ngược lại vị trí, họ là người nhận được thay vì người gửi, thì bản thân họ không cảm thấy đó là chuyện gì to tát lớn lao. Đây là phạm trù thuộc về thông minh cảm xúc (EQ), khi bạn chỉ xem trọng cảm xúc cá nhân của mình và lấy bản thân ra làm hệ quy chiếu cho mọi chuyện, thay vì đặt mình vào vị trí đối phương và tìm hiểu xem họ có cùng cảm nghĩ hay cảm xúc giống như mình không – hay là hoàn toàn ngược lại. Không phải ai cũng thích bị xâm phạm ranh giới ở những quãng thời gian cá nhân sau giờ làm việc, nhất là khi môi trường và tính chất công việc của bạn không thuộc vào những lĩnh vực đặc biệt như agency hay y tế, cứu hộ khẩn cấp.

Khi tìm hiểu về lỗi thời điểm, mình phát hiện có tới ba kiểu người thường mắc phải lỗi này:

1. Người cuồng công việc

Có những bạn mình biết họ rất cuồng công việc theo kiểu “workaholic” (nghiện công việc hay tham công tiếc việc), có thể sẵn sàng làm việc với một tinh thần hừng hực bất kể thời gian. Điển hình nhất là tới giờ ăn trưa nhiều khi họ không đi ăn trưa hoặc kết hợp vừa ăn vừa làm việc ngay tại bàn; tới hết giờ làm thì không đứng dậy đi về mà có thể làm OT thêm tới tối (dù công ty không yêu cầu), đến tối về nhà vẫn có thể hùng hục cày tiếp; thậm chí cuối tuần vẫn tiếp tục xử lý công việc ở nhà.

Chính vì nghiện công việc như vậy, họ không ngại ngần gửi email hay tin nhắn công việc khi đồng hồ đã điểm 12 giờ trưa, hay thậm chí là 12 giờ đêm hay 1 giờ sáng – dù giấc đó người nhận thông tin đã đi ngủ từ đời nào.

2. Người bị ám ảnh cảm giác hoàn thành

Những người thuộc nhóm này không hẳn là mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), nhưng họ bị ám ảnh bởi cảm giác đã làm việc gì thì cũng phải hoàn thành rốt ráo cho xong từ đầu đến cuối thì mới có cảm giác an tâm, chứ không thể bỏ lửng lơ ở đó.

Như chuyện gửi email công việc, họ thừa biết là người nhận sẽ không đọc email vào thời điểm đó nhưng vẫn gửi để thỏa mãn cái cảm giác công việc của họ đã được hoàn thành, chứ không thể kiên nhẫn đợi thêm dù là một tiếng đến đầu giờ chiều hay sáng hôm sau mới gửi. Trong tâm thức, họ luôn lo sợ rằng công việc “ngâm” càng lâu thì càng có những diễn biến mới phát sinh, rằng nếu có chuyện gì bất ngờ xảy đến thì có thể trực tiếp ảnh hưởng tới chuỗi công việc lẽ-ra-đã-done của họ. Cho nên trong vô thức họ phải xử lý nó càng nhanh càng tốt, đã xong việc của mình thì phải gửi thông tin cho các bên liên quan ngay và luôn – và bất kể đó là thời điểm nào.

3. Người vô tư

Có lần mình từng nhận được một email công việc vào 2 giờ sáng cuối tuần, dĩ nhiên là mình không thức khuya tới mức mở email check ngay thời điểm đó, mà buổi sáng thức dậy mới thấy. Hôm sau đi làm, mình có hỏi cô em đồng nghiệp sao em thức khuya dữ vậy mà không để sang thứ Hai hẵng gửi?

Cô em này thuộc thế hệ gen Z, và câu trả lời của em là: “Em gửi giờ nào kệ em chứ, còn khi nào anh rảnh thì anh đọc chứ em đâu bắt anh phải đọc và trả lời giờ đó đâu!”. Và vâng, đây cũng chính là bạn đồng nghiệp đã gửi email cho mình vào buổi sáng kỳ nghỉ lễ Tết dương lịch. Cùng một mô thức tư duy sẽ dẫn tới cùng một kiểu hình ứng xử, với các bạn thuộc nhóm này thì suy nghĩ rất vô tư hồn nhiên – các bạn gửi email hay tin nhắn công việc khi nào là chuyện của các bạn, còn có đọc và trả lời hay không là chuyện của người nhận chứ các bạn đâu có cưỡng ép ai.

Thuốc chữa bệnh

Ba mẫu hình trên đôi khi quy tụ trên cùng một người, hoặc một người có thể có ít nhất tới hai mẫu hình. Với đồng nghiệp cùng vai phải lứa, thuốc để trị lỗi thời điểm là bạn nên đặt ra ranh giới cho họ về thời điểm gửi email hay nhắn tin trao đổi công việc, rằng bạn không làm việc vào buổi tối, cuối tuần hay các kỳ nghỉ nên nếu đó không phải là việc khẩn cấp thì vui lòng nhắn cho bạn vào thời gian làm việc. Một số đồng nghiệp trưởng thành và hiểu chuyện sẽ biết tôn trọng thời gian cá nhân của bạn, vì bản thân họ cũng muốn nhận lại sự tôn trọng từ bạn.

Nhưng không phải đồng nghiệp nào cũng “trưởng thành” và hiểu chuyện, ngay cả khi họ đã đủ tuổi lập gia đình và ở tù rồi. Ít nhất thì việc nói ra ranh giới của bạn cũng gửi cho đối phương một thông điệp rõ ràng và bạn cũng sẽ thấy nhẹ nhõm, hơn là cứ giữ trong lòng để rồi thấy ức chế mỗi khi đồng nghiệp email hay nhắn tin cho mình vào thời gian nghỉ ngơi. Với trường hợp này, sau khi bạn đã thiết lập ranh giới rồi mà họ vẫn “ngựa quen đường cũ”, bạn cứ đơn giản là ngó lơ họ thôi và đợi đến khi nào vào thời gian làm việc rồi hẵng trả lời, để cho họ thấy bạn là người có nguyên tắc và sống theo đúng ranh giới mà bạn đã lập ra.

Còn đối với sếp thì sao? Nếu sếp bạn là một người thích email và nhắn tin công việc vào thời gian nghỉ, seen mà không trả lời sếp thì có kì lắm không? Thực sự thì người sếp chính là đại diện cho văn hóa công ty hay văn hóa phòng ban, nhưng tựu trung họ cũng thuộc vào ba kiểu hình kể trên. Tùy vào việc họ thuộc kiểu hình nào mà bạn có thể linh hoạt thích ứng với họ:

  • Sếp cuồng công việc: Kiểu sếp này thường sẽ rất khoái nhân viên nào cũng cuồng công việc giống họ và thường kỳ vọng bạn cũng sẵn sàng làm việc bất kể thời gian như sếp. Lẽ vậy, nếu bạn muốn được sếp ưu ái thì nên đáp ứng kỳ vọng của sếp thay vì thiết lập ranh giới (nếu không muốn bị gắn mác người không có chí cầu tiến, còn trẻ mà thiếu động lực làm việc). Còn nếu chịu không nổi văn hóa làm việc bất kể giờ giấc này, tốt nhất hãy nên nhẹ nhàng rút lui tìm một người sếp hay công ty khác đồng điệu về mặt văn hóa với bạn hơn.
  • Sếp bị ám ảnh cảm giác hoàn thành: Tương tự như trên, kiểu sếp bị ám ảnh quá mức với cảm giác hoàn thành dĩ nhiên sẽ khó mà vui vẻ thoải mái khi thấy bạn cứ tà tà từ từ trả lời email hay tin nhắn công việc vào thời gian nghỉ, trong khi kỳ vọng của họ là bạn phải trả lời ngay và luôn, càng sớm càng tốt thì họ mới an tâm. Nếu bạn không thỏa mãn được kỳ vọng này, họ sẽ không có cảm giác an tâm khi làm việc với bạn và sẽ ít cất nhắc trọng dụng bạn sau này vì bạn không phải kiểu hình giống họ. Trừ những vị sếp phản tư tốt, họ ý thức được rõ rằng chuyện ám ảnh cưỡng chế chỉ là vấn đề cá nhân của họ thôi chứ không yêu cầu nhân viên cũng phải rốt ráo xử lý y như họ.
  • Sếp vô tư: Trái ngược với kiểu đồng nghiệp vô tư có thể làm bạn “tức cái mình”, kiểu sếp vô tư thì rất cởi mở thoải mái và không câu nệ chuyện bạn có trả lời email hay tin nhắn công việc của họ trong thời gian nghỉ hay không. Đơn giản là họ gửi thì cứ gửi, còn khi nào bạn làm việc thì trả lời sau cũng được. Với kiểu sếp này, bạn chỉ cần thiết lập ranh giới một cách nhẹ nhàng là nhắn sếp bạn đã nhận được thông tin và sẽ trả lời lại sau khi vào thời gian làm việc, chứ đừng seen mà không rep thì lại rơi vào “Lỗi phản hồi”.

Văn hóa làm việc cuối cùng vẫn là thứ do con người tạo nên nếu như công ty không có một bộ quy tắc quy chuẩn về mặt văn hóa. Khả dĩ văn hóa làm việc ở Việt Nam không được lý tưởng như ở Pháp hay các nước châu Âu, mà có phần ảnh hưởng bởi văn hóa Mỹ và văn hóa Trung Quốc phần nhiều, khi luôn đặt hiệu suất công việc lên hàng đầu. Nếu gặp được sếp và những đồng nghiệp văn minh, đó là một điểm cộng rất lớn cho môi trường làm việc của bạn, và bạn nên biết trân quý điều đó. Biết tôn trọng thời gian ngoài giờ làm việc của người khác mới là cách ứng xử văn minh mà nhiều người nên học hỏi.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.