Ở rạch Đầm Dơi Chướng Khí, có nhà ông hội đồng Hương giàu nức đố đổ vách. Năm ông hội đồng chết, Chơn Linh có đi dự đám tang do quen biết với vợ ông hội đồng là bà Bảy Trầu, cũng là người chưởng quản gia môn có mấy ngàn mẫu ruộng mà cò bay từ đầu này tới đầu kia vừa bay vừa rụng trứng nở ra ba bốn đời cò cháu chắt chút chít vẫn chưa bay hết đường biên ruộng nhà bà hội đồng.

Bà hội đồng nổi danh khó ở có tiếng nhứt nhì xứ này, có hai cô dâu cũng không phải dạng vừa đâu mà là dạng rất rộng – mợ Hai Thài Lài và mợ Tư Thiện Lành. Cậu Ba té giếng mất từ nhỏ nên nhà hổng có mợ Ba. Mợ Hai Thài Lài nghe tên quê mùa vậy chứ vốn xuất thân là con nhà trâm anh thế phiệt gia giáo đàng hoàng nên được bà hội đồng cưng hết biết vì cái tánh biết quán xuyến chuyện nhà của con nhỏ. Ngược lại, mợ Tư Thiện Lành nghe cái tên thấy thiện lành chứ nhìn cái mặt thấy lạnh như tiền, tâm hơ tâm hớt lắm nên bị bà hội đồng chửi như cơm bữa.

Bà hội đồng Bảy Trầu và mợ Tư Thiện Lành.

Mỗi lần Chơn Linh ghé nhà chơi là bà hội đồng lại ca cẩm về mợ Tư Thiện Lành, mà túm cái áo bà ba lại cũng là do lỗi giao tiếp của mợ Tư.

1. Tưởng là hiểu, nhưng hiểu chưa tới

Hổm rày thời tiết nóng như đổ lửa, bà hội đồng thèm ăn canh chua nên mới dặn mợ Tư Thiện Lành hôm nay nấu cho má tô canh chua. Nấu canh chua với mợ Tư là chuyện quá dễ dàng như đi hai hàng ngoài ngõ, nên mợ Tư chạy te te ra chợ mua con cá lóc về nấu tô canh chua cá lóc với mớ bạc hà (dọc mùng), cà chua, thơm, giá và một chút me thơm phưng phức đậm chất miền Tây Nam Bộ. Ai ngờ tới giờ ăn, vừa bưng tô canh chua lên thì bà hội đồng bỗng nổi trận lôi đình hất một phát khiến tô canh chua bay cái vèo xuống đất.

– Quỷ thần thiên địa ơi, mày không biết là tao ghét ăn cá lóc hay sao mà còn nấu canh chua cá lóc cho tao ăn. Mày muốn tao chết đói hay gì?

– Thưa má, má có nói trước đâu làm sao con biết được.

– Con này mày nói gì lạ kỳ, bộ cái mỏ mày để làm kiểng hay sao mà không biết hỏi. Mày nghe tao dặn nấu canh chua rồi mày câm bản họng mày chạy ra chợ, mày có thèm hỏi tao câu nào đâu rồi giờ mày đổ thừa lỗi tại tao hả?

Mợ Tư Thiện Lành, nhìn cái mặt bả thiện lành ghê luôn á.

Bị ăn chửi té tát, mợ Tư Thiện Lành tức tưởi chạy ra sau hè khóc rấm rứt. Mợ Hai Thài Lài mới đi ra an ủi:

– Em làm dâu nhà này, biết má khó tính vậy mà không chịu tìm hiểu nết ăn nết ở gì của má hết trơn. Như má dặn em nấu canh chua, em phải hỏi cho kỹ càng xem má thích ăn canh chua gì, canh chua cá, canh chua tôm hay canh chua gà lá gang. Tỉ dụ như má thích ăn canh chua cá cũng phải hỏi cho rõ ràng má thích ăn cá gì, cá lóc, cá bớp hay cá diêu hồng, rồi má thích nấu chua kiểu gì, nấu lá me, nấu me hay lá giang, trái sấu các kiểu. Em hỏi cho rõ ngay từ đầu thì đâu có sợ làm phật ý má đúng hôn nè?

Mợ Tư Thiện Lành cũng giống như hình mẫu của người mới đi làm nơi công sở, còn bà hội đồng là sếp kiểu mẫu. Khi sếp giao việc cho nhân viên thì tùy theo tính cách điển hình của sếp mà sẽ có phương thức giao tiếp khác nhau. Sếp khái quát sẽ nói đơn giản, ngắn gọn chứ không thích đi vào dài dòng, chi tiết; còn sếp kỹ tính sẽ dặn dò kỹ lưỡng từng chi tiết một. Việc của sếp là giao việc, còn trách nhiệm của nhân viên là hiểu việc mình được giao một cách sâu sắc để làm đúng theo ý sếp. Và kỹ năng cần có là biết cách đặt câu hỏi để làm rõ hơn yêu cầu và kết quả mà sếp mong đợi.

Sếp kỹ tính gặp nhân viên kỹ tính hay hời hợt thì cũng đỡ vì còn kiểm soát được chuyện hai bên không bị lạc tông, chứ sếp khái quát mà gặp nhân viên hời hợt thì câu chuyện quen thuộc thường là:

– Ủa, anh đâu có bảo em làm cái này đâu mà sao tự nhiên em đi làm cái này? Em làm không đúng ý anh gì hết trơn.

Rõ ràng hôm trước anh muốn em làm cái đó mà.

– Anh có nói một cách rõ ràng với em như vậy không? Hay em tự diễn dịch ý anh ra rồi làm theo như vậy? Mà như vậy là em đang làm theo ý em chứ đâu phải ý anh!!!

Để chơi được tới bến xe Chợ Lớn với sếp, nhân viên phải học kỹ năng:

  • Nhận brief (đề bài) => xử lý bief ngay tại chỗ => chưa rõ điểm thì nào làm rõ với sếp ngay điểm đó.
  • Đặt câu hỏi đúng để có được được thông tin chính xác. Sếp càng khái quát thì nhân viên lại càng phải kỹ tính. Nhận diện từ khóa của sếp khái quát: “nói chung là…”, “đại khái là…”, “sơ sơ là…”, “đơn giản là…”.
  • Làm rõ kỳ vọng của sếp – kết quả sếp mong muốn đạt được là gì?
  • Tóm tắt lại brief trong vài ba nốt nhạc và xác nhận lại với sếp xem mình đã hiểu đúng ý sếp chưa.

Học phải đi đôi với hành, hành phải đi đôi với lạc, học hành phải biết động não tư duy chứ không áp dụng máy móc như một cái máy. Đừng như mợ Tư Thiện Lành, nghe Chơn Linh chỉ cái bí kíp này xong bữa đầu áp dụng đúng bài nấu ra cho bà hội đồng món cá kho vừa lòng mẹ chồng. Tới vài ba tuần sau, bà hội đồng muốn ăn cá kho nữa, và mợ Tư Thiện Lành lại áp dụng đúng quy trình bài bản như trên và bị xáng cho một bạt tai vì cái tội hỏi gì mà hỏi hoài, có nhiêu đó nói hoài mà cũng không nhớ.

Với nhân viên chưa hiểu rõ tính sếp thì thời gian đầu làm việc phải biết dò hỏi, nhưng qua vài ba nhiệm vụ rồi phải hiểu cái nết (tâm tính) của sếp ra sao để làm việc theo cái nết đó (tập suy nghĩ ở góc độ của sếp) chứ suốt ngày từ việc nhỏ đến việc lớn, việc nào cũng đi hỏi cặn kẽ chi tiết như vậy thì tới bà hội đồng Bảy Trầu bả còn chịu hổng nổi huống hồ chi sếp của bạn.

2. Ông nói gà, bà nghe ra đà điểu

Dòng họ Huỳnh của nhà ông hội đồng Hương vốn là danh gia vọng tộc, tới đời cậu Hai Huỳnh không hiểu sao lấy mợ Hai Thài Lài về hai năm trời rồi mà cả hai vẫn chưa có mụn con nào. Cậu Tư Huỳnh cũng không kém cạnh người anh, lấy mợ Tư Thiện Lành về cũng được gần một năm mà hai vợ chồng chưa có thấy động tĩnh nào khiến bà Bảy Trầu cứ thấp tha thấp thỏm chuyện chửa đẻ của hai cô con dâu.

Mợ Hai Thài Lài, như bông hoa lài cắm bãi…

Hôm nọ mợ Hai Thài Lài đang ngồi ăn tô canh cá, ngửi mùi cá tanh nên mắc ói. Mợ Hai mới nhờ mợ Tư lên mạng order giùm bịch xoài lắc chua chua cho mợ ăn. Nghe mợ Hai nói chuyện thèm chua, vì muốn ghi điểm với bà hội đồng nên mợ Tư tài lanh tài lẹ ba chân bốn cẳng chạy đi nhiều chuyện với má rằng mợ Hai có bầu rồi. Bà hội đồng nghe tin mợ Hai có bầu thì mừng hết biết, mới triệu tập cả nhà lại.

– Má nghe nói con có bầu rồi phải không Hai?

– Dạ, má nghe ai nói vậy? Con có bầu hồi nào sao con còn không biết luôn đó má.

– Thì má nghe con Tư nó nói nè, nó nói con có bầu nên mắc ói với thèm chua nè.

Mợ Hai nghe bà hội đồng hỏi mà giật mình:

– Ủa mợ Tư, mợ đơm đặt bịa chuyện gì kì vậy? Chị có nói với mợ chị có bầu hồi nào đâu?

– Hôm trước chị mắc ói rồi thèm chua nên nhờ em order giùm bịch xoài lắc mắm đường đó chị nhớ hôn?

– Ủa tui mắc ói là do bụng dạ tui yếu, chứ tui có nói với mợ tiếng nào là tui có bầu đâu sao mợ nghe xong rồi suy diễn ra được hay vậy!!!

Ở câu chuyện trên, lời mợ Hai nói là một đằng, mợ Tư đi hiểu theo một nẻo, đã vậy còn không chịu xác nhận cho rõ ràng với mợ Hai là có phải mợ ốm nghén không mà đã tự kết luận rồi đi nhiều chuyện với bà hội đồng. Đây là lỗi giao tiếp thường gặp chốn công sở khi hai đương sự như hai người dưng ngược lối, nói cùng một chuyện đã đời cuối cùng mỗi người hiểu theo một kiểu, tới khi có người thứ ba xuất hiện thì mới phát hiện cách hiểu của mỗi bên hoàn toàn khác nhau.

Như mình có bạn nhân viên A bên bộ phận Marketing, bạn đi làm việc với nhân viên B thuộc bộ phận Developer về việc xóa đi tính năng X trong hệ thống. Một thời gian sau, mình thấy tính năng X đó vẫn còn, mới đi hỏi bạn nhân viên B kia sao vẫn chưa xóa thì bạn này mới bảo ủa bạn nhân viên A đâu có nói gì với em về việc phải xóa đâu.

Mình phải vòng ngược lại hỏi bạn nhân viên A, bạn khẳng định như đinh đóng cột là có nói rồi. Thế là mình mới bảo bạn copy đoạn chat hai bên trao đổi cho mình xem, và y như rằng nguyên văn cuộc nói chuyện đó bản nói vòng vo quanh chủ đề chính chứ không có một câu nào chốt lại là cần xóa tính năng X. Nhưng nói xong lại cho rằng bên B đã tiếp nhận và hiểu ý bạn muốn nói rồi mới ghê. Đây cũng là một dạng giao tiếp kém mà không ý thức được mình giao tiếp kém.

Để chữa bệnh “ông nói gà, bà nghe ra đà điểu” này, khi giao tiếp bạn cần học cách:

  • Diễn đạt ý chính mình muốn nói càng đơn giản càng rõ ràng càng tốt.
  • Dùng câu đơn, có chủ ngữ vị ngữ, thay vì dùng câu phức kết hợp trạng từ đảo ngữ tám chục thể loại khiến đối phương không thể nào hiểu được cái ý mình muốn nói là gì.
  • Trình bày có lớp lang thứ tự, vấn đề lớn thì đi từ tổng quan tới chi tiết, vấn đề nhỏ thì nêu ý chính ý phụ, có nhiều ý thì liệt kê 1-2-3-4 theo thứ tự.

3. Có trải chiếu ngồi trên cùng hệ quy chiếu?

Trong quá trình giao tiếp giữa nhân sự thuộc các bộ phận khác nhau, hoặc giữa cấp trên với cấp dưới, chuyện bị hiểu lầm rất dễ xảy ra nếu cuộc nói chuyện không được quy về cùng một hệ quy chiếu.

Trong cơ học, hệ quy chiếu là một hệ tọa độ, dựa vào đó vị trí của mọi điểm trên các vật thể và vị trí của các vật thể khác được xác định. Giao tiếp công việc cũng vậy, muốn hiểu nhau thật sự thì cả hai phía phải ở cùng một góc nhìn trên một hệ quy chiếu, chứ khi mỗi người ở một hệ tọa độ khác nhau thì nói một hồi… hiểu chết liền.

Có lần mình làm việc với một bạn designer để chỉnh sửa lại bản thiệp chúc Tết cho khách hàng. Cái thiệp chúc Tết có mặt ngoài mặt trong, và khi gập đôi lại thì mặt trong sẽ phân thành mặt trái và mặt phải bên trong. Lúc giao nhiệm vụ cho bạn designer thì mình yêu cầu thế này:

  1. Lời chúc Tết của CEO scan từ bản chữ viết tay.
  2. Bên trái để chữ ký CEO (bản scan).
  3. Bên phải chừa trống cho tư vấn cá nhân của khách hàng ký tên.
Phiên bản tấm thiệp theo brief của mình.

Ở hệ quy chiếu của mình, ý số (1) sẽ nằm ở mặt phải – bên trong tấm thiệp, đây là điều mặc định vì năm ngoái đã từng làm như vậy nên không cần nói rõ nữa mà designer phải tự ngầm hiểu (vì bạn này cũng chính là người thiết kế thiệp năm trước). Và ngay tại mặt phải – bên trong tấm thiệp đó, dưới lời chúc Tết số (1) thì bên trái sẽ là ý số (2), còn bên phải là ý số (3).

Nhưng ở hệ quy chiếu của bạn designer, bạn hiểu theo hướng lời chúc Tết (1) + chữ ký (2) là một combo đi chung với nhau, và như vậy nó sẽ nằm ở mặt trái – bên trong tấm thiệp, còn chữ ký tư vấn (3) thì nằm ở mặt phải – bên trong tấm thiệp. Và khi design theo hướng này thì kết quả cho ra một thiết kế khá kỳ quặc: nguyên cụm lời chúc nằm ở mặt trái (ít ai viết thiệp để lời chúc ở mặt bên trái), trong khi đó chữ ký tư vấn lại nằm ở mặt phải khá trớt quớt.

Phiên bản thiệp của bạn designer làm.

Hậu quả là hai bên tranh cãi một hồi mới phát hiện ra vấn đề nằm ở chỗ: bên trái của người này không phải là bên trái của người kia. Cùng một chuyện nhưng khác hệ quy chiếu đã cho ra hai góc nhìn khác nhau khiến bên này không hiểu ý bên kia, hậu quả là mất thời gian giao tiếp và tốn thời gian để chỉnh sửa sản phẩm hơn.

Khi gặp lỗi giao tiếp dẫn đến tranh cãi như thế này (gặp nhiều người nóng tính còn dễ nổi quạu hơn khi cho rằng đối phương bị “thiểu năng” hay EQ thấp không hiểu ý mình nói gì, đặc biết nếu người đó còn là sếp), điều bạn cần làm là rủ đối phương cùng trải cái chiếu ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh cho hạ hỏa, để cả hai cùng hội cùng xuồng trên một-cái-chiếu-phẳng. Rồi từ từ bóc tách góc nhìn của người kia để tìm ra trên hệ trục tọa độ vuông góc Oxyz trong không gian thì hai điểm hai bên đang nói đến có phải là cùng một điểm không, hay đứa thì nằm ở trục tung còn đứa nằm ở trục hoành thì hỏi sao mà thấy giống nhau cho được.

Kết cục câu chuyện gia đấu của nhà bà hội đồng Bảy Trầu cùng hai cô con dâu Hai Thài Lài và Tư Thiện Lành, nghe đâu cuối cùng mợ Tư Thiện Lành tạo phản một cách thiện lành như cái tên của mợ rồi trở thành bà hội đồng Thiện Lành luôn.

Thời thế thế thời, mấy ai biết được mợ Tư Thiện Lành một thời bị mẹ chồng cho là kém cỏi, vô duyên có ngày cũng ngồi lên thay thế vị trí của bà hội đồng.

*Bài viết có sử dụng tư liệu hình ảnh từ bộ phim “Mẹ chồng” – đạo diễn Lý Minh Thắng

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nhận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.