Ảnh: Phim “Mắt biếc”

Trong buổi họp triển khai dự án mới, các sếp đang thảo luận với nhau về việc chọn ai làm Team Leader cho dự án.

– Sếp tổng, anh nghĩ sao về Hà Lan?
– Con bé đó dễ thương, mắt nó đẹp như mắt biếc. Nhưng với cái nết… làm việc cẩu thả đó, nó lên làm Team Leader thì anh sợ dự án có ngày sẽ bể còn cả team sau này sẽ khổ.
– Công nhận, em còn nhớ dự án đợt trước nó làm một phốt khiến anh em mình điêu đứng.

Đi làm chốn công sở, hình ảnh của bạn trong mắt sếp và đồng nghiệp chính là thương hiệu cá nhân phải mất rất nhiều thời gian để xây dựng. Không ai có thể xây nhà trong một ngày, nhưng họ có thể vô tình đạp đổ “ngôi nhà thương hiệu” đã xây chỉ trong một giờ mà không hề hay biết. Nếu không ý thức được tầm quan trọng của thương hiệu cá nhân khi đi làm, bạn sẽ rất dễ phạm phải lỗi thương hiệu.

Ảnh: Unsplash

Hệ thống chấm điểm và xếp hạng nơi công sở

Tốt nghiệp đại học, bước chân vào môi trường công sở, bạn tưởng rằng mình đã thoát kiếp học sinh với những bài kiểm tra đầy áp lực và nỗi ám ảnh khi nhận bảng điểm cuối kỳ. Nhưng không, hệ thống chấm điểm và đánh giá xếp hạng ở trường học vẫn vận hành một cách vô hình nơi công sở dưới một hình thức khác.

Nộp hồ sơ tìm việc làm, trong vô vàn hồ sơ của ứng viên, hồ sơ của bạn sẽ được chấm điểm và xếp loại trong mắt nhà tuyển dụng. Những hồ sơ nào dưới trung bình (tiêu chuẩn) sẽ bị loại ngay từ vòng… gửi xe. Đi phỏng vấn xin việc, giữa hai ứng viên có trình độ và kinh nghiệm ngang nhau (quy ra điểm trung bình bằng nhau), ai có nhiều điểm cộng hơn khi trả lời phỏng vấn sẽ lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng và có cơ hội đậu phỏng vấn cao hơn.

Đến khi chính thức đi làm, tùy theo chính sách của từng công ty sẽ có hình thức đánh giá performance (hiệu suất làm việc) khác nhau sau một mốc thời gian cố định như 6 tháng, 1 năm hay theo từng quý. Có nơi sẽ công khai barem điểm rõ ràng (1), có nơi sẽ dựa theo đánh giá của quản lý trực tiếp và barem điểm chỉ là ngầm hiểu (2). Đa số công ty đều sử dụng phương thức (2) vì dễ thực hiện và không mất quá nhiều thời gian, còn làm ra được một barem điểm như phương thức (1) là chuyện vô cùng phức tạp đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có tầm cùng một hệ thống tinh vi để theo dõi nên hiếm đơn vị nào triển khai.

Ảnh: Unsplash

Ở một số bộ phận đặc thù như Sales & Marketing, công ty sẽ có KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) để áp doanh số cụ thể lên bộ phận. Tuy nhiên KPI hay barem điểm để đánh giá kể trên là những hệ thống hữu hình dựa trên các con số cụ thể, còn hệ thống chấm điểm và xếp hạng về thương hiệu cá nhân mình đề cập ở đây là một hệ thống vô hình phản ánh định giáđịnh lượng của bạn như thế nào trong mắt sếp.

Giống như trong trường học thường có xếp hạng học sinh xuất sắc – giỏi – khá – trung bình – yếu, trong mắt sếp thì nhân viên cũng sẽ có thứ hạng riêng qua một quá trình làm việc chung đủ lâu. Bạn sẽ dễ dàng nhận biết được mình xếp hạng nào ở chốn công sở khi nhìn vào thực tế, vì quy luật bất biến là chỉ người giỏi mới được nhận bằng khen và phần thưởng (lời khen từ sếp và sự trọng dụng của công ty), còn người dở thì không có quà và thậm chí còn bị phê bình (suốt ngày bị sếp la, lương không tăng hoặc chậm tăng).

Ảnh: Phim “Superman”

Triệu chứng lỗi thương hiệu

1. Không ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân

Nhiều bạn đi làm rất hồn nhiên như cây cỏ, trong 20 tập phim Trưởng Thành Nơi Công Sở đã chiếu thì tập nào bạn cũng xuất hiện, không đóng vai chính thì cũng giành đóng vai phụ nên để lại một ấn tượng không mấy tốt đẹp với sếp. Khi không ý thức xây dựng một hình ảnh tích cực cho mình trong công việc, bạn sẽ bị sếp và đồng nghiệp dán nhãn lên bản mặt mình:

  • “Cái thằng bộp chộp, cẩu thả, làm đâu sai đó.”
  • “Con nhỏ ba phải, hai mặt, không có chính kiến riêng.”
  • “Cái thằng kiêu căng, phách lối, ảo tưởng sức mạnh bản thân.”
  • “Con nhỏ chậm chạp, lề mề, giao cái task làm nửa tháng chưa xong.”

Chính lối tư duy (mindset) và cách hành xử của bạn trong công việc sẽ tạo nên thói quen, thói quen nào sẽ tạo ra kết quả nấy, từ đó tạo thành chân dung của bạn (thương hiệu cá nhân) trong mắt sếp và đồng nghiệp. Lúc đó khi nói đến bạn, sếp không nghĩ đến cái tên khai sinh của bạn mà nghĩ đến một chuỗi hình ảnh trong quá khứ đã tạo thành ấn tượng – tích cực hoặc tiêu cực về bạn.

Một nhân viên giỏi sẽ luôn biết cách thể hiện những điểm tốt về mình để được sếp ghi nhận (điểm cộng), và hạn chế những lỗi sai để tránh bị mất điểm (điểm trừ). Xây dựng thương hiệu cá nhân nơi công sở cũng chính là quá trình ghi càng nhiều điểm cộng trong mắt sếp càng tốt để được tưởng thưởng hoặc trọng dụng vào thời điểm thích hợp. Chẳng hạn, khi công ty khuyết một vị trí quan trọng hoặc có một dự án mới cần người quản lý, các nhân viên hay quản lý cùng cấp ai có điểm thương hiệu cá nhân tốt nhất trong mắt sếp sẽ được cất nhắc nhiều hơn.

Ảnh: xframe

Thảo là nhân viên thuộc bộ phận Customer Care do mình từng quản lý. Điểm tốt của bạn là làm việc rất mau mắn, nhanh nhẹn nhưng điểm trừ là chính vì làm nhanh quá mới dẫn tới làm sai, làm ẩu. Có lần bạn gửi email trên hệ thống đến một số lượng lớn khách hàng, ở tiêu đề email lẽ ra phải thay đoạn code hiển thị tên khách hàng nhưng trong lúc gửi thử nghiệm thì bạn sơ ý để tên bạn vào. Kết quả là hàng chục ngàn khách hàng nhận được email với tiêu đề “Gửi Thảo…”.

Một lần khác, bạn phản hồi email một khách hàng phàn nàn về dịch vụ công ty, nhưng do đọc không kỹ email nên bạn copy paste một đoạn trả lời chung là cảm ơn khách hàng đã có những đóng góp “tích cực” về dịch vụ của công ty nên thành ra câu trả lời bị trớt quớt. Và khi cái sự sai ẩu này lặp đi lặp lại liên tục nhiều lần thì nó tạo thành thương hiệu tiêu cực của bạn. Dĩ nhiên khi đến đợt đề cử Team Lead cho bộ phận Customer Care thì tên của bạn không bao giờ lọt vào danh sách ứng viên.

Trái ngược với Thảo, Mai là nhân viên thuộc bộ phận Content. Khi sếp tổng cần người hỗ trợ một số vấn đề kỹ thuật về website thì Mai xung phong nhận làm và kết quả vượt trên mong đợi của sếp. Qua vài lần như vậy, Mai tạo dựng cho mình một thương hiệu tích cực trong mắt sếp tổng là bạn không chỉ rành về content mà còn am hiểu về kỹ thuật, cộng thêm tinh thần xông xáo là những điểm cộng được sếp ghi nhận. Sau đó công ty triển khai một dự án mới đòi hỏi người quản lý phải có được hai yếu tố trên, và tất nhiên Mai được chọn làm quản lý dự án, từ đó cơ hội thăng tiến trong công việc mở ra và lương bổng cũng tốt hơn trước nhiều.

Thuốc chữa bệnh:

  • Xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu của bản thân (có thể tham khảo ý kiến từ sếp, đồng nghiệp và bạn bè thân quen) để cố gắng phát huy điểm mạnh và hạn chế điểm yếu.
  • Phác thảo hình ảnh thương hiệu cá nhân bạn muốn hướng tới và từng bước đặt nền móng xây dựng để ghi điểm cộng trong mắt sếp.
  • Muốn tạo dựng một thương hiệu cá nhân tốt và vững chắc thì những điểm cộng bạn thực hiện phải có tính liên tục và không cách nhau quá xa, chứ vài ba tháng mới ghi một điểm cộng thì khó mà tạo được ấn tượng lâu dài.
Ảnh: Unsplash

2. Không bảo vệ thương hiệu cá nhân mình đã xây dựng

Có câu “đốn củi ba năm thiêu một giờ”, để xây dựng thương hiệu cá nhân nơi công sở bạn phải mất cả một quá trình để chứng minh với sếp, nhưng chỉ mất một phút sơ sẩy có thể hủy hoại cả thương hiệu mình đã gầy công xây dựng.

Thói đời phũ phàng, tâm lý con người thường ấn tượng mạnh với những điều tiêu cực hơn là tích cực. Bạn làm 10 chuyện, 9 chuyện tốt được ghi nhận nhưng chỉ cần 1 chuyện xấu xảy ra thì công sức làm 9 chuyện kia xem như đổ sông đổ bể.

Nếu gặp được vị sếp công tâm và rộng lượng, họ sẽ nhìn vào những chuyện tốt bạn làm được hơn là xoáy vào chuyện xấu, và sẽ cho bạn cơ hội lấy công chuộc tôi. Nhưng nếu gặp phải một vị sếp cảm tính và thiếu rộng lượng (lời nói của họ thì tỏ ra rất lý tính, nhưng cách hành xử dễ bị cảm tính chi phối), chuyện xấu đó sẽ như một vết nhơ trong hồ sơ của bạn và rất khó phai mờ trong tâm trí sếp. Khi đó, muốn xóa được vết nhơ này thì bạn phải làm 9 chuyện tốt khác bù lại, và qua thời gian mới làm cho nó nhạt nhòa bớt.

Ảnh: xframe

Bảo là trợ lý đắc lực của chị Giám đốc Kinh doanh, qua một thời gian làm việc và chứng minh năng lực thì Bảo được giao phụ trách triển khai một mảng kinh doanh mới của công ty. Trong vai trò mới này, nếu Bảo chốt sales được với các đối tác lớn bên ngoài thì sẽ được hưởng một mức commission (huê hồng) rất lớn. Tuy nhiên, trong một lần email trao đổi với đối tác, Bảo sơ ý vi phạm một số nghiệp vụ cơ bản khiến đối tác rút lại quyết định và không ký hợp đồng nữa, làm công ty bị thiệt hại khi mất một hợp đồng hơn cả tỷ bạc. Sự cố này khiến chị giám đốc rất tức giận, thương hiệu cá nhân Bảo xây dựng trong suốt thời gian qua bị ảnh hưởng nặng nề, sau đó Bảo bị tước quyền chốt hợp đồng với đối tác mà quyền này chuyển sang các Sales Manager khác phụ trách.

Sự cố trên như một vết nhơ trong sự nghiệp của Bảo, qua thời gian dù Bảo có nỗ lực cải thiện hình ảnh như thế nào thì vết nhơ đó vẫn khó phai mờ trong tâm trí của sếp, và khi có một dự án tương tự thì Bảo không còn là ứng viên được ưu tiên hàng đầu.

Ảnh: xframe

Tương tự Bảo, Huyền là một bạn Sales rất giỏi về Excel và có khả năng tính toán những hàm phức tạp trên Excel. Nhiều công việc liên quan trong phòng Kinh doanh liên quan đến Excel đều giao bạn phụ trách, đây cũng là điều tạo nên thương hiệu cá nhân của Huyền. Sau này khi bạn Sales Admin phụ trách việc tính lương cho phòng Kinh doanh nghỉ việc thì Huyền được đảm nhiệm vai trò này và được công ty trả một phần lương riêng dành cho việc tính lương. Tuy nhiên, ở vai trò một nhân viên Sales thì Huyền lại thường mắc phải những lỗi quy trình nội bộ như báo cáo sai giao dịch tài chính, và việc báo cáo sai này lặp đi lặp lại khá nhiều lần khiến chị Giám đốc Tài chính ấn tượng không tốt lắm về tính không cẩn thận này của Huyền.

Sau này khi bạn Sales Manager nghỉ việc, lẽ ra Huyền sẽ là một ứng viên sáng giá vì là một bạn Sales đang kiêm nhiệm cả vị trí Sales Admin. Tuy nhiên khi đặt lên bàn cân giữa Huyền và một bạn Sales khác trong team có KPI ngang ngửa nhau thì hình ảnh của Huyền có phần tệ hơn bởi những thông tin đầu vào của chị Giám đốc Tài chính nói cho chị Giám đốc Kinh doanh biết qua sự việc trên. Cuối cùng Huyền không được chọn cho vị trí này mà bạn Sales kia là người có tính cẩn thận hơn (điểm Huyền bị thiếu) lại được chọn.

Thuốc chữa bệnh:

  • Cẩn trọng trong từng nhiệm vụ bạn thực hiện để đảm bảo kết quả đầu ra tốt nhất, luôn ý thức giữ gìn hình ảnh thương hiệu của mình mọi lúc mọi nơi.
  • Bạn không những phải giữ gìn thương hiệu cá nhân của mình với sếp trực tiếp mà còn với cả các sếp liên quan công việc mình làm và các đồng nghiệp khác để bảo vệ một hình ảnh nhất quán của bản thân.
Ảnh: xframe

Ý thức xây dựng thương hiệu cá nhân từ sớm nơi công sở sẽ giúp bạn gặt hái được nhiều thành quả bất ngờ sau này. Ví như hai ca sĩ cùng có giọng hát hay như nhau nhưng người có tên tuổi sẽ được mời diễn sân khấu lớn, hưởng cát-sê cao còn người vô danh chỉ có thể hát phòng trà, sân khấu nhỏ với mức cát-sê vừa đủ sống.

Kết thúc mỗi niên học nơi công sở, bạn sẽ muốn mình đạt bao nhiêu điểm trong mắt sếp và xếp thứ hạng nào? Bạn có muốn được vinh danh nhận bằng khen và phần thưởng hay chỉ muốn là một học sinh vô danh học bạ làng nhàng cuối năm ra về tay trắng? Lựa chọn là ở bạn và nền móng xây dựng thương hiệu bắt đầu từ những viên gạch bạn đặt để ngày hôm nay.

Nếu bạn cảm thấy đồng điệu và rút tỉa được điều gì đó từ bài viết trên, bạn có thể ủng hộ blog để Chơn Linh có thêm động lực chia sẻ và duy trì hoạt động của blog trong tương lai.

Author

"Hãy trở thành sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này." - Gandhi

Chia sẻ cảm nghĩ của bạn

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Vì lý do bản quyền, bạn không thể copy nội dung hay click chuột phải